Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Tóc Rối Của Tác Giả Đông Oanh (Cựu Giáo Sinh SPQN K13, Cựu HS.NTHQN)



Ca khúc Tóc Mây của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, với những ca từ khiến bất cứ ai yêu cái đẹp, cũng đều chết mê chết mệt về một Nàng trong hình ảnh Tóc Mây

Mùa hè vui đôi chân chắp cánh
Tóc mây hồng cho mắt long lanh
Trời mùa đông môi em thắp nắng
Tóc mây dài chân vui đường vắng
Rồi mùa xuân cây thay áo mới
Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi

Ba mùa đẹp đi với ba cung bậc cảm xúc tuyệt diệu như vậy. Cứ ngỡ đâu, Tóc Mây sẽ thăng hoa và cập bến tình tuyệt đẹp vào mùa thu thì bất ngờ gặp cảnh:

Rồi mùa thu xôn xao lá úa
Tóc mây buồn phủ kín tim tôi
Ôi tóc mây bay ru lên điệu buồn
Sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có lẽ nào lại để cho hình ảnh mái tóc mà ông gọi là Tóc Mây phải cô đơn… nên hai câu kết của ông ít nhiều an ủi cho tôi. Để tôi không bị hụt hẫng

Ôi tóc mây thơm men say lạ thường
Tình ta xanh lá tóc mây không vàng. (Phạm Thế Mỹ)
Tại sao tôi lại đi tìm Tóc Mây làm niềm vui thưởng thức cho mình. Bởi tôi là một trong những người yêu lắm những mái tóc đẹp, trong khi tôi lại vừa bắt gặp ở chị Đông Oanh, người bạn lớn. Một Tóc Rối ngậm ngùi và rất nhiều cảm xúc đang cuốn tôi theo:

Tóc Rối!

Chắc gì mình hạnh phúc
Nếu kiếp này có nhau
Chỉ mong sao người ấy
Sống nghĩa tình với ai

Mộng xưa vùi dĩ vãng
Nhắc lại thêm bẽ bàng
Lời thề trăm năm ấy
Theo gió thoảng mây bay

Kiếp sau nếu gặp lại
Chẳng biết có đổi thay
Nếu cũng như kiếp này
Thà đừng cùng chung lối

Cuộc đời như tóc rối
Thanh thản chải từ từ
Từng sợi từng sợi một
Sẽ thấy mình bình an - (Đông Oanh)

Bài thơ được chị viết theo thể thơ ngũ ngôn. Một trong những thể thơ đòi hỏi người viết phải chắt lọc câu từ sao cho ý thơ cô đọng nhất có thể.

Tôi đã thật sự bất ngờ với Tóc Rối khi chị viết :

Chắc gì mình hạnh phúc
Nếu kiếp này có nhau
Chỉ mong sao người ấy
Sống nghĩa tình với ai

Có lẽ là chị viết cho Cố nhân của chị.Và, quan trọng là để chị tự an ủi mình đừng tiếc nuối, đừng đau khổ vì cuộc tình đổ vỡ này nữa thì phải.
Nếu đúng thì có lẽ chị đã đau khổ rất nhiều...Để rồi khi rũ bỏ được niềm đau ấy chị bật lên “chắc gì mình hạnh phúc./ Nếu kiếp này có nhau”..Nhưng bởi từ đáy lòng có lẽ chị còn thương "người ấy" nên mới có “chỉ mong sao người ấy. Sống nghĩa tình với ai”.
Thật không dễ gì thốt ra lời thơ ấy ! nhưng may mắn là chị đã nghĩ được và viết ra được. Mong rằng chị sẽ nhẹ lòng hơn. Khi viết tiếp:

Mộng xưa vùi dĩ vãng
Nhắc lại thêm bẽ bàng
Lời thề trăm năm ấy
Theo gió thoảng mây bay

Đây chính là lý do để cho chị phải đau khổ, người ấy đã phụ tình chị, dẫu đã có giữa hai người “lời thề trăm năm”. Vậy mà vì ai ? và vì đâu? Mà nó đã “theo gió thoảng mây bay”. Vâng rất đồng ý với chị là hãy đem nó "vùi dĩ vãng, chẳng nên "nhắc lại" làm gì. Bởi một lần nhắc là thêm một lần cảm thấy "bẽ bàng" mà thôi.
Biết vậy nhưng có lẽ vì chị là người nặng tình lắm lắm nên chị vẫn hy vọng ở tận “kiếp sau”:

Kiếp sau nếu gặp lại
Chẳng biết có đổi thay
Nếu cũng như kiếp này
Thà đừng cùng chung lối

Hy vọng là điều rất cần thiết cho bất kỳ ai, bất kỳ chuyện gì trong cuộc sống. Nhưng cái hy vọng của chị ở đây sao nó chua xót lắm chị ơi!

Niềm hy vọng nếu chỉ là “gặp lại” thì có lẽ sẽ khác hơn...Nhưng chị hy vọng “người ấy” “đổi thay” thì mong manh quá. Với hai từ “chẳng biết” ở đây thì có lẽ, chị đã gần như chắc chắn về kết quả niềm hy vọng ở mãi tận kiếp sau kia cũng chẳng sáng sủa gì.

Có lẽ là vậy nên chị lại quay về để tự thì thầm với chính mình: “Thà đừng chung lối”, chữ “thà”chị đặt ở đây sao như đang nếm vị “đắng nghét” của hương vị tình yêu thêm vậy chị ơi ! Có lẽ là chị đã nhấm nháp vị đắng ấy, sau khi nếm trải sự chua xót ở trên. Cảm nhận cuộc tình có "chua xót” cùng với “đắng nghét” là bởi câu thơ “nếu cũng như kiếp này” đi trước cái quyết định dứt khoát “Thà đừng” kia.

Và đây là những điều chị muốn nói với chính mình và với những ai có cảnh ngộ giống như mình thì phải:

Cuộc đời như tóc rối
Thanh thản chải từ từ
Từng sợi từng sợi một
Sẽ thấy mình bình an

Thật là khó khăn khi mái tóc vốn đang mượt mà lại bị rối tung. Gặp trường hợp này không thể nôn nóng, mà phải gỡ từ từ sẽ ra . Nếu ta vội vàng thì rối càng thêm rối và nếu không khéo mà quá đà thì sẽ phải cắt bỏ. Đó là hình ảnh tả thực của khổ kết. Phải chăng cũng là thông điệp mà tựa đề Tóc Rối tác giả muốn gửi gắm..
Ở Tóc Rối xuyên suốt từ đầu bài thơ tới giờ. Là nỗi niềm, là nỗi buồn đau bị tình phụ. Nhưng chị vẫn nghĩ cho người “ phụ tình” ấy “sống nghĩa tình với ai” chứ không là với mình. Chỉ còn chút hy vọng mong manh cho riêng chị: Là kiếp sau sẽ gặp lại vẫn người ấy, nhưng người ấy sẽ “đổi thay” chứ không như “kiếp này”.
Chính bài thơ là sự khẳng định: Chị chứ không phải là ai khác đã đem “vùi dĩ vãng” nỗi đau khổ này. Bây giờ chị đã “thanh thản” để gỡ dần từng mối rối...Từng nút thắt của cuộc đời chị ra. Từng nút một..
Chính khi chị gỡ hết và đã tìm “thấy mình bình an”. Là lúc bài thơ Tóc Rối đầy tâm trạng này ra đời!

Một bài thơ tình được viết từ một người phụ nữ bị phản bội. Bất kỳ ai chứ không riêng gì chị đều cảm thấy hụt hẫng,đau khổ lắm chứ,bi quan lắm chứ...Vượt qua tất cả bài thơ lại là một bản nhạc không hề bi lụy, sầu thảm mà chứa đựng trong bài là tình thơ và ý thơ diễn tả tâm lý lạc quan và có hậu. đây chính là thông điệp mà tác giả-một cô giáo- muốn gửi gắm qua Tóc Rối.

Sài Gòn 30/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét