Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Lời Tỏ Tình Đêm Giáng Sinh ! Của Tác Giả Nguyễn An Bình



Vậy là một mùa giáng sinh nữa lại về. Khắp nơi tưng bừng chào đón ngày Đức Chúa Ngôi Hai ra đời cứu rỗi nhân loại. Niềm vui đến không chỉ những gia đình Thiên Chúa giáo. Mà còn lan sang cả những gia đình ngoại đạo. Đặc biệt là giới trẻ, với họ mùa giáng sinh cũng là mùa yêu thương! Mùa của những lời hẹn ước trước Chúa và cũng là dịp để các chàng trai cô gái trao nhau những lời tỏ tình và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa .

Chiều nay dù còn một ngày nữa mới tới đêm giáng sinh. Tôi bắt gặp một câu chuyện tình rất nhiều cảm xúc, liên quan tới đêm giáng sinh, đó là lời tỏ tình của một chàng trai là con chiên ngoan đạo!

Lời Tỏ Tình Đêm Giáng Sinh

Chẳng biết em khấn gì trong lời nguyện
Tiếng kinh cầu có thầm nói yêu đương?
Tôi ở cạnh em dù không lên tiếng
Muốn một đời làm tượng đá tháp chuông.

Em tinh khôi trong tâm hồn thánh nữ
Tôi ngu ngơ giữa địa ngục thiên đàng
Cổng nhà thờ có bao giờ dung thứ
Kẻ gian tà ngoại đạo chốn trần gian?

Đứng bên em tôi thật thà xưng tội
Chỉ một lần gian dối chuyện bán mua
Trong máng cỏ chúa hài đồng bối rối
Đưa hai tay ngơ ngác để chào thua.

Em trốn giữa đông người đi thánh lễ
Lá thư tình viết vội gởi cho ai?
Đêm giáng sinh sao ba vua đổi chổ
Lời tỏ tình còn nguyên vẹn trên tay.

Yêu em lắm dù ngàn lời sám hối
Tiếng chuông buồn sao giữ được chiên ngoan
Trên thập tự kiếp người ai gánh tội
Chúa trên trời nào hiểu chuyện thế gian?( Nguyễn An Bình)

Bài thơ được tác giả Nguyễn An Bình viết theo thể thơ tự do. Từng câu, từng chữ chắt lọc, gọt dũa, như từng nốt nhạc sắp xếp trên một bản nhạc có trình tự của cảm xúc thông qua ngôn ngữ thơ ca. chuyển tải một câu chuyện tình trong đêm giáng sinh.

Câu chuyện tình này có lẽ của chính tác giả chứ không hẳn là cảm xúc thơ ca. Nó được bắt đầu bằng:


Chẳng biết em khấn gì trong lời nguyện / Tiếng kinh cầu có thầm nói yêu đương? / Tôi ở cạnh em dù không lên tiếng / Muốn một đời làm tượng đá tháp chuông.

Một khổ thơ diễn tả tâm trạng của chàng trai đi lễ thường nhật. Nhưng chàng trai này đến nhà thờ không chỉ để đọc kinh cầu nguyện. Mà lại muốn “một đời làm tượng đá tháp chuông”. Vì sao vậy tác giả ơi! Có phải trái tim của anh đang bấn loạn lên trong lồng ngực. Bởi bên cạnh anh có một cô gái đang thì thầm cầu nguyện. cô ấy “khấn gì trong lời nguyện”.

Câu hỏi này chắc chắn anh không biết, tôi không biết và chỉ duy nhất một mình cô ấy biết! và thêm một câu hỏi nữa của chàng trai, “Tiếng kinh cầu có thầm nói yêu đương?”. Có lẽ không anh ạ! Người ta tới nhà thờ khấn nguyện rất nhiều điều để mong cho chúa cứu rỗi …..chứ trong khi cầu nguyện sẽ không có bất cứ một cô gái nào “thầm nói yêu đương” cả.

Có lẽ anh đã yêu thầm người ta rồi đấy! vì yêu nên anh sẽ cảm thấy trong tiếng kinh cầu kia có lời “ nói yêu đương”. Chứ không bao giờ là cô ấy cả!

Mang theo suy luận này ta theo tác giả vào khổ thơ tiếp

Em tinh khôi trong tâm hồn thánh nữ / Tôi ngu ngơ giữa địa ngục thiên đàng / Cổng nhà thờ có bao giờ dung thứ / Kẻ gian tà ngoại đạo chốn trần gian?.

Tới đây tác giả cho ta biết rõ hơn về hai nhân vật chính của câu chuyện này. Em thì “tinh khôi trong tâm hồn thánh nữ”. Còn anh thì lại tự nhận là “tôi ngu ngơ” và sự ngu ngơ này đang ở giữa ngã ba “Địa ngục” và “Thiên đàng”. Vì sao mà chỉ vì yêu một cô gái có “tâm hồn thánh nữ” thôi mà lại đẩy anh tới ngã ba …với một tâm trạng “ngu ngơ” nhỉ? chưa hết anh còn tự hỏi mình “ cổng nhà thờ có bao giờ dung thứ” . Anh tạo ra một mâu thuẫn tại đây! cổng nhà thờ thì có lẽ chưa vào tới trước mặt Chúa…. Vậy thì anh mong muốn rằng ai đó… chứ không phải Đức Chúa “dung thứ” cho “kẻ gian tà ngoại đạo chốn trần gian”.

Tôi là kẻ ngoại đạo nhưng có suy nghĩ thế này anh ạ! Đức Chúa lòng lành hoặc Mẹ Maria có thể tha thứ thôi. Chứ cũng không thể dung thứ cho “kẻ gian tà”.

Đức Phật nhân từ cũng chỉ có thể tha thứ như câu “bỏ dao đồ tể thành Phật”. chứ Ngài cũng không bao giờ “dung thứ” anh nhớ nhé!

Tôi mạn phép trả lời câu hỏi của anh! Mà có lẽ người anh mong muốn nghe câu trả lời không phải là tôi. Mà là một ai khác kia. Nhưng tôi đã trả lời và bây giờ tôi muốn cùng anh vào khổ thơ tiếp

Đứng bên em tôi thật thà xưng tội / Chỉ một lần gian dối chuyện bán mua / Trong máng cỏ chúa hài đồng bối rối / Đưa hai tay ngơ ngác để chào thua!

Thì ra anh có lẽ không phải muốn xưng tội trước Đức Cha hay trước Đức Chúa hay là Mẹ Maria. Mà anh lại muốn và đã: “đứng bên em” mà làm một việc dẫu “thật thà” nhưng lại chẳng giống ai. Khiến cho “Chúa hài đồng” cũng phải “bối rối” không biết tính sao với kẻ “gian tà ngoại đạo”này. Nên đành “đưa hai tay ngơ ngác chào thua”. Đó là anh “xưng Tội” về một tội lỗi mà theo anh thì anh đã phạm phải “chỉ một lần”: Tội “gian dối” trong “chuyện bán mua”.

Một chàng trai “ngu ngơ”. Sao lại phạm tội “gian dối chuyện bán mua nhỉ”? có lẽ là anh phạm tội gian dối này với cô gái từ hồi “để chỏm” chơi trò bán mua và đã trót lỡ gian dối với cô bé. Và cô ấy đã giận dỗi chăng?

Và có phải từ khi anh gian dối ấy. Anh đã sám hối trong thâm tâm và anh đã âm thầm lặng lẽ theo bên cuộc đời cô gái tới hôm nay không?

Không biết sau khi anh “xưng tội” thì em có tha thứ cho anh không! Tác giả không nói, chỉ thấy anh viết tiếp rằng:

Em trốn giữa đông người đi thánh lễ / Lá thư tình viết vội gởi cho ai? / Đêm giáng sinh sao ba vua đổi chổ / Lời tỏ tình còn nguyên vẹn trên tay.

Vậy là anh anh không nói thì ta cũng biết kết cục buồn cho anh rồi!

Chuyện “gian dối” của anh dẫu một lần thôi ,để em người con gái “tinh khôi trong tâm hồn thánh nữ”. Sau khi nghe thì trả lời anh thế nào? Anh muốn giữ cho riêng mình.

Anh có lẽ đã chờ đợi đêm giáng sinh rất lâu để mà trao “lá thư tình viết vội”. anh hy vọng Đêm giáng sinh , đêm của mùa hạnh phúc , mọi giáo dân đều hoan hỉ đi thánh lễ, chắc chắn em của anh cũng có mặt như mọi lần.

Ngày Đức Chúa Ngôi Hai ra đời. Có ba ông Vua cùng nhìn thấy một vì tinh tú sang khác lạ. Họ đã đi theo ánh sáng của vì sao ấy và thật bất ngờ cả ba ông đều được vì sao đưa tới nơi Đức Chúa Hài Đồng ra đời trong máng cỏ nơi hang đá.

Còn Đêm Giáng Sinh mà tác giả muốn trao lá thư tình cho em thì vì sao may mắn của tác giả thay ngôi, đổi chỗ ra sao ? anh không muốn nói hay anh đã lạc lối, hoặc em đã lạc đường ! để giờ đây anh trách “em trốn giữa đông người” để cho “lời tỏ tình còn nguyên vẹn trên tay”.

Thì ra “lá thư viết vội” kia là một “lời tỏ tình” anh muốn trao! Mà không có cơ hội.

Cuối cùng thì khổ kết cũng là lúc xúc cảm của tác giả được đẩy tới nơi ngã ba giữa “thiên đàng” và “địa ngục” một lần nữa

Yêu em lắm dù ngàn lời sám hối
Tiếng chuông buồn sao giữ được chiên ngoan
Trên thập tự kiếp người ai gánh tội
Chúa trên trời nào hiểu chuyện thế gian?

Quả thật rất khó để nói gì cho anh vợi bớt nỗi buồn này. Vì anh cũng đã cố gắng hết mình bằng việc không chỉ một lần “ đứng bên em xưng tội” thôi mà anh đã có tới “ngàn lời sám hối” bởi anh biết mình “yêu em lắm”..

Cơ hội để chàng trai “ngu ngơ”trao lời tỏ tình không có, và khi bên em thì em lại “ không biết”, trái tim đang loạn nhịp nhưng lại thầm mong “muốn làm tượng đá tháp chuông” để mà nhìn ngắm em cho thỏa thích, và biết đâu lại nghe được em” khấn nguyện điều gì”.Từng ấy điều che đi tình yêu từ phía anh, thì làm sao mà em nhìn thấy được. dẫu có tha thứ cho anh chuyện “gian dối” kia. Thì em cũng chưa biết hôm nay trong đêm giáng sinh này, sẽ có một người chờ đợi để mà tỏ tình!

Bây giờ anh thất vọng, anh yêu mà có lẽ nhút nhát quá chăng? Nàng sang ngang? Nàng thành nữ tu? Hay nàng không cho anh có cơ hội trao lời tỏ tình, vì nàng không yêu anh. Ta chẳng cần tìm hiểu nữa! bởi tác giả đã cho biết có “tiếng chuông buồn” và “sao giữ được chiên ngoan”.

Tác giả ơi ! hai câu kết của anh đã tố cáo anh không còn đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề rồi đây!

Rõ ràng là tại anh! Do anh mà bây giờ anh lại đổ thừa “Chúa ở trên trời” nên không hiểu chuyện thế nhân” .

Cả chuyện anh hỏi “trên thập tự kiếp người ai gánh tội”?

Anh là người ngoại đạo hay anh vờ như mình không biết, để mà trách cứ, hờn giận Chúa vào đêm Giáng sinh này.

Mọi giáo dân đều biết.Tôi biết và rất nhiều người ngoại đạo nữa biết “ Đức Chúa Ngôi Hai” đã có ba mươi ba năm sống kiếp người chịu mọi điều đắng cay, thậm chí bị ngay chính những người thân cận mình phản bội tới ba lần. Nhưng Người vẫn nhẫn nhịn và tha thứ hết, cho tới khi Người bị đóng đinh trên cây Thập Giá. Vậy thì chẳng có lý do gì Người lại “không hiểu chuyện thế nhân” cả.

Vậy thì anh. Vâng, chính anh! Đã và đang “bồng bềnh” sau khi yêu mà chưa yêu được và không được yêu phải không?

Lời Tỏ Tình Đêm Giáng sinh của tác giả Nguyễn An Bình phải chăng là như vậy?

Tôi bản thân là người ngoại đạo nên trong khi viết bài cảm nhận này nếu có gì sai sót xin được tác giả và bạn đọc lượng thứ và bỏ qua!

Sài Gòn 23/12/2013



Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét