Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Tháng Bảy Quê Mình Của Tác giả Lê Thanh Bình
Tháng Bảy về khắp các trang thơ ăm ắp những vần thơ viết về Quảng Trị nói riêng và chiến trường trên khắp cả nước nói chung. Không chỉ những chứng nhân của cuộc chiến, những nạn nhân của cuộc chiến, mà ngay cả những thế hệ sinh ra trong lửa đạn lớn lên trong thời bình cũng dâng trào cảm xúc gửi vào thơ.
Lê Thanh Bình là một trong những tác giả như thế. Chị sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Linh Quảng Trị. Nơi có dòng sông Bến Hải có cầu Hiền Lương, có kỷ lục lớn nhất nước và có lẽ cũng xót xa nhất nước, tính trung bình mỗi người dân gánh trên vai 7 tấn bom đạn…
Nhưng trong tâm khảm người con đất Quảng Trị nay xa xứ, thì tình người, tình đất và tình quê hun đúc và lưu dấu trong tâm hồn chị bật lên thành những câu thơ chất chứa tình thơ sâu nặng. Chị đã có Một Quê Hương nức lòng bạn đọc về một Quảng trị anh hùng xác xơ trong bom đạn đã thay da đổi thịt. Tháng Bảỷ này chị có một khúc tráng ca về Quảng Trị có lẽ đã làm nao nao rất nhiều bạn đọc của nhiều thế hệ trong đó có tôi. Khúc tráng ca ấy mang tên:
Tháng Bảy Quê Mình.
Mới mấy năm
Xa quê mình Quảng Trị
Mà triền miên
Thao thức nỗi nhớ quê…
Mảnh đất nghèo bên nớ bên ni
Ru các anh vỗ về… yên giấc ngủ
Thạch Hãn, Cổ Thành 81 ngày đêm lửa đỏ
Ai ngang qua không nghiêng mũ cúi đầu…
Đã qua rồi…
Anh ở bên ni Hiền Lương đêm mong ngày đợi
Em ở bên tê Bến Hải ngày đợi đêm trông
Hai ta chung tắm một dòng
Nước sông kia mát rượi … đôi lòng nóng ran…
Tháng 7 sẽ nhiều hơn các đoàn đến thăm
Về nghĩa trang Trường Sơn, Cổ thành Quảng Trị
Thắp nén hương thơm viếng các anh hùng, liệt sĩ
Gạt nước mắt vào trong để nhìn kỹ những dòng tên…
Ơi quê mình chẳng thể nào quên
Đất thép Vĩnh Linh … mẹ nuôi con trong lòng đất
Bát nước chè xanh nặng tình người chân chất
Quảng Trị mình giàu nhất những nghĩa trang…
“Có nơi mô như ở quê mình
Nên ai đi xa cũng hoài nỗi nhớ”
Tên núi tên sông , đồi cây, ngọn cỏ
Máu các chị các anh nhuộm đỏ đất này…
Trời vẫn xanh cao, đất vẫn dày
Sống mặt tiền, chết cũng mặt tiền đấy
Hãy dâng lên... những bông hoa vừa hái
Rồi hướng về những nấm mộ vô danh...(Lê Thanh Bình Tháng bảy 2014)
Vẫn là những vần thơ mượt mà trau chuốt của dòng thơ Lê Thanh Bình như ta vẫn thấy. Nhưng nay không phải những câu lục bát mượt mà, mà là một bài thơ theo thể Tự do khoáng đạt, không theo luật vần, với một nhịp điệu không êm ả, đôi khi như khúc ngoặt, lối rẽ … Chuyên chở những tứ thơ chất chứa bao trở trăn, nặng lòng của người thiếu phụ, với mảnh đất kiên cường trong chiến tranh năm xưa nay đã dần hồi sinh.
Nhưng, lại vẫn là chữ Nhưng làm nghẹn lòng người đọc khi biết “Quảng Trị quê mình giàu nhất Nghĩa trang”.
Là người Việt Nam có lẽ ai cũng biết cả nước chỉ có 4 nghĩa trang quốc gia, Nghĩa trang Điện Biên thuộc tỉnh Điện Biên, Nghĩa trang Hàng Dương thuộc Côn Đảo. Hai nghĩa trang quốc gia còn lại thuộc tỉnh Quảng Trị : Nghĩa Trang Trường Sơn, Nghĩa Trang Đường 9 Nam Lào. Hơn hai vạn ngôi mộ đã được quy tập về hai nghĩa trang này.
Nhưng câu thơ này tác giả có lẽ muốn nói nhiều hơn thế…Tôi bấm “nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị”. Kết quả có lẽ khiến cho nhiều người phải giật mình ngỡ ngàng khi nhìn Danh sách 72 nghĩa trang liệt sĩ…Trong khi chỉ có 1 thành phố,1 thị xã, 8 huyện. Một tỉnh với 10 đơn vị hành chính cấp huyện mà có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ. Thử hỏi không giàu nhất nước sao được.
Hai nghĩa trang quốc gia hơn hai vạn ngôi mộ ,cả có danh và vô danh, 70 nghĩa trang còn lại nhỏ hơn…Tôi đã đọc được ở đâu đó người ta viết thế này : “Những ngôi mộ kề nhau, im lặng, Trắng đến lạnh người. Như mặt biển và hàng ngàn ngôi mộ chỉ như lớp sóng dồn nối đuổi nhau vỗ vào thời gian.”… nhưng thôi hãy để mỗi người tự nhẩm tính về sự “giàu nghĩa trang” của quê hương Quảng Trị.
Dòng sông Bến Hải chính là đôi bờ chia cắt dải đất mẹ thân thương. Thời chia cắt ấy hai bên tính từ bờ sông sâu vào 5km… được quy định là khu vực phi quân sự..vậy mà. Quảng Trị vẫn có một địa danh Khe Sanh nổi tiếng thế giới. Nơi ấy được coi như “địa ngục trần gian” hay là Điện Biên Phủ” thứ hai. Quảng Trị vẫn có Một sông Bến Hải, một cầu Ái Tử, một Cam Lộ,một Hướng Hóa,một Đông Hà, một Tà Cơn, một biển Cửa Tùng, Một Vĩnh Linh Thành đồng luỹ Thép, một Đường Chín Nam Lào, Một Thành Cổ, một Đại Lộ Kinh Hoàng…Chỉ cần nhắc tên những địa danh ấy là người nghe đã biết nó là chiến trường khốc liệt năm xưa…
Nhắc đến những địa danh ấy để thấu hiểu lòng người Quảng Trị xa quê với câu hỏi:
"Có nơi mô như ở quê mình
Nên ai đi xa cũng hoài nỗi nhớ"
Những tên núi tên sông đồi cây ngọn cỏ
Máu các chị các anh nhuộm đỏ đất này.
Nếu chỉ tính máu của các anh hùng liệt sĩ được quy tập vào hai nghĩa trang quốc gia mà đã thấy như “ lớp lớp sóng dồn đuổi vỗ vào thời gian”rồi. Hãy Tính thêm máu xương của những người còn nằm lại đâu đó giữa đại ngàn xanh, trong vườn tược ruộng nương nhà ai đó, trong lòng những con sông, con suối mà chưa tìm thấy được..Thêm một lượng máu xương không nhỏ của những người thương binh đã gửi lại một phần thân thể…Thêm máu xương của những người dân vô tội là nạn nhân của bom đạn không có mắt..
Sẽ là chưa đủ nếu không tính đến máu xương của những người lính bên kia chiến tuyến…Chiến tranh vốn là mất mát, vì quê hương, vì thời cuộc con người bắt buộc phải cầm súng hướng vào nhau, trên những mặt trận giao tranh ác liệt như Khe Sanh Như Cổ Thành như Đường 9 Nam Lào biết bao nhiêu xương máu đổ xuống. Để bây giờ bốn mươi năm sau khi tiếng súng đã im trên mảnh đất này. Người dân Quảng Trị nói riêng và người dân cả nước nói chung vẫn còn thấy “máu …nhuộm đỏ đất này.”
Nỗi niềm của tác giả, một người thiếu phụ sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất ác liệt nhất của Quảng Trị..Huyện Vĩnh Linh nơi có con sông Bến Hải đôi bờ chia cắt... Chị chỉ “ Mới mấy năm./Xa quê mình Quảng Trị ./Mà triền miên./Thao thức nỗi nhớ quê…
Nỗi nhớ quê hương nào chỉ có tên đất tên sông, hay làng quê yêu dấu…mà tự đáy lòng người con “đất thép” còn trở trăn: “Mảnh đất nghèo bên nớ bên ni./ Ru các anh đêm ngày yên giấc ngủ”. Với những địa danh xưa nay khắc dấu trong tâm khảm người lính và người dân nơi đây có lẽ dù xa hay gần trong trái tim họ chưa một phút nào nguôi quên. Hình ảnh dòng nước Bến Hải, Thạch Hãn hôm nay êm đềm lặng lẽ trôi về biển hiền hoà mùa tháng 7 là thế. Mấy ai ngang qua còn nhớ “mùa hè đỏ lửa’ năm xưa “cả dòng sông là một nghĩa trang trôi” ( Thơ Hải Minh).
“Thạch Hãn, Cổ Thành 81 ngày đêm lửa đỏ”. Hôm nay nhất là tháng tri ân “Ai ngang qua không ngả mũ cúi đầu…” Đâu chỉ riêng những người dân Quảng Trị, Người hành hương trong cả nước, các cựu chiến binh về lại chiến trường xưa…Mà còn có nhiều rất nhiều du khách nước bạn đến đây, “ngả nón” nghiêng mình cúi đầu trước anh linh những người lính trẻ”. Sự tri ân nhắc nhớ như tác giả có lẽ đã chứng kiến rất nhiều nên chị đã chia sẻ với bạn thơ: Bao người ngả nón cúi đầu./ Có người chẳng nói lên câu…nghiêng mình./ Bởi còn nợ nghĩa nợ tình…” với những người đã khuất. Họ có lẽ không cần ai phải ngả nón kính cẩn tri ân…Ai nghiêng mình không nói được lên lời.? hãy để lương tâm đánh thức họ…
Nỗi lòng người thiếu phụ sống bên bờ ngăn cách dải đất mẹ, làm sao quên được những hồi ức dẫu “Đã qua rồi…” và xa rồi :
Anh ở bên ni
Hiền Lương đêm mong ngày đợi.
Em ở bên tê
Bến Hải ngày đợi đêm trông.
Hai ta chung tắm một dòng.
Nước sông kia mát rượi … đôi lòng nóng ran…”.
Nhạc sĩ Lê Anh đã viết thay cho những chàng trai cô gái sống ở hai bên bờ sông ấy vào thời ngăn cách trong ca khúc Ôi Hiền Lương :
Có dòng sông nào chia cắt lứa đôi
Có dòng sông nào đò ngang cách trở
Dòng sông quê tôi
Dòng sông quê tôi một thời như thế
Ơi Hiền Lương Hiền Lương
Dòng sông hiền hoà
Tình người mặn mà ( Lê Anh - Ôi Hiền Lương)
Quê hương Quảng Trị nay đã là nơi đến của rất nhiều hãng Lữ hành, và các đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, quanh năm ngay cả mùa bão lũ…. Tháng Tri ân những năm gần đây năm nào cũng thế. Nườm nượp các đoàn đến Quảng Trị … Tỉnh Quảng Trị có hẳn một Nhà Đón Tiếp 27/7 tại Bắc cầu Đông Hà để đón hướng dẫn các đoàn thể và cá nhân cũng như thân nhân người đã khuất, đến dâng hương tại các nghĩa trang.
Nhưng với cái nhìn sâu thẳm của người thiếu phụ thì:
Tháng 7 sẽ nhiều hơn các đoàn đến thăm
Về nghĩa trang Trường Sơn, Cổ thành Quảng Trị
Thắp nén hương thơm viếng các anh hùng, liệt sĩ
Gạt nước mắt vào trong để nhìn kỹ những dòng tên…
Ơi quê mình chẳng thể nào quên
Đất thép Vĩnh Linh … mẹ nuôi con trong lòng đất
Bát nước chè xanh nặng tình người chân chất
Với tâm tư người con đất Quảng hẳn chị đã nghẹn ngào mỗi khi ghé nơi đây. Hoặc giả chỉ cần nhìn những đoàn hành hương nườm nượp vào tháng bảy đã đủ nhói lên trong tim chị. Quê hương Đất Thép kiên cường, Mẹ nuôi con trong địa đạo, Quê hương chị một thời xơ xác vì chiến tranh nghèo của cải vật chất lắm, chỉ có “bát nước chè xanh nặng tình người chân chất.”
Như tác giả Ngô Xuân Tiếu đã chia sẻ:
Hoài niệm một miền quê lửa đạn
Hố bom như mặt sàng
Thiếu mọi thứ chỉ thừa bom đạn
Quê hương ơi thương nhớ đất anh hùng
Quảng Bình Quảng trị kiên trung ( NXT)
Hay như Bloger lenguyenhong chia sẻ: “ Quảng Trị mình cái gì cũng hai cả. Một làng chia hai. Một xã chia hai.Một huyện chia hai. Hai cầu Hiền Lương. Hai nghĩa trang Quốc Gia, Nhiều gia đình chia hai…Một mảnh đất đau thương anh dũng cả một thời đất nước chia hai, Mà Vĩnh Linh là hiển hiện rõ nhất. Mảnh đất này đi trước về sau chịu nhiều thua thiệt so với các địa phương khác cũng do chiến tranh tàn phá mà ra.”..
Bao nhiêu tâm tư hồi ức nỗi niềm của người thiếu phụ xa quê, gửi gắm vào bài thơ nay cũng vào đoạn kết.
Trời vẫn xanh cao, đất vẫn dày
Sống mặt tiền, chết cũng mặt tiền đấy
Hãy dâng lên... những bông hoa vừa hái
Và nghĩ nhiều đến những nấm mộ vô danh...
Lại vẫn là những Nghĩa Trang điều cảm nhận của chị về quê là “giàu nhất”. Nhưng hiện tại hôm nay lại là điều nhức nhối mà chị muốn gửi gắm. Trời đất xưa nay vốn thế, cứ lẳng lặng. Thân xác mỗi một người thanh niên trai tráng ngã xuống đều đau đớn cho người thân như nhau. Cùng là người may mắn khi kết thúc chiến tranh được tìm thấy nơi yên nghỉ…Được về nằm trong nghĩa trang. Có tên tuổi, đơn vị, quê quán còn may mắn được người thân đồng đội tìm đến. Những ngôi mộ có tên nằm gần lối đi, hay đài tưởng niệm lúc nào cũng có khói hương…Xa xôi vào trong thì chỉ có người quản trang, hoặc người thân, đồng đội tìm đến…Người nằm trong mộ có tên đã vậy. Người vô danh thì sao? Càng xa đài tưởng niệm, càng sâu vào trong lối đi thử hỏi một năm có mấy cây chân nhang cháy trên đó…
Mà đâu có thể trách những người đến dâng hương tưởng niệm. Một nghĩa trang hơn một vạn ngôi mộ. thử hỏi có đoàn hành hương nào đi khắp lượt được. Xa xôi trong góc khuất của nghĩa trang, những ngôi mộ vô danh nếu may mắn nằm cạnh ngôi mộ có danh, có người thân đến nhận hương khói may ra có một đôi lần ấm nén hương thơm…. Bởi vậy mới thấy thấm thía câu “sống mặt tiền, chết cũng mặt tiền đấy”.
Thôi thì như tác giả viết “Hãy dâng lên… Những bông hoa vừa hái” Hoa tươi thể hiện tấm lòng với người đã khuất…Tấm lòng tri ân xin hãy nghĩ tới “Những nấm mộ vô danh…” Dấu ba chấm ấy, có lẽ dành riêng cho mỗi bạn đọc chúng ta tự chiêm nghiệm và chia sẻ… Với những anh hùng đã ngã xuống chưa biết tên tuổi quê quán, với người dân thường không may bị bom đạn lạc đường cướp đi sinh mạng. Hay với những người lính của phía bên kia, Việt Nam có, các quốc gia khác có….Họ nằm rải rác đó đây trong những nấm mộ vô danh… Nghĩ về ai khi tưởng niệm là phần dành riêng cho mỗi bạn đọc.
Bài thơ Quê Mình Tháng Bảy của tác giả Lê Thanh Bình với cảm nhận của riêng tôi - thế hệ lớn lên trong hoà bình- Là như vậy.
Có thể đó chưa phải là tâm tư, là góc nhìn của tác giả cũng như phần đông bạn đọc. Nhưng xin hãy coi đây là tấm lòng với nén tâm nhang tôi dành cho những anh hùng, dành cho những người là nạn nhân của chiến tranh, dành cho quê hương Quảng Trị nơi chiến trường ác liệt nhất năm xưa.
Nếu có điều gì thiếu sót rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả và bạn đọc.
Tuy Hoà Phú Yên 24/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét