Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Đọc Khúc Giao Mùa của tác giả Mận Gai



KHÚC GIAO MÙA

Em gửi gì vào trong gió Tháng Tư
Mà cây lá cứ rung rinh xào xạc
Hạt nắng nhỏ cũng bừng lên xao xác
Để lòng ai ngân khúc nhạc giao mùa ...

Em gửi gì mà thấy nặng hạt mưa
Góc vườn đó hoa lựu nhoè thắp lửa
Tháng Tư nhẹ gót xuân rời ô cửa
Nắng hồng lên âu yếm Hạ theo về.

Em gửi gì vào lá biếc sum xuê
Hoa nhãn nở gọi ong về làm mật
Tình em ủ hương nồng thơm ngây ngất
Men tháng Tư say đắm mộng phiêu bồng

Em gửi gì vào đêm lặng mênh mông
Mà tỏa ngát giấc mơ hồng diệu vợi
Để sớm mai thấy dịu dàng quá đỗi
Thoảng hương cau cơn gió thổi bên hè .

Em gửi gì mà trên những vòm me
Bản hoà tấu lũ ve sầu khua nhạc
Thêm chút nắng chợt thấy lòng man mác
Nhớ hương xuân dào dạt đến vô ngần

Em gửi nhiều vợi đi những ngày xuân
Đếm từng bước em xa dần lối nhỏ
Bâng khuâng ngắm tán bằng lăng trước ngõ
Đã đung đưa theo gió gọi hè về ...(Mận Gai)

Một bức tranh Khúc Giao Mùa Mận Gai vừa Hoạ từ một bản nhạc mà người nhạc sĩ  đã phổ thơ viết về buổi giao mùa Xuân Hạ. Người viết mê mải ngắm tranh... Nhưng từng câu thơ như những nét cọ Mận Gai vẽ lại là một chuỗi nốt nhạc chúng dắt díu nhau, rủ rê người viết ngân nga theo.
 Giai điệu nhạc hoà quyện với những gam màu tươi sáng lôi cuốn thúc giục người viết đắm chìm vào trong Khúc Giao Mùa!

Em gửi gì vào trong gió Tháng Tư
Mà cây lá cứ rung rinh xào xạc
Hạt nắng nhỏ cũng bừng lên xao xác
Để lòng ai ngân khúc nhạc giao mùa ...

Có lẽ không chỉ những người xa xứ mới cảm nhận được tứ thơ này để cùng tác giả "ngân khúc nhạc giao mùa". Gió nồm nam dịu dàng nhẹ nhàng lan đến bên cạnh "ai kia" Để rồi  bâng khuâng trước "Hạt nắng nhỏ"  Vừa mới "Bừng lên xao xác" Rồi nghẹn lòng thốt ra câu hỏi dù hỏi chỉ để hỏi "Em gửi gì vào trong gió Tháng Tư" Mà thôi! 
Ai Gửi ? Rồi Ai ngân? Thì gió vẫn thổi, cây lá vẫn rung rinh, nắng vẫn buông mình nô với gió. Và Khúc Giao Mùa Xuân Hạ (Tháng Tư) đã hiện rõ nét .Tháng Tư làm nhiệm vụ chuyên chở ý thơ em hỏi ngay ở câu đầu? Bấy nhiêu đã đủ sức quyến rũ người đọc tiếp tục chìm đắm vào khúc đam mê của cảnh và tình. 

Em gửi gì mà thấy nặng hạt mưa
Góc vườn đó hoa lựu nhoè thắp lửa
Tháng Tư nhẹ gót xuân rời ô cửa
Nắng hồng lên âu yếm Hạ theo về.

Những cơn mưa rào đầu hạ vào khổ thơ này "nặng hạt" Nhưng nhịp thơ lại nhẹ nhàng theo cách ngắt nhịp 3/2/3  rồi chuyển sang 4/4 ở câu 3,  rồi câu cuối lại trở về  với 3/2/3. Chính cách ngắt nhịp này là sự nhấn nhá ý thơ của tác giả thì phải.
Tháng Tư bỗng nhiên như có tâm hồn vậy? Sau mưa trời hẳn sáng bừng lên không chỉ bởi "Nắng hồng lên.." Mà còn  bởi "Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông". Tất cả cảnh sắc tình thơ hoà quyện vào nhau cùng ngân những nốt nhạc reo vui tiễn "Xuân rời ô cửa". Và có lẽ Xuân cũng lặng lẽ "nhẹ gót" Rời "Ai kia" Từ lúc Ai kia nhận ra buổi giao mùa bên khung cửa qua làn mưa rào nặng hạt. Nghệ thuật sắp đạt câu chữ của tác giả rất tài tình khi rời Tháng Tư xuống câu thơ thứ ba làm diểm nhấn cho cả khổ thơ này. Thêm một sức hút vô hình cuốn người đọc chìm sâu theo Khúc Giao Mùa nữa..

Em gửi gì vào lá biếc sum xuê
Hoa nhãn nở gọi ong về làm mật
Tình em ủ hương nồng thơm ngây ngất
Men Tháng Tư say đắm mộng phiêu bồng

Thông thường người ta hay viết giao mùa với Phượng đỏ với Sen hồng. Mận Gai lại nhắc ta mùa Hoa Nhãn nở..Những chú ong cần mẫn hút nhuỵ tạo mật bay vào thơ, hiện nên tranh và tạo ra những nốt nhạc thật tài tình.Tháng Tư bây giờ ta chỉ có thể cảm nhận với chút "Men...Say" Thì mới cảm được cái "Tình em ủ" Với "Hương nồng ngây ngất"! Để mà cùng "Đắm mộng phiêu bồng" Với tác giả, với Em, với "Ai kia" Và hơn hết là đắm mê với Khúc Giao Mùa

Em gửi gì vào đêm lặng mênh mông
Mà tỏa ngát giấc mơ hồng diệu vợi
Để sớm mai thấy dịu dàng quá đỗi
Thoảng hương cau cơn gió thổi bên hè .

Em gửi gì mà trên những vòm me
Bản hoà tấu lũ ve sầu khua nhạc
Thêm chút nắng chợt thấy lòng man mác
Nhớ hương xuân dào dạt đến vô ngần

Tháng Tư về  tiễn Xuân đi, Hương, cảnh, sắc tình thơ rất thật của Khúc Giao Mùa hiện hữu cho ta chìm đắm rồi tan theo Tháng Tư. Phải chăng Khúc Giao Mùa đã dạo những nốt nhạc sang chiều. Ngân nga với ráng hồng vàng tím của Hoàng hôn rồi ngẩn ngơ với "Đêm lặng mênh mông" Rồi cảm "Giấc mơ hồng diệu vợi" Đã trôi qua cùng với Xuân Xanh
Bâng khuâng thầm hỏi Hạ đã đến thật rồi sao? Khi nhận thấy cuối chân trời vừng hồng ló rạng cũng là lúc "Hương cau "  Len nhẹ vào lòng! Hẳn lúc này "ai kia" Rất thư thái đón "Sớm mai dịu dàng" Như người phụ nữa vừa qua tuổi xuân đằm thắm dịu dàng nhẹ nhàng thư thái đón buổi giao mùa của mình. Khi có chuẩn bị để đón nhận buổi giao mùa ấy, như Khúc Giao Mùa của đất trời là tất yếu phải đến. Như Hạ về là "Lũ ve sầu khua nhạc"
 Động từ Khua tác giả dùng trong trường hợp này khiến người viết cảm rằng "Tôi không muốn nhưng tôi vẫn chào đón bạn. Bởi Xuân với tôi là thân thiết lắm lắm... 
Cũng như Tháng Tư kia vậy Nó đắm đuối,nó si mê, nó hồng tươi trong nắng, nó muốn ôm trọn tất cả hương sắc mùa hạ khi bước vào buổi giao mùa... Nhưng không thể giữ mãi bên mình được. Sau Một Khúc Giao Mùa nó cũng phải chia tay nhờng chỗ cho Tháng Năm hiện diện.
Biết không thể nhưng vẫn phải chia xa khiến cho nỗi nhớ thêm nhiều hơn chứ không chỉ là "Chút lòng man mác" Không thôi đâu? Phải không tác giả? Phải không Ai kia?

Em gửi nhiều vợi đi những ngày xuân
Đếm từng bước em xa dần lối nhỏ
Bâng khuâng ngắm tán bằng lăng trước ngõ
Đã đung đưa theo gió gọi hè về ...

Tới đây bức tranh Mận Gai vẽ vừa dừng cọ. Bản nhạc cũng vừa ngưng! Cũng không còn câu hỏi tu từ  "Em gửi gì? Nữa mà đã thành câu khẳng định "Em gửi nhiều"! 
Người viết bất giác muốn hỏi Ai kia rằng "Em gửi gì? Và có gửi được chưa? Sao tới đây lại khẳng định "Em gửi nhiều" Và "Vợi đi những ngày xuân". 
Chưa có câu trả lời từ Ai Kia nhưng người viết tin và có lẽ có nhiều bạn đọc cũng tin rằng. Em chưa gửi được gì cả? Vì sao ư? Bởi ba câu thơ cuối đã thể hiện rõ điều ấy. 
Này nhé! Nếu đã vợi nhiều thì có gì đâu phải "Đếm từng bước..." Rồi "Bâng khuâng ngắm tán bằng lăng". Hoa bằng lăng nở khi hạ đã ngập đầy "trước ngõ" Nhuộm tím nỗi lòng Ai kia khi "Xa dần lối nhỏ". Và cơn gió xuất hiện trở lại câu thơ kết cùng với dấu ba chấm... Không còn làm nhiệm vụ chuyên chở ý thơ như câu thơ mở đầu nữa, Nó làm nhiệm vụ như một dấu Quay Lại trên Khuông của bản nhạc Khúc Giao Mùa vừa kết!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét