Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016
Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Đau Thương của tác giả Trà Thanh Lam
Những ngày đầu hạ 2014 thời tiết nắng nóng bất thường. Cùng với cái nóng của thời sự, nóng bởi sự an nguy của nước nhà, nóng theo từng con sóng biển Đông và nóng theo từng diễn biến trên bàn ngoại giao của lãnh đạo Đảng và nhà nước. Nóng nhất có lẽ là cái nóng từ trong lòng của hơn chín chục triệu người dân trên khắp mọi miền của tổ quốc…
Già trẻ gái trai mỗi người có cách bày tỏ tình yêu tổ quốc khác nhau…bày tỏ sự lo ngại cho việc Trung Quốc cắm giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa của chúng ta cũng khác nhau…
Tôi đã gặp một sự trăn trở, một sự lo lắng rất đặc biệt của tác giả Trà Thanh Lam khi ông ngược dòng lịch sử để so sánh với hoàn cảnh hiện giờ của dân tộc. Để rồi gói gọn trong bài thơ mang tựa đề
Đau Thương
Một thời đất nước tang thương
Mất cảnh giác!
An Dương Vương lụi tàn
Loa Thành chết chóc, khóc than…
Thủy triều đỏ…
ngỡ máu tan…
Biển sầu!
Hồn Trọng Thủy - xác Mỵ Châu
Đất rung chuyển …
biển bạc đầu…
Vì ai?
Ngọc trong đau đớn lòng trai
Vua ôm mối hận, đã vài ngàn năm…
Kim Quy buồn bã bặt tăm...
Triều thần tù tội, nát tan cửa nhà ...
Đau thương còn mãi trong ta...
Bài học ngày ấy...
nước nhà hôm nay! (Trà Thanh Lam)
Bài thơ lục bát biến thể ngắn gọn. Với những câu thơ được ngắt nhịp dài, ngắn khác nhau theo một nhịp thơ trầm lắng xuyên suốt một thời gian dài tính bằng đơn vị Ngàn năm…Với một cột mốc lịch sử cụ thể là
Một thời đất nước tang thương
Mất cảnh giác!
An Dương Vương lụi tàn
Loa Thành chết chóc, khóc than…
Ngày Triệu Đà mang quân đánh chiếm đất nước Âu Lạc. Nhưng phải chịu rút lui trước sự kiên cường chống trả của quân tướng tổ tiên nước ta lúc bấy giờ…
Sau đó có lẽ đã “ngủ quên trên chiến thắng” Vua An Dương Vương mất cảnh giác đã kết tình thông gia với Triệu Đà cho Trọng Thuỷ ở rể vì hết mực yêu thương con gái là Mỵ Châu…Truyền thuyết thành Cổ Loa và chiếc nỏ thần lưu truyền mấy ngàn năm nay, hẳn mỗi người dân Việt từ khi nằm nôi đã được nghe kể cho đến lúc trưởng thành phần đông đều tường tận…
Hậu quả của sự mất cảnh giác ấy dẫn đến mất nước. Màu tang tóc đầu rơi máu chảy bao trùm lên khắp các gia đình người dân…. Hạnh phúc của con gái cũng tan theo và một kết cục bi thảm Vua cha rút gươm báu chém chết con gái…rồi tự vẫn. Mọi sự ân hận đều đã muộn và hậu quả thì vô cùng tàn khốc, để đến hôm nay sau hơn hai ngàn năm, tác giả đã viết:
Thủy triều đỏ…
ngỡ máu tan…
Biển sầu!
Hồn Trọng Thủy - xác Mỵ Châu
Trọng Thuỷ vì chung tình mà chết đó là cái tình riêng..
Hàng triệu oan hồn người dân chết thảm, theo cái chết bởi ân hận mình mất cảnh giác, với người đã từng là kẻ thù cướp nước, của nhà vua. Lại là nỗi đau của cả dân tộc.. Là bài học mà mỗi người Việt Nam từ vị lãnh đạo cấp cao, cho tới người dân thường cần ghi nhớ…
Tác giả hẳn đã đau với nỗi đau chung của cả dân tộc, từng phải “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu..” Nhiều trở trăn, nhiều suy nghĩ có trách nhiệm với danh phận một người dân yêu nước…Ông đã bật lên thành câu thơ và cũng là câu hỏi nhức nhối người đọc khi không dễ tìm câu trả lời:
Đất rung chuyển…
biển bạc đầu…
Vì ai?
Mất nước, vương triều sụp đổ… cả dân tộc chịu ách nô lệ nhiều đời…câu trả lời đã có!
Đất vì ai mà rung chuyển? Biển vì ai mà bạc đầu? vài ngàn năm vẫn là câu hỏi thật dễ mà lại vô cùng khó trả lời…
Dòng trăn trở của tác giả còn nối tiếp. Vẫn biết để có viên ngọc trai sáng trắng phải trải qua đau đớn trong lòng con trai mới kết thành…
Ngọc trong đau đớn lòng trai
Vua ôm mối hận, đã vài ngàn năm…
Kim Quy buồn bã bặt tăm...
Triều thần tù tội, nát tan cửa nhà ...
Truyền thuyết tổ tiên ta để lại có phần ưu ái cho mối tình của hai kẻ tiếp sức cho Triệu Đà thôn tính Âu Lạc..
Lẽ nào nước mắt xót thương vợ của một kẻ hãm hại cả một dân tộc rơi vào “Nát tan cửa nhà” lại hoá thành những viên ngọc trai ... Và khi được rửa ở nước giếng mà hắn gieo mình tự vẫn lại sáng đẹp... Hậu thế hôm nay dẫu có thắc mắc thì cũng chẳng tìm ra câu trả lời...
Nhưng việc mà vua mất cảnh giác, thì hậu quả thảm khốc đến sẽ là tất yếu… Bởi khi ấy ngay cả thần Kim Quy cũng không thể cứu vãn…chỉ có thể chỉ ra kẻ thù rồi “buồn bã lặn bặt tăm…”
Phải chăng ở đây tác giả muốn mượn hình ảnh viên ngọc trai quý nhất, chính là nền hoà bình cho một dân tộc, mà xương máu lớp lớp tổ tiên đã đổ ra ...Đơn cử chỉ một trận đánh Gò Đống Đa của Vua Quang Trung năm 1789 mà đã
Thánh Nam thập nhị kình nghê quán
Chiến điệu anh hùng đại võ công ( Loa Sơn Điếu Cổ- Ngô Ngọc Du)
Dịch là
Thánh Nam xác giặc mười hai đống
Ngời sáng anh hùng đại võ công
Hay như câu :
“Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò”.
Đó mới chỉ là máu xương của quân địch….Ai có thể đong đếm nổi “lòng trai mẹ” Việt Nam trải qua bao nhiêu đời với triệu triệu anh hùng ngã xuống để có cuộc sống hôm nay…
Ngoài biển khơi kia sử sách chẳng ghi nổi có bao nhiêu người đã ra đi làm nhiệm vụ giữ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không trở về…Chỉ biết ngay tại điểm xuất phát những chuyến đi ấy là Đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cho tới tận ngày hôm nay vẫn còn giữ phong tục cúng tế “Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa” (Tế người sống - tiễn người sống ra đi mà ai cũng xác định sẽ không trở về).
Theo sự phỏng đoán của các sử gia thì chỉ tạm tính từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng trong, những người lính được gọi là Hùng Binh, đã vượt biển ra đảo Hoàng Sa và sau này thêm Trường Sa từ Lý Sơn không dưới Vạn người. Mấy ai trong số đó trở về đâu…Bởi vậy nay trong dân chúng vùng này vẫn lưu truyền câu ca
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai( ba) khao lề thế lính Hoàng Sa ( ca dao)..
Xưa tổ tiên ta tế sống những thanh niên trai tráng ra đảo bảo vệ chủ quyền bằng lễ “khao lề thế lính Hoàng Sa”….
Thời hiện đại nay vẫn còn 75 người con nước việt nằm lại biển khơi trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với quân Trung Quốc…và gần nhất là trận Gạc Ma với 64 người con nước Việt nữa đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi…
Còn Đất rung chuyển nào đâu chỉ có xa xưa..
Gần đây ngay những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Mới “Hảo Hảo” ngày nào…Lập tức lật mặt ngay chúng mang quân sang xâm lược năm 1979 những câu hát “Quân xâm lược bành trướng dã man. Đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương” (Chiến đấu vì độc lập tự do-Phạm Tuyên” đã phần nào nói lên bản chất của quân xâm lược…Và cuối cùng "chúng phải bỏ lại xác hơn ba vạn quân…. Rồi rút lui…"
Viên ngọc hoà bình hôm nay quả thật được hình thành từ Đau Thương…
Những “Đau thương còn mãi trong ta...” lời nhắc nhở đầy trách nhiệm của một công dân yêu nước Trà Thanh Lam vẫn còn tiếp tục:
Bài học ngày ấy...
nước nhà hôm nay!
Vâng nước nhà đang lâm nguy, bởi kẻ thù đã vào tới cửa ngõ, chúng cắm giàn khoan, mang theo một lực lượng hùng hậu tàu chiến, máy bay, tàu cá trá hình gây hấn trên biển Đông…Trong nước chúng cho thương lái đi thu gom hết móng trâu bò, rễ tiêu, lá cà phê.. đỉa và vô vàn những chiêu trò hại dân ta…
Việt Nam ơi! cần lắm. Rất cần những cái đầu tỉnh táo cảnh giác với “phường quay lưng” Ngàn đời nay lăm le cướp nước…Để sự ân hận muộn màng của An Dương Vương không bao giờ lặp lại…
Và chắc chắn một điều, lòng dân đoàn kết, lãnh đạo sáng suốt . Sẽ không có kẻ thù nào bước vào dẫu chỉ một tấc đất, hay một ngọn sóng ngoài biển khơi được.
Tôi xin mượn một đoạn ca từ trong ca khúc Chiến Đấu Vì Độc Lập Tự Do của nhạc sĩ Phạm Tuyên để kết thúc cho bài viết cảm nhận Đau Thương này:
"Ôi đất nước của ngàn chiến công
Vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa vẫn gọi tiếp những bản hùng ca
Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương
Lịch sử đã trao cho người một sứ mệnh thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương Người vẫn hiên ngang ra chiến trường
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người
Độc Lập- Tự Do!"
Sài Gòn 6/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét