Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Ba Bài Thơ Đặc Biệt Của Tác Giả Chu Quyến - Với Cảm Nhận Của Huỳnh Xuân Sơn



Khi tôi tới Thi Đàn thì Tác giả Chu Quyến đã ít làm Thơ  ! Lâu lâu mới thấy anh đăng một bài rồi cần mẫn làm công việc duyệt bài cho các bạn thơ.

Hôm nay như mọi ngày tôi vào mục thơ mới, thật bất ngờ thấy tên tác giả Chu Quyến với ba bài liền nhau, tôi bấm vô rồi lần lượt đọc :

Nhớ Mẹ Nhiều

Trời sao
lại sớm chia li
Một đời
mẹ vội
ra đi xa rồi
Thẩn thương
đơn độc Cha ơi !
Nhớ khi
cơm, cháo
nhớ thời vàng son
Sum vầy
Cha – Mẹ cùng Con
Giờ đây
đông đủ
chỉ còn bóng Cha !

Chị… !

Chị Tôi
xưa tuổi còn son Mải ham công việc
vui buồn cũng xong
Chị ôm những cái long đong
Ngoài vườn cuốc xới,
bên trong lợn gà
Sớm khuya giúp mẹ cha già Để em ăn học vượt qua xóm nghèo Bây giờ lưng chị khom veo Chị tôi vẫn cứ
đơn neo một mình Các em nay đã trưởng thành Tiếc cho thân chị
xuân thanh qua rồi
Gặp anh thủa trước vậy thôi Bẵng nhanh thời trẻ
lẻ loi lúc già Chỉ còn mơ ước đã qua Chỉ còn hồi tưởng
trôi xa lối mòn..

Mưa Yêu

Ơn trời
chợt đổ cơn mưa..
Để tôi
điều kiện
giăng vừa cái ô
Che sang
mái tóc em khô
Nhờ đà
em ngả
nơi tôi thêm gần
Mong trời
mưa tạnh dần dần
Để tôi
điều kiện
đánh vần chữ yêu..!(Chu Quyến)



Ba bài thơ đều viết theo thể thơ Lục Bát quen thuộc, nhưng anh lại có cách ngắt khúc gãy gập theo từng cung bậc cảm xúc của mình.

Bài đầu tiên anh viết về gia đình lớn của anh. Thật xúc động với những lời thơ ngắn gọn xúc tích và bầy tỏ tấm lòng chân thành của anh:

Trời sao/ lại sớm chia li/ Một đời /mẹ vội /ra đi xa rồi /Thẩn thương /đơn độc Cha ơi!/Nhớ khi /cơm, cháo/nhớ thời vàng son/Sum vầy/Cha – Mẹ cùng Con/Giờ đây/đông đủ/ chỉ còn bóng Cha ! (Chu Quyến)

Bốn câu  thôi! Mà sao đọc xong ta thấy nó dài lê thê và nặng trĩu. Một nhịp thơ 2/4/2/2/4 lặp lại ba lần đã diễn tả toàn cảnh gia đình của anh. Mẹ của anh đã về nơi chin suối. Cha già đơn độc một mình.

Con cháu về đông đủ và nhớ lại khi xưa bữa cơm, bữa cháo, nhưng với anh là “thời vàng son” vì dù nghèo nhưng mỗi khi “sum vầy” thì có đủ “cha-mẹ cùng con”. Niềm hạnh phúc còn cả cha lẫn mẹ mỗi khi gia đình sum họp là niềm mơ ước của tất cả mỗi gia đình , mỗi người con trên thế gian này.

Niềm hạnh phúc này của tác giả hôm nay, anh đã gợi lại rất khéo trong bức họa toàn cảnh gia đình “giờ đây đông đủ chỉ còn bóng cha”.

Bài thơ thứ hai lại được tác giả ngắt nhịp theo một nhịp điệu khác hẳn để viết về Chị:

Chị…!

Chị Tôi /xưa tuổi còn son Mải ham công việc /vui buồn cũng xong/Chị ôm những cái/ long đong/Ngoài vườn cuốc xới /bên trong lợn gà /Sớm khuya giúp mẹ cha già Để em ăn học vượt qua xóm nghèo Bây giờ lưng chị khom veo Chị tôi vẫn cứ /đơn neo một mình Các em nay đã trưởng thành Tiếc cho thân chị /xuân thanh qua rồi /Gặp anh thủa trước vậy thôi Bẵng nhanh thời trẻ /lẻ loi lúc già Chỉ còn mơ ước đã qua Chỉ còn hồi tưởng /trôi xa lối mòn..(Chu Quyến)

Thực tình mà nói lúc đầu tôi đọc bài thơ này, cứ nghĩ rằng chắc do lỗi khi copy, câu thơ lục bát mới chạy lung tung như vậy! nhưng khi đọc lần thứ hai và đến lần thứ ba thì tôi đã biết mình hiểu sai rồi!

Và để cho chắc chắn rằng tôi sai , tôi đã copy về và sắp xếp câu theo đúng niêm luật sáu- tám và đọc thì ý tình và nhịp điệu thơ khác xa với cách ngắt câu của tác giả.

Bước vào bài thơ Chị…! tác giả viết:

Chị tôi./ Xưa tuổi còn son Mải ham công việc/Vui buồn cũng xong. Hai câu thơ ngắt ra làm ba khổ theo nhịp 2/8/4 đã nói xong về một người chị thuở tuổi thanh xuân lo lam làm không nghĩ cho riêng mình, vui cũng được buồn cũng xong.

Và hai câu tiếp cũng ngắt làm ba hàng xong nhịp thơ đổi thành 6/4/4 và vẫn là mô tả công việc của chị đảm đang quán xuyến từ trong nhà đến ngoài đồng.

Nhưng có lẽ với bản tính chịu thương chịu khó và nhất là dễ chịu “vui buồn cũng xong” cho lên tác giả đã hiểu rằng chị mình phải “ôm những cái long đong”.

Cảm động nhất và có lẽ tất cả tình cảm của tác giả dành cho chị của mình, được anh gửi gắm vào khúc thơ sau:

Sớm khuya giúp mẹ cha già Để em ăn học vượt qua xóm nghèo Bây giờ lưng chị khom veo Chị tôi vẫn cứ
đơn neo một mình Các em nay đã trưởng thành Tiếc cho thân chị
xuân thanh qua rồi
Gặp anh thủa trước vậy thôi Bẵng nhanh thời trẻ
lẻ loi lúc già Chỉ còn mơ ước đã qua Chỉ còn hồi tưởng
trôi xa lối mòn.. (Chu Quyến)

Năm cặp Lục Bát tức có tới mười câu thơ nhưng anh chỉ ngắt ra bảy dòng . trong đó có hai dòng đặc biệt chỉ có bốn chữ:

Xuân thanh qua rồi.
Trôi xa lối mòn.

Tác giả thương chị sau bao nhiêu năm vất vả lo cho gia đình, cho đàn em , không hề nghĩ tới bản thân. Dẫu có lẫn cũng “gặp anh” nhưng mà thời ấy nó đã xa quá rồi!

Giờ đây chị “thời trẻ đã qua” và còn lại “ mơ ước” nhưng là “mơ ước đã qua” và “hồi tưởng” với một “lối mòn trôi xa”.

Một bài thơ diễn tả tình cảm chị em rất thành công. Tác giả viết rõ ràng là cách gieo vần lục bát, và với cách ngắt câu của anh khiến người đọc hiểu được cảm nhận được và đồng cảm được với cuộc đời đầy vất vả, và nỗi truân chuyên của chị tác giả. Và cách ngắt câu này, còn làm cho cảm giác như thời gian trôi lê thê chậm chạp qua những nỗi niềm của người chị.

Và đây bài thơ thứ ba tác giả viết cho hồi ức của mình!

Mưa Yêu

Ơn trờitrời /chợt đổ cơn mưa.. /Để tôi /điều kiện/giăng vừa cái ô /Che sang /mái tóc /em khô /Nhờ đà/em ngả /nơi tôi thêm gần /Mong trời /mưa tạnh dần dần Để tôi/điều kiện /đánh vần chữ yêu..! (Chu Quyến)

Vẫn là nhịp thơ khác lạ của tác giả. 2/4/2/2/4 tôi có thể hiểu trong bài thơ này người được tác giả “đánh vần chữ yêu”. Chính là người đầu ấp tay gối bây giờ của tác giả.

Một kỷ niệm trong một cơn mưa mà bây giờ tác giả “tóc đã hoa râm” vẫn còn viết với một tình cảm tha thiết và nhịp thơ dồn dập như chính nhịp tim yêu đang thổn thức đủ thấy người ấy quan trọng như thế nào với tác giả.

Ba bài thơ đăng một lần được tác giả Chu Quyến viết về ba cảm xúc khác nhau, cho ba khoảng tình cảm khác nhau. Thứ nhất là gia đình lớn với cha già đơn lẻ.thêm nỗi nhớ mẹ đã khuất.

Hai là viết cho người chị của mình đã vì gia đình vì bầy em mà quên đi hạnh phúc cho riêng mình.

Và ba là một kỷ niệm hằn sâu trong tiềm thức tác giả về “em” , nhờ Mưa Yêu mà anh đã “đánh vần được chữ Yêu”

Nhưng tất cả ba bài thơ đều có chung một cách ngắt nhịp độc đáo và khác lạ, chung một tình thơ trĩu nặng và ngọt ngào! Đủ nói cho ta rõ ba bài thơ này quan trọng như thế nào với tác giả.

Sài Gòn 28/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét