Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Bụi Phấn Còn Vương Của Tác Giả Chung Thị Hạnh



Thông thường nói tới bụi phấn là nói tới người thầy với bảng đen phấn trắng với đàn học trò thân thương! Nói tới bụi phấn thì bất kỳ ai cũng sẽ phảng phất hình ảnh: “Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào vương trên bục giảng. Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy…”- Bụi Phấn- nhạc Vũ Hoàng- Thơ Lê văn Lộc). Nhưng cái gì và bất cứ việc gì thì cũng luôn luôn có ngoại lệ của nó.

Bài thơ Bụi Phấn Còn Vương của tác giả Chung Thị Hạnh, lại không theo lối mòn ấy, vẫn là bụi phấn, vẫn là nghề giáo, nhưng lại khắc họa một góc khuất trái tim của hai người đã và một người đang là nhà giáo..

Bụi phấn lạnh lùng vương mắt xanh
Một thời thơ dại biết bao tình,
Đôi mắt thời trai anh lạc lối,
Chừ lại nhập nhòa đôi kiếng manh.

Mở đầu tác giả đưa ta ngược về thủa mà hai người còn “thời thơ dại”. Thời ấy bụi phấn dẫu “lạnh lùng vương trong đôi mắt xanh” thì cũng đã kịp để lại” biết bao tình” rồi. “thời trai” anh mới “Lạc lối”! anh lạc lối tận phương nào và tới đâu chưa biết ,chỉ biết bây giờ đôi mắt xanh ấy đã gắn thêm “Đôi kiếng manh” mà vẫn “nhập nhòa”.

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi và:

Bụi phấn trắng dần mái tóc xưa,
Không còn đen nhánh thuở tình thơ
Không còn e ấp bờ vai nhỏ,
Búi tròn sợi bạc tuổi giao mùa.

Người ở lại không lạc lối nhưng giờ đây mái tóc xưa theo thời gian cùng bụi phấn đã không còn đen nhánh nữa và giờ thì “Búi tròn sợi bạc buổi giao mùa” và không còn hình ảnh “Bờ vai nhỏ nữa” . Bao nhiêu lâu ?và vì sao? bụi phấn theo thời gian lại phũ phàng thế tác giả cho ta thấy ngay đây:

Bụi phấn cuốn em về nẻo ấy,
Lại đẩy anh sang lối bên này.
Hai bờ ngăn cách xa vời vợi,
Hai nẻo tình thơ, lạc đường mây.

Một mối tình thơ thời tóc xanh hai người cùng vương bụi phấn chung một hướng nhìn bỗng chốc trở thành “hai bờ ngăn cách xa vời vợi” . Cũng lại do “Bụi phấn cuốn em về nẻo ấy” và cũng chính nó “Lại đẩy anh sang lối bên này”. Sức mạnh nào ở những hạt bụi nhỏ bé ấy mà lại làm được cái việc to lớn đến thế nhỉ? Xin để ngỏ câu hỏi này lại để đến với khổ thơ tiếp:

Em cứ bình yên bên bụi phấn,
Còn anh lay lắt với bụi hồng,
Rồi học trò, chồng con, bài vở,
Biết có thời gian nhớ nhau không?

Sau khi bị xô bị đẩy bị cuốn ra hai lối thì : “Em cứ bình yên với bụi phấn. Rồi học trò chồng con bài vở.” những công việc hàng ngày bình thường mà một người phụ nữ của gia đình và người thầy của đàn học sinh phải làm.

Nhưng “Còn anh lay lắt với bụi hồng”. Anh lạc lối rời xa bụi phấn anh rong ruổi trên đường đời. Tác giả đã mượn hình ảnh của bụi hồng để mô tả việc này.Và rồi thời gian lặng lẽ trôi và bụi phấn vẫn cứ rơi đều còn bụi hồng thì vẫn tung mù mịt ở đâu đó xa vời. Bỗng một ngày :

Ngậm ngùi bóng ngựa qua song cửa,
Ngày ấy bây chừ ba mươi năm.
Bụi phấn vẫn quấn đời lặng lẽ,
Bụi hồng mờ nhạt lối tang bồng.

Quả là nghiệt ngã “ba mươi năm” thời gian trôi đi quá nửa đời người. Vó ngựa ai kia vô tình hay cố ý đi “ngang qua song cửa” để ai kia phải” ngậm ngùi”. Có lẽ là muộn rồi chăng bởi bụi phấn dẫu “ngậm ngùi” thì cũng “vẫn lặng lẽ quấn đời” với chồng với con với học trò bài soạn. Buồn cho “Bụi hồng mờ nhạt lối tang bồng”.

Nhưng qui luật của cuộc sống luôn là nghiệt ngã cho những ai không vững trí trước thử thách. Giá mà ba mươi năm trước, ai kia đừng lạc lối, vì thời bao cấp nghề giáo vô cùng khó khăn cùng với cái khó khăn chung của toàn xã hội. gắng gượng để vượt qua thì biết đâu hôm nay “bụi hồng” kia không mờ nhạt mà hai mái đầu bạc đã bên nhau cùng những hạt bụi li ti màu trắng mà người ta vẫn thường gọi là bụi phấn.

Cám ơn tác giả Chung Thị Hạnh với bài thơ Bụi Phấn Còn vương đã cho tôi có cảm xúc viết bài viết này. Xin hãy coi đây là tình cảm của riêng cá nhân tôi dành cho bài thơ mà tôi rất thích. Và đây là bài thơ ấy:

Bụi phấn lạnh lùng vương mắt xanh
Một thời thơ dại biết bao tình,
Đôi mắt thời trai anh lạc lối,
Chừ lại nhập nhòa đôi kiếng manh.
Bụi phấn trắng dần mái tóc xưa,
Không còn đen nhánh thuở tình thơ
Không còn e ấp bờ vai nhỏ,
Búi tròn sợi bạc tuổi giao mùa.
Bụi phấn cuốn em về nẻo ấy,
Lại đẩy anh sang lối bên này.
Hai bờ ngăn cách xa vời vợi,
Hai nẻo tình thơ, lạc đường mây.
Em cứ bình yên bên bụi phấn,
Còn anh lay lắc với bụi hồng,
Rồi học trò, chồng con, bài vở,
Biết có thời gian nhớ nhau không?
Ngậm ngùi bóng ngựa qua song cửa,
Ngày ấy bây chừ ba mươi năm.
Bụi phấn vẫn quấn đời lặng lẽ,
Bụi hồng mờ nhạt lối tang bồng. (Chung Thị Hạnh)

Sài Gòn 10/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét