Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Tóc Anh Nũng Nịu Một Đời Của Tác Giả Trăng Khuyết



Tôi rất may mắn vì bên mình có người bạn đời am hiểu về âm nhạc. Anh đã dìu dắt tôi đi theo sở thích của anh và dung hòa được cả hai để đến bây giờ hai chúng tôi có duy nhất một sở thích là được ngồi nghe những bản nhạc lời ca mà mình yêu thích trong ánh sáng mờ ảo của ánh nến.Ngay cả những lúc anh đàn và hát cho tôi nghe cũng với không gian như vậy. Đêm cuối mùa mưa Sài Gòn âm u không gian như tĩnh lặng hơn rất nhiều khi anh đang ôm đàn hát cho tôi nghe những bản nhạc theo yêu cầu.

Đầu tiên là ca khúc Tiếng Hát Với Cung Đàn của Nhạc sĩ Văn Phụng, tiếng anh trầm ấm ngân vang trong phòng nhất là đoạn điệp khúc:

Anh mơ, khi ánh trăng êm đềm trong sáng

Bên em khẽ rung cung đàn yêu mơ màng

Say sưa tiếng em ngân hòa tiếng tơ vàng

Tình duyên đôi ta sẽ hòa

Sẽ hòa như muôn tiếng hát với cung đàn.

Rồi tiếp tới giai điệu Tiếng Đàn Tôi của nhạc sĩ Phạm Duy tôi cũng cứ đề nghị nghe đi nghe lại điệp khúc:

Mênh mông lả ơi, thuyền về tới bến mơ rồi

Khoan khoan hò ơi, dặt dìu trong tiếng đàn tôi

Mênh mông là ơi thuyền về bát ngát hương trời

Khoan khoan hò ơi nhịp sầu xa vắng mà thôi…”

Anh hát thêm cho tôi nghe vài bài nữa với chủ đề về Tiếng Đàn rồi mới đi nghỉ .Trước khi đi anh mở máy tính đưa tôi vừa cười vừa nói:Em đến với người thơ của em đi,anh biết chắc rằng có một bài nào đó liên can gì tới đàn hát đây nên mới chịu ngồi nghe anh hát lâu thế chứ…Trời ơi thiệt là anh đã đi guốc trong bụng tôi mất rồi.

Quả thật chiều nay tôi đọc bài thơ Tóc Anh Nũng Nịu Một Đời của tác giả Trăng Khuyết.Tôi rất ấn tượng và có thể nói là tôi đã thuộc lòng bài thơ ấy chỉ sau vài lần đọc…Bài thơ chị viết về Mái tóc và theo chị thì Mái tóc này nó biết Nũng Nịu cả một đời, ôi thật là hấp dẫn tôi bước vô gần hơn để xem mái tóc này chị muốn gửi gì cho người đọc đây.

Mây chiều như muốn ngừng bay

Con sông lặng sóng để say cung đàn

Hai câu mở đầu chị giới thiệu tiếng đàn của Mái Tóc nó tuyệt diệu tới mức mây cũng muốn dừng lại và nước sông cũng muốn ngừng trôi để thưởng thức. Hay có thể nói cách khác trời và đất đều muốn ngừng lại bởi tiếng đàn của Mái Tóc.

Còn Mái Tóc thì bây giờ mới được chị nhắc đến nhưng lại là;

Tóc anh hờn dỗi chiều hoang

Buông rơi nỗi nhớ… em mang theo về

Sau những giây phút xuất thần tâm hồn thăng hoa hòa quyện cùng tình yêu say đắm Anh gửi vào nốt nhạc khiến khúc nhạc bay bổng lãng mạn đến nỗi trời đất cũng muốn dừng lại để lắng nghe. Nhưng mà ngay lập tức ta gặp phải hụt hẫng khi Mái Tóc “hờn dỗi” thì cung bậc cảm xúc trong thơ cũng trầm hẳn xuống cùng lời thơ rơi theo hành động “ buông nỗi nhớ”. Chủ thể thứ hai xuất hiện trong bài thơ ở cuối khổ đầu bằng hành động “mang theo về”.

Anh thì “Tóc hờn dỗi” rồi “buông rơi nỗi nhớ…” Em thì “Mang theo về” khiến ta tò mò muốn tiếp tục cuộc hành trình với Mái Tóc ngay.

Để quên một chút đam mê

Cho hương tay ấm nằm kề tóc anh

Hoa đồng cỏ nội mong manh

Nhuộm màu tình ái, nhuộm xanh da trời

Thì ra em gói ghém em mang theo về hết ngay cả từ nỗi nhớ mà anh buông bỏ. Nhưng Em lại “Để quên một chút đam mê”. Mái tóc buông theo tiếng đàn trong gió, em kề cận đã vuốt ve âu yếm,bây giờ nó sẽ là hình ảnh là hơi ấm để cho Mái Tóc nhớ tới Em. Bây giờ thì rõ hơn một chút: Cuộc tình này giữa Anh và Em được Em vốn chỉ nghĩ với suy nghĩ là “Hoa đồng cỏ nội” và nó vốn rất “mong manh”. Tình yêu này hương hoa đồng nội nhưng nó rất đẹp và Em cũng có lúc đã nghĩ Tình yêu này dẫu chỉ là hương đồng cỏ nội nhưng nó lớn đến mức không chỉ nhuộm màu tình ái mà còn có thể “nhuộm xanh da trời”. Một tình yêu như vậy mà bây giờ chỉ còn bỏ quên chút đam mê lại cho Mái Tóc. Điều gì đến nó sẽ đến theo qui luật tự nhiên thôi. Anh giờ đây buông tiếng lòng gửi vô nốt nhạc với dư vị của chút làn hơi ấm sót lại thì ắt hẳn:

Dạo đàn nửa khúc buồn rơi

Tóc anh nũng nịu rong chơi…Phím chùng

Bàn tay em dỗ mông lung

Chiều nghiêng tóc dỗi ngập ngừng…tiếng thương

Một cuộc tình đẹp hai tâm hồn thăng hoa hạnh phúc bên nhau khi ấy Anh thả tiếng đàn réo rắt ngân vang khiến mây ngừng bay và mặt sông muốn lặng sóng để thưởng thức…Còn mái tóc buông lơi xuống đã có bàn tay hơi ấm vén lên. Một bức tranh vẽ khung cảnh với hai trái tim loạn nhịp ấy bỗng chốc giờ đây bể nát vì đâu? Vì ai? Hay bởi tại có duyên không nợ. Để rồi đàn đang dạo “nửa khúc buồn” cũng buông rơi. Mái tóc thì nũng nịu ai? mà phủ nên “Phím chùng”. Một hình ảnh buồn ảo não của chủ thể Anh được tác giả khắc họa với một nhịp thơ trầm hẳn xuống, ta thấy ngay một chàng lãng tử ôm đàn không gảy, mái tóc lòa xòa trước gió và chắc chắn anh đang gục xuống cây đàn, để mà hồi tưởng lại những phút giây lãng mạn chiều nào có Em.Chiều ấy Mái tóc xòa xuống có tay em đan trong nó …

Cũng nơi này… nhớ bàn tay ấy, nó đã xa xôi quá và mông lung quá. Nỗi nhớ đã khiến anh nghiêng ngả rồi. Nghĩ tới chữ yêu thương anh đã phải “ngập ngừng”….không dứt khoát thì kết cuộc là nỗi buồn anh phải nhận là tình yêu tan vỡ thôi

Giá như ngày ấy anh không “buông rơi” và giá như ngày ấy Em đừng bỏ quên hơi ấm bàn tay đan trong mái tóc này?giá như? Và giá như? Rất nhiều câu hỏi trong anh lúc này? Nhưng Có lẽ chỉ còn lại hình ảnh bàn tay đan trên mái tóc buông trong chiều bên khúc nhạc là mãi mãi bên Anh bên Em mà thôi

Bởi kết bài là khổ thơ chị đã viết

Bây giờ xa cách hai phương

Bến bờ lưu luyến vấn vương mảnh sầu

Tóc anh nay đã phai màu

Để bay, để nhớ tình sâu thuở nào.

Hai cặp lục bát chị dùng để kết bài thơ đã nói rõ tất cả. Cuộc tình này có lẽ nó chưa đủ lớn để mà đi tới đích. Nhưng nó vẫn mãi là dấu ấn không phai trong lòng chủ thể Anh- Mái Tóc, và có lẽ với cả hai chủ thể là Anh và Em trong bài thơ nó vẫn trỗi dậy mỗi khi bên họ vang lên tiếng đàn và bắt gặp hình ảnh mái tóc dài của một chàng ca nhạc sĩ lãng tử nào đó.

Tới đây tôi đã thực sự hụt hẫng với câu kết bởi tôi đã mang trong mình hình ảnh Nhạc sĩ Văn Phụng với ca sĩ Châu Hà hai người một thời và mãi mãi là biểu tượng của tiếng hát với cung đàn, để đồng hành với bài thơ.

Bất chợt tôi nhớ khúc hát lúc chiều tôi nghe :

“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.

Cho tôi về đường cũ nên thơ.

Cho tôi gặp người xưa ước mơ.

Hay chỉ là giấc mơ thôi…”-(Nửa Hồn Thương Đau)

Giá như tôi mang tâm trạng của người nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương khi viết ca khúc này để đồng hành với Tóc Anh Nũng Nịu Một Đời. thì có lẽ giờ đây tôi bớt đi được cảm giác hụt hẫng chơi vơi này.

Một bài thơ tình viết theo thể Lục bát mượt mà câu từ bay bổng nhưng gần gũi, lãng mạn nhưng không khó hiểu. Hồn thơ lắng đọng súc tích. Được tác giả Trăng Khuyết viết về một cuộc tình cũng lãng mạn và bay bổng không kém. Cám ơn tác giả với bài thơ đã cho tôi có cảm xúc viết bài cảm nhận này. Có thể với cuộc sống hiện tại của tôi, tôi chưa thể hiểu hết được những tâm tư tình cảm cũng như góc khuất của nhân vật trong bài thơ mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ này. Xin hãy coi đây là tình cảm và là cái nhìn của riêng tôi một bạn đọc yêu thơ dành tặng cho bài thơ mà tôi yêu thích. Và đây là bài thơ ấy:

Tóc Anh Nũng Nịu Một Đời

Mây chiều như muốn ngừng bay

Con sông lặng sóng để say cung đàn

Tóc anh hờn dỗi chiều hoang

Buông rơi nỗi nhớ… em mang theo về

Để quên một chút đam mê

Cho hương tay ấm nằm kề tóc anh

Hoa đồng cỏ nội mong manh

Nhuộm màu tình ái, nhuộm xanh da trời

Dạo đàn nửa khúc buồn rơi

Tóc anh nũng nịu rong chơi…Phím chùng

Bàn tay em dỗ mông lung

Chiều nghiêng tóc dỗi ngập ngừng…tiếng thương

Bây giờ xa cách hai phương

Bến bờ lưu luyến vấn vương mảnh sầu

Tóc anh nay đã nhạt màu

Để bay, để nhớ tình sâu thuở nào.

Tác giả bài thơ Trăng Khuyết

Huỳnh Xuân Sơn



23/10/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét