Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Mơ của tác giả Hải Minh!











Có những câu hỏi trong mơ rất thật và lãng mạn trong lời ca của nhạc sĩ Phạm Duy khi ông gửi tình vào nốt nhạc mà không mấy ai không một đôi lần ngâm nga tự ngẫm:

Đố ai nằm ngủ không mơ?
Biết em nằm ngủ hay mơ
Nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên!
Nửa đêm anh đến bến bờ yêu đương (Đố Ai)

Để trả lời cho câu hỏi ấy hẳn mỗi người có câu trả lời riêng, Đặc biệt những ai có tâm hồn yêu thơ lại càng hay mơ thì phải. Tôi gặp một tác tác giả làm thơ rất hay mơ, Những giấc mơ ấy anh đều gửi gắm vào thơ. Có giấc mơ rất Sang đến từ thế kỷ 12 rằng

có"phao" tôi đỗ Thám Hoa
vinh quy ,bái tổ -nhạc loa váng đường
...................
mặc ai ong bướm gái làng
Thám Tôi ủ mộng -yêu nàng thi nhân... (Mơ)
Không biết tác giả sống trong giấc mơ ấy bao nhiêu lâu? Để anh lại có một giấc Mơ rất đẹp
Và đây là giấc mơ ấy:


gối đầu lên vạt cỏ xanh
yêu thương tan chảy -lan nhanh trong người
gối đầu lên đóa sen tươi
phải không em -dành nụ cười ,phần ta ?
gối đầu lên cánh tay ngà
để thiên thần dắt ta qua thiên đàng

giật mình --tỉnh giấc mơ hoang
nắng nhàn nhạt nắng -chiều tan trong chiều (HM)

Bài thơ ngắn viết về một giấc Mơ! Không biết với tôi,với bạn thì khoảng cách giữa Mơ và thật là bao xa, Nhưng trong những câu Lục Bát vừa chở chuyến Mơ của tác giả đến đây thì tôi nhận thấy Mơ đấy, nhưng lại thật đấy, Vô hình đấy mà lại hiện hữu đấy.
Mơ có ai thức mà mơ được một giấc mơ đâu? Những niềm Mơ đến từ giấc ngủ của tác giả bằng hình ảnh Gối đầu..

gối đầu lên vạt cỏ xanh
yêu thương tan chảy -lan nhanh trong người

Hai câu thơ vào đề diễn tả ngay một niềm Mơ phóng khoáng, lãng mạn, vượt khỏi lớp vỏ bọc của mười bốn từ vần luật, kèm theo một dấu gạch ngang. Mới đọc qua ta nhận thấy có những cảm xúc của tình yêu tận hiến rất thật đến từ nhân vật trữ tình khi đang mơ màng trên "Vạt cò xanh"!
Muốn hỏi tác giả rằng "Vạt cỏ xanh" kia có phép màu gì vậy? Nhưng nóng lòng muốn biết đành tự trả lời thôi!
Phải chăng mùa xuân mùa đâm chồi nảy lộc, cây lá xanh tươi cùng lòng người thơ thới đón nắng mới lan tràn sưởi ấm tâm hồn. Xuân của đời cũng là mùa đẹp nhất. Xanh tươi màu của cỏ, một tầng cây gần như thấp bé nhất. Nhưng khi nó nâng đỡ giấc ngủ lại đưa đến cho nhân vật trữ tình cảm xúc đi giữa thảo nguyên mênh mang, rồi trỗi dậy những khao khát, những ước muốn thường nhật như đang "tan chảy" cùng sự thăng hoa của xúc cảm yêu thương tận hiến! Cứ ngỡ trong niềm mơ này tất cả đã "Lan nhanh trong người".. .Nhưng tận cùng khao khát ấy, bỗng chốc trở lại vẹn nguyên khát khao bởi một dấu gạch ngang (-) sừng sững chắn giữa thực và mơ! Khiến cho Mơ vẫn mãi chì là mơ!
Một mùa xuân xanh lá tươi hoa nhưng đã qua cùng Mơ 

gối đầu lên đóa sen tươi
phải không em - dành nụ cười ,phần ta ?

Hoa Sen một biểu trưng của mùa hạ, Loài hoa gắn liền với nhà Phật vào Mơ để cho nhân vật trữ tình "Gối đầu lên" mà mơ một niềm mơ không thể ôm trọn mà chỉ có thể nhìn thấy và cảm nhận được mà thôi! Phải không em? Đứng trước "dành nụ cười, phần ta" và ở giữa đặt một dấu gạch ngang(-) lạnh lùng cùng một dấu phẩy(,) ngăn cách nữa. Đoá sen tươi ngan ngát hương thơm đưa nhân vật trữ tình chìm vào cõi mộng ngọt ngào cùng em ...
Nhưng xét về những câu chữ và hình thức của câu thơ thứ hai thì quả thật có gì đó chưa ổn!
Hai vế của câu thơ không nhịp nhàng suôn sẻ bởi chia cách giữa mơ và thật, Mơ mãi chỉ là mơ đã đành! Nhưng ngay trong tận cùng khát khao mơ ước có được "nụ cười " của Em, cũng lại bị trắc trở, khi gặp một dấu phẩy, một từ Dành, một từ Phần...
Tất cả bỗng chốc biến thành một câu nghi vấn? Nụ cười em phải chăng đang phân phát cho một hoặc nhiều người? Còn nhân vật trữ tình trong mơ cũng chỉ mong được em để dành lại phần cho ta? Hoặc giả em thánh thiện bên cạnh hương sen trong ngần chẳng vương chút bụi đời... Để trong mơ ao ước ngày nào đó nụ cười "Như mùa thu toả nắng" ấy em chẳng trao cho ai đâu? Em chỉ phần cho ta mà thôi! Điều này có lẽ là khởi nguồn cho niềm Mơ kế tiếp nối theo

gối đầu lên cánh tay ngà
để thiên thần dắt ta qua thiên đàng

Có lẽ hai câu thơ suôn mượt cả về ngôn từ lẫn ý thơ ngọt ngào lãng mạn này đã khiến cho bất kỳ bạn đọc nào cũng cảm nhận được một giấc mơ đẹp đã đến với nhân vật trữ tình trong mơ!
Vâng! Hạnh phúc ngọt ngào cảm xúc lãng mạn thăng hoa, chỉ đến cả trong mơ, lẫn đời thật, khi hai tâm hồn đồng điệu, hai trái tim hoà chung nhịp đập!
Một cánh tay ngà làm gối hẳn êm hơn bất kỳ chiếc gối nào dành cho một lãng tử phong trần. Để rồi khi chìm sâu vào giấc ngủ lại gặp được chốn bồng lai tiên cảnh...
Không biết nhân vật trữ tình đã Mơ được "Thiên Thần dắt qua thiên đàng" Và rong chơi ở chốn ấy trong bao lâu rồi bất ngờ 

giật mình --tỉnh giấc mơ hoang
nắng nhàn nhạt nắng -chiều tan trong chiều

Hai câu thơ kết khi giật mình tỉnh ra và vỡ mộng bởi sự thật trần trụi lại trở về trước mắt nhân vật trữ tình trong thơ. Chao ôi! Nắng nhàn nhạt nắng thì vẫn còn hiểu được là vẫn còn chút Nắng. Đằng sau nó thì ẩn chứa một màu cuộc sống vô vị, nhạt nhẽo qua hai từ nhàn nhạt mang đến
Với nửa câu thơ "chiều tan vào chiều" thì quả thật lúc này Ta lại trở về là chính ta mà thôi! Trống vắng đơn côi khát khao một vòng tay ngà mềm mại gối đầu mỗi đêm để cùng "tan chảy yêu thương". Dẫu cho khi xuân xanh, hạ hồng hay thu vàng!
Cùng đồng cảm với Mơ đến đây, Người viết xin gửi một lời nhắn với nhân vật trữ tình trong mơ của tác giả thế này.
Dẫu cho cuộc đời đặt cho ta một phần số cảm như "lỗi mùa sinh" dẫn tới xuân xanh chìm trong khói lửa chiến tranh... Rồi thời gian trôi thấm thoắt hạ hồng đã đến, Vẫn chìm trong rừng thiêng nước độc đôi khi "Chạy gào gọi tình yêu"... Rồi khi trở lại quê nhà, Mùa thu thấp thoáng bên song cửa, hụt hẫng chơi vơi ,đôi khi không xác định rõ được đâu là nhịp rung thực của tình yêu, đâu là cái bấn loạn đời thường để rồi thuyền neo nhầm bến.... Ngày qua đêm tới Mơ hay Thực ? vẫn là một câu hỏi ám ảnh gần như cả một Thế hệ cha chú tôi! Những người sinh ra lớn lên và trài qua ba cuộc chiến của dân tộc trong thế kỷ hai mươi!
..........
Sài Gòn 27/4/2016
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét