Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Đọc CỐ LÝ HÀNH của tác giả Phạm Ngọc Lư






Cố Lý Hành

Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn

Có biết ta về không cố lý ?
Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng ?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý ?
Phải đây là cố lý ta chăng ?
Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái soan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải vàng !

Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian !(Phạm Ngọc Lư 1972)


Bánh xe thời gian luôn tịnh tiến không ngừng. Một giây, một giờ, một ngày, một tháng...Mười năm...Và rồi đã bốn mươi ba năm trôi qua.

Thời gian ngót nửa thế kỷ ấy đã kịp biến một thầy giáo 26 tuổi, trở thành một ông Lão tuổi 70 và đã kịp vùi lấp tất cả dấu tích thời xưa cũ, nhưng bấy nhiêu năm, liệu đã đủ xoá nhoà tất cả những gì nó đi qua trong hồi ức những người chứng kiến dòng chảy lịch sử không yên ả?




Cố Lý Hành hôm nay đã đưa tôi ngược dòng thời gian, trở về bốn mươi ba năm trước, về một làng quê hiện diện đâu đó trên dải đất Mẹ Việt Nam mà tác giả gọi là Cố Lý( quê cũ)

Ba mươi hai câu thơ của Cố Lý Hành chia làm ba phần, Phần đầu và cuối tám câu, phần giữa mười sáu câu. Không có một địa danh cụ thể nào được nhắc đến trong dòng chảy suy tư của người trở về sau mười năm Tha Hương!

Quê anh ngày ấy ở đâu? Đất Trích Củng Sơn? Thành Phố Tuy Hoà nơi anh dạy học? Thành phố Quy Nhơn nơi anh sống và học tập? Hay nơi chôn nhau cắt rốn mãi ngoài Phú Vang- Huế? Hoặc giả đây là lời than ai oán cho rất nhiều làng quê trên đất Mẹ Việt Nam phải gồng mình chịu đựng mưa bom, bão đạn cùng sự giết, chết chóc của Chiến Tranh? Bấy nhiêu câu hỏi ngổn ngang trong đầu thúc giục người viết vén từng sợi tơ dệt bức mành chắn mang tên câu chữ của Cố Lý Hành.

Đầu hạ 1972 là khoảng thời gian khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh trên khắp các chiến trường Việt Nam. Thơ ca nhạc hoạ đã viết quá nhiều về những người lính ở hai bên chiến tuyến.

Ngót nửa thế kỷ trôi qua, nhắc tới mùa hè 1972 là người ta liên tưởng tới Chiến dịch hạ Lào, Tới Thành Cổ Quảng Trị, tới Mùa Hè Đỏ Lửa...

Hình như không mấy ai nhắc tới những ngôi làng một thời bình yên "Xanh luỹ tre, từng tiếng chuông ban chiều..." Nay ra sao?

Phải chăng những ngôi làng ấy không là bãi chiến trường?


Dù sao và sự phỏng đoán có thế nào đi nữa... Nếu bạn cũng như tôi muốn biết, thì ta phải lên con thuyền mang tên Cố Lý Hành cùng tác giả Phạm Ngọc Lư ngược dòng




Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang




Khi tác giả ra đi hẳn mang theo ký ức về làng quê thanh bình. Để rồi khi trở về sau phút ngỡ ngàng là những câu thơ dang tay giật tung bức mành chắn, đập vào mắt người đọc cảnh làng quê vào một chiều với những cụm từ: Chiều chết đuối, sông ngờm ngợp, nước đua chen, bọt nắng tàn, đớp. Được tác giả dùng để nối kết thành hai câu thơ mở đầu khiến người đọc như "Ngờm ngợp" Theo.


Đứng trên bến sông quê người trở về cảm nhận như thế, Bọt nắng tàn? Hay quang cảnh hoang tàn hiện diện trước mắt đã khiến lòng người trở về cảm thán, Bến đợi đìu hiu hay làng quê hiu hắt, Buồn rút lên bờ hay buồn lắng sâu đáy dạ. Cây cỏ trên bờ bị thuốc khai quang tàn phá chỉ còn lại cảnh hoang tàn vây bủa bến sông, cuộn sóng trào dâng trong lòng người bước xuống đò trở về, cứ ngỡ bên kia là bến cũ cảnh cũ làng xưa.

Trước mặt xung quanh là thế, có lẽ người về định ngửa mặt than trời thì lại gặp:


Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang


Thật cám cảnh với những đám mây lững lờ muôn hình vạn dáng trên cao lại được tác giả miêu tả nó "Xù lông như chó ốm" Chó ốm nằm tiu nghỉu dẫu có cố gắng hết chút sức tàn lực kiệt còn lại để mà xù lông lên thì cũng chẳng ích gì!

Tác giả mượn hình ảnh Chó ốm thêm một động từ bôi gắn cho trời chiều với khuôn mặt nhoè cũng chẳng giống ai mà "Ngóng đêm sang". Mặt ai nhoè nhoẹt giữa khung cảnh trời chiều có những đụn mây mang hình hài héo hắt mong ngóng đêm sang! Trời mới ngả đón hoàng hôn dầu muốn hay không đêm sẽ sang. Phải chăng đó là tâm trạng của người trở về chốn cũ làng quê xưa sau phút định thần..

Đêm sang, phải chăng màu tối của đêm sẽ che khuất hết những gì người về nhận ra trong nỗi bàng hoàng đau xót.

Và đây nữa :


Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn


Làng quê này ở đâu vậy? Tôi đã thầm hỏi như thế! Một cụm từ diễn tả làm đau lòng người vốn sinh ra lớn lên ở làng, "Thôn ổ tiêu sơ" Và liền theo nó là làn khói lam chiều nay thơ mộng là thế, lúc ấy lại được gắn với tính từ gầy, khói leo lét bốc lên từ mái tranh xơ xác nhà ai đó là một ký ức không dễ quên lúc này và thật đau lòng người về lúc ấy.

Xa hơn mái tranh xơ xác ấy là cánh đồng lại được miêu tả "Đồng không..." Nào phải không vì giữa hai mùa vụ, mà là "mốc thếch lạnh tro tàn".

Ra đi hẳn người về mang theo mùi tro thơm của những chiều đốt đồng khói bay chở theo mùi thơm nồng của đất, mùi thơm của mùa màng nặng trĩu vừa thu hoạch xong. Nay khói đốt đồng đã tan từ lâu, tro tàn còn lại cũng mốc thếch, những đụn khói ngày xa ấy nay phải chăng đang leo lét cuộn vòng bao dấu hỏi trên cao xanh.


Có biết ta về không cố lý ?
Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng ?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý ?


Một loạt câu hỏi ùa về trong tâm thức người con xa xứ, sẽ chẳng làm ai ngạc nhiên cả. Mới mười năm thôi mà! Mười năm ra đi và một lần trở lại, Quê cũ sẽ mãi mãi không biết hôm ấy có người trở về đâu. Bởi tất cả những hình ảnh gợi lên một làng quê thanh bình xưa đã chết hẳn trước mắt người về rồi. Người xưa đâu? Những nam thanh nữ tú, những cô cậu học trò, những bô lão, những mẹ những chị nay đâu?

Làng xưa chỉ còn lại những Phên dậu, những rơm rạ, những cổng khép, tường xiêu, mái rách, những rẫy nương, những con ngõ vắng, tất cả đều câm nín, tất cả đều thinh lặng, tất cả đều nghiêng đầu. Chỉ còn lại duy nhất dáng thất thểu của người về ẩn dật trong những ý thơ với "đôi chân" bước trên đường làng, trên ngõ vắng nhưng cảm như "hụt đất'.

Cái cảm giác hụt đất ấy phải chăng là do nỗi bàng hoàng trong lòng của người về gây ra? Hay do âm thanh của "Tre già đang kể chuyện chôn măng"?

Thì thầm tre kể, hay gào thét tre vừa khóc vừa kể?

Bao nhiêu cội tre già phải kể chuyện chôn măng, bao nhiêu cội đã không còn cất được lời thán oán để mà kể lại... Hoặc giả khóm tre nào hiện diện cũng đều phải chôn măng, để rồi những âm thanh người trở về nghe thấy, cảm được "lòng dâu bể". Nói không hết, khóc không nguôi, câm nín không đặng, cuối cùng bật lên thành những câu thơ nặng trĩu chở những tiêu điều xơ xác, những chết chóc mà chiến tranh mang lại cho làng quê xưa một thời thanh bình ấy. Chưa hết ngỡ ngàng, thì nỗi bàng hoàng ập đến..

Có lẽ sau phút định thần người trở về đã hoang mang trước cảnh "thôn ổ tiêu sơ" mà tự hỏi


Phải đây là cố lý ta chăng ?
Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái soan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải vàng !


Câu hỏi này đã có câu trả lời khi hai từ Đâu đi kèm theo những dáng mẹ, dáng chị và dáng em cùng những hình ảnh thân thương của làng quê ngày ra đi.

Khi đã nhận ra đúng là Cố Lý thì nỗi lòng ngời trở về lại chuyển hướng sang chiều cảm nhận khác, Rất thơ, rất thật, nhưng cũng rất đau đớn:

Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang

Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan


Đâu rồi mùi thơm nồng của đất những ngày vào vụ? Đâu rồi mùi ngai ngái của đất thấm mưa, của bùn non? Đâu rồi màu của ngàn hoa khoe sắc, đâu rồi những cây trái trĩu quả bốn mùa lấp ló trong những mảnh vườn và đâu rồi những âm thanh ríu rít của bầy chim lúc sớm mai bay đi hay buổi chiều tà tìm về tổ ấm. Đâu rồi tiếng thì thầm của sóng trên sông...

Chỉ còn chi mà Mùi u uất, chi mà rợn màu tang, chi mà tiếng cú rúc, chi mà gió lại mang theo oan hồn gào gọi...


Bốn câu thơ không một mỹ từ, nội dung mở không cần che đậy, Bốn câu tả cảnh, tả tình ấy đã đủ làm rợn tóc gáy người đọc, người cảm, và có lẽ cả những người đã từng tham chiến, đã từng chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh gieo tang tóc lên làng quê, những vùng đất vốn không là trận địa của những nòng súng hướng vào nhau.

Chặng cuối cùng trước khi thuyền cập bến cũng đã hiện diện.


Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian !


Thêm một câu hỏi? Hỏi mà như oan như than! Câu hỏi này có lẽ mãi mãi không có ai trả lời được, Bởi chưa bao giờ có một sử gia nào ghi chép đủ trong mỗi cuộc chiến có bao nhiêu người lính đã vĩnh viễn nằm lại nơi bom rơi đạn nổ thì làm sao có ai thống kê nổi có thêm bao nhiêu người dân thường vô tội vì bom rơi đạn lạc mà mất đi mạng sống của mình tác giả ạ!

Trở về quê cũ sau mười năm lưu lạc có lẽ người trở về đã không ngờ tới cảnh làng quê tiêu điều xơ xác, không một bóng người, không một sự sống nào hiện diện ngoài tiếng cú rúc loài chim hiện thân của sự chết chóc.

Mùi chết chóc, âm thanh chết chóc, cảnh chết chóc là những gì người về cảm nhận vậy thì "mộng bẽ bàng" hay nỗi bàng hoàng là điều tất yếu sẽ đến trong tâm hồn thầy giáo trẻ nhà thơ Phạm Ngọc Lư mà thôi!

Mười năm trở về được ví như Lưu nguyễn trở lại trần gian ư? Làng quê ấy năm 1972 ở đâu? Phải chăng là bất cứ ngôi làng nào trên khắp dải đất hình chữ S này!


Không một tiếng súng nổ, không một trái bom rơi, cũng chẳng có lựu đạn, đầu không rơi, máu không chảy trong bài Hành viết về Cố Lý, Chỉ có Thuốc khai quang, có Tre già kể chuyện chôn măng, có tiếng cú rúc, có đất thở mùi u uất... Có rợn màu tang.. Bấy nhiêu ẩn ý được chất chứa trong ba mươi hai câu Hành tác giả đã vẽ ra một bức tranh về làng quê Việt Nam trong những năm ác liệt nhất của cuộc chiến... Nếu không có ghi chú 1972 hẳn mỗi vùng đất chiến tranh đi qua bất kể năm tháng nào bất kể ở đâu người đọc đều thấy Hiện diện trong thơ của tác giả. Phải chăng đó là một điều đặc biệt thành công và khiến Cố Lý Hành đọng lại trong lòng bạn đọc và có lẽ Cố Lý Hành sẽ còn tiếp tục lan toả như hơn bốn mươi năm qua Nó đã hiện diện...


Người viết xin mượn một khổ thơ của nhà thơ Vũ Mạnh Quang người mà năm 1972 ấy có lẽ đã ở Phía Bên Kia của tác giả Phạm Ngọc Lư để kết cho bài viết này và cũng như một lời chia sẻ với Người Trở Về trong Cố Lý Hành!


Trên đường chiến tranh mỗi lần gặp một làng hoang
Tôi lại thấy lòng mình như rỉ máu
Ôi! những ngôi làng Việt Nam yêu dấu
Tôi hằng yêu, không thể mãi hoang tàn
Đặt tay lên ngực mình
Tôi khẽ gọi: Ơi! Mẹ Việt Nam...(Quảng Ngãi – 1970 Vũ Mạnh Quang)

Tuy Hoà 23/2/2016
Huỳnh Xuân Sơn


tan_262 đã để lại một nhận xét mới về bài đăng của bạn "Đọc CỐ LÝ HÀNH Của tác giả Phạm Ngọc Lư":

Bài thơ quả là rùng rợn với những câu từ nặng nề , trầm uất. Nó khơi dậy cho người đọc về một khoảng khốc liệt của chiến tranh với bức tranh về một miền quê gần như tang thương , chết chóc. Không cần biết cụ thể nó ở địa danh nào , chỉ biết nó có rất nhiều trong mọi miền quê của cuộc chiến mà sự hy sinh đã đi đến tận cùng.
Đọc bài thơ không khỏi nấc nghẹn về một thời mà chúng ta đã vượt qua. Cổ lý Hành như nhắc nhở chúng ta về cảm xúc cuộc chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét