Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ ANH CỦA NGÀY XƯA của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh

 Cảm Nhận Bài Thơ ANH CỦA NGÀY XƯA của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh



“Chỉ mất một phút để có cảm tình, một giờ để thích, một ngày để yêu, nhưng phải mất một đời để quên đi ai đó!”(khuyết danh). Câu danh ngôn trên tôi đã được đọc rồi lưu tâm nghiền ngẫm. Để đến hôm nay thấy nội dung thấp thoáng trong tâm trạng của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh khi viết bài thơ tình cách đây hai năm lúc bà bước vào tuổi 78.

Anh Của Ngày Xưa

Ngày tiễn anh lên đường cứu nước
Một đoạn đường thôn sao bỗng thấy dài
Miệng cười nói mà sao mắt ướt
Hẹn chỉ một người không kẻ thứ hai.

Dặn rằng em cố vui lên chăm học
Nhớ những chiều đuổi bắt bên sông
Chơi thua cuộc,em bắt đền dỗi khóc
Trăng lưỡi liềm,sao sáng...đếm mênh mông...

Chục năm xa...anh chưa về quê cũ
"Gái có thì,không đợi được đâu mà"
Em lớn dậy má hồng, da muốt
Em nợ anh rồi! Bởi phán quyết của cha !

Em theo chồng rưng rưng lệ nhỏ
Qua nhà anh như cách núi cách sông
Trời nắng dịu mà lòng em mưa gió
Vui gì đâu mà thiệp đỏ với hoa hồng!

Mãi lang thang như người đi xa xứ
Bóng đa làng vẫn đợi mỗi chiều về
Nao nao nhớ, bâng khuâng chờ người cũ
Ai thấu nỗi lòng em tan nát thảm thê!

Ngày trở về, em con bồng, con bế
Anh như trời trồng...nghe tiếng trẻ gọi u
Cười với anh...mắt em rưng rưng lệ
Nắng ửng hồng mà lạnh giữa trời thu ! (Phan Thị Thanh Minh)

Tôi đã được biết đến nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh khi bà đón tuổi 80 với những vần thơ theo thể thơ Haiku,Tứ Tuyệt, những câu đối, và những bài thơ Luật Đường. Hôm nay lại được chiêm ngưỡng một tác phẩm mang âm hưởng trẻ trung, phóng khoáng của thể thơ tự do. Tự do nhưng với một nhịp điệu vừa âm trầm, khắc khoải. Đôi lúc dòng chảy tình thơ như muốn dừng lại, như muốn rẽ ngang…

Tôi đã thấy, đã cảm và đã nghe được tiếng lòng của một Thiếu nữ tuổi đôi tám, khi “bắt đền dỗi khóc” tới khi là một thiếu phụ “con bồng con bế” mà nữ sĩ 80 tuổi gửi vào những câu từ được chọn lọc, Chuyên chở một chuyện tình trong sáng, nhưng trái ngang và dang dở. Nhịp thơ vì vậy mà trắc trở mà gập ghềnh theo nỗi lòng người thiếu phụ trẻ năm xưa. Nay dạt dào theo hồi ức của nữ sĩ có mái tóc bạc phơ nghĩ về Anh Của Ngày Xưa. Ngày ấy có lẽ đã xa, xa lắm rồi.

Nhưng:

Tóc xanh giờ đã đổi màu
Ngày xưa…vẫn thức trong nhau suốt đời ( Lam Thanh).

Lam Thanh viết vậy! Còn nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh nhớ Anh Của Ngày Xưa thì đã bao năm rồi đây?. Thôi hãy tạm tính ngày mà nữ sĩ gọi là xưa ấy từ cột mốc “Chục năm xa...anh chưa về quê cũ” thì cũng hơn 50 năm! Còn nếu tính từ cột mốc “… tiễn anh lên đường cứu nước”. Và Em nhận được lời căn dặn của Anh “Cố vui lên chăm học”… Thì ngày ấy đã cách đây hơn 60 năm. 60 năm đã đủ để ghi dấu “thức trong nhau suốt đời chưa nhỉ?

Mang theo hoài niệm hơn 60 năm cho một cố nhân với những kỷ niệm cùng dòng hồi ức Anh Của Ngày Xưa, hẳn sẽ làm nao lòng rất nhiều bạn đọc trong đó có tôi! Dòng hồi ức bắt đầu từ;

Ngày tiễn anh lên đường cứu nước
Một đoạn đường thôn sao bỗng thấy dài
Miệng cười nói mà sao mắt ướt
Hẹn chỉ một người không kẻ thứ hai.

Dặn rằng em cố vui lên chăm học
Nhớ những chiều đuổi bắt bên sông
Chơi thua cuộc,em bắt đền dỗi khóc
Trăng lưỡi liềm,sao sáng...đếm mênh mông...

Thời mà thi sĩ bước vào tuổi hoa niên, biết mơ mộng có lẽ mới chỉ là tuổi đôi tám. Nhưng những kỷ niệm với Anh cho đến “ngày tiễn anh lên đường cứu nước”,thì có lẽ giữa hai người có rất nhiều, bởi họ đã có một thời tuổi thơ lớn lên cùng nhau, có khi hai nhà chỉ “cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” cũng nên.

Nỗi nhớ ùa về cùng kỷ niệm của tuổi thơ nhất là “những chiều đuổi bắt bên sông”. Rồi vô số trò chơi dân gian mà trẻ nhỏ hay chơi ngày ấy, nhưng có một điều đặc biệt chỉ Em thắng thôi! Nếu Em “chơi thua cuộc” là lập tức “Em bắt đền dỗi khóc”. Khỏi phải nói khi ấy ai phải dỗ ai? hay ai phải đền cho ai?

Những vần thơ dìu dặt về những kỷ niệm được nối tiếp sau khi chia tay Anh “ Dặn rằng em cố vui lên chăm học”. Nghe thì nghe vậy, cười thì có cười và miệng thì vẫn “huyên thuyên” đấy, nhưng “mà sao mắt ướt”. Đường đi có Anh kề bên mà cảm thấy bước chân níu chặt xuống đường. Hai người đã nói gì với nhau trên đoạn đường ấy? mà sao “bỗng thấy dài”. Tất cả tình riêng thời chống Pháp đều gác lại một bên để thanh niên trai tráng “lên đường cứu nước”. Anh của nữ sĩ có lẽ cũng cùng suy nghĩ với nhà thơ Thế Lữ khi viết:

Trong lúc non sông mờ cát bụi
Phải đâu là hội kết uyên ương (Tiếng Gọi Bên Sông)

Xin trở lại những năm 50 của thế kỷ trước, có lẽ những đôi lứa yêu nhau họ chỉ nói với nhau bằng thứ thanh âm của đôi mắt, hay là tiếng nói của con tim. Phải chăng lời “Hẹn chỉ một người không kẻ thứ hai.” Là nữ sĩ hẹn với lòng mình mà cứ ngỡ đã nói cho Anh nghe. Còn phía anh thì dù môi em không mấp máy Anh vẫn nghe rõ từng lời em ước hẹn cũng nên.

Tình yêu thời “chín năm kháng chiến” ấy là nguồn động viên cho người lính gian nan khổ cực trên đường ra trận. Đau đáu nhớ thương cho người ở lại. Câu thơ đẹp nhất hai khổ thơ ẩn chứa ý thơ sâu lắng “Trăng lưỡi liềm,sao sáng...đếm mênh mông...”. Trăng non, Sao sáng bầu trời lồng lộng ấy, nhưng ai đếm mênh mông nhỉ? Có lẽ cả hai cùng đếm và mỗi người đều có những vì sao cho riêng mình mỗi khi đêm xuống. Nhưng vầng trăng khuyết ấy có lẽ cũng lại là điềm báo không tròn cho một lời hẹn ước cũng nên.

“sao anh vội ngỏ lời
Vào một đêm trăng khuyết
Để bây giờ thầm tiếc
Một vầng trăng không tròn ( Trăng Khuyết –Phi Tuyết Ba)

Tôi nghĩ vậy bởi bài thơ đang cuốn tôi theo và ngoặt vào khúc rẽ không êm ả chút nào:

Chục năm xa...anh chưa về quê cũ
"Gái có thì,không đợi được đâu mà"
Em lớn dậy má hồng, da muốt
Em nợ anh rồi! Bởi phán quyết của cha !

Anh chia tay “lên đường cứu nước” mang theo lời hẹn ước đầu đời của Em vẫn tưởng ngày về có người chờ đợi trên đê đầu làng. Nhưng Em thì lại khác bởi “Gái có thì không đợi được đâu mà”. Quan trọng nhất là Em phải đứng trước chọn lựa “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” dẫu là phận nữ nhi. Muốn chờ, muốn đợi, muốn giữ trọn lời hẹn ước nhưng “Chục năm xa...anh chưa về quê cũ”. Vậy thì em biết chờ, biết đợi đến bao giờ đây? Trong khi “Phán quyết của ba” đã ra lệnh. “Em nợ anh rồi!”. Ngày ấy “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”Em đành “nhắm mắt đưa chân” chứ biết làm sao đây? Ngày lễ vu quy ngập xác pháo đỏ, tràn ly rượu nồng, đưa “Em theo chồng…” mà mắt thì “… rưng rưng lệ nhỏ” ai hiểu cho nỗi lòng em được đây? Nhất là khi “Qua nhà anh…” ngôi nhà thân quen bao năm dài mà nay thấy “ như cách núi cách sông”. Qua nơi ấy Anh có biết dẫu “Trời nắng dịu mà lòng em mưa gió./ Vui gì đâu mà thiệp đỏ với hoa hồng!”. Đời người con gái như hạt mưa sa. Trong nhờ đục chịu, vâng lời cha, giữ trọn đạo hiếu, em “nợ anh rồi”. Biết là như thế nhưng nhiều ngày sau Em vẫn:

Mãi lang thang như người đi xa xứ

Bóng đa làng vẫn đợi mỗi chiều về
Nao nao nhớ, bâng khuâng chờ người cũ
Ai thấu nỗi lòng em tan nát thảm thê!
Anh có biết? và bạn đọc có biết trong Em đã nghĩ :

“Đôi ta chẳng đặng sum vầy
Khác nào tiếng nhạn lạc bầy kêu sương (ca dao)

Và có ai thấu cho nỗi lòng người thiếu phụ phải trải qua:

Đêm năm canh nghe con dế thốt
Ngày sáu khắc lần đốt ngón tay
Hỏi ai duyên cớ ai bày
Duyên trăm năm lại bỏ, nghĩa một ngày lại theo ( ca dao)

Tình duyên sâu nặng hẹn thề, nhưng không thể đến bến bờ hạnh phúc bởi còn nặng chữ Hiếu, nay thêm vấn vương chữ Nghĩa. Vẫn biết rằng dưới bóng đa làng chiều chiều có người ngóng đợi người cũ trở về, với nỗi lòng “tan nát thảm thê”. Nhưng người xưa đã có câu “một ngày nên nghĩa” mà nghĩa Tào Khang là nghĩa sâu, tình nặng. Nên rồi dẫu mới “một ngày…” nhưng em “ lại theo”.Như bát nước sôi rồi cũng nguội dần, Em như con thuyền neo đậu trên bến bình an…

Khổ thơ kết đã khép lại một cuộc tình dang dở bằng bốn câu thơ, chất chứa nỗi niềm mênh mang của cả hai người, dẫu giờ đây hai người đã theo hai con đường khác nhau:

Ngày trở về, em con bồng, con bế
Anh như trời trồng...nghe tiếng trẻ gọi u
Cười với anh...mắt em rưng rưng lệ
Nắng ửng hồng mà lạnh giữa trời thu !

Câu ca dao

‘Ngày đi em chửa có chồng.
Ngày về em đã con bồng con mang”

Đã có từ ngày xửa ngày xưa, chứ chẳng phải mới đây, mà sao như là tâm trạng người về hôm nay thế này. Anh chỉ còn biết đứng “như trời trồng..” trước bầy trẻ líu ríu “gọi U”. Ngày chia tay đã chẳng thể cất lời, hôm nay đây cũng đâu thể nói điều gì với Em được nữa.

Đường dài miệt mài hành quân, leo đèo, vượt núi, lội sông, lao lên phía trước tiến đánh quân thù. Chẳng nao núng trước bom rơi đạn nổ là vì có em, có hậu phương làm điểm tựa. Nào hay ngày về chỉ nghe tiếng em thơ ríu rít “gọi U” mà đã “như trời trồng”. Chẳng có nỗi đau nào chiến tranh gieo rắc lại giống nỗi đau nào? Người lính trở về may mắn hơn những người nằm lại mặt trận thì lại mang nỗi mất mát trong lòng không thể cất lên lời, và khó có thể chữa lành!

Nữ sĩ viết về tâm trạng của người thiếu phụ lúc này, dẫu có hình ảnh nụ cười trao Anh, nhưng “mắt rưng rưng lệ”.

Đặc biệt là câu kết “Nắng ửng hồng mà lạnh giữa trời thu”! Ai lạnh khi tiết thu hanh vàng với “nắng ửng hồng”. Phải chăng người về từ chiến trường mang theo nắng ấm ngỡ ca khúc Khải Hoàn trong niềm hạnh phúc, bất chợt gặp tiếng trẻ nhỏ “gọi U” mà U lại là “người năm xưa ấy”. nên đứng “như trời trồng..” mà gặm nhấm nỗi buồn, nỗi mất mát riêng…Không lạnh sao được? cái lạnh thấu tận tâm can, len sâu vào con tim khiến nó bị thương tổn. Người khi xưa biết “em nợ anh rồi” . Nay cũng chỉ biết “rưng rưng lệ” gạt nước mắt nhìn Anh, mà cảm thấy “Lạnh” giữa nắng ấm trời thu….

Một cuộc tình nhen lửa khi bắt đầu “chín năm kháng chiến” và kết thúc khi chiến thắng Điện Biên người lính trở về. Một nỗi nhớ về một tình yêu dang dở đã theo nữ sĩ suốt thời gian dài hơn nửa thế kỷ…Không một tiếng súng nổ, một tiếng bom rơi, chẳng hề thấy máu đổ. Nhưng vết thương mà chiến tranh khoét vào lòng của những người lính khi may mắn trở về. Bóp nghẹn trái tim người ở lại hậu phương, thì rõ nét qua thơ của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh.

Dòng hồi ức Anh Của Ngày Xưa vừa dừng lại. Tôi đã mạn phép đồng hành với nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh, có thể với vốn sống và tuổi đời cách biệt cũng như góc nhìn phiến diện tôi chưa thể cảm hết những vẻ đẹp của ngôn từ, cũng như tâm tư mà tác giả muốn gửi gắm. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi dành tặng cho một tác phẩm mà tôi yêu thích.

Sài Gòn 2/8/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét