Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ Mẹ Giận Mày Đấy của tác giả Vũ Tuấn Anh


Cảm nhận bài thơ Mẹ Giận Mày Đấy của tác giả Vũ Tuấn Anh


MẸ GIẬN MÀY ĐẤY bài thơ cuốn hút người đọc ngay từ lời tựa. Đại từ nhân xưng Mẹ đi liền với Đại từ nhân xưng Mày. Mà lại có thêm hành động Giận đi kèm, tất cả bốn chữ của tựa đề kết thành một thông điệp mà người mẹ muốn gửi. Đây là nội dung bài thơ của tác giả Vũ Tuấn Anh:

Mẹ Giận Mày Đấy

Mẹ giận mày đấy,thật mà
Cưới xin đâu?
Cứ đòi là dâu con
Chiến tranh...thằng bé...chẳng còn
Mày thì ương bướng...vẫn son đến giờ
Có mày, mẹ được nương nhờ
Mai sau ai sẽ phụng thờ con đây? (Vũ Tuấn Anh - Nhân dịp 27/7/2014)


Một chủ đề không mới về chiến tranh với những mất mát đau thương, không chỉ với người lính trực tiếp tham gia chiến đấu. Mà cho cả những người dân thường vô tội. Đặc biệt là nỗi đau dai dẳng của người ở lại hậu phương thì vô cùng vô tận. Cách đặt vấn đề trọng tâm của bài thơ, cách thể hiện nội dung đối thoại mà như độc thoại của tác giả chuyên chở một tứ thơ độc đáo, ý thơ sâu, tình thơ rộng. Hai câu hỏi không có câu trả lời, được tác giả khéo léo sử dụng. Thông qua ngôn từ chuyên chở một câu chuyện đời thường, mẹ chồng, nàng dâu. Danh phận ấy phải mà lại không phải.

Câu chuyện về quan hệ tình cảm trong gia đình nhưng lại liên quan đến chuyện “quốc gia đại sự”.
Mà ở đây là hai người phụ nữ đại diện cho “một nửa thế giới”
Vâng! Đọc xong bài thơ tôi cũng muốn hỏi nhiều câu hỏi:

Có ở nơi đâu trên thế giới này như Tổ Quốc của tôi?
Có ở nơi đâu mà :“Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh”.?
Câu hỏi này hiển nhiên là người Việt Nam ai cũng biết câu trả lời.
Nhưng có mấy ai biết, đã có một thời :

Mái nhà nào cũng như bén lửa
Thiếu Phụ nào cũng như một lần góa bụa ( Đất nước hình tia chớp- Trần Mạnh Hảo).

Nếu nhiều người biết điều đó, thì mấy ai trong số những người ấy biết rằng: Có những người thiếu nữ chưa một lần nắm tay người con trai,trước khi lên đường ra tiền tuyến, nhưng ở hậu phương lại nguyện làm vợ người lính ấy một đời. Cay đắng và xót xa ở chỗ người lính ra trận đã mãi mãi không về.
Cô giáo Chu Thị Lưu Quang ở Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội là một minh chứng…38 năm qua kể từ chiến tranh biên giới Tây Nam. Người yêu của cô chưa trở về, nhưng cô vẫn làm tròn bổn phận một người dâu hiền. Suốt những năm tháng dài của tuổi thanh xuân cô vừa dạy học vừa tích cóp tiền dành dụm. Để mỗi khi hè đến lại dọc ngang khắp các chiến trường để tìm mộ người yêu, người mà cô đã coi là chồng. Nay cô đã về hưu. Nhưng cô chưa hề nản chí, vẫn miệt mài đi tìm lại người xưa với niềm tin và hy vọng là sẽ gặp..

Đời thật trong xã hội là thế, Còn hình tượng người phụ nữ trong thơ ca thì sao?

Khi đọc Trường ca Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh mấy ai để ý đến nỗi lòng người yêu, người vợ của những người lính ra đi mãi mãi không về. Nỗi đau mất mát do chiến tranh cướp đi xương máu quá lớn. Có lẽ cũng góp phần che lấp những vết thương lòng không thể liền sẹo, vết thương ấy được hình thành bởi sự chờ đợi mỏi mòn tâm can của người phụ nữ. Nỗi đau ấy kéo dài có khi tới tận hôm nay:

Chị tôi không còn trẻ nữa
Xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô
Xóm làng thương không khoe con trước mặt
Hai mươi năm chị tôi đi đò dày
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc…(Hữu Thỉnh)

Thời nay nào mấy ai hay? Mấy ai hiểu? nỗi lòng người vợ chờ chồng trong chiến tranh:

Những đêm trở trời trái gió
Tay nọ ấp tay kia…
…Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền (Hữu Thỉnh)

Những hình tượng người phụ nữ như trong thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh, thì nhiều vô kể ngoài đời thực, ta có thể bắt gặp họ ở bất cứ nơi đâu trên khắp quê hương Việt Nam. Ngày hôm nay, họ vẫn là những chứng nhân lịch sử về sự gánh chịu mất mát tình cảm mà chiến tranh gieo rắc vào đời người dân vô tội.
Sự chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến nào chỉ có vậy. Khắp mọi miền quê còn biết bao nhiêu bà mẹ, đêm ngày ngóng chờ con, có khi là dứa con duy nhất của mẹ. Mẹ chờ từ lúc mong gặp lại con bằng xương bằng thịt. Năm tháng qua đi niềm tin sụt giảm theo tuổi tác, giờ đây biết bao bà mẹ chỉ mong nhìn thấy nắm xương tàn của con cũng là điều xa xỉ…Có rất nhiều bà mẹ đã không còn chờ được nữa…

Mẹ trong thơ của tác giả Vũ Tuấn Anh, là một trong rất nhiều người mẹ mất con như thế.Nhưng Mẹ may mắn còn có bên mình một người phụ nữ cũng mỏi mòn tâm can vì chiến tranh. Người phụ nữ được mẹ gọi bằng đại từ nhân xưng thân thiện và trìu mến Mày ấy, cũng là một nạn nhân của cuộc chiến. Chị có nỗi đau mất người yêu, người mà trong trái tim chị không ai thay thế được. Dẫu chưa “cưới xin..” Thật đấy, nhưng chị lại “cứ đòi là dâu con.” Bởi chị mong mỏi mình sẽ bù đắp phần nào mất mát tình cảm cho Mẹ, thay cho người chị yêu thương, đã bị chiến tranh cướp đi.

Trong toán học 1+1 =2. Nhưng trong cuộc sống tình cảm lại khác, hai người phụ nữ với hai nỗi đau mang đến một bến đậu sau dấu cộng sẽ là vợi bớt đớn đau. Người phụ nữ tự nhận mình “là dâu con” do “ương bướng” ấy! vì đâu? Vì sao? Mà lại bị Mẹ “mắng” gửi qua thông điệp “Mẹ giận mày đấy!” như còn sợ người nghe chưa tin - Mẹ phải nói thêm “Thật mà” để khẳng định Mẹ giận . - mà tin làm sao được khi cả tuổi xuân chị quên đi, quên cả chuyện riêng tư của mình để mà “vẫn son đến giờ” trong suốt thời gian ấy chị luôn là một đứa con dâu hiếu thảo

Lý do Mẹ giận Mày chỉ có thế, vậy mà mẹ cứ quả quyết là mình giận, nhưng thực tâm Mẹ đâu có giận, Mẹ thương đấy chứ. Lời Mẹ là một thông điệp và thông điệp ấy chan chứa yêu thương, yêu thương đến nghẹn ngào. Mẹ biết hết tấm lòng của chị, Mẹ biết tình cảm của chị dành cho Mẹ, cho con của Mẹ. Bao nhiêu năm dài Mẹ có lẽ đã khuyên răn chị rất nhiều rằng hãy lo cho cuộc sống, lo cho tình cảm riêng tư của mình. Nhưng có lẽ trong lòng chị đã quyết rồi, nên chị vẫn ở vậy để lo cho Mẹ. Từng câu thơ đứt đoạn, qua những dấu ba chấm(…) Như những tiếng nấc nghẹn của Mẹ khi thấu hiểu thẳm sâu đáy lòng đứa con dâu dẫu chưa cưới hỏi.

Khi Mẹ thốt ra lời Mắng yêu chị, cũng là khi Mẹ biết, chị biết và có lẽ rất nhiều người nữa biết: “Có mày, mẹ được nương nhờ”. Nhưng có mấy ai biết, ai hiểu và nghĩ sâu xa như Mẹ : “Mai sau ai sẽ phụng thờ con đây?” Thêm một câu hỏi buông lửng, cho một câu kết của một bài thơ chất chứa tình thơ trĩu nặng. Đại từ nhân xưng Mày đã được Mẹ chuyển cách gọi âu yếm sang Con. Câu hỏi ấy mở ra một cánh cửa khác, cho bạn đọc thấy một chiều sâu thăm thẳm tình Mẹ .

Một bài thơ ngắn, chuyển tải một thông điệp rõ ràng. Ẩn chứa trong những ngôn từ bình dị là chiều sâu hun hút của nỗi mất mát đau thương. Song hành cùng chiều sâu thăm thẳm của tình yêu vô bờ bến, mà hai người phụ nữ, của hai thế hệ dành cho nhau. Họ cũng chính là hai thế hệ người Việt Nam trực tiếp gánh chịu nhiều mất mát nhất do chiến tranh gây nên. Hai câu hỏi buông lửng trong bài thơ không chỉ là câu hỏi của người Mẹ hỏi Con, mà có lẽ đó cũng là lời nhắc nhở dành cho mỗi bạn đọc chúng ta cần lưu tâm trong cuộc sống hôm nay, Khi mà chiến tranh đã qua đi Bốn mươi năm nếu tính từ cột mốc năm 1975. Và cũng đã 25 năm nếu tính từ Chiến tranh biên giới Phía Bắc. Xung quanh chúng ta vẫn còn đó nhiều lắm, những vết cắt mà chiến tranh tàn khốc để lại. Điển hình là những người mẹ, người chị như hai người phụ nữ trong Mẹ Giận Mày Đấy của tác giả Vũ Tuấn Anh. Họ rất cần sự cảm thông, quan tâm, chia sẻ của mỗi chúng ta.

Sài Gòn 10/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn

1 nhận xét:

  1. Này em -anh đọc bài này thấy hay quá vì gần nhà anh cũng có một bà cô-Mới có 73 tuổi thôi và .......sống cả đời là con dâu hờ vì 50 năm trước anh ấy chỉ đi mà không thấy về
    Anh làm bài thơ về chị ấy (Bà cô ấy ) anh xin ăn cắp thêm vài ý trong bài này nhé -Coi như anh đi ăn cắp

    Trả lờiXóa