Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Trinh Nữ Trường Sơn Của Tác giả Lê Đức Thiên



Gần bốn mươi năm dãy Trường Sơn im tiếng súng, Cây cối nay đã xanh tươi trở lại. Con đường Trường Sơn huyền thoại được tráng nhựa phẳng lì cho xe lao vun vút…Những người lính Trường Sơn năm xưa may mắn trở về…Dù nguyên vẹn hay phải gửi lại một phần thân thể tại chiến trường, thì nay tóc đã bạc trắng, đã là ông bà nội, ông bà ngoại…

Tôi đã gặp nhiều người lính già như vậy giữa đời thường hôm nay. Họ có thể là một cán bộ cao cấp vừa nghỉ hưu, một bác nông dân cặm cụi với vườn tược, một bác thợ hồ mướt mải mồ hôi…Giữa họ đều có một tình cảm chung nhất, đó là hướng về dãy Trường Sơn hùng vĩ…Trầm tư khi nói về những người bạn, người đồng đội đã và đang còn nằm lại đâu đó giữa đại ngàn xanh…

Mỗi người lính già có một cách bày tỏ nỗi niềm về những ký ức trong chiến tranh khác nhau. Đa số tìm cách gửi nỗi niềm vào thơ, vào nhạc, vào những tản văn…

Người lính già Lê Đức Thiên vừa gửi gắm xúc cảm của mình vào bài thơ rất cảm động

Trinh Nữ Trường Sơn


Em vẫn là bông hoa trinh nữ
Hương thơm bay khắp núi khắp rừng
Nước suối gội đầu róc rách rưng rưng
Tiếng gọi mẹ vọng vào vách đá

Anh đi tìm hỏi cây hỏi lá
Con đường xưa hun hút Trường sơn
Bom đạn xới đào dốc núi chon von
Thành đại lộ Hồ Chí Minh huyền thoại

Các em gái Trường sơn xanh mãi
Tuổi hai mươi vành vạnh trăng tròn
Hoa trắng trong tinh khiết những linh hồn
Rạo rực tình yêu trong lòng đất mẹ

Xin bước nhẹ cho thời gian lặng lẽ
Ru em tôi giấc ngủ ngon lành
Thành gió thành mây thăm thẳm trời xanh
Cho mổi chúng ta nhói lòng nổi nhớ

Để mổi ai cũng thấy mình mang nợ
Những linh hồn phảng phất với Trường sơn
Soi lại mình, càng thấy yêu hơn
Trinh nữ ngát hương con đường quyết thắng !
(Ngày 1/7/ 2014 -Lê Đức Thiên Bình Dương)

Tác giả Lê Đức Thiên-Người cựu chiến binh đã bước vô tuổi thất thập, Trọn tuổi thanh xuân ông tham gia cuộc chiến…Nay trở về với bộn bề cuộc sống đời thường, nhưng mỗi dịp lễ tết ngày kỷ niệm ông lại viết một bài thơ...Ngày đầu tháng 7 ông đã cho ra đời Trinh Nữ Trường Sơn viết về những cô gái “mãi mãi tuổi hai mươi”…Bài thơ của ông được viết bằng những ngôn từ giản dị nhưng chuyên chở một hồn thơ sâu nặng khiến cho tôi -một bạn đọc thuộc thế hệ con cháu -cũng cảm thấy cần phải viết một chút ý nghĩ khi đọc… Với một góc nhìn của người ngoài cuộc…Làm sao có thể không viết khi đọc những câu thơ như “Nước suối gội đầu róc rách rưng rưng./ Tiếng gọi mẹ vọng vào vách đá…/Hoa trong trắng tinh khiết những linh hồn./ Rạo rực tình yêu trong lòng đất mẹ…Xin bước nhẹ cho, thời gian lặng lẽ…” Những câu thơ xuất phát từ sự rung cảm của trái tim người viết. Tràn đầy ý thơ, hồn thơ mênh mang, tình thơ nặng trĩu. Xúc cảm đọng lại trong lòng người đọc…Người ấy là tôi, có thể là bạn? và có thể là với bất cứ ai…

Em vẫn là bông hoa trinh nữ
Hương thơm bay khắp núi khắp rừng
Nước suối gội đầu róc rách rưng rưng
Tiếng gọi mẹ vọng vào vách đá

Có thể nào không cảm động khi tác giả viết “em vẫn là bông hoa trinh nữ” ..Sao không là bông hoa lan, hoa cúc, hoa hồng? để “hương thơm bay khắp núi rừng” mà chỉ là loài hoa “trinh nữ”. Phải chăng hai từ “trinh nữ” tác giả còn ngụ ý muốn nói đến những cô gái tuổi mười tám đôi mươi…Những người lính Trường Sơn, người nữ giao liên, hay cô gái thanh niên xung phong….Loài hoa trinh nữ hiện diện khắp nơi, cũng như các thiếu nữ tuổi thanh xuân có mặt khắp nơi dọc chiến trường ác liệt năm nào…Em là bông hoa trinh nữ và mãi mãi vẫn là loài hoa đó thôi ư?

Không cảm động và rưng rưng sao được khi thấy: “nước suối gội đầu róc rách rưng rưng”. Ngày chiến tranh kết thúc tôi chỉ là một cô bé chưa đến tuổi đến trường…làm sao hiểu được mà cảm động ư? còn đây bao chứng nhân kể lại dãy Trường Sơn điệp trùng, hùng vĩ, chở che các cô chú anh chị..nhưng sốt rét cũng là kẻ thù nguy hiểm chứ không phải chỉ bom đạn...Nhất là các cô gái với mái tóc dài…Ăn uống cũng nước suối, tắm gội cũng nước suối …Ngày ấy “rừng thiêng” che chở” nhưng “nước độc” lại mang đến căn bệnh sốt rét…từng sợi tóc dài óng mượt lần lượt rơi rụng…thưa dần…thưa dần theo những lần gội nước suối..dẫu trong vắt, dẫu róc rách vui tai thật đấy..nhưng vẫn rưng rưng…rưng rưng vẫn phải gội…Cuộc sống người lính ngày ấy nào chỉ có “nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa..”. Mà còn có “Trường Sơn ơi, nơi núi mờ xa mà ta chưa qua, có suối reo, có gió ngàn cây, có dốc cao vực sâu mất lối, Mây trắng quyện dưới chân bước bồi hồi, có nắng lửa đốt thiêu vách núi…” (Chiếc Gậy Trường Sơn-Phạm Tuyên)

Không cảm động sao được khi “Tiếng gọi mẹ vọng vào vách đá..” Giữa đại ngàn rừng núi hiểm trở các “bông trinh nữ” làm sao không nhớ nhà, nhớ mẹ….hoặc giả những lúc bệnh sốt rét hoành hành cũng chỉ biết gọi mẹ. Dù biết rằng tiếng gọi ấy vọng vào vách đá núi lặng câm kia thôi… Một góc khuất của các cô các chị là vậy, bên cạnh tinh thần gan dạ chưa một phút nao núng trước kẻ thù…

Anh đi tìm hỏi cây hỏi lá
Con đường xưa hun hút Trường sơn
Bom đạn xới đào dốc núi chon von
Thành đại lộ Hồ Chí Minh huyền thoại

Giờ đây là khổ thơ mà có lẽ tác giả trong một lần trở lại chiến trường xưa đã cảm nhận được… Đường Trường Sơn huyền thoại ngày nào “Bom đạn xới đào dốc núi chon von” nay đã trở thành “Đại lộ Hồ Chí Minh huyền thoại”. Dấu tích “con đường xưa hun hút..” nay không thể tìm lại được. Gần bốn mươi năm đã trôi qua…Thiên nhiên tạo dựng bức màn che mờ quá khứ trên mặt đất…Nhưng hình ảnh “bom đạn xới đào…” nơi này, chỗ kia dẫu có là “dốc núi chon von” thì cũng không che khuất được ký ức trong đầu những người lính trực tiếp cầm súng năm xưa… “Anh đi tìm hỏi cây hỏi lá”. Hỏi để tìm con đường xưa hun hút ư? thật khó cây lá nào trả lời cho ông được?. Có lẽ lời hỏi những cây lá ấy chỉ giúp an ủi cho nỗi lòng người lính già ngày trở lại… để dấu tích bạn bè đồng đội nhưng:

Các em gái Trường sơn xanh mãi
Tuổi hai mươi vành vạnh trăng tròn
Hoa trắng trong tinh khiết những linh hồn
Rạo rực tình yêu trong lòng đất mẹ

Một câu thơ thật đẹp tràn đầy ý thơ, nhưng tình thơ thì nặng trĩu tâm tư người viết, tâm tư tôi và có lẽ sẽ có nhiều bạn đọc nữa không tránh khỏi ngậm ngùi… “Hoa trắng trong tinh khiết những linh hồn.”. Các em gái Trường Sơn… Những cô gái “tuổi hai mươi..” xanh mãi. Vẫn biết “rạo rực tình yêu trong lòng..” nhưng lại là “lòng đất mẹ”…Phải chăng khi các cô các chị vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn cũng chính là lúc đang tuổi “rạo rực tình yêu..”…

Biết bao nhiêu “chàng trai cô gái” còn nằm lại đâu đó trên đại ngàn xanh, ven bờ suối, hay dưới lòng con sông nào đó…

Xin bước nhẹ cho thời gian lặng lẽ
Ru em tôi giấc ngủ ngon lành
Thành gió thành mây thăm thẳm trời xanh
Cho mỗi chúng ta nhói lòng nỗi nhớ

Các cô các chị mãi mãi là những bông “Hoa trinh nữ Trường Sơn”. “thời gian lặng lẽ” sẽ “Ru em tôi giấc ngủ ngon lành”…Vẫn biết chẳng thể tìm lại… dẫu có hỏi hết cây rừng Trường Sơn…Thì thôi hãy nghĩ và nhìn các cô các chị “thành gió thành mây”… Dẫu biết rằng mỗi lần nhìn là thêm một lần “chúng ta nhói lòng nỗi nhớ…” Nhưng biết làm sao được? Chiến tranh là mất mát, chiến tranh là chết chóc và chiến tranh luôn là nỗi day dứt cho mỗi người còn lại sau cuộc chiến…Chỉ mong sao thời gian và mỗi chúng ta khi nhói lòng “Xin bước nhẹ cho…”. Hãy để những “Tuổi hai mươi vành vạnh trăng tròn” có được “giấc ngủ ngon lành” cùng với “trái tim yêu rạo rực trong lòng đất” mẹ Việt Nam.

Để mỗi ai cũng thấy mình mang nợ
Những linh hồn phảng phất với Trường sơn
Soi lại mình, càng thấy yêu hơn
Trinh nữ ngát hương con đường quyết thắng !
Vâng nếu “soi lại mình..” không chỉ với tác giả Lê Đức Thiên , với tôi và có lẽ với rất nhiều người dân Việt Nam nữa..chúng ta đã mắc nợ họ…Nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận rằng mình mắc nợ họ… Hẳn mỗi chúng ta sẽ yêu hơn màu xanh ngút ngàn trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ nói riêng và màu xanh trên khắp tổ quốc cùng màu xanh ngoài biển khơi nói chung…Màu xanh ấy được góp phần bằng chính xương máu của những bông “Trinh Nữ Trường Sơn” và rất nhiều triệu người lính trẻ….

Như đã nói ở phần đầu. Tôi là người chưa hề trải qua chiến tranh…đọc thơ và cảm nhận với góc nhìn của người ngoài cuộc…Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhận tôi với cái nhìn phiến diện về một bài thơ mà tôi yêu thích..

Sài Gòn 4/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét