Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017
Cảm nhận bài thơ Giấu Vào Anh của tác Giả Hoa Hồng
Cảm nhận bài thơ Giấu Vào Anh của tác Giả Hoa Hồng
Giấu là một động từ chỉ hành động mà bản thân người làm không muốn cho người khác thấy! Vậy mà tác giả Hoa Hồng lại đặt tựa đề cho một bài thơ tình Giấu Vào Anh. Hoa Hồng đã cất giấu những gì vào Anh, và chị có giấu được hay không? Đó là điều tôi muốn tìm khi khám phá bài thơ
Giấu Vào Anh
Em giấu một nỗi nhớ rất non
Vào trong búp lá
Nũng nịu và ăn vạ
Đòi phải xanh nhiều.
Em giấu cái thì mới nhú rất kiêu
Trong áo mỏng rồi ửng hồng đôi má
Một chút gì nghe lạ
Nao nao
Em gom hết ngọt ngào
Giấu trong chùm cam sau vườn cho mùa no múi
Giấu nét chân quê đồng nội
Trong chiếc ao nhà
Rau muống mùa này trổ rất nhiều hoa
Em xin giấu thủy chung trong màu tím nhớ
Để người đi mắc nợ
Một bờ quê.
Trinh nữ xòe hoa níu bước ai về
Lá xếp trên tay cho em giấu thẹn thùa mềm mại
Chút thì yêu non tơ đầu đời khờ dại
Em xin được giấu vào anh.( Trần Ngọc Hòa)
Giấu Vào Anh với một nhịp điệu nhẹ nhàng chuyên chở tới bảy động từ giấu cho năm khổ thơ tự do. Những điều mà từng khổ thơ muốn giấu tăng dần độ khó theo tâm tư biến chuyển phức tạp của chủ thể Em. Bắt đầu bằng việc
Em giấu một nỗi nhớ rất non
Vào trong búp lá
Nũng nịu và ăn vạ
Đòi phải xanh nhiều.
Búp lá mỏng manh, vừa cựa mình tách vỏ nảy mầm chả thể nào là nơi chắc chắn hay kín đáo, bởi nó vốn đang phát triển từng ngày. Ấy vậy mà đó lại là nơi Em muốn “Giấu một nỗi nhớ rất non”. Búp lá hẳn nhiên là lá non rồi! nhưng “nỗi nhớ rất non” mà muốn giấu đi thì lại mở ra một chiều cảm nhận khác. Em muốn giấu hay em muốn khoe đây nhỉ? Giấu ư? Đã giấu rồi sao lại nũng nịu và ăn vạ. Để mà “đòi phải xanh nhiều”. Mâu thuẫn chồng theo mâu thuẫn phần nào khắc họa tâm tư của mấy cô con gái mới lớn…
Em muốn giấu đi nỗi nhớ còn rất non vào trong một búp lá có lẽ còn non hơn, nhưng lại nũng nịu, đòi, phải, ( mà đòi ai và nũng nịu với ai đây?). Có lẽ người mà bị ăn vạ và bị cô bé vòi vĩnh là chủ thể của nỗi nhớ rất non kia. Nếu đúng thì hẳn nhiên Em không đòi thì búp lá vẫn lớn lên cùng nỗi nhớ và sẽ xanh lên theo màu của hy vọng. Em muốn giấu và đã giấu! Nhưng Em ơi! Em đã để lộ một cảm xúc chớm nở cũng rất non và một tình cảm mơ màng trong veo như đôi mắt của thiếu nữ tuổi đôi tám mất rồi.
Phải chăng Em muốn giấu và cũng lại muốn khoe cái rung động đầu đời của người con gái? Câu hỏi này tôi để ngỏ chờ Em, chờ tác giả trả lời.
Em giấu cái thì mới nhú rất kiêu
Trong áo mỏng rồi ửng hồng đôi má
Một chút gì nghe lạ
Nao nao
Khổ thơ đầu chứa hồn thơ trong veo, tình thơ ngọt ngào hé mở cánh cửa dẫn người đọc vào mang theo tâm trạng bâng khuâng trước vẻ đẹp xanh non vừa chớm nở đầu đời. Để rồi vỡ òa cảm xúc, khi ta bắt gặp cái bâng khuâng, cái rạo rực của tuổi mơ hoa . Còn hình ảnh nào đắt hơn nữa không tác giả Hoa Hồng ơi! Khi mà chị muốn khoe “Cái thì mới nhú rất kiêu” bằng việc chị để cho chủ thể “Em giấu…”. Mà giấu đi đâu không giấu, lại đi “Giấu trong áo mỏng…” để rồi càng giấu nó lại càng lộ ra, dẫn tới “ửng hồng đôi má”. Cái cảm giác “một chút gì nghe lạ…nao nao” của Em khi ấy vốn chẳng lạ tí nào đối với tác giả, với tôi và có lẽ rất nhiều người phụ nữ khác đã trải qua cái tuổi mới lớn đầy cảm giác lạ lùng ấy. Biết là vậy nhưng bây giờ đọc thơ vẫn thấy sống dậy cảm xúc nôn nao khó tả ngày nào… Phải chăng đây chính là thành công của tứ thơ mà ít người viết có được.
Bài thơ vẫn cuốn tôi đi sau những cơn sóng dội tôi ngược trở về ngày thanh xuân:
Em gom hết ngọt ngào
Giấu trong chùm cam sau vườn cho mùa no múi
Giấu nét chân quê đồng nội
Trong chiếc ao nhà
Từ cảm xúc bâng khuâng đầu đời, tới bỡ ngỡ trước thay đổi của tuổi vừa mới biết yêu, tác giả dẫn ta vào kho cất giữ kỷ niệm thời thiếu nữ…Qua những cung bậc cảm xúc đổi thay của cô thôn nữ mộc mạc càng tô điểm cho nét đẹp của bài thơ . Khi “em gom hết ngọt ngào” có lẽ là khi tình cảm trào dâng mãnh liệt vừa đủ độ chín của trái tim người thiếu nữ đã trưởng thành. Nhưng em gom nó lại để “giấu trong chùm cam sau vườn cho mùa no múi”. Thì đích thị là tình yêu mang theo ngọt ngào dậy men trong hương vị trái cây miệt vườn sông nước. Làm cho việc Em cất giấu thật duyên dáng và khéo léo. Phải chăng em còn giấu gì nữa sau vườn cam, giả như cái nắm tay rụt dè hay nụ hôn đầu bỡ ngỡ chẳng hạn… Nếu đúng thì tác giả đã ẩn được một ý thơ ngọt ngào hơn bất kỳ trái cam nào sau vườn cây trĩu quả ấy. Hương đồng gió nội của người thôn nữ hiện diện trong thơ càng thêm đằm cái duyên quê qua hình ảnh:
Rau muống mùa này trổ rất nhiều hoa
Em xin giấu thủy chung trong màu tím nhớ
“Để người đi mắc nợ.
Một bờ quê.
Trinh nữ xòe hoa níu bước ai về
Lá xếp trên tay cho em giấu thẹn thùa mềm mại
Những vạt hoa rau muống Em trồng, hay những vạt cây trinh nữ bên đường ta qua. Có lẽ Em không Giấu mà em đã gửi nỗi lòng thầm kín nhưng nồng nàn hương quê đủ khiến “người đi mắc nợ”. Mắc nợ bao nhiêu? Phải chăng chỉ có “một bờ quê” có vạt hoa Trinh nữ. Không! Có lẽ là mắc nợ thủy chung son sắt Em chờ, Em trao anh hết ngay cả:
Chút thì yêu non tơ đầu đời khờ dại
Em xin được giấu vào anh.
Bảy lần cất giấu đã qua! Lần nào Em cũng khẳng định mình giấu. Nhưng hình như Em càng muốn giấu thì nó càng khoe ra, khiến người đọc biết được, để rồi cuối cùng mỉm cười vỡ òa hạnh phúc với hai câu kết vẹn tình, trọn nghĩa cho một tình yêu đẹp. Ngôi thứ hai Anh xuất hiện ở câu kết và có lẽ Anh cũng là nơi ấm áp nhất để cho Em cất giấu tất cả những gì em đã khoe!
Giấu Vào Anh với cảm nhận của cá nhân tôi là như vậy. Có thể chưa phải là những gì tác giả muốn gửi gắm và chưa phải là góc nhìn chung của phần đông bạn đọc yêu thơ Trần Ngọc Hòa ( Hoa Hồng). Nhưng bằng tình yêu thơ và sự đồng cảm với Giấu Vào Anh tôi đã viết. Rất mong sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc nếu có điều sai sót.
Sài Gòn 30/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét