Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY NỢ DUYÊN CỦA HUỲNH XUÂN SƠN

ĐẾN VỚI BÀI THƠ  NỢ DUYÊN CỦA HUỲNH XUÂN SƠN



                       Ngòi bút mang đến thật nhiều niềm vui, nhưng ngòi bút cũng mang đến biết bao nhiêu nỗi niềm, có khi còn tự rước vào bản thân mình những ganh gét, những đố kỵ đời thường.
                      Có lẽ vì vậy, khá lâu rồi dẫu cho thèm Thơ lắm, khát Thơ lắm nhưng cứ mỗi lần cầm bút lên lại đặt bút xuống. viết cái gì đây? viết cho ai đây? viết để làm gì đây? ...Trăm ngàn câu hỏi không lời đáp, chỉ có một cách đơn giản nhất là không viết gì cả có lẽ la câu trả lời thông minh nhất.
                       Nhưng như một con nghiện, nỗi thèm khát cứ trào lên, và đến lúc này đây, lúc mà cái_ gã_ nghiện ấy đứng trước một liều thuốc thử không thể chối từ. một bài thơi Tự Do với vỏn vẹn 23 từ được chắt lọc như một viên kim cương tinh khiết và ánh "trăng ngà" cùng với sợi dây "duyên nợ" trong bài thơ của HUỲNH XUÂN SƠN đã đem ngòi bút ấy trở lại, dẫu có thể nó đã không còn sắc bén qua thời gian nữa.
 NỢ DUYÊN
trăng ngà vừa rơi
tảng đá nghìn năm vỡ nát
cả hai rơi xuống dòng đời
bọt tung trắng xóa ...
hóa trăm năm (Huỳnh Xuân Sơn)
          
                            Một bài Thơ Tự Do ngắn , có thể nói là năm dòng thơ ngắn . 23 từ không có từ nào nói đến Duyên và Nợ , đặc biệt hơn nữa nếu đọc, ngắt nhịp và chiết câu một cách bình thường thì năm câu thơ như hoàn toàn rời rạc,  như chẳng có gì liên quan đến tựa đề mà tác giả đã chọn.
"Trăng ngà vừa rơi"
                           Mở đầu với trăng rơi, câu thơ như chỉ để nói tới không gian, thời gian, câu thơ hoàn toàn động chứ không hề tĩnh như thường thấy trong không gian đầy ánh trăng . Nếu ai đó kỹ tính, sẽ nhận thấy bài thơ này, câu thơ này thừa đi hai chữ " ngà, vừa" Vì chỉ cần trăng rơi thôi cũng đã đầy đủ chủ, vị ngữ, cũng như đủ ý nghĩa muốn truyền tải. tuy nhiên ý đồ của tác giả ở đây thật đặc biệt, tác giả sử dụng hai từ thừa này để mô tả vẻ đẹp của trăng, nhưng lại có tác dụng chính là làm giảm_ đi_ đà_ rơi_ xuống của trăng, làm giảm đi một chút động _ chút động trong tâm hồn , bởi đơn giản một điều tâm hồn ấy đang "tĩnh" Để ngắm trăng.
                          Ánh trăng ngà nhẹ nhàng rơi xuống trong một không gian đẹp, một không gian mênh mông như thế, nếu theo logic học , nếu với người yêu cái đẹp, hay chỉ là suy nghĩ bình thường nhất thì trong cái không gian đó sẽ là rựơu và thơ, là bằng hữu và bằng hữu .  nhưng với Huỳnh Xuân Sơn _ Nữ tác giả thì lại hoàn toàn bất ngờ " Tảng đá nghìn năm vỡ nát"  Tác giả đang nghĩ gì? Đang muốn gì?  Chậm thật chậm, chiết từng câu, từng chữ, từng ý ta nhận ra, ta nghiệm ra một điều là hai câu thơ hoàn toàn không ăn nhập gì với nhau, hoàn toàn không có chút logic_theologic học ấy đã được tinh lọc, gọt giũa một cách tài tình để rồi cuối cùng tác giả xây dựng nên một chữ "Duyên".
                         Duyên vốn là từ gốc Hán có nghĩa là duyên do, duyên cớ phát sinh ra sự việc, sau nhiều năm giao thoa cùng Tiếng Việt chữ duyên kia đã biến thành duyên số, duyên phận của con người.
                         Chữ Duyên vốn bản thân nó đã là một điều gì đó khó nắm bắt, bởi bản thân nó cũng phải trải qua đến năm lần ghép chữ mới tạo thành: D_U_Y_Ê_N.
                         Đạo Phật cũng nói đến chữ duyên rất nhiều. Phật nói " Trong sự tái sinh luân hồi  duyên sẽ tồn tại , nhân quả từ đời này truyền sang đời khác" .
                         Phật nói rằng kiếp số con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi , kiếp này nối tiếp kiếp khác kế thừa lẫn nhau . con người gặp nhau là bởi chữ duyên, chữ nợ mà thôi.
                        Đại thi hào Nguyễn Du cũng luận bàn về duyên không ít :" Người ơi gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không ?" .
                        Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương cũng nhắc đến duyên ;" Có phải duyên nhau thì thắm lại" ...
                        Ở đây tác giả cũng muốn nói đến duyên, nhưng không trực tiếp đề cập đến mà sử dụng nhiều biện pháp ngôn ngữ để rồi đi đến kết luận.
                        Đá và Trăng _ hai thứ tưởng chừng hoàn toàn xa lạ ấy lại có cùng một chữ Duyên để rồi gặp nhau, để rồi " Cả hai cùng rơi xuống dòng đời" Và chữ Duyên kia đưa Trăng và Đá gặp nhau?
                        Sao cũng được, chẳng cần phải tìm hiểu điều đó bởi dẫu sao đi nữa một chữ Duyên thôi cũng đã là quá đủ.
........................
" bọt tung trắng xóa...
hóa trăm năm"
                        Hai câu thơ kết vẫn đi theo motuyp của đoạn thơ đầu, bằng triết lý học và luận giải vấn đề, đọc giả sẽ tự rút ra cho mình một chữ "Nợ" đơn thuần.
                       23 từ, nhưng đã hai lần tác giả nhắc đến thời gian : "nghìn năm" trăm năm". Cái đặc biệt ở đây là thời gian dài hơn "nghìn năm"  Ở nửa đoạn đường phía trước, có lẽ vì "Duyên" Không dễ gặp nhưng đã gặp rồi thì chỉ ước sao " Nợ" được trăm năm.
" có phải duyên nhau thì thắm lại
đừng xanh như lá bạc như vôi" (Hồ Xuân Hương)
                      Cùng là phận nữ nhi, Huỳnh Xuân Sơn cũng như bà chúa thơ nôm chỉ mong ước có thế thôi,"Có phải duyên nhau thì thắm lại" Chẳng cần vạn năm, nghìn năm, mà trăm năm thôi là quá đủ. bởi Duyên và Nợ còn chưa chắc được song hành, cùng nhau huống chi là sự dở dang giữa đường đứt gánh có thế nào cũng chẳng thay đổi được gì bởi thượng đế chỉ cho ta chừng ấy Duyên, Nợ mà thôi.
                      Một bài thơ Tự Do ngắn, rất ngắn nhưng lại ẩn chứa trong mình bao nhiêu triết lý học, nhân sinh quan sâu sắc, và biết bao nhiêu tầng ý nghĩa sâu xa trong một chữ Duyên đầy hư ảo?
                      5 dòng thơ rời rạc_ nhưng dưới ngòi bút tài hoa của tác giả chúng lại hòa quyện vào nhau một cách chắc chắn như một viên kim cương thật sự, và sợi dây Nợ -  Duyên kia chẳng thể đứt rời.
                      Người viết bài này cầu chúc mọi người, và thật sự cầu chúc ANH CHỊ  mãi như " đá với trăng" Trăm năm và hơn thế nữa hòa quyện vào nhau cùng với chữ Duyên kia.
                      Cảm ơn Huỳnh Xuân Sơn đã viếtt một bài thơ hay. Người viết bài này cũng chỉ biết mượn lời của nhà thơ Hồ Xuân Hương để khép lại " Có phải duyên nhau thì thắm lại / Đừng xanh như lá bạc như vôi".
                      Kẻ hậu bối nghĩ sao viết vậy, rất mong được sự lượng thứ của tác giả và bạn đọc nếu có gì sai sót.

Tuy Hoà 8/4/2016

Nguyễn Văn Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét