Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Ăn Trộm Mùa Thu Của Tác Giả Bình Địa Mộc


Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Ăn Trộm Mùa Thu Của Tác Giả Bình Địa Mộc



Ăn Trộm Mùa Thu

Anh giấu mùa thu giữa đụn mo cau
Chỗ ngày xưa mẹ bó cơm cho cha đi rẫy
Khói bếp thơm thủa cuộn vòng bao dấu hỏi
Năm nay nhuần mưa có kịp về chăng

Anh giấu mùa thu vào chiếc gàu dai
Đêm trăng sáng dân làng rủ nhau tát nước
Giọt mồ hôi như rượu nồng say khướt
Nhỏ xuống đồng vết nứt nẻ chân chim

Anh giấu mùa thu đôi quang gánh bong niềng
Đợi giáp hạt quẩy mái gà tơ đi bán
Củ khoai Sùng ăn… nép mình sau mầm lá
Phiên chợ buồn… rây mịn nỗi lo toan

Anh giấu mùa thu máng xối nhà ngang
Giấc mơ khuya giật mình đánh võng
Con heo nái đói lòng gặm móng
Nồi cám khê thông thốc từ chiều

Anh giấu mùa thu trong ong ống tre
Hạt giống cuối cùng vỡ ối
Nghe mạch chảy thời gian thao thiết gọi
Tiếng tù và hối hả bước đàng trai

Bao năm rồi hồn chửa phôi phai
Giấu hết yêu thương âm thầm vào dĩ vãng
Em có về không để anh còn trao nhẫn
Kết bởi lá vàng ăn trộm mùa thu ...(Bình Địa Mộc)

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một làng quê nghèo thuộc vùng trung du bắc bộ, với bốn mùa yêu thương .Giờ này ngoài ấy đã vào cuối mùa Thu .Lá vàng sắp thôi chơi trò chơi đuổi bắt cùng những cơn gió heo may nhè nhẹ ...Đồng làng đang vào vụ thu hoạch lúa mùa, hương lúa chín, cùng với mùi thơm nồng của rơm rạ ngạt ngào quyện theo những đụn khói tỏa ra từ những chái bếp đang lan xa, bay xa và nó đã tới đây –Vùng đất phương nam chỉ hai mùa mưa nắng.Nơi tôi đang sinh sống!

Tôi cảm nhận được “Hương đồng gió nội” của quê hương xa xôi ấy, là vì tôi đang thả hồn mình theo một dòng thơ,một dòng cảm xúc rất riêng biệt, rất lạ và trên hết là tôi đã tìm được trong bản trường ca mà tác giả gửi gắm(- có thể gọi là tác giả đã “Rút ruột…” để viết). Một đoản khúc về mùa Thu, về quê hương yêu dấu. Để tôi ngồi đây uống từng lời và khe khẽ ngân nga cho riêng mình.

Đoản Khúc Thu ấy chính là bài thơ Ăn Trộm Mùa Thu.Của tác giả Bình Địa Mộc

Năm nay thời tiết không có Nhuần.Nắng mưa có lẽ đúng hẹn.Nhưng với nỗi lòng của người con xa quê, vẫn đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn,nơi mà tác giả đã lớn lên trong vòng tay của mẹ trong sự bảo bọc của cha. Để rồi giờ đây viết ra tiếng lòng của một người con xa xứ gửi về nơi ấy.Bằng những lời thơ giản dị , nhưng chứa đầy tình cảm và khơi gợi cho người đọc bao cảm xúc:

Anh giấu mùa thu giữa đụn mo cau
Chỗ ngày xưa mẹ bó cơm cho cha đi rẫy
Khói bếp thơm thủa cuộn vòng bao dấu hỏi
Năm nay nhuần mưa có kịp về chăng

Mở đầu tác giả đã xô tôi "đánh ầm" vào căn hầm bí mật mà tôi cất giữ hơn nửa đời người..Và có lẽ đây cũng là vùng ký ức in đậm trong tiềm thức của tác giả.Hình ảnh đụn mo cau bó cơm sao gần gũi và thân thương thế. Trong thơ anh luôn có những vần thơ rất đặc biệt với tôi. Chẳng hạn như làn khói bếp nhẹ nhàng kia, mỏng manh kia, sao không len lỏi đi đâu? bay đi đâu? Mà lại là “Cuộn vòng bao dấu hỏi”. thật lạ , thật đắt.Anh không chỉ giấu mùa thu vào những ký ức mùa Thu trong hình ảnh trẻ thơ với những suy nghĩ ngộ nghĩnh.Nhưng ẩn trong câu hỏi đó là câu trả lời của thì tương lai.Ta phải chờ đợi vậy…
Thật lạ lùng khi anh lại cất giấu mùa Thu trong:
Anh giấu mùa thu vào chiếc gàu dai
Đêm trăng sáng dân làng rủ nhau tát nước

Ở quê còn có Gàu Sòng nữa ? nhưng ở đây anh lại lấy hình ảnh chiếc Gàu Dai…vì có lẽ gàu dai thì ắt hẳn phải tát nước với hai người? Ý, tình và cảnh làng quê trong thơ hòa quyện vào nhau ở hai câu này rất rõ nét.Tôi tin rằng ngày xưa anh đã có nhiều lắm những đêm đi tát nước, phụ giúp cha mẹ. Nên mới thấu hiểu sâu nặng đến mức:

Giọt mồ hôi như rượu nồng say khướt
Nhỏ xuống đồng vết nứt nẻ chân chim

Cao trào của cảm xúc tác giả gửi vào đây,không còn cho riêng mình nữa mà cho cả cha mẹ, anh chị, em và những người bạn, người hàng xóm và xa hơn nữa là tất cả những người nông dân một nắng hai sương ở ngoài đồng…

Nhưng rồi đến lúc giáp vụ thì lại phải bán đi từ , con “gà mái tơ” để chỉ mong đổi lấy mấy “Củ khoai bị Sùng ăn…” trong một phiên chợ quê nghèo

“Đợi giáp hạt quẩy mái gà tơ đi bán
Củ khoai sùng ăn- nép mình sau mầm lá”

Nỗi lo toan lớn, nặng và không mịn màng dù Tác giả đã muốn” Rây mịn” bằng “Phiên chợ buồn”.thật lạ lùng và xúc động khi thấy tác giả nhớ tới mùa Thu bằng hình ảnh đôi quang gánh đã:”Bong niềng”

Hình ảnh mùa Thu trong tác giả sao mà thân thương, sao mà gần gũi thế.Nhưng cũng xót xa, đau đáu nhiều lắm, lắm đấy.

Tôi như thấy lại tôi. Bên căn nhà tranh nhỏ ngày nào.Trước mái có một ống máng xối bằng cây vầu bắc để hứng nước mưa.

Giờ đây bắt gặp “Anh giấu mùa thu máng xối nhà ngang.” Nhưng lại gặp “giấc mơ khuya giật mình đánh võng.”

Bức tranh quê nghèo đã khắc họa rõ nét, không chỉ con người lúc giáp vụ với hình ảnh củ khoai Sùng ăn nữa, mà đến “con heo nái đói lòng gặm móng” vì “nồi cám khê thông thốc từ chiều”.

Trời ạ. Còn cái hình ảnh nào để khắc họa đắt hơn ngoài từ Thông Thốc ở đây nữa không? Và sao lại không cho nó kêu, réo gọi, phá chuồng mà lại để nó phải Gặm Móng Tác giả ơi!...Tôi cảm nhận ở đây nỗi khổ cùng cực rồi Bình Địa Mộc ạ !

Tất cả những nét vẽ của bức tranh mang gam màu buồn gần như hoàn thiện. Thì bất ngờ tác giả đã cho ta thấy phía chân trời một ánh sáng lóe lên. Một tia hy vọng cho cả một chuỗi những cung bậc cảm xúc mỗi ngày một ảm đạm.

Với hình ảnh “Anh giấu mùa Thu trong Ong ống tre”. Tác giả đã khéo léo so sánh sự cần mẫn của người dân quê với hình ảnh của chú Ong Bầu.

Nhờ chăm chỉ, cần mẫn chịu thương chịu khó nên “Hạt giống cuối cùng vỡ ối” Sự sinh sôi nảy nở đã hiện diện .Tia sáng đã lóe lên “Nghe mạch chảy thời gian thao thiết gọi”.và Hạnh phúc cũng đã mỉm cười “Tiếng tù và hối hả bước đàng trai”…

Hạnh phúc, niềm tin và hy vọng đã song hành để hôm nay dù “Bao năm rồi hồn chửa phôi phai”. Anh vẫn đau đáu, vẫn gói ghém từng kỷ niệm và chỉ để “Giấu hết yêu thương âm thầm vào dĩ vãng”và mỗi khi Thu đến ở giữa một thành phố ồn ào náo nhiệt.chỉ có hai mùa Mưa -Nắng.

Anh vẫn tự hỏi “ Em có về không để anh còn trao nhẫn” và chiếc nhẫn ấy được “Kết bởi lá vàng ăn trộm mùa thu ...”

Không!Tôi tin và Tin chắc rằng anh hỏi chỉ để hỏi? trong anh đã và sẵn có câu trả lời rồi. Bởi cả dòng đời trôi nổi bập bềnh nên thác xuống ghềnh anh phải mang giấu mùa Thu ở khắp mọi nơi từ "đụn mo cau,gàu dai,quang gánh đã bong niềng,máng xối nhà ngang, hay Ong ống tre....Bây giờ cuộc sống của anh đã cập bến bình yên, và vẫn chưa yên tâm với những nơi mà mình cất giấu ấy.Năm nay nếu mùa Thu về thì anh sẽ "Trao nhẫn".... Đồng nghĩa với việc anh đã quyết định mang những nỗi niềm, ký ức về mùa Thu cất giấu ở trong Tim mình. Ở nơi này anh sẽ không còn phải trở trăn và sợ bị ai Ăn trộm nữa

Thu sẽ về trong anh.Mùa Thu đã cùng anh lớn lên, cùng anh đi qua những tháng năm gian khổ.Mùa Thu cùng anh yêu, cùng anh sống trong hồi ức, cùng anh đến muôn phương.Và, Thu luôn luôn ngự trị trong trái tim anh ,người xa quê đau đáu nhớ về cội nguồn của mình.Một thời khó khăn ,gian khổ…

Cám ơn tác giả Bình Địa Mộc với một dòng thơ đặc biệt...nó đặc biệt với tôi bởi tôi tìm được trong thơ anh nhạc điệu của bài thơ theo nhịp đập của trái tim mình và sự bình dị, ngôn từ không quá cầu kỳ chau chuốt.Nhưng bằng những tứ thơ sâu sắc được viết ra từ tận trong sâu thẳm tâm hồn của một người từng trải.Rất giàu cảm xúc và quá giầu vốn sống và vốn từ ...và đặc biệt là bài thơ Ăn Trộm Mùa Thu.

Tôi đã đọc và cảm nhận Ăn Trộm Mùa Thu với tấm lòng của một người yêu và thích đọc thơ..Đây là cảm nhận của cá nhân tôi, có thể tôi chưa hiểu hết được ý, tình, và trên hết là cái hồn của bài thơ mà tác giả gửi gắm tâm tư tình cảm của mình.Xong do tôi đã tìm thấy mình, thấy quê hương mình trong bài thơ này . Rất mong sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc nếu có gì sai sót.


Sài Gòn 8/10/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét