Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016
Đọc Chị Tôi Của Tác Gỉa Hải Minh
Quán cà phê Về Nguồn sáng nay đẹp và lãng mạn hơn hẳn nhiều ngày trong năm, nào hoa hồng, hoa cúc,hoa ly, dăm giò Phong lan kiêu ngạo khoe sắc. Mấy cô bé bán bông mời các đấng mày râu trong quán mua hoa... Lúc này tôi mới nhớ ra mùng tám tháng ba...
Giữa thành phố ồn ào náo nhiệt này thì ngày mùng tám tháng ba là cơ hội, là dịp để mấy chàng trai, Các ông chồng ga lăng với phụ nữ...
Nhưng giờ này tôi lại bắt gặp một nguời đàn ông chẳng ga lăng chút nào. Anh là tác giả bài thơ sau
CHỊ TÔI
**
một đời nụ vối ,dưa cà
biết đâu ngày tám tháng ba mà mừng
mùa hè -nắng lột da lưng
mùa đông -rét buốt cước từng ngón chân
đời cần lao -kiếp tảo tần
(trời quên -cắt phúc, cắt phần Chị tôi)
bát cơm mặn chát mồ hôi
thời gian đâu để lên đồi ngắm hoa
đi qua tuổi mộng xót xa
rửa rau -thấy một bà già -đáy ao ! (Hải Minh)
Bài thơ được viết với những câu từ giản dị, không cầu kỳ hoa mỹ, chẳng dùng ẩn ý, nhưng nó lại có sức lay động đến lạ kỳ với tôi. Phải chăng những câu thơ này được bật ra từ tình cảm chân thành của một người em?
Chị Tôi phải chăng là chị gái của tác giả? Chị Tôi có thể là Chị hàng xóm, Chị một người bạn nào đó của tác giả, hoặc giả Chị Tôi ấy là bà tôi, là mẹ tôi, là chị tôi là bạn tôi, một thời là tôi... Cũng có thể Chị Tôi là hình tượng người phụ nữ Việt Nam cùng thế hệ với tác giả.
Tôi liên tưởng thế ! Bạn tin không? Nếu bạn muốn biết vì sao tôi nghĩ thế Bạn hãy cùng tôi đến với Chị Tôi
một đời nụ vối ,dưa cà
biết đâu ngày tám tháng ba mà mừng
Thế đấy, Chị Tôi ấy chả như ai kia áo lụa thướt tha, đầm Tây sang trọng một bước lên xe, ăn nhà hàng Âu- Á. Nụ Vối nấu nước, dưa cà ăn cơm, nếu chỉ dăm bữa nửa tháng có khi còn thấy ngon hơn đặc sản... Nhưng Một đời gắn cùng thì hệ quả tất yếu sảy ra không chỉ ngày mùng tám, tháng ba, mà ngay cả ngày tết cũng chưa chắc đã nhớ tới,
Một đời ấy dài ngắn ra sao còn tuỳ người, tuỳ hoàn cảnh sinh sống, nếu may mắn con cháu học hành thành đạt,biết đâu cuối đời lại thấy nụ vối dưa cả là đặc sản.
Hai sản vật đại diện cho những thức ăn nước uống dân dã nơi quê vào thơ tác giả, khiến nặng trĩu tâm tư người đọc,mang đến nhiều thắc mắc trước khi đồng cảm tiếp cùng Chị Tôi.
mùa hè -nắng lột da lưng
mùa đông -rét buốt cước từng ngón chân
Hai câu thơ tác giả viết chỉ vỏn vẹn mười bốn chữ, mà nó đã bất ngờ xô ngược tôi trở về những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Mùa hè nắng như đổ lửa, tôi lẽo đẽo theo mẹ đi tập cấy, Cúi người cắm cây mạ mà nước ngập ướt cả ngực áo lúc ấy cảm được cái nóng của nước ruộng, chứ chưa hề biết câu thơ của nhà thơ Trần Đăng khoa 'Nước như ai nấu chết cả cá cờ. Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy".
Tác giả dùng từ Nắng lột da lưng để diễn tả cái nắng xiên khoai mùa hạ quả thật làm ám ảnh người đọc .., Nào đã hết đâu? Mùa đông thì "Rét buốt cước từng ngón chân". Tôi không bao giờ quên những chiều giáp tết từ lúc biết đi cấy cho đến lúc xa quê. Đang vụ cấy nên nhà nào cũng tranh thủ cấy cho xong để còn ăn tết, có năm trước tết cấy xong, sau tết lúa chết rét hết lại phải gieo mạ sân để cấy lại... Lội bùn cấy thì đất ôm chân còn ấm , sợ nhất là khi mới bước xuống và lúc bước lên bờ, chân tay tê dại vì rét.
Chị Tôi của tác giả có lẽ có rất nhiều mùa hè mùa đông như thế nên tác giả viết tiếp
đời cần lao -kiếp tảo tần
(trời quên -cắt phúc, cắt phần Chị tôi)
Một cái ngoặc đơn được mở ra đóng vào, chứa đựng một câu thơ nửa như trách cứ, nửa như chấp nhận, sự an bài của số phận mà ông trời chia không công bằng cho Chị. Tác giả dùng từ Quên mới thật độc đáo, Ông trời quên hay chính chị đã quên mình cả đời, suốt kiếp đang phải gành chịu thua thiệt đây?
Trên trời hay dưới đất này cũng vậy làm gì có công bằng tác giả ơi! Ngời xưa vẫn nói "Kẻ ăn không hết, người lần không ra" đấy thôi!
bát cơm mặn chát mồ hôi
thời gian đâu để lên đồi ngắm hoa
Ngày hôm nay, ngày mà rất nhiều người hoa được tặng không biết để đâu cho hết, người thì được chồng con hoặc người yêu đưa đi du lịch ngắm hoa anh đào tận xứ Phù Tang, Người đựơc ngắm hoa nơi thành phố Ngàn Hoa Đà Lạt, nhưng Chị của tác giả cũng như nhiều người phụ nữ khác đang phải bươn chải kiếm sống "bát cơm mặn chát mồ hôi" thì hoa hay quá hẳn nhiên là điều xa sỉ với họ.
Dẫu muốn hay không thì Chị Tôi cũng đã được tác giả kết
đi qua tuổi mộng xót xa
rửa rau -thấy một bà già -đáy ao !
Tia hy vọng lúc đầu mong Hậu vận về sau dành cho Chị Tôi đã tắt ngấm ở đây. Đáy ao, Rửa rau, bà già.. Mấy cụm từ ấy nếu đứng riêng rẽ thì không sao, đằng này tác giả đã thêm hai từ Thấy một và gắn kết chúng lại thành câu thơ chuyên chở nỗi niềm của người phụ nữ "đi qua tuổi mộng xót xa" đến lúc về già . Thật nhanh như thể vừa mới đây thôi, cô thôn nữ dịu dàng mộc mạc chân quê với nụ vối, với dưa cà, với đồng sâu, ruộng trũng, quanh năm lam lũ, tảo tần vì miếng cơm manh áo, cho mình và còn cho cả gia đình nữa... Chị có lẽ không còn thời gian để nghĩ cho mình chứ nói chi đến soi gương mà trang điểm.
Đáy ao phản chiếu người trên bờ là một bà già có làm chị giật mình thảng thốt hay không? Người viết đồ rằng không! Bởi chị vốn mặc tình chấp nhận phận số an bài của ông trời chia không công bằng cho mình từ lâu rồi!
Tác giả viết Chị Tôi với góc nhìn về phụ nữ khác những người đàn ông khác nhân ngày mùng tám tháng ba. Không ngợi ca vẻ đẹp, chẳng hoa mỹ ngôn từ tác giả dùng những từ ngữ giản dị nhất, ghép chúng lại thành những câu thơ cứ tự nhiên chảy như mạch suối nơi quê róc rách từ từ trôi, chở theo ý thơ về người phụ nữ đại diện cho một tầng lớp nhất định những người phụ nữ nghèo. Họ không chỉ là những người quanh năm chân lấm tay bùn với vườn ruộng, mà họ có thể là người phụ nữ đang kiếm sống nơi thành phố, ngày tám tháng ba hay ngày lễ tết với họ đến lúc nào có khi họ không hay.
Sài Gòn 8/3/2016
Huỳnh Xuân sơn
http://haiminh.blogtiengviet.net/?page=1&paged=2
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chúc XS hậu 8/3 nhiều vui !
Trả lờiXóaVâng ! XS cám ơn anh cùng lời chúc nhé!
XóaEm đã lột tả được những ý tứ phơi bày qua con chữ của bài thơ rất cụ thể rõ ràng và khá giàu cảm xúc. Tuy nhiên chị vẫn muốn thấy em khơi sâu thêm về cái ý tưởng và cảm xúc ngầm chứa trong thi phẩm này qua hình tượng Chị tôi thì bài bình sẽ sâu sắc hơn Xuân Sơn ạ
Trả lờiXóaEm cám ơn chị luôn có những nhận xét quý cho em ạ!
XóaLâu quá rồi em không viết chị ạ!