Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Phơi Xuân Của Tác giả Hạt Cát Diệu Sinh



Mùa Xuân đã chia tay tạm biệt lâu rồi, chút sắc xuân còn sót lại bằng vài bông mai muộn màng cũng đã kết trái vừa chín màu tím rịm. Hạ đã về nồng nàn rực rỡ, hình như đôi lúc còn mơ màng như Thu ngấp nghé rồi kìa. Vậy mà Thiếu phụ, thi sĩ Hạt Cát Diệu Sinh bây giờ mới Phơi Xuân… Chị phơi Xuân nào khi đang giữa hạ? Khi chị đang dạo chơi cùng những cơn gió heo may cuối vườn? Khi bóng hoàng hôn đã đổ ráng chiều màu tím…Thắc mắc với cái tựa là lạ như vậy. Nhưng khi đọc xong bài thơ ấy, thì tôi rất muốn chia sẻ công việc nặng nhọc, có phần hơi quá sức của chị.


Phơi Xuân

Vén mây cho nắng ló ra
Cho hoa gạo nở tháng ba đỏ giời
Tãi duyên, rải nợ hong phơi
Cót thương, bồ nhớ ẩm rồi còn đâu!

Dang tay gạn nước bể sâu
Chắt mặn mòi gói cho nhau mang về.
Dầm hờn giận, muối đắm mê
Khi tình yêu độ đông hè... meo xanh.
Xuân đêm sùi sụt năm canh
Xuân ngày mây xám tênh hênh giữa giời.
Xuân tình mốc trắng như vôi…

Sũng ướt Xuân, sũng ướt người chờ Xuân.(Hạt Cát- Diệu Sinh)

Bài thơ chị viết theo thể thơ lục bát uyển chuyển cùng vần điệu của thể thơ truyền thống. Nhưng những động từ mạnh mà chị dùng nhiều làm cho nhịp thơ như gập gềnh, như trắc trở…Phơi Xuân được chị bắt đầu bằng:

Vén mây cho nắng ló ra
Cho hoa gạo nở tháng ba đỏ giời
Tãi duyên, rải nợ hong phơi
Cót thương, bồ nhớ ẩm rồi còn đâu!

Chỉ với bốn câu thơ mà đã có tới bảy động từ như “vén, Ló, nở, tãi, rải, hong, phơi”Nhằm diễn tả tiết trời âm u cuối mùa xuân khi cái rét Nàng Bân nấn ná…Trong cái hồn cốt của tứ thơ như bực bội, như có phần bức bách ấy. Tác giả muốn giơ tay “vén mây”, cứ ngỡ vén được là “nắng sẽ ló ra”. Cứ ngỡ xua đi được cái âm u ấy thì dấu hiệu hè về lập tức xuất hiện bằng “hoa gạo nở…” .

“Mong nắng ló ra.” rồi “ Mong hoa gạo nở tháng ba đỏ giời”. Chỉ vì “cót thương” và cả “bồ nhớ” của chị bị “ẩm rồi còn đâu”. Thương ai? Và thương điều gì? Mà đựng đầy cả cót. Rồi nhớ ai? nhớ điều gì ? mà cất đầy bồ. Để cho ẩm ướt của mùa xuân tràn vào ẩm hết như vậy? Để rồi giờ đây phải “vén mây” giúp “nắng ló ra” để mà “tãi duyên, rải nợ hong phơi”. Duyên ơi! nợ ơi! Duyên tình hay duyên phận? Nợ tình hay nợ nghĩa thế này…Dẫu duyên gì? Và nợ nào? Thì công việc mà chị sắp làm và phải làm cũng chẳng dễ chịu tí nào cả….

Để lý giải cho việc để ẩm cả cót thương bồ nhớ chị viết tiếp:

Dang tay gạn nước bể sâu
Chắt mặn mòi gói cho nhau mang về.
Dầm hờn giận, muối đắm mê
Khi tình yêu độ đông hè... meo xanh.
Xuân đêm sùi sụt năm canh
Xuân ngày mây xám tênh hênh giữa giời.
Xuân tình mốc trắng như vôi…

Dẫu bể tình hay bể đời có sâu tới đâu? và có rộng cỡ nào? thì chị cũng đã tận tình “gạn nước”cho vợi bớt để “chắt mặn mòi” rồi “gói cho nhau mang về”. Ai mang về vậy chị? phải chăng là người ấy? hay là mỗi người cùng chung tay chắt gạn rồi sẻ san thành quả cho nhau? Dẫu sao thì công việc này cũng chẳng hề dễ phải không chị? Nếu dễ dàng, chắc chị không phải dùng những động từ gạn chắt, gói, mang….Vẫn chưa hết còn đây những công việc phát sinh “Dầm hờn giận, muối đắm mê”.. “Khi tình yêu độ đông hè”…Mà hờn giận chị khó nuốt hay không thích mà lại mang dầm (Một cách thêm gia vị cho ngon hơn, nhưng phải ăn liền không để lâu được)? Còn nữa si mê đắm đuối trong tình yêu là chất xúc tác cho tình yêu thăng hoa, đợi ngày kết trái ngọt hạnh phúc…Bao nhiêu cho đủ được nhỉ? vậy mà chị còn dư phải mang muối để dành…Có lẽ chị đã dầm, đã muối không đúng cách hay thiếu gia vị nên tất cả trở nên “meo xanh”.

Nếu xét về nội trợ thì chị bị điểm không tròn trĩnh rồi. Dầm không đung cách hay thiếu muối thì bị váng..Muối là muối mặn để dành..chẳng có meo mốc nào sống được trong môi trường ấy cả…Vậy mà chị dầm sao? muối thế nào? để cho nó lên “meo xanh” mới biết, thì bây giờ còn nước là đổ bỏ làm lại mà thôi…

Mà có lẽ chị vụng thật, nên bây giờ Xuân đến chị phải gặm nhấm trái đắng của cuộc tình: Đêm “sùi sụt năm canh” ngày thì “Mây xám tênh hênh giữa trời”. Còn gì đâu nữa Xuân ơi! cuộc tình ơi! chị của tôi ơi!

Xuân tình bạc trắng như vôi.. Chính là căn nguyên dẫn đến chị muốn Phơi Xuân ư? Cuộc tình nào không duyên, cũng nợ…Có duyên có nợ thì ắt thành. Cuộc tình mà “bạc trắng như vôi” thì ôi thôi! Cái sự bạc bẽo ấy mình thoát khỏi là may mắn rồi chị ạ! Dẫu tuổi xuân có phải ướt sũng và ướt luôn cả “người chờ xuân” thì hãy gắng chờ đợi, chẳng cần vén mây đâu. Xuân qua hạ sẽ đến mọi cái ẩm ướt sẽ được hong khô chị ạ…

“Sũng ướt Xuân, sũng ướt người chờ Xuân”. Chính là chìa khóa mở nút thắt cho tựa đề Phơi Xuân của chị. Có lẽ cả một thời thanh xuân chị đã dành hết sức mình để gạn đục, lắng trong, nâng niu gìn giữ để rồi cuối cùng gặp “xuân tình bạc trắng như vôi”. Nay biết rằng sũng ướt tất cả …không cứ bồ thương, cót nhớ mà ướt sũng cả người chờ xuân…Chị vẫn can trường quả cảm mang Phơi Xuân…Biết bao mùa hạ nữa đến cùng “hoa gạo đỏ giời” để cho chị Phơi Xuân hết sũng ướt đây?

Dẫu sao cũng mong rằng đây chỉ là xúc cảm thơ ca đến trong một cảnh éo le nào chị gặp trên đường… Một Phơi Xuân nặng trịch. Như những gì mà chị đã viết làm ám ảnh tôi, phải chăng là như vậy?

Sài Gòn 6/7/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét