Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Thư Xuân Gửi Cho Vợ Yêu Của Tác Giả Vũ Hải Châu CGS.SPQNK10



Xuân về, khiến tâm hồn và tình cảm con người cũng rạo rực theo tin xuân. Các ông, các bà, mong tới ngày xuân, gặp mặt đông đủ con cháu quây quần xum họp. Mấy cô, mấy chị tíu tít lo làm bánh mứt. với các bạn trẻ chờ xuân đến cũng là dịp để bày tỏ tình yêu. Người đã luống tuổi thì xuân về hay hoài niệm. Người để trong lòng, người viết ra nhạc, ra chuyện còn các thi sĩ dù chuyên, hay không chuyên, thì hẳn nhiên là gửi hoài niệm trong lòng mình vô những câu thơ .

Xuân Quý Tỵ về. Cũng là lúc tôi đang tập tễnh viết đôi câu gọi là thơ, và tôi gặp một bài thơ cũng là nỗi niềm của nhà giáo vừa vể hưu viết cho vợ mình :

Thơ Xuân Gửi Cho Vợ Yêu

Én về , mai nở báo xuân sang
Nắng mới ngoài hiên óng ánh vàng
Bướm lượn dập dìu trên giậu thắm
Líu lo chim hót dưới trời quang

Tết đến anh càng thương em hơn
Đắn đo sắm sửa cho mâm cơm
Rồi còn bánh mứt , trà tiếp khách
Lương giáo , lương còm ... giá lên cơn !

Theo anh từ thủa tuổi đôi mươi
Vu quy áo cưới dù kém tươi
Đón dâu , chàng rể quên hoa cưới
Ngấn lệ rưng rưng vẫn mỉm cười

Từ ấy thương anh , em chắt chiu
Bảng đen , phấn trắng đời hắt hiu
Nhìn con khôn lớn em thường bảo
Hạnh phúc nào hơn , buổi xế chiều

Em ơi , anh mãi mãi yêu em !
Có em , xuân sẽ mãi êm đềm
Bên em , xuân sẽ càng thêm thắm
Yêu em , xuân đến càng yêu thêm .(Vũ Hải Châu)



Kể từ lúc được đọc bài thơ này tới nay, đã thêm một mùa xuân mới, một cái tết nữa. Nhưng những câu thơ tự do, chân chất, mộc mạc, nhưng tràn đầy tình cảm, cứ tự nhiên ngự trị trong tôi, để mỗi khi có dịp nó lại về lung linh trước mặt .

Tác giả Vũ Hải Châu là một nhà giáo đã nghỉ hưu, Người đầu ấp tay gối của anh vẫn còn đang theo nghề. cuộc sống thanh đạm của hai nhà giáo sống giữa thành phố biển Qui Nhơn, cứ lặng lẽ trôi theo dòng đời. Lúc khó khăn của thời bao cấp, hay lúc thanh nhàn bởi con cái đã trưởng thành. Thì tình cảm họ giành cho nhau vẫn ngọt ngào như ngày nào mới gặp.

Tết Quý Tỵ cũng vậy, trong khi chị đang chuẩn bị bánh mứt để đón tết, thì anh ngồi trước nhà và anh nhận ra cảnh sắc mùa xuân xung quanh tổ ấm hạnh phúc của mình:

Én về , mai nở báo xuân sang
Nắng mới ngoài hiên óng ánh vàng
Bướm lượn dập dìu trên giậu thắm
Líu lo chim hót dưới trời quang

Vẫn là những tin xuân đơn giản, Én về, Mai nở, nắng và đâu đây quanh nhà vang thêm tiếng “líu lo chim hót”. Bầu trời quang đãng với “nắng óng ánh vàng”.

Xuân về với anh sao đẹp thế, nhịp thơ như tiếng ngân vui hạnh phúc trong lòng, hòa vào từng câu, từng chữ. Ta cảm nhận thấy xuân tươi vui, rộn ràng. Có lẽ cảm xúc xuân đó cũng chính là cảm xúc trong lòng anh chăng? .
Ta hãy cùng bước vào chính nỗi niềm trong anh.
Xuân về anh cảm nhận cảnh sắc xuân như vậy, nhưng ngược lại trong lòng anh là :

Tết đến anh càng thương em hơn
Đắn đo sắm sửa cho mâm cơm
Rồi còn bánh mứt , trà tiếp khách
Lương giáo , lương còm ... giá lên cơn !

Với đồng lương eo hẹp của hai nhà giáo, hàng ngày vốn đã phải chắt chiu rồi. Nay vật “giá lên cơn”, mà khi tết đến nào đâu chỉ có mâm cơm thanh đạm như ngày thường . Mà còn “bánh mứt, trà tiếp khách”. Bao nhiêu khoản phải chi, nhưng lương thì không phải là “nồi cơm Thánh Gióng” nó vốn đã bị đóng khung bấy nhiêu đó rối!

Tác giả không nói hàng ngày thì sao? Anh giành tình cảm cho chị thế nào? Nhưng nay anh viết “Tết đến anh càng thương em hơn”.Chỉ một câu thơ thôi mà cho ta cảm thấy lúc nào anh cũng thương chị. Vừa phải dạy học, vừa phải lo vén khéo cho gia đình .

Từ tình thương yêu giành cho chị mà anh cảm nhận được khi tết đến. Anh dắt ta ngược dòng về cột mốc họ gặp nhau:

Theo anh từ thủa tuổi đôi mươi
Vu quy áo cưới dù kém tươi
Đón dâu , chàng rể quên hoa cưới
Ngấn lệ rưng rưng vẫn mỉm cười

Kỷ niệm có lẽ anh nhớ và thương chị nhất là ngày cưới. Ngày ấy mới sau biến cố năm 1975. Anh chị cưới nhau trong hoàn cảnh khó khăn cùng cái khó khăn chung của toàn xã hội. Nên ngày hạnh phúc không được như ý anh chăng? Vẫn có áo cưới vu quy, nhưng lại là “kém tươi” và khi : “Đón dâu” thì thật khó tin, nhưng đó là sự thật : “Chàng rể quên hoa cưới”. Chị yêu và thương anh nên chỉ “ngấn lệ rưng rưng” thôi. Còn miệng thì “vẫn mỉm cười”.

Vậy là từ đó họ nên duyên hạnh phúc. Vừa dạy học vừa lo vun vén gia đình. Để đảm bảo cuộc sống có được bữa rau bữa cháo thời bao cấp. Hay những bữa cơm no đủ sau này, chị đã phải:”chắt chiu”: anh biết và anh càng thương yêu chị hơn là vì vậy chăng.

Những câu thơ dạt dào tình cảm vẫn đang nối tiếp:

Từ ấy thương anh , em chắt chiu
Bảng đen , phấn trắng đời hắt hiu
Nhìn con khôn lớn em thường bảo
Hạnh phúc nào hơn , buổi xế chiều

Dẫu là có từ “hạnh phúc” và chị vẫn “thường bảo” chẳng có “hạnh phúc nào hơn” nhưng sao cả khổ thơ vẫn man mác nỗi niềm . Có lẽ tại câu “bảng đen phấn trắng đời hắt hiu”. Câu thơ này như một tảng đá “ngàn cân” níu cả khổ thơ trùng xuống.
Bây giờ thì đã qua hết sóng gió thác ghềnh rồi, mặt sông lặng sóng. Chị “nhìn con khôn lớn” ở “buổi xế chiều” mà cảm nhận được không có “hạnh phúc nào hơn”. Điều đó không phải gia đình nào cũng có!
Một khổ thơ kết thật tuyệt vời!

Em ơi , anh mãi mãi yêu em !
Có em , xuân sẽ mãi êm đềm
Bên em , xuân sẽ càng thêm thắm
Yêu em , xuân đến càng yêu thêm .

Bao nhiêu sóng gió, thăng trầm của thời cuộc. Cũng như của cuộc đời đã trôi qua. Để giờ đây bước vô tuổi xế chiều. Anh chị bên nhau tràn đầy hạnh phúc. Những câu thơ anh viết ở khổ kết đã nói đủ, nói hết, về tình thương yêu, niềm cảm mến anh giành cho người đầu ấp tay gối của mình suốt mấy chục năm qua.

Anh chị giờ đây tóc đã pha sương. Người về nghỉ hưu vui chăm sóc cây cảnh, và làm thơ, sưu tập những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Người còn đang miệt mài với phấn trắng bảng đen. Nhưng tình yêu họ giành cho nhau thì vẫn tươi trẻ như ngày nào mới gặp và yêu nhau!

Nhân dịp xuân Giáp Ngọ. Tôi xin viết đôi dòng cảm nhận về một bài thơ mà tôi yêu thích. Của một tác giả mà tôi quý trọng, dẫu chỉ gặp anh có đôi lần. Nhưng có hề chi ông bà ta đã dạy rằng: “Văn thơ thể hiện tính người”. Tôi luôn nhớ điều này mỗi khi đọc và cảm nhận một bài thơ, hay đọc một đoản văn, của bất kỳ một tác giả nào. Và hôm nay với Thơ Xuân Gửi Cho Vợ Yêu của tác giả Vũ Hải Châu cũng với tâm tình như vậy!

Sài Gòn Mùng 4 tết Giáp Ngọ
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét