Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Đọc bài thơ Haiku số 52 của tác giả Mai Văn Phấn

(Ảnh minh hoạ của tác giả Bùi Thuỵ Đào Nguyên)

Chiều muộn trung tuần tháng riêng trong bộ đồ lam sau khi vào chùa lễ Phật tôi bước ra trước cổng tam quan, bên dưới cội Đại già nhìn quang cảnh chùa trong tiết trời se lạnh, mưa bụi bay. Lòng thư thái lạ thường, bất giác bài thơ đọc hồi sáng hiện diện từng ngắt ý trong đầu.
52.
Trú dưới hoa đại trắng
Mưa
Sạch bụi trần (Mai Văn Phấn)


Nếu nghĩ đây là bài thơ vốn tả thực một việc Trú dưới hoa, rồi mưa, và sạch bụi...Bạn hẳn sẽ như tôi không có gì đọng lại nếu đọc lướt qua mấy từ chưa đến con số hàng chục cho một bài thơ không đề.
 Nhưng nếu bạn nghĩ thơ Haiku vốn chỉ gợi không tả thì ý nghĩa hồn cốt bài thơ lại chuyển hướng sang chiều liên tưởng khác.
Với ngắt ý thứ nhất 

Trú dưới hoa đại trắng

Hoa đại trắng thường được trồng trong khuôn viên hay trước cổng các ngôi chùa, ngôi đình.. Hoa đại biểu trưng cho sức sống mãnh liệt qua dòng nhựa trắng chảy tràn như bất tận, Nếu muốn trồng chỉ cần cắt một đoạn giâm xuống đất lập tức cây sẽ sinh sôi... Đặc biệt là cách phân cành, rẽ nhánh, từ cội lên cành luôn phân hai nhánh.
Người xưa có lẽ cũng từ cách phân cành rẽ nhánh đặc biệt này mà đã định ra một quy tắc bất thành văn là cây họ đại thường chỉ được trồng trong chùa đình là vậy.
Trở lại với việc Trú dưới hoa đại trắng của tác giả, Hẳn nhiên chẳng phải như nhà thơ Trần Minh Hiền khi gửi vào câu chữ
"...hương hoa sứ nồng nàn
Đêm trăng ngọt ngào hư ảo
Ta viết vần thơ lãng mạn..."
Mà ý thơ có lẽ muốn nhắc về việc trú dưới hoa đại nhằm gợi cho người đọc một khung cảnh cụ thể như người viết vừa đứng trong khuôn viên chùa Bửu Tịnh hôm nay chăng?
Dưới cây đại luôn phân hai nhánh, cũng như trước cửa chùa nơi chốn tôn nghiêm, phật tử và chúng sinh cần thông tỏ "Cõi thiêng của Đức Phật từ bi và tục luỵ tham sân hận của trần thế là hai ngả riêng biệt..". Mặc dù " cõi tâm linh của Đức Phật và tục luỵ trần thế đều có trong tâm khảm mỗi một con người". Như hình ảnh Gốc cây đại chung dòng nhựa nuôi sự sống nhưng khi vươn lên luôn 
phân hai nhánh tách biệt... 
Ngắt ý thứ hai chỉ vỏn vẹn một từ

Mưa
Mưa chẳng phải là nước rớt xuống hay sao? Một ngắt ý cụt ngủn, mà gợi biết bao nhiêu suy nghĩ trước những câu hỏi thật khó lý giải khi liên hệ với động từ Trú ở ngắt ý trước.
Trú mưa thì hẳn để tránh mưa rồi, nhưng dưới hoa đại trắng thì có lẽ trong khuôn viên chùa chiền hay đình. Ít nhất có mái tam quan nơi cổng, có mé hiên chùa sao không trú khi mưa...
 Vậy phải chăng khi Trú dưới hoa đại trắng là trú một cơn mưa khác không giống những cơn mưa rào, mưa ngâu, hay mưa bụi là hiện tượng tự nhiên của tời tiết.
Mang theo thắc mắc này ta đến với ngắt ý thứ ba
Sạch bụi trần
Nếu chỉ rửa sạch bụi thì hẳn nhiên là cơn mưa từ hiện tượng thời tiết trong thiên nhiên rồi. Thêm một chữ Trần khiến ta phải nối sợi suy tư xuyên qua ba ngắt ý .. Trú dưới hoa đại trắng/ Mưa/ Sạch bụi trần
Mưa này có lẽ là cơn mưa hay chí ít là những giọt mưa vô hình, mà hiện hữu quanh ta! Có tâm sẽ thấy, có lòng sẽ gặp
 Bụi trần ai chẳng vương dù nhiều hay ít. Nhưng nếu biết tìm về và an trú nơi cõi tâm linh của Đức Phật ta sẽ được gột rửa khi nghe tiếng kinh cầu, khi tịnh tâm bên khói hương trầm thơm ngát.
 Từng giọt mưa ấy, từng cơn mưa ấy sẽ gột rửa dần để ta rũ bỏ lần lần những tham sân hận nơi cõi tuỵ lục ...
Tìm đường đến dưới hoa đại trắng thật dễ mà cũng lại thật khó... 
Hãy thong thả từng bước một, ta đón những giọt mưa tâm linh. Hãy đi và đến Dốc Thiêng là khi ấy ta đã rửa sạch bụi trần...

Tuy Hoà 20/2/2016
Huỳnh Xuân Sơn



1 nhận xét:

  1. Có lẽ,khi cuộc chơi thơ Đường giảm dần hứng thú,Q sẽ tìm hiểu thêm để làm quen với Haiku.Một bài bình rất có ích cho Q.Cảm ơn XS !

    Trả lờiXóa