Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Em Bé Đánh Giầy Của Tác Giả Việt Năm



Trời chiều Đà Lạt lạnh, với cái lạnh rất đặc trưng của xứ ngàn hoa. Quán cà phê Bích Câu gió lồng lộng thổi, tăng cái lạnh thêm nữa. Quấn thêm vòng khăn vào cổ, cài thêm mấy khuy áo lạnh. Tôi vẫn giữ nguyên ý thích ngồi ở ngoài trời chứ không vào nhà kính. Dẫu anh và các con tôi muốn vào, cuối cùng tôi vẫn là nhất, cả nhà theo ý tôi.
Một cậu bé đánh giầy đi ngang mời. Con trai tôi định để nguyên đôi giầy đang mang trên chân cho cậu bé đánh xi. Anh bắt con cởi giầy ra đưa cho cậu bé...
Rồi bắt đầu anh kể về những vui buồn, trong những năm tháng anh rong ruổi xách hộp đồ gỗ đi đánh giầy, cho mẹ con tôi nghe…
Câu cuối tôi nhớ như in. anh dạy con dù mình có thuê người ta đánh giầy , người ta làm để lấy đồng tiền của mình. Mình vẫn cần phải tôn trọng người ta, dù em ấy còn nhỏ hơn con. Không được phép coi thường người khác trong bất kỳ hoàn cảnh nào!
Bất kỳ ai. Bất kể họ làm gì họ vẫn có lòng tự trọng của riêng họ. Nếu con không khéo sẽ làm họ tổn thương mà không biết.

Giờ đây về lại nhà, mở máy lại gặp bài thơ với tựa đề Em Bé Đánh Giầy của tác giả Lê Thị năm. Câu chuyện cậu bé đánh giầy hồi chiều tái hiện trong thơ chị. Tôi thấy mình muốn viết một chút cảm nhận về bài thơ này. Và tôi đã viết ngay sau khi đọc bài thơ. Dù mới gửi duyệt chưa được xuất bản.

Em Bé Đánh Giầy

Em lếch thếch ôm đồ nghề rảo bước
Bỗng nghe kêu: "Ê nhóc đánh giầy".

Chú ngắm mình rồi gác chân lên ghế
Sợ gãy ly quần xấu bộ com lê.

Em mừng rỡ chạy lại:"Vâng thưa chú!
Con đánh giầy bằng xi ngoại chú nha"?

Rồi cẩn thận lựa quanh chân em đánh
Giầy bóng lên tôn bộ cánh chú mang.

Chú hất hàm: "Bao nhiêu hả nhóc"?
Dạ mười ngàn! Thưa chú con xin. (Việt Năm- Lê Thị Năm)


Với mười câu thơ tự do, chỉ khắc họa Em Bé Đánh Giầy và người khách của mình. Hai con người sống trong xã hội, hai tầng lớp khác nhau. Một cháu “lếch thếch” và một Chú ….

Bài thơ được mở ra là hình ảnh “ Em lếch thếch ôm đồ nghề rảo bước” và niềm vui đã đến với em khi Em “bỗng nghe kêu…”.Em mưu sinh bằng nghề đánh giầy. Chắc hẳn sẽ rất vui khi nghe: “Ê nhóc đánh giầy”. Người kêu là ai thì em vẫn nở nụ cười tươi rói. Bởi lẽ thường thì em phải mời chào và mong có khách.
Tiếng kêu của người khách làm em vui. Nhưng có lẽ cũng từ tiếng kêu ấy. Tác giả của chúng ta mới để ý và bài thơ ra đời..bởi hành động hay bởi cái nhìn của người khách .
Câu thơ tả thực “chú ngắm mình…” có gì đâu khi khách kêu và ngắm nhìn cậu bé . tác giả không nói cái nhìn của Chú ấy ra sao? Hay ánh mắt Chú ấy thế nào? nhưng hành động của Chú sau khi “ngắm nhìn” thì “gác chân lên ghế”. Tác giả lý giải cho hành động không đẹp ấy của Chú là do “sợ gãy ly quần xấu bộ com lê”.

Không cần miêu tả gì thêm về người khách này nữa. Với hình ảnh “bộ com lê”thẳng ly, khoác trên người khách ấy. chứng tỏ Chú là người sang trọng. Đối lập với “em lếch thếch” hình ảnh của người lao động nghèo.

Nhưng đâu có nề hà chi. Chú đã kêu, đã ngắm nhìn Em rồi. Em chỉ việc “mừng rỡ chạy lại” và rất lễ phép trong cách giao tiếp em nói: “Vâng thưa chú! Con đánh bằng si ngoại chú nha”. Thêm một dấu hiệu nữa, tác giả cho ta thấy, chị đã quan sát rất kỹ, hành động, cử chỉ, lời nói của hai nhân vật .

Hai câu thơ tiếp tác giả viết :”Rồi cẩn thận lựa quanh chân em đánh” vậy là em đã đánh giầy khi đôi giầy vẫn đang ôm ấp đôi chân của người khách, và có lẽ đôi chân ấy vẫn đang “gác trên ghế”. Nhưng với em thì không sao cả . Bởi em đã cẩn thận làm xong và đôi “Giầy bóng lên tôn bộ cánh chú mang.”

Em làm xong công việc của mình!lẽ thường thì cũng chưa có gì để mà phải trách cứ người khách sang trọng trong bộ “com lê” kia. Nếu như không có hành động “Chú hất hàm” …

Thật tình thì tôi đã thử tự ý thay nhiều từ vào chỗ động từ Hất hàm kia như: Chú nhẹ nhàng, chú dịu dàng, chú ân cần, chú hỏi nhỏ, hay là chú hỏi em…tất cả đều vô duyên khi đi kèm với câu nói: “Bao nhiêu hả nhóc”…nó chỉ phù hợp khi đi cùng bao nhiêu hả con?, bao nhiêu hả cháu?, hay là bao nhiêu nhỉ?

Nhưng không, Chú đã thể hiện mình là một người Sang trọng, ngay cả bộ quần áo là vật ngoài thân kia, khi đi với chú nó phải luôn hoàn hảo. Chỉ có một điều chú đã không hoàn hảo trong cách “đối nhân xử thế” …

Còn cậu bé đánh giầy lôi thôi “lếch thếch”, mưu sinh trên đường phố kia, thì ngược lại với Chú . Em lại thêm một lần rất lễ phép “dạ mười ngàn!” với một người như chú em có thể dừng lại ở câu này. Cũng không ai chê trách gì em. Nhưng không em nói tiếp “Thưa chú con xin.”

Em đã bỏ công sức, bỏ vốn ra để đổi lấy tiền, vốn và tiền công của mình. Vậy mà em vẫn biết làm cho người khác vui lòng với động từ “con xin”. Em không cần phải xin mới đúng.
Hai nhân vật. Đại diện cho một bộ phận những người, thuộc hai tầng lớp đối nghịch, trong xã hội hôm nay. Ta có thể bắt gặp rất nhiều trong cuộc sống xung quanh mình. Đã được tác giả đưa vào bài thơ qua một góc nhìn mà chị đã quan sát rất kỹ càng.

Em dù nghèo. Dù nhỏ và phải vất vả mưu sinh nhưng mọi lời nói hành động của em làm cho người khác khi nhìn khi nghe rất vừa lòng và cảm mến.
Chú khách sang trọng và có lẽ giàu có kia thì lại tỏ ra là người trên trước. Coi thường người khác, không tôn trọng sức lao động mà họ đánh đổi để lấy đồng tiền của mình .

Mùa xuân đang về, có lẽ ngoài kia Em Bé Đánh Giầy vẫn mãi miết đi qua các con phố. Cầu chúc em gặp may mắn trên bước đường mưu sinh của mình. Và mong sao em gặp càng ít những người khách như Chú khách hôm nay càng tốt. Cầu chúc cho em luôn có khách gọi đều đều mỗi ngày, vì vốn dĩ công việc của em là nghề Đánh giầy, cần có khách để làm việc và sinh sống...

Sài Gòn 11/1/201
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét