Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Tôi Gọi Bằng Bu Của Tác Giả Trịnh Phú Đa



Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi có lẽ ký ức tuổi thơ đã phần nào ngủ yên thì hôm nay đây, ngay lúc này, tôi lại gặp một bài thơ rất đặc biệt được viết ra từ một Thầy giáo về hưu ngoài sáu mươi tuổi. Chỉ nhìn cái tựa bài thơ: “Tôi Gọi bằng Bu” thôi nó đã cuốn hút tôi rồi…Bởi tuổi thơ tôi đã ao ước được gọi mẹ bằng Bu

Giờ đây chắc hẳn rồi tôi sẽ khám phá bài thơ này.với niềm háo hức như mong mẹ đi chợ về thuở nhỏ... .

Mở đầu bài thơ anh viết

Mẹ tôi tôi gọi bằng bu*
Lớn lên nhờ những lời ru ngọt lành
Con thì cục tác lá chanh
Con thì nũng nịu đòi hành cho tôi
Có con khóc đứng khóc ngồi
Ngọt ngon chẳng muốn muốn tôi củ Riềng

Cả một bức tranh quê hiện lên với hình ảnh một gia đình nông dân bình dị có gà, có heo, có chú cún cưng…và cậu chủ nhỏ thì chắc được mẹ cưng chiều nhiều lắm đây. Anh viết về mẹ với giọng thơ tôi cảm thấy nó ngọt như lời ru của mẹ anh năm nào: “Mẹ tôi tôi gọi bằng bu*. Rồi thì: “Lớn lên nhờ những lời ru ngọt lành”...Tình cảm dành cho mẹ có lẽ anh dồn hết vào hai câu thơ ngọt ngào này…Ngay lập tức anh làm tôi bị hụt hẫng. Sau khi cảm nhận được tình cảm ngọt lành....lại gặp phải ngay thực tại là mẹ đã là người thiên cổ rồi.Thật buồn khi anh viết:

Cao xanh mẹ có linh thiêng
Đứa con xa xứ chùng chiềng về đây

Anh đã dùng từ “Chùng chiềng”ở câu thơ này rất khéo thể hiện được tâm trạng buồn vui lẫn lộn khi mà từ xứ xa anh về thăm quê cũ …cảnh cũ còn đây mà Bu đã không còn nữa .Sau phút bâng khuâng ấy – có lẽ anh đã ngồi xuống thềm nhà, hoặc đứng trước ngõ nhà xưa- để mà ngược dòng hồi ức về cái thuở mà anh đang“Lớn lên cùng những lời ru ngọt lành ” ấy….Một hoàn cảnh éo le mà có lẽ không phải chỉ mình nhà anh có ở thời những năm 50 của thế kỷ trước là

Mẹ xưa cưới vợ cho thầy
Cả hai ríu rít xum vầy cùng bu**

Mẹ anh chắc chắn là một người phụ nữ dịu hiền nết na và nhẫn nhịn lên mới có cảnh cả vợ nhỏ lẫn con chồng đều “ cùng Bu ríu rít xum vầy”. Quả là tôi đã nhận định không sai ở trên bởi anh viết:

Mẹ như cả áng trời thu
Một đời tươi mát chẳng thù hận ai
Sẻn dè là những giêng hai
Thịt giò nem chả đủ sài lúc vui
Thất cơ mẹ giấu ngậm ngùi
Một mình gắng chịu để vui cửa nhà

Bu của anh còn là người biết lo toan quán xuyến việc nhà những khi giáp vụ “dè sẻn”. nhưng khi ngày tư, ngày tết , ngày vui thì vẫn:“Thịt giò nem chả đủ sài lúc vui” với người nhà nông mà tháng giêng hai chỉ phải “dè sẻn” và lúc vui có giò chả nem đủ sài là nhà anh thuộc hộ khá giả. Thời ấy không mấy nhà đủ ăn lúc giáp vụ ,huống hồ nhà anh lại “con bầy vợ đúp”.Bu của anh không những là người phụ nữ đảm đang mà bà còn là người phụ nữ mạnh mẽ bởi lúc: “Thất cơ mẹ giấu ngậm ngùi”.một mình bà chịu đựng lúc thất cơ lỡ vận, chỉ bởi muốn “vui cửa nhà”…mà nhà này lại có cảnh éo le bởi cha anh đi biền biệt mọi việc ở nhà do Bu anh gánh vác…Thật là một người phụ nữ “Can Trường”

Thầy tôi biền biệt phương xa

Ở nhà nặng nhẹ mẹ là đàn ông
Quanh năm chẳng chịu ở không
Hết đồng áng lại gánh gồng chợ quê
Chăm lo thu vén mọi bề
Chẳng hơn ai cũng đề huề tháng năm

Một người phụ nữ cưới vợ cho chồng về ríu rít quây quần đùm bọc cả người vợ ấy cùng các con trong khi chồng đi vắng biền biệt…mà bà vẫn lo vun vén gia đình và: “Chẳng hơn ai cũng đề huề tháng năm”…Một người phụ nữ hiếm có trên đời này. Tới đây tôi cứ thắc mắc hoài là bà lấy nghị lực ở đâu ra để sống và lo chu toàn tất cả một gia đình như vậy….Thật là một câu hỏi không dễ để trả lời …

Rồi ngày đau khổ nhất với tác giả cũng đến

Bảy mươi trời bắt mẹ nằm
Vẫy chào lối xóm tiếng thơm vẫn còn

Một người phụ nữ công dung ngôn hạnh vẹn tròn như vậy thì lẽ đương nhiên tiếng thơm sẽ muôn đời vẫn còn là chắc chắn. Không chỉ tiếng thơm về bà, mà bà mãi còn lưu lại tiếng thơm muôn thủa cho lớp lớp con cháu noi theo

Thấm thoắt thời gian trôi qua giờ đây tác giả đã gần 70 tuổi rồi nếu Bu của anh còn cũng đã tuổi tròn trăm.Tác giả đã viết rất thật rất tình cảm khi ở tuổi gần 70 mà anh vẫn thấy:”Ngu ngơ” và con đàn cháu đống “Vẫn khờ”. Không chỉ mình anh cảm thấy như vậy đâu? khi mà: “Nén nhang cúi trước bàn thờ kính dâng” Mẹ mình.Thì bất kỳ ai cũng thấy mình còn thơ dại và bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ký ức ngọt ngào xa xưa nó trỗi dậy nó xô, nó đẩy ta ngược dòng thời gian trở về thuở ấy…

Đến nay mẹ cũng trăm tròn
Con gần tuổi mẹ mà còn ngu ngơ ***
Đủ con đủ cháu vẫn khờ
Nén nhang cúi trước bàn thờ kính dâng

Thả hồn về chốn lâng lâng
Vẳng nghe vọng lớp lớp tầng lời ru

Anh không chỉ thả hồn về chốn lâng lâng ấy một mình đâu? Ít nhất là cho đến giờ này tôi cũng đang đồng hành cùng anh về lại cái thời xa đã rất xa ấy để cùng anh “nghe lớp lớp tầng lời ru”. Tác giả đã rất khéo khi sử dụng từ kép “Lớp lớp”ở đây đi trước chữ “Tầng” ta thấy sao nhiều lắm... nhiều, nhiều những lời ru ngọt ngào ấy của Bu ngày ấu thơ…Và một câu kết thì thật là đắt khi anh tách riêng để nó đứng một mình ..lời thì thầm gọi Bu này sẽ khiến tôi khiến bạn và bất kỳ ai cũng sẽ gọi theo anh

Thầm thì tôi lại gọi Bu.

Một bài thơ lục bát rất giản dị được tác giả viết ra với tất cả tình cảm dồn nén trong sâu thẳm tâm hồn của người đàn ông từng trải…Một nhà giáo về hưu…Trên tất cả là lòng hiếu kính của một người con dành cho người mẹ truân chuyên của mình.Bài thơ đã cuốn tôi đi theo nỗi lòng của tác giả cũng như theo nhịp thơ lúc vui mừng hớn hở,lúc ngậm ngùi xen lẫn xót xa…

Cám ơn tác giả Trịnh Phú Đa với bài thơ Tôi Gọi Bằng Bu đã cho tôi có cảm xúc viết bài cảm nhận này…Chỉ bởi ngày xưa tôi cũng rất thích gọi Mẹ bằng Bu …..Nhưng mà không được….Hôm nay tôi đã được gọi Bu mà gọi rất nhiều lần.

22/11/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét