Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ Anh Đi Rồi của tác giả Hoa Hồng


Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Anh Đi Rồi của tác giả Hoa Hồng


Tôi đã biết tác giả Hoa Hồng, khi chị viết Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội, bằng cảm xúc thơ ca mà thấm đẫm hồn thơ, như người từng xông pha trên tuyến lửa 1C. Để rồi hôm nay tôi lại thổn thức cùng tác phẩm Anh Đi Rồi viết về tâm trạng một phụ nữ trẻ cô đơn nặng tình trọng nghĩa... Của tác giả có đời tư ngập tràn hạnh phúc mang tên Hoa Hồng.

Anh đi rồi
Môi em màu xám lạnh
Nhớ cái riết nhau mà ngây ngất đến dại lòng.
Cầu tre ai bắc mấy nhịp cong cong.
Để lắt lẻo cái nốt duyên trong dậy thì con gái.

Anh đi rồi
Hạt ngâu cứ vô tình vung vãi.
Đường về ngút ngái.
Em tự cấu vào chuỗi ngày ngây dại
Để đau một chữ đau.

Anh đi rồi
Em guộn sợi tơ trời giăng trên đám mây nhàu.
Đan áo đợi
người đàn ông để lại cho thu chiếc lá vàng héo hắt.
Tháng bảy đong một mùa yêu đầy nước mắt.
Hoàng hôn tím ngắt phía cạn ngày.

Anh đi rồi
Ngơ ngẩn bên đời một cái gối tay.
Đêm gãy khúc em chơi vơi giữa muôn trùng nhớ quên khờ khạo.
Đành sao? nỡ để em mồ côi một chữ yêu giữa chợ tình nhốn nháo.
Rệu rạo em.

Anh đi rồi
Lũ bướm ong mới sáng sớm đã say mèm.
Bẹo hình bẹo dạng quanh hàng dâm bụt nhà cô hàng xóm.
"Cậu ông trời" ra bờ đê ngồi chồm hổm.
Trách cháu mình
Sao mưa hoài để tháng bảy đỏ hết mắt kia kìa!

Anh đi rồi.
Mình con tim em gõ nhịp giữa đêm khuya.
Con chim cú tha nụ cười của em đi mất.
Lần đầu cái thì con gái sao mà lận đận.
Anh đi
Xanh xao miền nhớ
Gầy guộc giấc mơ em.( Trần Ngọc Hòa- Hoa Hồng)


Bài thơ viết theo thể thơ tự do, với những câu thơ ngắt khúc dài, thật dài và đôi khi thật ngắn. Chuyển tải ý thơ theo những diễn tiến tâm lý người phụ nữ khác nhau. Xuyên suốt bài thơ với sáu lần khẳng định “Anh đi rồi”, mỗi lần khẳng định trái tim người phụ nữ lại thêm một lần “ Đau một chữ đau”, và lại cách xa thêm một tầm với để nhặt lại “nụ cười” do “con chim cú” tha đi.

Người phụ nữ Á Đông xưa nay luôn được răn dạy theo nguyên tắc của lễ giáo từ thời phong kiến để lại.Tam Tòng Tứ Đức, trong Tam Tòng ấy chỉ có ba đại từ nhân xưng Cha, Chồng và Con. Như vậy nếu theo Nguyên tắc Nho Giáo này thì có lẽ người phụ nữ là chủ thể Em trong Anh Đi Rồi của tác giả Hoa Hồng mang tâm trạng mất mát hụt hẫng, gánh nỗi đau đớn từ tâm hồn, tới thể xác khi mất đi người đàn ông yêu thương của đời mình.

Không một chữ mất mát nào,nhưng cả bài thơ vẫn cho thấy nó chính là những tiếng gào thét đau nhói của người phụ nữ. Những ngôn từ dành cho bài thơ cũng được sắp xếp theo một nhịp điệu chẳng mượt mà êm ái. Có lẽ do con đường mà chủ thể Em phải đi qua vốn gập ghềnh trắc trở, như chính nhịp điệu của bài thơ cũng nên.

Ca dao xa xưa cha ông ta đúc kết đã bao đời cho những người gặp phải cảnh trớ trêu như Em :

Dậm chân, đấm ngực kêu trời
Vợ chồng chưa mấy năm trời đã xa (Ca dao)

Hay như:

Vợ chồng là nghĩa phu thê
Tay ấp má kề sinh tử có nhau ( Ca dao)

Em của tác giả Hoa Hồng vì sao mà mất đi người thân yêu nhất, tác giả không đề cập đến. Chỉ thấy bước vào Anh Đi Rồi là đã gặp ngay:
Anh đi rồi
Môi em màu xám lạnh
Nhớ cái riết nhau mà ngây ngất đến dại lòng.
Cầu tre ai bắc mấy nhịp cong cong.
Để lắt lẻo cái nốt duyên trong dậy thì con gái.

Tình nghĩa phu thê khẳng định ngay ở khổ đầu, Mà ở đây là người vợ trẻ vừa kịp quen hơi chồng với những vòng tay ghì xiết. Hơi ấm, hương yêu còn nóng hổi sau khi “anh đi rồi”. “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi” ( ca dao). Nhưng ở đây cầu tre lại làm “lắc lẻo cái nốt duyên” ở người “con gái” mới “dậy thì”. “Anh đi rồi” đôi môi đỏ mọng đương thì con gái căng tràn nhựa sống là vậy, bỗng chốc đổi “màu xám lạnh”. Biết là cầu tre lắc lẻo khó đi, nhưng cũng chẳng biết trách ai bắc “mấy nhịp cầu cong” ấy. Để giờ đây Em phải “nhớ cái riết nhau mà ngây ngất đến dại lòng”. Vâng, có lẽ chưa kịp cảm nhận được cái đắm mê ngây ngất của hương yêu, thì thực tại đã đánh thức nỗi tê tái đến “dại lòng” của Em. Câu thơ này chính là điểm nhấn mở ra một chuỗi những nhớ thương, đan xen với nỗi khổ đau đến tột cùng của Em ở phía trước.

Anh đi rồi
Hạt ngâu cứ vô tình vung vãi.
Đường về ngút ngái.
Em tự cấu vào chuỗi ngày ngây dại
Để đau một chữ đau.

Có mất mát nào đớn đau hơn khi sự thực là “Anh đi rồi”, mà vẫn nửa tỉnh, nửa mê để mà làm một hành động “Tự cấu” mà cấu vào “ chuỗi ngày ngây dại” của chính mình, để mà mong rằng mình đang mê chứ không phải tỉnh. Nhưng trớ trêu thay “anh đi rồi” lại là sự thực nên “đau” lại càng thêm “đau”. Hẳn nhiên là những giọt mưa Ngâu kia chẳng bao giờ “vô tình vung vãi” cả! Mỗi năm đến hẹn lại lên, mưa ngâu sẽ đến vào tháng 7. Chỉ có tháng 7 mới có Cầu Ô Thước cho đôi lứa chia ly bởi âm dương cách trở lên cầu để gặp nhau. Có lẽ với nỗi đau, thêm những giọt nước mắt, cứ nối tiếp lăn dài và chúng vô tình hòa lẫn “Hạt ngâu” đấy thôi!

Anh đi rồi
Em guộn sợi tơ trời giăng trên đám mây nhàu.
Đan áo đợi
người đàn ông để lại cho thu chiếc lá vàng héo hắt.
Tháng bảy đong một mùa yêu đầy nước mắt.
Hoàng hôn tím ngắt phía cạn ngày.

“Anh đi rồi” sự thực là thế. Nhưng có ai hiểu cho nỗi lòng trống vắng đơn côi của người vợ trẻ lúc này không?. Bất cứ điều gì, Em có thể làm để vơi đi nỗi nhớ niềm thương và xua đi cô quạnh, Em đều không nề hà. Ngay cả những việc như “ guộn (cuộn) tơ trời trên đám mây nhàu” để mà “đan áo đợi”. Vẫn biết “trên đám mây nhàu” ấy Em khó có thể guộn được sợi tơ nào. Nhưng Em vẫn nuôi hy vọng, thêm khao khát cuộn và đan cho bằng được, để rồi sẽ trao cho “người đàn ông” người mà trước khi ra đi đã “ để lại cho thu chiếc lá vàng héo hắt”. Có lẽ cũng chính là người đã gieo vào tim Em những nồng nàn, ấm áp, yêu thương, rồi bỗng nhiên cắt ngang chặt dọc xé nát trái tim Em, rồi đẩy Em vào “một mùa yêu thương đầy nước mắt”. Nào đâu chỉ có “hết mùa yêu thương” tháng 7 thôi. Mà còn mãi cho đến tận “hoàng hôn tím ngắt phía cạn ngày”. Hai từ “tím ngắt” đặt vào màu sắc buổi “hoàng hôn phía cạn ngày” cho ta cảm giác y như lúc nhìn thấy “ đôi môi xám lạnh” của Em vậy

Anh đi rồi
Ngơ ngẩn bên đời một cái gối tay.
Đêm gãy khúc em chơi vơi giữa muôn trùng nhớ quên khờ khạo.
Đành sao? nỡ để em mồ côi một chữ yêu giữa chợ tình nhốn nháo.
Rệu rạo em.

Anh đi rồi
Lũ bướm ong mới sáng sớm đã say mèm.
Bẹo hình bẹo dạng quanh hàng dâm bụt nhà cô hàng xóm.
"Cậu ông trời" ra bờ đê ngồi chồm hổm.
Trách cháu mình
Sao mưa hoài để tháng bảy đỏ hết mắt kia kìa!

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi bên đời của Em đấy. Em ngơ ngẩn khi nhớ lại bên mình đã từng có một bờ vai vững chãi, một chiếc gối không êm nhưng ấm nồng hơi thở, cái “gối tay” ấy nay không còn nữa, bởi “anh đi rồi”. Cuộc tình đứt đoạn, kéo theo men ái ân lụi tàn mất hút, nhưng dư hương của nó vẫn còn lẩn khuất quanh Em. Đêm gãy khúc? Hay lòng em tan nát “chơi vơi giữa muôn trùng nhớ quên”. Anh có lẽ là không đành để em phải “ mồ côi” một chữ yêu đâu. Chỉ có con tim còn thổn thức với nhịp đập cũ xưa bên bến hạnh phúc ngắn ngủi . Nên cảm thấy “rệu rạo” mà không đành đấy thôi!

Dẫu cho “lũ bướm ong” có “bẹo hình, bẹo dạng” hay là chúng có bao vây luôn “nhà cô hàng xóm” mặc, Em vẫn chỉ một lòng chờ “mùa yêu thương” tháng 7 mà thôi. “Cậu ông trời” trách cháu? Hay Em tự an ủi mình đây? Thôi nếu khóc mà vơi được sầu nhớ, buồn tủi, khổ đau thì cứ khóc, đừng ngại ai kia có quở “mắt đỏ hết kia kìa!”

Anh đi rồi.
Mình con tim em gõ nhịp giữa đêm khuya.
Con chim cú tha nụ cười của em đi mất.
Lần đầu cái thì con gái sao mà lận đận.
Anh đi
Xanh xao miền nhớ
Gầy guộc giấc mơ em.

Một khổ kết không hề dễ đọc và dễ cảm hết ý thơ vừa hiện diện. Hình ảnh người phụ nữ cô độc với trái “tim em gõ nhịp giữa đêm khuya” khiến tôi và có lẽ có rất nhiều bạn đọc thấy chạnh lòng. Rồi thêm hình ảnh: “Con chim cú” xuất hiện vốn đã là điềm gở (theo dân gian)…ở đây tác giả còn cho nó làm thêm cái việc khác thường rằng “mang nụ cười của em đi mất”. Phải chăng ngày con chim cú xuất hiện, nó đã mang anh đi mãi mãi. Để rồi từ đó nụ cười cũng tắt trên đôi môi Em. Với câu kết “ Anh đi xanh xao miền nhớ, gầy guộc giấc mơ em”. Có lẽ chẳng cần phải nói thêm về nỗi cô đơn và sự nhớ thương đã làm cho tâm hồn và thân xác người phụ nữ trẻ trở thành như thế nào nữa…

Vâng “lần đầu cái thì con gái”, với cuộc đời Em đến đây, đã gắn liền với hai chữ “lận đận” rồi. Nhưng lận đận đến bao giờ? Sau khi Anh Ra Đi thì còn tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người trong cuộc khác nhau.

Thời phong kiến nếu chiếu theo Tam Tòng thì khi “phu tử tòng Tử”. Xã hội hiện đại ngày nay, đã cởi trói cho thân phận người phụ nữ Á Đông nói chung và những người phụ nữ không may mắn “đứt gánh giữa đường” nói riêng rất nhiều. Nhưng xung quanh chúng ta vẫn không thiếu những người phụ nữ như Em của tác giả Hoa Hồng. Họ đã yêu đã thương đã thề ước và họ thủ tiết với chồng giữ chọn nghĩa Tào Khang.

Bài thơ của tác giả Hoa Hồng với cá nhân tôi là một bài thơ hay về tình, sâu rộng về ý. Đặc biệt là những câu thơ có nhiều sức gợi như :
Nhớ cái riết nhau mà ngây ngất đến dại lòng
Để lắt lẻo cái nốt duyên trong dậy thì con gái.
Em tự cấu vào chuỗi ngày ngây dại
Em guộn sợi tơ trời giăng trên đám mây nhàu.
Đan áo đợi
Tháng bảy đong một mùa yêu đầy nước mắt.
Hoàng hôn tím ngắt phía cạn ngày.
Ngơ ngẩn bên đời một cái gối tay.
Đêm gãy khúc em chơi vơi giữa muôn trùng nhớ quên khờ khạo.
Mình con tim em gõ nhịp giữa đêm khuya.
Con chim cú tha nụ cười của em đi mất.

Bấy nhiêu câu thơ chất chứa tầng tầng ý thơ trong một bài thơ, cho người đọc tha hồ liên tưởng bay cùng không gian nhiều chiều lấp lánh ..Với riêng tôi đấy chính là một thành công của tác giả Hoa Hồng làm nên một tác phẩm hay mà không phải ai cũng viết được, mặc dù khi đọc lên có lẽ không chỉ riêng tôi mà sẽ có rất nhiều người nhận thấy.

Sài Gòn 8/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét