Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Đọc Bài Thơ Ngõ Cả Của Nhà Thơ Nguyễn Khôi



Chỉ còn đôi ngày nữa, tiếng trống khai hội Đền Đô lại thúc giục người người nô nức về trảy hội . Tiếng trống giục giã ấy không chỉ vang lên trên Làng Đình Bảng nơi có đền thờ 8 vị vua nhà Lý. Mà tiếng vọng của nó còn nổi lên trên khắp các làng quê vùng Kinh Bắc. Tiếng trống khai hội với tiếng vọng vang ấy còn thôi thúc những người con xa xứ tìm về…

Về trảy hội Đền Đô mỗi người có cảm nhận và mang theo một kỷ niệm khác nhau. Trong dòng người nườm nượp ấy không thể thiếu thi sĩ Nguyễn Khôi một người con làng Đình Bảng. Và đây là cảm nhận và nỗi lòng ông về một đêm hội Đền Đô trong muôn vàn đêm hội từ trước tới nay!

Trăng Ngõ Cả

Tan hội người về qua Ngõ Cả

Râm ran tiếng Guốc dậy trăng Vàng

Tôi muốn lòng tôi là Ngõ Cả

Để tình em dẫm tiếng trăng vang- (Nguyễn Khôi)

Ánh trăng luôn là nguồn cảm hứng cho thi sĩ bao đời nay. Ánh trăng trong đêm tan hội vào ngày 16 tháng 3 lại càng dậy lòng thôi thúc cảm xúc thăng hoa, để cho người con xa xứ sống giữa chốn phồn hoa đô hội nay trở về quê Nguyễn Khôi bật lên một cảm xúc khác lạ.

Về trảy hội Đền Đô bạn sẽ thấy sẽ gặp các liền chị xúng xính trong bộ trang phục nón thúng quai thao guốc mộc. Các liền anh tay Ô, chân guốc mộc trong trang phục áo the khăn đóng. Ngày nay người trảy hội có thể mang giầy Tây, giầy Mỹ nhưng với những hội làng Quan Họ trên quê hương Kinh Bắc, mà đặc biệt là  hội Đền Đô thì đôi guốc mộc vẫn gõ nhịp đều đều theo bước chân các liền anh liền chị…

Đêm tan hội cũng chính là lúc Ngõ Cả, một con ngõ lớn nhất chạy ngang làng Đình Bảng ‘Râm ran’ tiếng Guốc.

Tan hội người về qua Ngõ Cả
Râm ran tiếng Guốc dậy trăng vàng.

Thi sĩ Nguyễn Khôi lúc này có lẽ đang thả hồn theo ánh trăng 16 bàng bạc đẹp mê hồn nơi làng quê êm ả. Để rồi khi hội tan dòng “Người về qua Ngõ Cả” đã phá vỡ không gian yên tĩnh ấy bằng tiếng “râm ran” chuyện trò. Bằng “tiếng Guốc” gõ nhịp xuống đường làng rộn rã .Tiếng Guốc đã được thi sĩ nhân cách hóa để cho Nó biết "râm ran". Âm thanh của dòng người “tan hội” xen lẫn nhịp gõ của “tiếng Guốc” ấy có lẽ đã lâu rồi thi sĩ không gặp lại. Để giờ đây khi âm thanh ấy dội vào lòng khiến ông thấy “dậy trăng vàng”. Ánh trăng trên cao vẫn dịu dàng bao phủ như bao đêm rồi vẫn thế. Ánh trăng hẳn nhiên không “Dậy” theo “tiếng Guốc” đâu? Chỉ có tiếng lòng của thi sĩ đã “dậy” theo những âm thanh gợi nhớ ấy mà liên tưởng tới ánh trăng đấy thôi!

Tôi muốn lòng tôi là Ngõ Cả
Để tình em dẫm tiếng trăng vang.

Như đã suy đoán ở trên thi sĩ Nguyễn Khôi thấy cả bầu trời trăng sáng cũng “dậy” theo tiếng lòng mình. Bây giờ thì chẳng cần mượn trăng mà nói nỗi lòng nữa .Ông đã nói ra cái khát khao thầm kín trong lòng bấy lâu nay: Tôi muốn lòng tôi là Ngõ Cả”. Tại sao vậy nhỉ ? khi hội tan giữa đêm trăng huyền ảo với những âm thanh chuyện trò cùng nhịp Guốc gõ xuống Ngõ Cả của dòng người dân quê. Lại khiến ông ước muốn lòng mình được là con ngõ đó. Mà ước muốn ấy chỉ “Để tình em dẫm tiếng trăng vang”.

Phải chăng những âm thanh trên con ngõ hôm nay? Ngày thường ít dần, mai một dần bởi bộn bề cơm áo, bởi sự phát triển nhanh đến chóng mặt của xã hội. Nên ông đã muốn lòng mình là con ngõ ấy để nâng niu để gìn giữ và nhất là “Để tình em dẫm tiếng trăng vang”.

Chỉ với “tiếng Guốc”thôi mà ông đã cảm thấy “dậy ánh trăng vàng” .Giờ đây ông lại muốn “Tình em dẫm tiếng trăng vang”. Trăng vàng ngay trước mặt trong đêm tan hội đã bị tiếng lòng thổn thức hoài niệm ngỡ như “dậy tiếng”. Vậy thì “Dẫm tiếng trăng vang” bởi “tình em…”. Phải chăng “Tình em..” là tình người, tình quê với những nét đẹp văn hóa bao đời nay như hình ảnh các liền anh liền chị đủ các lứa tuổi, áo the, khăn đóng, nón thúng, quai thao, áo mớ ba, mớ bảy và đặc biệt là những đôi Guốc mộc dân dã một thời cùng những làn điệu dân ca Quan Họ nay dần đi vào quên lãng. Gần hơn, thiết thực hơn nữa là sự ấm áp chân tình của tình làng nghĩa xóm, dần bị nhạt phai.Theo cơn lốc đô thị hóa của làng quê hôm nay.

Chỉ với bốn câu thơ viết theo lối thơ cổ tứ tuyệt. Vỏn vẹn 28 chữ nhưng có tới hai từ “Ngõ Cả” và hai từ “Trăng” hai từ “Tiếng” và hai từ “Tôi”. Vị chi chỉ còn 23 từ mà chứa đựng một tình cảm bao la của người con xa quê với con Ngõ lớn nhất làng Đình Bảng. Hơn thế nữa ẩn chứa trong đó không chỉ tấm lòng của người con xa xứ với quê hương mà nó còn mang thông điệp gửi gắm những khát khao trong lòng người muốn lưu giữ mãi những nét đẹp truyền thống lâu đời mà ông cha ta xa xưa đã truyền lại.

Cám ơn nhà thơ, nhà văn Nguyễn Khôi đã chép tặng chùm thơ quê hương. Trong đó có bài Ngõ Cả để cho Xuân Sơn có dịp đồng hành và chia sẻ với những bài thơ sâu sắc của tác giả

Sài Gòn 9/4/2014 ( 10/3/Giáp Ngọ)
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét