Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Cài Khuy Áo Lại Đi Em ! Của Tác Giả Bình Địa Mộc



Nếu bạn chỉ đọc thơ Bình Địa Mộc mà hình dung ra tác giả thì sẽ “té ngửa” khi gặp mặt và tiếp xúc với anh. Thơ Bình Địa Mộc từ lý khúc triết, câu chữ chắt lọc, ý nghĩa sâu xa và thêm một chút khó đọc, khó cảm. Còn Bình Địa Mộc tác giả thì xuề xòa, dễ tính và giọng đọc thì “giẫm nát” Thơ dẫu có hay cỡ nào đi nữa.
Thật bất ngờ trong dòng thơ Lục Bát của anh mà tôi vẫn thường nói “đọc trẹo cả quai hàm” Ấy, lại lạc vô một bài thơ mềm mại dịu dàng trái hẳn với anh và dòng thơ của anh:


Cài Khuy Áo Lại Đi Em

Cài khuy áo lại đi em
Kẻo trăng rớt xuống chỗ mềm mại thu
Kẻo sông xa sóng mịt mù
Tội con cá tự nhiên ù ạt bơi

Cài khuy áo lại em ơi
Kẻo mây lơ đãng bỏ trời mồ côi
Kẻo rừng xanh với nương đồi
Rủ nhau trút hết lá rồi mênh mang

Cài khuy áo nhé em ngoan
Kẻo không gió sẽ ngang tàng ngông ngao
Kẻo thiên hà những muôn sao
Sáng lung linh phía mắt thao thức tìm

Cài đi em dẫu một khuy
Kẻo bàn tay lỡ lầm ghì chặt vai
Đụng bờ môi tiếng thở dài
Lúc quay gót giẫm nát lai láng chiều

Cài khuy áo ngực em yêu
Kẻo người đi nhuộm muối tiêu tóc mình
Kẻo người về cứ đinh ninh
Bước phong trần lẫn điêu linh như vừa

Từ ngày xửa tới ngày xưa
Mẹ rằng mặc áo nhớ chừa lại khuy (Bình Địa Mộc)


Bài thơ viết về một sự hớ hênh (vô tình hay cố ý) của một cô bé nào đó. Cũng không hiểu là vô tình hay cố ý mà tác giả bắt gặp cái khuy áo tuột. Chỉ biết là từ đây, từ cái nút áo tuột khỏi cái khuy này. Biết bao sóng gió nổi lên trong con tim vốn đã “muối tiêu” Của tác giả:
Khi bắt gặp hình ảnh ấy lý trí và con tim của tác giả còn đủ tỉnh để mà nói một câu rất bình tĩnh là:


Cài khuy áo lại đi em
Kẻo trăng rớt xuống chỗ mềm mại thu
Kẻo sông xa sóng mịt mù
Tội con cá tự nhiên ù ạt bơi


Chỉ với khổ đầu này thôi đã đủ diễn tả cái Khuy áo ấy nó ở đâu rồi! vì ở “chỗ ấy” Cho nên khi tuột ra nó đã làm chao đảo người nhìn thấy và sóng gió đã nổi, con tim quay cuồng vì cái “chỗ mềm mại thu” Ấy. Sự quyến rũ tới mức mà trăng cũng muốn rớt xuống mà vuốt ve ôm ấp “chỗ mềm mại thu” Mặc dù tác giả còn đủ bình tĩnh sau khi thấy vẫn còn “nhìn xa trông rộng” Được:


Nào là “kẻo sông xa sóng mịt mù” Và đắt nhất trong khổ thơ này, không phải là “chỗ mềm mại thu” Kia, mà có lẽ khổ thơ này đã làm khổ sở con tim tác giả khiến anh đổ vấy cho “con cá tự nhiên ù ạt bơi”. Cá ở dưới sông sao mà nhìn được cái khuy áo em tuột để mà phải bỏ chạy.
Phải chăng tác giả chính là “trăng rớt…” Là “Sông xa” Và trái tim anh anh cũng chính là “con cá”?
Không hiểu câu nói rất “quý ông lịch lãm”rằng : “Cài khuy áo lại đi em” có tới tai cô bé hay không ? và phản ứng của cô ấy ra sao? Chỉ thấy bài thơ có chiều hướng chùng xuống:


Cài khuy áo lại em ơi
Kẻo mây lơ đãng bỏ trời mồ côi
Kẻo rừng xanh với nương đồi
Rủ nhau trút hết lá rồi mênh mang


Hai chữ Kẻo ở khổ thơ làm khổ tác giả rồi! Có lẽ chủ nhân của cái khuy ấy chưa hề hay biết. Bây giờ thì không chỉ Trăng rớt, sông mù mịt, và cá bơi ù ạt nữa, Mà không gian của bầu trời cũng bị “mồ côi”, vì Mây đang “lơ đãng” Nhìn “chỗ mềm mại thu” Ấy! Trên trời thì như vậy, dưới đất nếu em không cài lại. Hậu quả là “rừng xanh với nương đồi” Cũng “rủ nhau trút hết lá”.
Vì sao mà chỉ có một “chỗ mềm mại thu” Ấy thôi mà lại lay động đến cả trời đất như vậy cà?
Phải chăng chính tác giả đang mất thăng bằng và choáng váng mà nhìn ra như vậy! Rồi điều cần nhất là nói với cô bé thì vẫn chưa nói được, để bây giờ lại phải hạ giọng xuống một chút nữa:


Cài khuy áo nhé em ngoan
Kẻo không gió sẽ ngang tàng ngông ngao
Kẻo thiên hà những muôn sao
Sáng lung linh phía mắt thao thức tìm


Cô bé chưa hề có phản ứng kháng cự nào trong thơ tác giả, chỉ thấy anh cứ mỗi khổ mỗi hạ giọng thêm một chút.
Ở khổ này thì cái khuy áo ấy để lộ chỗ “mềm mại thu” Còn khuynh đảo tới cả dải ngân hà trên trời cao, làm cho các vì sao cũng “thao thức tìm”.
Còn anh gió khi nhìn thấy thì cũng đồng lõa với tác giả là nếu em cứ để vậy thì bất chấp tất cả “gió sẽ ngang tang ngông ngao” mà “nhào vô”.
Tác giả này thật kỳ lạ! Sau ba khổ thơ từ chỗ rất tự tin “ đi em!” Đến hạ giọng “em ơi” Rồi “em ngoan”. Vẫn chưa dám nói hay là cố tình không muốn nói với cô bé! Câu hỏi này đâu có ai biết ngoài chính người đang chấp chới kia. Bây giờ thì không chỉ là cái khuy áo nữa, mà cao trào nổi loạn của con tim lại được đẩy lên thêm một chút nữa:


Cài đi em dẫu một khuy
Kẻo bàn tay lỡ lầm ghì chặt vai
Đụng bờ môi tiếng thở dài
Lúc quay gót giẫm nát lai láng chiều


Bây giờ thì không còn là một cái khuy tuột nữa để mà năn nỉ ! mà có lẽ với tác giả lúc này thì cả 5 khuy đã bung hết . Có lẽ quý ông lịch lãm này không còn đủ tỉnh táo để nhìn là tuột mấy khuy nữa. Chỉ còn biết năn nỉ “cài đi em dẫu một khuy”.
Đứng trước một sự cám dỗ chết người như vậy làm sao mà không sợ “bàn tay lỡ lầm..” Và “bờ môi…” Nóng bỏng thèm khát… Buông tiếng thở dài tiếc nuối!
Rất may quý ông lịch lãm đã dùng lý trí đè bẹp con tim nổi loạn, và đã làm chủ được đôi chân đành“quay gót”. Dẫu bước chân này không hề dễ nhấc đi , khi đã quay được thì lại “giẫm nát lai láng chiều”.
Thật là ấm ức cho Quý ông lịch lãm này phải không bạn đọc ơi!


Cài khuy áo ngực em yêu
Kẻo người đi nhuộm muối tiêu tóc mình
Kẻo người về cứ đinh ninh
Bước phong trần lẫn điêu linh như vừa


Quay gót, ấm ức vì cái “chốn mềm mại thu” Nóng bỏng kia. Dẫu “đa tình vốn có trong ta” Vẫn còn nghĩ được: “cài khuy áo ngực em yêu”.
Cả một chuỗi cung bậc cảm xúc của quý ông lịch lãm từ cái khoảnh khắc bắt gặp “chỗ mềm mại thu” ẤYy. Anh tự tin dứt khoát rồi buông dần niềm tin và lý trí, đối nghịch với sự nổi loạn con tim càng tăng thì lý trí càng giảm. Để giờ đây người đi vẫn còn “đinh ninh” Mình dẫu “nhuộm muối tiêu tóc mình” Thì cũng đã có được những phút giây thăng hoa cảm xúc cùng trời đất, sông nước, cỏ cây, và trăng sao !


Bước chân có nặng, có “giẫm nát” Cái buổi chiều “lai láng” Cảm xúc này, thì trước lúc quay gót, vẫn còn khuyên được “ dẫu một khuy” Thì cũng cứ “cài khuy áo ngực em yêu”.
Em có yêu hay không? Em có cài hay không? Thì quý ông lịch lãm “quân tử nửa mùa” Cũng đã nói được và đã thoát khỏi cái khoảnh khắc đó rồi.
Sau khi đã trải qua đủ các cung bậc cảm xúc của một chàng trai trong thân hình của một người “muối tiêu đã nhuộm tóc”. Anh đã có lời khuyên cho tất cả các bạn nữ rằng:


Từ ngày xửa đến ngày xưa
Mẹ rằng áo mặc chớ chừa lại khuy ...


Một câu kết rất đặc biệt cho bài thơ dài và mượt mà tình cảm của tác giả Bình Địa Mộc. Từ xưa tới nay người phụ nữ việt nam nói riêng và người phụ nữ Á Đông nói chung rất e lệ kín đáo. Nhưng nếu vô tình thì ai chả có, chả bị đôi lần trong đời. Còn nếu cố ý hở hang thì rõ là không nên.


Với bài thơ này tác giả có lẽ cũng muốn nhắn gửi tới các quý ông rằng: Dẫu cho trời đất chao đảo , “con cá” Có quẫy, có “ù ạt bơi” Trước những cám dỗ chết người ấy thì cũng cố gắng dùng lý trí đè bẹp sự nổi loạn của con tim lại và “quay gót” Đi thôi!


Sài Gòn, 9/1/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét