Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ Chị Tôi-Người Đi Tìm Tên Và Gia Đình Cho Liệt Sĩ. của tác giả Trần Ngọc Hòa


Huỳnh Xuân Sơn Cảm nhận bài thơ Chị Tôi-Người Đi Tìm Tên Và Gia Đình Cho Liệt Sĩ. của tác giả Trần Ngọc Hòa

Bạn đã bao giờ nhìn thấy hay nghe được, có một loài cây mang tên Trở Trăn hay không? Đặc biệt cây Trở Trăn không ra nhánh Trở Trăn mà nó lại mọc “Những nhánh buồn”! Nếu bạn cũng như tôi lần đầu nghe thấy thì ta hãy cùng đọc bài thơ của tác giả Hoa Hồng để biết thêm về một loài cây mang tên như thế:

CHỊ TÔI- Người Đi Tìm Tên Và Gia Đình Cho Liệt Sĩ.
( kính tặng thượng tá Nguyễn Thị Tiến )

Chị sợ vô cùng khi hương khói quẩn quanh
Ngày tháng qua nhanh
mà những di vật của chiến tranh vẫn nằm im lặng lẽ
Chiếc cối giã trầu bằng vỏ đạn anh bộ đội gò tặng mẹ
Đang nhìn chị đau đáu một thỉnh cầu.

Chị đưa được anh về thì tóc mẹ đã bông lau
Hốc mắt hoắm sâu giọt thương con đẫm lá cờ Tổ Quốc
Con trai mẹ trở về bằng thanh xương gầy guộc
Hồn đã hòa trong non nước rạng ngời.
Bức ảnh người chị gần ba mươi năm trời
Lặng lẽ theo em nằm sâu trong lòng đất
Chị tôi bôn ba lần theo di vật
Đưa anh chiến sĩ về nhà trong một chiều bãng lãng sắc thu.
Cây bút ba vì, chiếc nút áo , đồng năm xu
Mảnh giấy " kỷ niệm những ngày bẻ đít ốc "
Cũng đủ để thâu đêm chị tôi trằn trọc
Cây trở trăn mọc đầy những nhánh buồn.
Nắng cuối ngày rơi yếu ớt trên mảnh nhôm
Những cái tên mẻ trước đứt sau do đạn bom ác nghiệt
Những cái tên cụt dấu hụt vần đang cồn cào da diết
Muốn được đủ đầy như ngày Tổ Quốc gọi ra đi.

Kìa !
Như hương khói biết thầm thì
Những ngôi sao vô danh đang đi vào giấc mơ của chị.
Và kìa !
Những linh hồn liệt sĩ
Đang xúc động sụt sùi
khi được chị tìm về đầy đủ họ và tên. (Trần Ngọc Hòa)

Non sông nối liền một dải gần trọn bốn mươi năm. Tiếng súng tiếng pháo đạn bom của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc quê hương chỉ thực sự im chưa trọn 25 năm.Bốn mươi năm gần nửa thế kỷ, hay 25 năm nếu lấy cột mốc tiếng súng ngưng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc thì cũng vừa tròn một phần tư thế kỷ. Những cột mốc thời gian ấy không quá dài so với công cuộc “bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước” Nhưng liệu bấy nhiêu thời gian đã đủ làm nguôi vơi nỗi đau hậu cuộc chiến.

Với thế hệ chúng tôi lớn lên trong hòa bình còn có thể. Nhưng với những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu và bỏ lại một phần xương máu tại chiến trường, hay người thân bạn bè của những người lính đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó trên đại ngàn xanh, hay hòa thân thể vào dòng sông, dòng suối, chưa tìm thấy hài cốt hoặc đang yên nghỉ trong những ngôi mộ vô danh thì có lẽ chưa bao giờ họ nguôi nỗi đau.

Cây Trở Trăn là một phụ nữ Nghệ An khi non sông nối liền một dải chị mới là thiếu nữ tuổi đôi mươi. Tốt nghiệp sư phạm làm giáo viên nơi vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Rồi chị chuyển sang làm thuyết minh bảo tàng quân khu IV. Có lẽ Cây Trở Trăn nảy mầm bắt đầu từ đây, mỗi ngày gặp những kỷ vật chiến trường của những người lính đã “Mãi mãi tuổi hai mươi” là một lần cây phát triển, lớn lên và mọc thêm những nhánh buồn. Mấy chục năm qua cây Trở Trăn ấy mọc biết bao nhiêu cành, sinh bao nhiêu nhánh buồn. Và trong muôn vàn nhánh buồn ấy hàng trăm đã nảy lộc, đơm bông rồi kết trái đoàn tụ .Trái đoàn tụ có vị ngọt của nụ cười không hình từ người đã khuất, xen lẫn vị mặn đắng, ngọt ngào của nước mắt người còn sống.
Trần Ngọc Hòa bông Hoa Hồng nở từ một cội tận miền Tây Nam Bộ đã đồng cảm với những nhánh buồn kết trái đoàn tụ của Cây Trở Trăn đã viết Chị Tôi:
Chị sợ vô cùng khi hương khói quẩn quanh
Ngày tháng qua nhanh

Cây Trở Trăn sau những ngày làm thuyết minh cho bảo tàng quân khu IV, tiếp xúc với những kỷ vật chiến trường trong bảo tàng, như hòn đá khắc tên, chiếc gương, chiếc lược, bức hình, cái cối giã trầu... Chị đã xin theo những đoàn chiến sĩ đi quy tập hài cốt đồng đội khắp các chiến trường xưa. Vì đâu mà một phụ nữ mảnh mai như chị lại có sức mạnh dẻo dai đến vậy? Phải chăng âm dương cách trở nhưng con đường từ trái tim, đến trái tim luôn luôn thông thoáng và không gì ngăn cản được. Đóa Hồng miền Tây có lẽ đã hiểu được nỗi lòng Cây Trở Trăn, khi nhìn khói hương quấn quanh các di vật của người ra đi còn để lại. Đó đây trong các nấm đât, các ngôi mộ vẫn còn những kỷ vật cùng với linh hồn người đã khuất.Khiến lòng người day dứt và thôi thúc Cây Trở Trăn lên đường và chữ Tâm chính là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho Cây Trở Trăn băng rừng vượt suối, đến với những di vật cùng những nấm mộ để người nằm dưới không còn Vô Danh nữa…

Cây Trở Trăn đi sưu tầm được kỷ vật nào chị đánh dấu số mộ, nghĩa trang, để mong tìm lại thân nhân cho họ. Ngày tháng qua nhanh ư? Vòng quay của quỹ đạo vẫn đều đều như nó vốn vậy xưa nay, chỉ có trái tim Cây Trở Trăn nôn nóng muốn kiếm tìm thân nhân cho chủ nhân của của các kỷ vật nên mới thấy nó qua nhanh mà thôi! Mỗi nhánh buồn nảy được lộc là thêm một lần hy vọng sẽ kết được trái đoàn tụ.

Đây là một trái Đoàn Tụ trong hàng trăm trái đã được bông Hồng miền Tây ghi lại trong Chị Tôi:

mà những di vật của chiến tranh vẫn nằm im lặng lẽ
Chiếc cối giã trầu bằng vỏ đạn anh bộ đội gò tặng mẹ
Đang nhìn chị đau đáu một thỉnh cầu.
Chị đưa được anh về thì tóc mẹ đã bông lau
Hốc mắt hoắm sâu giọt thương con đẫm lá cờ Tổ Quốc
Con trai mẹ trở về bằng thanh xương gầy guộc
Hồn đã hòa trong non nước rạng ngời.

Ai đã từng chứng kiến những giọt nước mắt nghẹn ngào của Cây Trở Trăn trên chương trình Người Đương Thời hẳn không quên câu chuyện chị kể, về chiếc cối giã trầu anh lính trẻ gò tặng mẹ. Nó chỉ là vật vô tri vô giác, nhưng với trái tim đập dập dồn nhịp đập của người mẹ yêu con, Cây Trở Trăn đã thấy như chiếc cối kia nhìn mình vậy…Chị nhìn nó và thấy như linh hồn anh lính trẻ nhìn chị. Chị đã tìm được người mẹ ấy khi bà đã gần trăm tuổi, đưa con bà về trong ngập tràn niềm vui của người đang sống, cũng như người đã khuất.Nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai trong lòng người mẹ mất con ấy, Nỗi đau xen lẫn nỗi vui quyện trong khói hương chảy ra trong dòng nước mắt đoàn tụ. Dẫu âm dương cách trở…
Bức ảnh người chị gần ba mươi năm trời
Lặng lẽ theo em nằm sâu trong lòng đất
Chị tôi bôn ba lần theo di vật
Đưa anh chiến sĩ về nhà trong một chiều bãng lãng sắc thu.

Trái đoàn tụ thứ hai cũng vừa hiện diện bắt đầu từ một nhánh buồn nảy lộc. Bức hình người chị theo em trai ra chiến trường, bom rơi đạn nổ..Bức hình nằm lại cùng với người em ba mươi năm dưới lòng đất mẹ. Để rồi cũng chính bức hình người chị ấy, lại là người đưa đường cho Cây Trở Trăn lặn lội tìm đường đưa em trai của chị về nhà dù chỉ còn “nắm xương”. Vâng! ‘trong một chiều bảng lảng sắc thu” ấy hẳn người em đang mỉm cười từ trên cao chín tầng mây dõi xuống. Thân xác anh đã về với mẹ với chị với quê hương. Trái đoàn tụ ấy, hẳn Cây Trở Trăn đã rất vui khi trao tặng.

Cây bút ba vì, chiếc nút áo , đồng năm xu
Mảnh giấy " kỷ niệm những ngày bẻ đít ốc
Cũng đủ để thâu đêm chị tôi trằn trọc
Cây trở trăn mọc đầy những nhánh buồn.
Nắng cuối ngày rơi yếu ớt trên mảnh nhôm
Những cái tên mẻ trước đứt sau do đạn bom ác nghiệt
Những cái tên cụt dấu hụt vần đang cồn cào da diết
Muốn được đủ đầy như ngày Tổ Quốc gọi ra đi.

Hai khổ thơ bông Hồng miền Tây nói về những di vật còn đang nằm đó, chúng như đang nhìn, chúng như thúc giục chị, đi tìm đường đưa chủ nhân chủa chúng về với gia đình với quê hương. Bao nhiêu di vật của những người lính trẻ là bấy nhiêu đôi mắt đang dõi theo Cây Trở Trăn, Bao nhiêu di vật là bấy nhiêu nhánh buồn…Trần Ngọc Hòa viết hai khổ thơ này xuất thần, xin dùng hai từ xuất thần bởi chị cũng như tôi không trực tiếp nhìn thấy chiến tranh khốc liệt. Vậy mà đọc hai khổ thơ ta thấy nỗi đau hiển hiện, chỉ bằng mấy động từ như “rơi, mẻ,đứt,cụt, hụt, mọc…” Vâng những cái tên đi theo di vật thường thiếu dấu, sai vần, sứt mẻ bởi đạn bom hoặc do nghiệt ngã của thời gian. Chúng muốn, Cây Trở Trăn muốn, Hoa Hồng muốn, tôi muốn, thân nhân họ muốn, Các anh lính trẻ mong và có lẽ nhiều bạn đọc cũng mong muốn cho Nó được đủ đầy như lúc các anh lên đường ra trận.

Câu thơ đặc biệt “Cây trở trăn mọc những nhánh buồn” đã được người viết lấy đặt tên cho nhân vật Chị Tôi là Cây Trở Trăn. Vâng với riêng người viết, câu thơ ấy hay nhất, điểm sáng đặc biệt nhất, ý thơ ý nghĩa nhất, hồn thơ nặng trĩu nhất khi viết Chị Tôi và có lẽ đó cũng là điểm nhấn đắt giá nhất cho bài thơ ..
Kìa !
Như hương khói biết thầm thì
Những ngôi sao vô danh đang đi vào giấc mơ của chị.
Và kìa !
Những linh hồn liệt sĩ
Đang xúc động sụt sùi
khi được chị tìm về đầy đủ họ và tên.

Dù không muốn thì bông Hồng miền Tây cũng vừa khép lại Chị Tôi. Cây Trở Trăn vẫn đang mọc cành, phân nhánh, vẫn đang nảy lộc, đơm bông và chờ kết trái đoàn tụ. Với nguyên mẫu Chị Tôi của tác giả Hoa Hồng và nguyên mẫu Cây Trở Trăn của người viết chị là Nguyễn Thị Tiến nguyên thượng tá đã về hưu, nhưng vẫn ba lô con cóc sẵn sàng lên đường khi có thông tin liên quan đến những di vật mà chị đã nâng niu cất giữ, Chị và gia đình đã giành hẳn một tầng trên căn nhà của mình, nằm cạnh bảo tàng quân khu IV để trưng bày và thờ cúng, những di vật của những người lính đã ngã xuống vì quê hương tổ quốc.

Chị Nguyễn Thị Tiến vẫn ngày đêm đau đáu mong hoàn thành tâm nguyện tìm lại thân nhân, cho chủ nhân của những di vật ấy. Cầu mong cho chị có nhiều sức khỏe, cầu mong sao cho những người lính trẻ có mộ phần cùng những di vật để lại sớm được đoàn tụ với gia đình..Dẫu biết là rất khó bởi chiến tranh qua đã quá lâu, nhiều di vật đã bị hao mòn sứt mẻ.Dẫu biết những chủ nhân của chúng cũng rất mong mỏi được “về nhà” nơi có mẹ cha vợ con anh em vẫn đang ngày đêm ngóng chờ. Có rất nhiều người cha người mẹ đã không thể chờ….Dẫu chỉ mong gặp lại nắm xương tàn cũng thật khó!

Chiến tranh là mất mát vẫn biết vậy. Bao nhiêu người lính nằm lại chiến trường? bao nhiêu người được thân nhân tìm thấy mang về hương khói? Còn bao nhiêu người tìm thấy mộ mà đồng đội phải dằn lòng khắc tấm bia Vô Danh. Các anh vốn có tên, có tuổi, có gia đình, có quê hương. Nhưng khi ấy giữa bom rơi đạn nổ nào có kịp ghi đầy đủ. Ngay cả tấm giấy báo tử gửi về cho gia đình người nằm xuống.Như nhà ngoại tôi khi nhận được giấy báo tử cậu tôi, người con trai duy nhất, cũng chỉ vỏn vẹn hàng chữ Hy sinh tại mặt trận phía Nam. Còn bao nhiêu người lính trẻ hy sinh mà gia đình họ cũng chỉ nhận được mảnh giấy ghi nơi yên nghỉ :Hy sinh tại mặt trận phía Nam.? Câu hỏi này người viết vẫn biết hỏi chỉ để tự hỏi mình mà thôi!

Chị Nguyễn Thị Tiến đã âm thầm làm một việc ý nghĩa, đem lại niềm vui cho hàng trăm gia đình và là nguồn động viên không nhỏ, cho những gia đình có con em hy sinh, mà chưa tìm thấy mộ phần hy vọng.

Cám ơn tác giả Trần Ngọc Hòa đã viết bài thơ Chị Tôi để giới thiệu thêm một lần nữa về Người đương thời Nguyễn Thị Tiến để cho người viết hôm nay có cơ hội ngắm nhìn Cây Trở Trăn và biết được cây đã kết rất nhiều trái đoàn tụ ý nghĩa…

Sài gòn 13/10/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét