Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Bài Thơ KHÁT Của Tác Giả Hoàng Dung



Với tác giả Hoàng Dung người viết chưa được gặp mặt và cũng chỉ mới biết thơ chị qua bài thơ Rỗng...cùng vài tác phẩm khác nữa. Bấy nhiêu cũng đủ để mỗi khi rảnh dỗi, người viết lại đi tìm hai chữ Hoàng Dung,Trôi theo mênh mông dòng chảy câu chữ rất riêng, rất đặc biệt của chị Khát là một điểm nhấn cuốn hút người đồng hành cắm sào neo thuyền dừng lại.
KHÁT

Nắng tháng ba khát mưa về tắm gội
Gột rửa đi bụi lấm trần gian
Đêm dị mộng khát cùng chung gối
Tan vào nhau lên đỉnh thiên đàng

Trăng non khuyết khát đêm rằm vành vạnh
Soi bóng Hằng ôm Cuội lả lơi
Đêm sâu khát tiếng ru hời
À ơi một khúc tình chơi vơi tình

Cát bỏng rát giữa trưa mùa hạ
Sóng vô tình vội vã ra khơi
Nghẹn lòng biển khóc không lời
Sóng xô lỡ nhịp một đời khát nhau (Hoàng Dung)

Khát! Một trạng thái mà hầu như trong mỗi chúng ta ai cũng từng trải qua. Khát nước, khát vọng, khát khao, Khát..và Khát...Tuy nhiên mỗi người khi khát đều mong muốn thoả mãn cơn khát của mình. Khát nước thì đương nhiên tìm nước uống sẽ hết, Khát vọng, và bao nhiêu cái Khát khác nữa có thoả mãn hay không thì mỗi người có một kết quả khác nhau.Biết là thế nhưng người viết vẫn muốn đi tìm trạng thái Khát của tác giả Hoàng Dung:
Nắng tháng ba khát mưa về tắm gội
Gột rửa đi bụi lấm trần gian
Đêm dị mộng khát cùng chung gối
Tan vào nhau lên đỉnh thiên đàng
Tháng ba buổi giao mùa giữa xuân và hạ..Sau những cơn mưa phùn ẩm ướt của mùa xuân, cỏ cây vạn vật đương nhiên Khát những trận mưa rào đầu hạ.Hiện tượng tự nhiên của thời tiết gắn với từ Khát thứ nhất chỉ có vậy.Thế nhưng theo sau nó lại là "về tắm gội.Gột rửa đi những bụi bặm trần gian".
Phải chăng còn một ẩn ý khác núp bóng sau câu chữ .Một chủ thể đang Khát khi đã bước vào tuổi cuối xuân thì. Dòng đời dẫu chỉ mới vừa qua tuổi xuân, vậy mà cái nắng đầu hạ đã đốt cháy tâm tư lấm lem bụi "trần gian". Giờ đây đang đứng giữa buổi giao mùa mà cảm nhận, mà thấm thía cơn "Khát mưa"!
Mưa nào "gột rửa" được "bụi lấm trần gian"? Mưa đầu hạ cũng chẳng thơ mộng dịu dàng lắm đâu, nó có lúc dạt dào, lúc lại xối xả gắt gao và đôi lúc cũng bơ vơ lạc lõng lắm...Phải chăng Khát này không thể giải toả được sao?
Một trạng thái Khát nữa xuất hiện trong khổ thơ này khiến cho tâm tư người đọc chùng xuống. "Đêm dị mộng khát cùng chung gối.". Đêm chỉ có một màu đen huyền bí, sẽ là không đúng khi bắt Đêm có dị mộng. Nhưng sẽ là rất tuyệt, khi nhờ đêm để gửi gắm nỗi cô đơn trống trải trong lòng người. Người ta khi"đồng sàng mà dị mộng",với sự đồng loã của màn đêm yên tĩnh thì cái sự Khát khao "cùng chung gối" sẽ là vô cùng vô tận...
Để rồi khi cơn Khát ấy được thoả mãn thì cảm giác "tan vào nhau lên đỉnh thiên đàng" là có thật. Còn nếu như không giải toả được cơn khát ấy thì đêm lại đêm nối dài mãi cơn khát trong dị mộng khắc khoải khao khát một đêm nào đó sẽ "cùng chung gối".
Trăng non khuyết khát đêm rằm vành vạnh
Soi bóng Hằng ôm Cuội lả lơi
Đêm sâu khát tiếng ru hời
À ơi một khúc tình chơi vơi tình
Thêm hai trạng thái Khát khác nữa xuất hiện "trăng non khuyết khát đêm rằm vành vạnh".Tại sao Hằng ôm Cuội lại phải chờ trăng rằm tròn vạnh mới soi bóng. Phải chăng đó là xuất phát điểm cho cơn Khát trong vòng tay tình ái của nhân vật trữ tình núp sau bóng chị Hằng Và chú Cuội...Điều đó có lẽ sẽ rõ hơn trong cái sự Khát thứ hai vừa đến. "Đêm sâu.."? phải chăng có một đêm khác nữa nông , hay bàng bạc màu huyền bủa giăng người phụ nữ ẩn sau bóng chị Hằng.Để giờ đây có một Đêm sâu thăm thẳm, như chính nỗi trống rỗng trong tâm hồn người thao thức, để mà bật lên nỗi khao"khát tiếng ru hời".Vâng người viết cũng rất đồng tình với nỗi khát khao đặc biệt này. Đêm mênh mông chẳng thể khoả lấp nỗi trống vắng đơn côi trong lòng người. Một khúc "à ơi!" tự tình dẫu có "chơi vơi" vẫn phần nào giúp phá tan cái khoảng trống vô hình mà hiện hữu khi đêm về. Cơn khát này phải chăng tỷ lệ thuận với thời gian, đêm càng sâu nỗi khát khao càng lớn...
Cát bỏng rát giữa trưa mùa hạ
Sóng vô tình vội vã ra khơi
Nghẹn lòng biển khóc không lời
Sóng xô lỡ nhịp một đời khát nhau
Bốn câu thơ kết tả thực về bờ cát, sóng biển và nắng nóng "giữa trưa mùa hạ". Sẽ là không có gì để bàn cãi về chuyện muôn thủa của sóng và bờ cát, nếu như không có trạng thái Khát xuất hiện, Không còn khát mưa, khát chung gối, khát tiếng ru, hay khát vòng tay tình ái lả lơi nữa..Mà họ hai nhân vật trữ tình ẩn sau câu chữ chỉ vì " Sóng xô lỡ nhịp" mà phải chịu đựng "một đời khát nhau".
Phải chăng vì cái nắng nóng "giữa trưa mùa hạ" như thiêu đốt,khiến cho "cát bỏng rát".Nếu như cơn sóng xanh hay bạc đầu cũng được, chẳng "vô tình vội vã ra khơi". Biển sẽ chẳng phải "nghẹn lòng" và có lẽ cũng không có ai phải "một đời khát nhau".
Bài thơ Khát vừa khép lại với một trạng thái Khát! Có lẽ đời này, kiếp này lỡ phải "một đời khát nhau" sẽ không bao giờ thoả mãn được...

Khát phải chăng không chỉ là những trạng thái của con người, của vạn vật với cỏ cây! Ở đây ngay trong nội tại của Khát hôm nay, là một trái tim người phụ nữ đang run rẩy trong vô vọng, trong cô đơn tận cùng. Trái tim ấy đang cố vùng vẫy thoát ra khỏi khoảng trống vô hình bủa vây mà không sao thoát được mới bật lên Khát...sau khi cay đắng nhận ra sự khát khao là có thật nó đang âm ỉ cháy, đang sục sôi muốn trào ra...những nỗi niềm tự trong sâu thẳm nhịp đập của chính trái tim mà không sao thoả mãn được !

Cám ơn tác giả Hoàng Dung cùng với Khát đã cho người viết có dịp trải lòng vào câu chữ..Rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả cũng như bạn đọc nếu như có thiếu sót trong bài viết này.

Sài Gòn 17/4/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét