Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Một Thời Mẹ Quét Lá Đa Của Tác Giả Lê Xuân Ngọ

Bài thơ Một Thời Mẹ Quét Lá Đa của tác giả Lê Xuân Ngọ có nội dung như thế này:
Những chiều thui thủi một mình
Lom khom mẹ quét sân đình lá rơi
Cơn mưa đen cả bầu trời
Vội về mẹ gánh bồ vơi bồ đầy
Gió to đu vít ngọn cây
Mẹ đi như thể trên mây về nhà
Bây giờ mẹ đã đi xa
Chỉ còn lá rụng gốc đa sân đình-(Lê Xuân Ngọ).

Bài thơ được viết theo thể thơ Lục Bát với vỏn vẹn chỉ 8 câu thơ nhưng tác giả đã cho tôi ngập tràn cảm xúc . Bài thơ xô tôi trở về quá khứ cách đây trên ba mươi năm.Cùng những kỷ niệm xưa cũ ào về như vừa mới đây thôi. Tôi còn là cô bé 10 tuổi đi quét lá bạch đàn về đun. Hồi đó cứ mưa bão là mọi nhà thi nhau ra chờ cây gãy kéo về để làm củi.
Giờ nghĩ lại mới sợ chứ hồi đó có cành cây nào gãy xí phần được là thích lắm. Những ngày nắng thì 3 giờ sáng hai mẹ con và sau này là mình tôi, cầm chổi ra rừng quét lá rụng để về đun bếp. Mất rất lâu để trở về thực tại hôm nay, giữa một thành phố ồn ào náo nhiệt.
Tôi bước vào khám phá bài thơ với hai câu đầu:
Những chiều thui thủi một mình
Lom khom mẹ quét sân Đình lá rơi.
Tác giả quê ở vùng chiêm trũng Hà Nam lên Mẹ ông không ra rừng quét lá về đun giống tôi- vùng trung du Bắc Bộ- mà ở quê ông, chủ yếu là rơm rạ và cây dại .Có lẽ nhà ông ở gần đình làng nên mới có cảnh mẹ ông mỗi chiều quét lá rụng ở sân đình. Vừa sạch đình, vừa có lá về đun. Miền bắc có bốn mùa rõ rệt và mưa nắng thất thường, ngày nắng thì rất dễ cho mẹ ông gom lá vào bồ mang về nhưng gặp những buổi chiều mà: Cơn mưa đen cả bầu trời Vội về mẹ gánh bồ vơi,bồ đầy Nghịch lý là ở đây. Vất vả chính là đây. Nhớ nhất cũng là những hình ảnh này. Trời nổi cơn giông thì gió mới to và rung lá rụng nhiều, muốn quét được nhiều thì chính là lúc này mới có “bồ vơi, bồ đầy” để mẹ ông vội gánh về. Những bạn đọc ở thành phố hoặc ở miền trung miền nam thật khó để hình dung ra hình ảnh của cảnh gom lá trong cơn giông.
Và nhất là hai câu thơ sau:
Gió to đu vít ngọn cây
Mẹ đi như thể trên mây về nhà
Gió to tới mức “đu vít ngọn cây”. Hình ảnh gió lớn xô kéo cây nghiêng ngả được ông miêu tả qua ngôn ngữ thơ thật tuyệt vời. “Đu vít” thật không thể là từ nào khác hay hơn. Mẹ ông lúc gió to như vậy mà gánh hai bên hai bồ lá về nhà, ông nhớ hình ảnh “mẹ đi như thể trên mây” . một hình ảnh nặng lòng người đọc .
Tác giả có lẽ đã rất nhiều lần ngắm mẹ gánh lá về trong lúc gió lớn. Người gánh phải cố giữ cho hai bồ lá thăng bằng và nằm trên đôi vai, để gió đẩy đi và đôi chân phải chạy như bay theo mới kịp. một hình ảnh đẹp và cũng nói lên nỗi vất vả lam lũ của mẹ ông cũng như những người phụ nữ khác ở những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước. Hai câu thơ này với hình ảnh và không gian nhiều chiều trong thơ . Chính là điểm nhấn cho cả bài thơ và làm nao nao lòng tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc đã đồng cảm với hình ảnh này.
Và rồi hai câu kết của Một Thời Mẹ Quét Lá Đa cũng đã đến:
Bây giờ mẹ đã đi xa
Chỉ còn lá rụng gốc đa sân đình.
Có lẽ bài thơ này đã ra đời vào một buổi chiều “cơn mưa đen cả bầu trời” và giông gió nổi lên ầm ầm, lá đa sân đình làng ông rụng rất nhiều. Nỗi nhớ mẹ với những năm tháng vất vả trỗi dậy trong lòng ông. Mẹ ông đã đi xa, nhưng gốc đa sân đình vẫn còn đây, và mỗi chiều gió mưa lại khiến ông nhớ về: Một Thời Mẹ Quét Lá Đa.
Mẹ của tác giả cũng là hình ảnh của rất nhiều những bà mẹ lam lũ một đời vì chồng con của một thời khó khăn chung của cả dân tộc. Giờ đây mỗi chúng ta nhớ lại để nhắc nhở con cháu biết quý trọng nâng niu những gì hôm nay có được. Nó là thành quả từ những việc làm rất bình thường như vậy trong đời sống thường nhật gộp lại mà thành. Cám ơn tác giả Lê Xuân Ngọ cùng bài thơ Một Thời Mẹ Quét Lá Đa, đã cho tôi có cảm xúc để viết bài viết này.Có thể tôi với sự đồng cảm cùng cảm xúc của mình, chưa lột tả được hết tâm tư tình cảm và quan trọng là chưa nêu lên được ý của tác giả muốn gửi gắm vào bài thơ. Mong tác giả và bạn đọc hãy bỏ qua cho nếu có thiếu sót.
Sài Gòn 27/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét