Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn



Khi nói đến Hà Giang là nói đến Cao Nguyên Đá Đồng Văn, đến Cổng Trời Quản Bạ, đến cột cờ Lũng Cú, Đến Núi Đôi, đến sông Gâm, những thửa ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch và đặc biệt là phải nói đến chợ Tình Khau Vai, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc H’Mông, Giáy,Tày, Nùng, Giao…
Tôi và có lẽ nhiều bạn đọc dầu chưa chứng kiến nhưng đã nghe, đã đọc rất nhiều những lời thơ, câu hát, chuyện kể, về phiên chợ họp chỉ duy nhất một đêm vào 26 tháng ba hàng năm này. Chợ tình, nơi dành cho những chàng trai, cô gái các dân tộc ít người, đã yêu nhau mà không đến được với nhau. Dẫu đã có vợ, có chồng nhưng hàng năm họ vẫn đến chợ để gặp lại nhau. Một đêm cho người tình cũ, dù già, dù trẻ. Đó là nét văn hóa đặc trưng và cũng là phần đông nội dung những câu chuyện tình được người đi họp chợ mang tới Khau Vai từ xa xưa tới nay.
Chuyện Tình thì muôn màu muôn vẻ. Mỗi người, mỗi chuyện tình có những lý do riêng để mà dang dở, để mỗi năm họ có một đêm “danh chính ngôn thuận” đến với nhau. Trong ngàn vạn triệu câu chuyện ở chợ tình Khau Vai, nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn gặp một câu chuyện khiến cho người đọc rưng rưng cảm động. Câu chuyện ấy có tên:
Chuyện Tình Khau Vai.

Đôi dép đặt lên tảng đá
Lão như nấm bấy từ lâu
Ngựa già leo từ Quản Bạ
Chờ ai dáng điệu âu sầu?

Lão đổ chai rượu lên đầu
Cho cái tay già nó uống
Năm qua hắn nhổ tóc sâu
Sao giờ vẫn không thấy xuống!?

Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…
Trèo non, vượt đá… mòn chân
Đường rừng đói ăn, khát uống
Khau Vai gặp lão bao lần

Nén hương khói quyện phân vân
Kèn lá o e lão thổi
Ngón vê đứt ruột sầu thương
Lão khóc người tình suốt tối

Đắng cổ rượu không nuốt nổi
Núi xa…! Hắn nhắm mắt rồi!
Rừng hoang cây ngừng gió thổi
Cao nguyên như lão… đang trôi!(Hà Nội, 20-4-2014 Nguyễn Lâm Cẩn).
Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn không bắt đầu bằng rượu ngô rót tràn bát, bên chảo Thắng Cố nghi ngút khói bay từ buổi chiều tà cho đến đêm khuya khi đã ngà ngà say, họ mới từng đôi tản vào các vách núi ngồi bên nhau tình tự…Mà bắt đầu bằng hình ảnh:
Đôi dép đặt lên tảng đá
Lão như nấm bấy từ lâu
Ngựa già leo từ Quản Bạ
Chờ ai dáng điệu âu sầu?
Chủ thể ngôi thứ nhất của nhà thơ không còn gắn với đại từ nhân xưng, Chàng hay Anh nữa mà đã là Lão, thê thảm hơn với những hình dung từ nhà thơ dùng đặc tả: đã Lão, lại còn “như nấm bấy từ lâu”. Lão đã đến đây trước người tình. Bởi Lão đang “chờ ai dáng điệu âu sầu”. Hình ảnh, điệu bộ nôn nóng của Lão đang ngóng chờ ấy, có lẽ đã thu hút cái nhìn của nhà thơ và phải chăng nhà thơ bắt gặp hình ảnh Lão đặt đôi dép “lên tảng đá”, dép có đôi, hẳn nhiên người đặt nó hy vọng đêm nay mình cũng có đôi. Chưa hết ngay cả bác ngựa leo đến đây từ Quảng Bạ, cũng được gắn theo chữ già.(Xin phép nhà thơ phải gọi bằng bác vì hai chữ Ngựa già không thể là chú ngựa .. ) Ba câu thơ mệt mỏi đặt trước một câu hỏi mà như ta thán “chờ ai dáng điệu âu sầu” khiến cho Chuyện Tình Khau Vai vừa mở ra thôi, đã dẫn người đọc bước vào thế giới nội tại như một khu rừng hoang lạnh chứ không phải là nơi chợ tình khiến người đi chợ nôn nao rạo rực nữa… Dù hoang lạnh, dù thấy ám ảnh một chuyện tình không trọn thì cửa đã mở ta bước vào thôi!
Lão đổ chai rượu lên đầu
Cho cái tay già nó uống
Năm qua hắn nhổ tóc sâu
Sao giờ vẫn không thấy xuống!?
Ngôi thứ hai Hắn đã xuất hiện trong thơ của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn, nhưng việc làm của Lão thì lại làm ngỡ ngàng người đọc. lão mang chai rượu ra không uống như người khác, mà lại “đổ chai rượu lên đầu”. Ắt hẳn là đầu Lão nhưng Lão lại muốn “cho cái tay già nó uống”. vì “Năm qua hắn nhổ tóc sâu”. Trời ạ! Chỉ có con tim và lý trí của những kẻ đang yêu và nhớ đến cuồng điên mới có ý nghĩ và hành động như Lão của nhà thơ được.
Hắn và Lão gặp nhau ở phiên chợ trước, kỷ niệm đẹp lưu lại trong Lão không phải nụ hôn, cái nắm tay, tiếng kèn lá hoặc giả một ánh mắt …mà lại là hình ảnh “Hắn nhổ tóc sâu”. Đôi tay hắn nhổ tóc sâu thì bây giờ Lão cho “tay già nó uống”. Rất công bằng và rất tình, phải chăng đó cũng là cách suy nghĩ khi trao tình cảm cho nhau của người dân tộc thiểu số vùng cao.Lão có lẽ đã “chờ ai dáng điệu âu sầu” lâu lắm rồi và rượu mang theo Lão cũng đã đổ lên đầu mong thỏa cái nhớ. Nhưng sao tới tận bây giờ vẫn không thấy Hắn xuống!?. Lão lại bồn chồn mà ngóng chờ tiếp thôi… Viết tới đây tôi ước mong được động viên Lão rằng: Được chờ đợi, đôi khi lại cũng chính là niềm vui và hạnh phúc đấy, rằng Lão có biết sinh thời ông nhà thơ Hồ Zếnh đã từng ao ước:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.
Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân.
Ngó trên tay điếu thuốc cháy lụi dần.
Anh sẽ nói gớm sao mà nhớ thế”! (Nhớ- Hồ Zếnh)
Vẫn biết ở đời ước thì cũng chỉ là ước thôi! Lão của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn thì vẫn đang ngóng đợi. Càng ngóng đợi thì nỗi nhớ càng trào dâng và đây là những điều hằn sâu, in đậm trong tâm trí Lão lúc này:
Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…
Trèo non, vượt đá… mòn chân
Đường rừng đói ăn, khát uống
Khau Vai gặp lão bao lần
Một khổ thơ với những ngôn từ bình dị nhất có thể, để chất lên đó sự dài dằng dặc của thời gian và sức nặng của chữ Tình mà Hắn dành cho Lão. Liên tiếp những động từ gắn với danh từ được sắp xếp theo một nhịp điệu khúc khuỷu gập ghềnh như con đường len lỏi qua những vách đá, hay rừng rậm mà Lão và Hắn mỗi năm phải vượt qua, để đến được chợ Tình Khau Vai. Đôi chân có thể mòn, nhưng có lẽ tình cảm và nỗi rạo rực thì mỗi năm mỗi lớn hơn.
Một năm chợ chỉ họp một lần, có lẽ không chỉ mình Lão từ khi cuộc tình dang dở tới nay vẫn mong ngày tới chợ, mà Hắn của Lão cũng vậy. Bốn câu thơ trên đã nói đủ, nói hết về cái tình của Hắn dành cho Lão, suốt từ thời lão còn là chàng trai thổi kèn môi, kèn lá gọi Hắn và Hắn còn là cô gái thổi kèn lá đáp lại… Vì đâu, vì sao mà họ không đến được với nhau điều đó có lẽ hai người họ đã đào sâu chôn chặt trong một hốc đá nào rồi. Xin hãy để nó ngủ yên trong đó. Chỉ có điều chắc rằng từ đó mỗi năm họ đều về gặp nhau ở Khau Vai cho tới tận bây giờ.
Đợi chờ, có lẽ Lão đã mơ thấy Hắn xuất hiện trước mặt nhiều lần. Hoặc giả mỗi khi Lão thấy thấp thoáng bóng người xuống núi từ phía xa xa, hay khi nghe thấy tiếng kèn môi, kèn lá vang lại đâu đó giữa muôn vàn những âm thanh rạo rực của chợ tình mỗi lúc một đông. Nhưng không!
Nén hương khói quyện phân vân
Kèn lá o e lão thổi
Ngón vê đứt ruột sầu thương
Lão khóc người tình suốt tối
Tiếng kèn lá ngày này năm trước và những năm trước, trước nữa… Lão thổi dìu dặt và tha thiết lắm, nay chỉ còn âm thanh o e đứt quãng mới sầu thảm làm sao? “Nén hương khói quyện” cho ta biết đó là khởi nguồn của “ngón vê đứt ruột sầu thương”. Lão đã hy vọng để giờ đây phải tuyệt vọng trong tiếng nấc nghẹn ngào “khóc người tình suốt tối”. Lão đến chợ Tình với niềm thương nỗi nhớ bồi hồi mong gặp lại người cũ. Cũng chỉ là “nhổ tóc sâu” ôn cố, tri tân, như bao năm rồi vẫn thế. Cái tình xưa cũ không duyên phận vẫn có chữ tình đeo mang để rồi giờ đây tất cả chỉ trong phút chốc sụp đổ xuống vực sâu .
Đắng cổ rượu không nuốt nổi
Núi xa…! Hắn nhắm mắt rồi!
Rừng hoang cây ngừng gió thổi
Cao nguyên như lão… đang trôi!
Cú sốc và sự mất mát quá lớn đến với Lão khi biết tin “Hắn nhắm mắt rồi!”.Tự đáy lòng Lão có lẽ đã chết đi một khúc tơ duyên, Nỗi đau trào lên khiến rượu trở thành vị đắng, mà có lẽ đời Lão chưa thấy đắng thế bao giờ, làm sao mà “nuốt nổi”. Tin dữ về từ Núi xa…lan theo những vách đá, vọng theo tiếng rừng âm u dội ngược vào tâm hồn ủ rũ và trái tim quặn thắt của Lão. Sự mất mát quá lớn này có lẽ đã đánh gục Lão. Chân Lão vẫn còn đang bám trụ trên mặt đất, mặt đá. Mắt Lão vẫn hướng ra xa cuối con đường cheo leo vách đá, bên những cánh rừng âm u hoang lạnh. Tai Lão vẫn đang nghe thấy những âm thanh hỗn độn từ chợ dội lại. Nhiều nhất trong mớ âm thanh ấy có lẽ là tiếng thì thầm của cây rừng, của gió ngàn như muốn an ủi Lão. Thân xác lão vẫn còn đây, nhưng trái tim Lão, tâm trí Lão đang bồng bềnh đâu đó trên chín tầng mây cao vời kia. Cao nguyên đá đang trôi như Lão ư! Không! Chỉ là Lão cảm thấy vậy thôi, Nó đang đứng đấy như từ ngàn năm trước vẫn vậy. cũng như chợ Tình Khau Vai trước mặt Lão vẫn đang vui nhộn theo nỗi niềm rạo rực của hàng ngàn trái tim, trai gái các mường hòa với tiếng kèn môi, kèn lá dìu dặt đang được cất lên gọi bạn tình.
Đêm chợ tình Khau Vai rồi cũng trôi qua, bình minh sẽ đến. Mỗi người lại trở về với cuộc sống thường nhật cùng người chồng, người vợ của mình suốt cả năm, để rồi chợ phiên sang năm họ lại rạo rực tìm tới..Chợ phiên năm nay đã thiếu đi một người và ít nhất đã kết thúc một chuyện tình. Sang năm chợ sẽ lại thiếu đi ít nhất một người nữa…!
Chuyện Tình Khau Vai sẽ còn tồn tại mãi mãi với thời gian! Bởi nó đã được nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn ghi lại như một nét đẹp văn hóa, một nỗi niềm sâu nặng….Bằng những vần thơ viết theo thể thơ sáu chữ, mượt mà nhưng vẫn tuân thủ niêm luật, trên nền âm điệu nhịp nhàng, chuyển tải nội dung, cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư của người trong cuộc đến với bạn đọc gần xa.

Sài Gòn 4/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn

20 nhận xét:

  1. Một bài thơ hay được nâng lên bởi lời bình có cánh . Xin cảm ơn cả hai !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu cám ơn chú đã luôn động viên cháu! Chúc chú vui khỏe ạ

      Xóa
  2. Chị lại có cảm nhận hình như " Lão" biết " Hắn nhắm mắt rồi" nhưng lão vẫn cứ đến như một sự không thể không đến vậy. Đến ngồi đấy để nhớ hắn, để mường tượng vẫn được ngồi với hắn và để thổi kèn môi đứt ruột sầu khóc hắn .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn chị ! Thơ mà mỗi người nhìn mỗi góc khác nhau, hẳn tác giả sẽ rất vui khi biết được có những nhận xét như của chị đấy ạ!

      Xóa
  3. Sao nghe như "Bá Nha Tử Kỳ" vậy hả bạn. Sang thăm bạn, chúc bạn buổi chiều thật vui bạn nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS Cám ơn anh Mẫn đã luôn đồng hành với XS chúc anh chị luôn vui và hạnh phúc nhé!

      Xóa
  4. "Nén hương khói quyện phân vân
    Kèn lá o e lão thổi
    Ngón vê đứt ruột sầu thương
    Lão khóc người tình suốt tối"
    Chị cũng cảm nhận như chị Xuân Thu vậy đó em. Lão đến đây không phải để chờ, để đợi nữa! Lão đến để hồi tưởng. Khi "Lão đổ chai rượu lên đầu/Cho cái tay già nó uống" đã là một chi tiết khác thường rồi. Lão nhớ lắm, buồn lắm, dầu biết hắn không đến nữa, vẫn mong vẫn ngóng. Thế mới đau đớn xót xa! Những kỉ niệm cũ ùa về ngồn ngộn và tươi rói như thắt con tim lão. Nỗi đau từ tim dâng lên nghẹn cả cổ họng, để rồi "rượu không nuốt nổi". Hình ảnh lão đang trôi bồng bềnh trong hư ảo cuối bài quả thật đầy ám ảnh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi! em lại bám vào hai câu hỏi ở hai khổ đầu và phong tục của người dân tộc khi một năm chỉ được đến chợ tình một tối để đổi trao chuyện trò....Em rất vui khi được các anh các chị góp ý cho em, em sẽ tham khảo thêm và cả ý tác giả nữa chị nhé

      Xóa
    2. Mỗi người có một cách cảm nhận, điều đó làm nên những vẻ đẹp khác nhau của thi phẩm, phải không em? Theo chị thì ngay từ khổ thơ đầu, cái hình ảnh lão "như nấm bấy" và "dáng điệu âu sầu" qua cái nhìn của tác giả ta đã cảm nhận thấy lão ngồi đó, mang một niềm đau tê tái rồi. Câu hỏi trong khổ thơ đầu của tác giả như một lời thương cảm sâu sắc.
      Câu hỏi trong khổ thơ thứ hai là của lão Quản Bạ (tạm gọi như thế). Một câu hỏi tu từ, hỏi trong nỗi đau quặn thắt, vì lão đã thừa biết câu trả lời rồi. Biết mà vẫn hỏi, hỏi trời cao dất dày, hỏi cao nguyên mênh mang, sao hắn chưa xuống? Năm ngoái, cũng ngày này, cũng trong phiên chợ tình này, hắn còn nhổ tóc sâu cho ta mà! Cái "nấm bấy" ấy càng bấy hơn, rục xuống trong rưng rưng hoài niệm:
      Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…
      Trèo non, vượt đá… mòn chân
      Đường rừng đói ăn, khát uống
      Khau Vai gặp lão bao lần.
      Sống với quá khứ, những phiên chợ tình trước họ vượt rừng vượt núi gặp nhau, họ đã có những phút giây hạnh phúc, Lão thổi kèn lá, tiếng kèn đã từng mê hoặc hắn hồi thiếu nữ, tiếng kèn kéo bước chân hắn vượt rừng bao lần sau khi đã có chồng con. Và hơi ấm bàn tay hắn nhổ tóc sâu cho lão trong phiên chợ tình năm ngoái hình như còn đâu đây...Giờ không còn hắn nữa, lão chỉ biết lấy tiếng kèn mà khóc người tình suốt tối mà thôi.
      Chị rất thích bài thơ này. Đọc rồi cứ ám ảnh về những mối tình đẹp mà lại....ngoài giá thú! Trao đổi với em về suy nghĩ của chị vậy thôi, muốn hiểu đích xác thì phải hỏi lão ...Quản Bạ! He he...

      Xóa
    3. Em hỏi Lão Quản Bạ rồi chị ơi! bí mật đến khi nào em gặp chị mới nói..

      Xóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu đã đọc và rất vui với nhận xét của chú ạ! Chú Nguyễn Lâm Cẩn là một nhà giáo cùng thế hệ với chú...chắc chú ấy cũng rất vui khi có nhiều những nhận xét đánh giá về bài thơ này ạ! Cám ơn chú và chúc chú vui nhé

      Xóa
    2. Chào Xuân Sơn!
      Đọc bài thơ: CHUYỆN TÌNH KHAU VAI của Nguyễn Lâm Cẩn và đọc lời bình của bạn. Mình liên tưởng lại những gì đã biết về lịch sử chợ tình Khau Vai. Với người dân tộc thiểu số tình yêu của họ mãnh liệt và cao thượng lắm. Lửa có thể thiêu cháy cơ thể họ nhưng không thể thiêu đốt tình yêu của họ giành cho nhau.
      Mình mang máng nhớ có một lần đọc được ở đâu đó câu chuyện nói về một người phụ nữ mặc dù biết người yêu mình đã mất, nhưng nhiều năm sau phiên chợ Khâu Vai nào chị ta cũng đến đúng vị trí gặp người yêu cũ lần cuối - Ngồi buồn tưởng nhớ đến người đã khuất. Nên khi đọc đến câu: "Năm qua hắn nhổ tóc sâu/Sao giờ vẫn không thấy xuống!?" mình cứ phân vân với từ "Năm qua". Năm qua có phải chỉ đích danh là năm ngoái không? Nếu vậy sao tác giả không dùng là "Năm ngoái". Biết đâu từ "Năm qua" tác giả muốn nói về nhiều năm trước. Không có lời giải đáp, mình thấy nhận xét đó là sai nên mạn phép lặng lẽ xoá dâu tích. Ai ngờ bạn lại đọc trong Email thì quả là không chối tội được.
      Hà hà ... mình lẩm cẩm thật rồi.
      Xin lỗi Xuân Sơn nhé.
      (Mời XS sang đọc bài nói về chuyện tình Khau Vai: ĐÀN ÔNG THẾ MỚI XỨNG LÀ ĐÀN ÔNG? bài này mình sưu tầm và đăng trên blog YAHOO, thấy hay lại đăng lại trên blogspot.)

      Xóa
    3. Cháu rất vui khi được sự quan tâm của chú ạ! Theo cháu thì Thơ mà ai hiểu sao cũng được ạ! Tác giả ông là nhà giáo già rất tâm huyết với thơ chú ạ! Chắc hẳn khi đọc những cảm nhận này ông sẽ rất vui...Chúc chú luôn vui khỏe nhé

      Xóa
    4. Chào cháu Xuân Sơn!
      Cháu là người khiêm tốn và khéo nói. Theo chú thơ không thể hiểu thế nào cũng được. Mà chỉ có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau, nhưng phải đảm bảo lozic, phù hợp với cuộc sống thực tế. Đó là một tiêu chí đánh giá cái hay của văn phong văn học khác hẳn với cái hay của văn phong pháp luật.
      Chú thì không ngại bị đánh giá là nhận thức văn học kém mà chỉ ngại thày giáo Nguyễn Lâm Cẩn buồn mà thôi.
      Rất cám ơn cháu; chúc cháu cùng gia đình vui, khoẻ và hạnh phúc.
      Thân ái: Hải Thăng.

      Xóa
    5. Cháu cám ơn chú với những nhận xét tinh tế và thấu tình đạt lý ạ! Cháu mới đi Ban Mê Thuột về nên hồi âm chậm trễ..Chúc chú vui khỏe ạ

      Xóa
  6. Lần đầu đọc bài thơ này...Lại đọc lời bình hay. Đúng là một tài năng XS ạ. Cám ơn em đã giới thiệu!

    Trả lờiXóa
  7. Rất tuyệt vời . XS viết bài bình này, khó tính như lão cũng phải đứng dậy vỗ tay nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được người khó tính khen chắc XS nở mũi như quả cà chua mất Lão ạ! Cám ơn Lão nhé

      Xóa