Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

NỢ DUYÊN VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN


NỢ DUYÊN VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN


1*
********************
MỘT THOÁNG NỢ DUYÊN


Nghệ thuật thơ ca mọi thời đại đã khắc họa nên duyên nợ của đá với trăng như một tương tác bất biến giữa thiên nhiên với con người…

Là thi nhân nếu chưa một lần chiêm ngưỡng khoảnh khắc giao thoa kì vĩ ấy của đất trời,làm sao được đắm chìm trong cảm xúc mà tấu lên những khúc tương giao bất tận.

Chẳng thế mà đệ nhất tài tử họ TÔ kia đã phải nhầm một câu thơ của họ VƯƠNG

“Minh nguyệt sơn đầu khứu” thành”Minh nguyệt sơn đầu chiếu”đấy thôi

Chẳng thế mà giai thoại tương phùng Bá Nha-Tô Tử đã để lại một vế đối đẹp nhất cổ kim.

“Minh nguyệt thanh phong Tô Tử tửu

Cao sơn thu thủy Bá Nha cầm”

Còn nữa là cái nơ duyên kia đã phác vào cõi thơ một vẻ đẹp kiêu hùng lãng mạn.của những anh hùng xuất thế mài kiếm dưới trăng..

Còn khi nỗi niềm canh cánh phận đá duyên trăng rã rời hoang lạnh lời thơ đăm đắm u buồn..

“Mảnh trăng đã gác non đoài

Một mình luống những đứng ngồi chưa xong…

Đó là duyên nơ của vũ trụ của thiên nhiên của những tư tưởng xuất chúng nói sao cho hết kể sao cho xiết

Người xưa làm nên duyên nợ không thể không có căn ngyên không thể thiếu sắc thái và hình tượng..

Cái chữ nợ duyên hôm nay ở diễn đàn thơ quần chúng này được xem là bích ngọc thiết nghĩ không thể không nói đôi điều…

Một “NỢ DUYÊN”được phơi ra lạ lấm sưu tập sức tưởng tượng của người đọc,để phải suy ngẫm phải đau đáu.đặc biệt nó được phơi ra ở một vị tri trang trọng nhất của trang thơ.có lẽ nào là cách làm mới của BTV,để người chơi thơ tự cho rằng cái không hiểu được không rõ ràng được là tuyệt mỹ…

“trăng ngà vừa rơi

Tảng đá ngàn năm vỡ nát

Cả hai rơi xuống dòng đời

Bọt tung trắng xóa…

hóa trăm năm”

Có người nói”nghệ thuật là sự ngạc nhiên và khám phá ra điều mới mẻ…”

ở đây có gì là mới mẻ”trăng ngà vừa rơi…”năm âm tiết chỉ mang một chức năng thông báo môt tín hiệu có gì là đa tầng đa nghĩa ở đây.thực ra trăng ngà đã” rơi” một khoảng thời gian nhất định rồi chỉ là người thơ mới bất chợt nhận ra mà thôi.

Trong làn nước (cứ cho là dòng sông}rất động muôn ánh trăng ngà tan ra người ta liên tửng đên một vật rơi xuống những vần sáng trắng pha chút vàng ấy vụn nát…và bất chợt dòng đời cũng như dòng sông luôn luôn thanh lọc luôn luôn bồi đắp…mà nên duyên nợ trăm năm…

NẾU ý tường là thế đề tài là thế mà biểu cảm có sự logich.người viết phê bình chẳng tán thành một kiệt tác ấy đó sao.

Nhưng rất tiếc câu hai”tảng đá ngàn năm vỡ nát..”cũng chỉ là câu mang chức năng thông báo một tịn hiệu một tín hiệu hoàn toàn không liên quan đến tín hiệu ban đầu..

Nngười thơ cố tạo ra sự gắn kết”cả hai “cách nói quá dễ dãi nó chỉ là ngôn ngữ thông thường không phải là ngôn ngữ văn chương.vậy thì gọt dũa ở đâu tinh lọc ở đâu…



Báy giơ người ta vẫn đang làm nợ duyên- duyên nợ của đá và trăng đấy thôi

“Đá xanh còn nhuốm sắc vàng

Hình như trăng mới đi ngang chốn này..”

Hay là.”xanh xao quá trăng lạnh lồng trong đá/lối ta về bản ngã hóa rong rêu..’

LTPLcũng nên dừng ở đây kẻo mệt tai bạn đọc…chỉ có điều nếu bình cái dở mà được xem là sư xúc phạm thì THẬT ĐÀNG BUÔN

LỀU THƠ PHIÊU LÃNG (LÊ HIẾU)

*************************

2*

ĐẾN VỚI BÀI THƠ NỢ DUYÊN CỦA HUỲNH XUÂN SƠN


Ngòi bút mang đến thật nhiều niềm vui, nhưng ngòi bút cũng mang đến biết bao nhiêu nỗi niềm, có khi còn tự rước vào bản thân mình những ganh gét, những đố kỵ đời thường.

Có lẽ vì vậy, khá lâu rồi dẫu cho thèm Thơ lắm, khát Thơ lắm nhưng cứ mỗi lần cầm bút lên lại đặt bút xuống. viết cái gì đây? viết cho ai đây? viết để làm gì đây? ...Trăm ngàn câu hỏi không lời đáp, chỉ có một cách đơn giản nhất là không viết gì cả có lẽ la câu trả lời thông minh nhất.

Nhưng như một con nghiện, nỗi thèm khát cứ trào lên, và đến lúc này đây, lúc mà cái_ gã_ nghiện ấy đứng trước một liều thuốc thử không thể chối từ. một bài thơi Tự Do với vỏn vẹn 23 từ được chắt lọc như một viên kim cương tinh khiết và ánh "trăng ngà" cùng với sợi dây "duyên nợ" trong bài thơ của HUỲNH XUÂN SƠN đã đem ngòi bút ấy trở lại, dẫu có thể nó đã không còn sắc bén qua thời gian nữa.

NỢ DUYÊN

trăng ngà vừa rơi

tảng đá nghìn năm vỡ nát

cả hai rơi xuống dòng đời

bọt tung trắng xóa ...

hóa trăm năm (Huỳnh Xuân Sơn)



Một bài Thơ Tự Do ngắn , có thể nói là năm dòng thơ ngắn . 23 từ không có từ nào nói đến Duyên và Nợ , đặc biệt hơn nữa nếu đọc, ngắt nhịp và chiết câu một cách bình thường thì năm câu thơ như hoàn toàn rời rạc, như chẳng có gì liên quan đến tựa đề mà tác giả đã chọn.

"Trăng ngà vừa rơi"

Mở đầu với trăng rơi, câu thơ như chỉ để nói tới không gian, thời gian, câu thơ hoàn toàn động chứ không hề tĩnh như thường thấy trong không gian đầy ánh trăng . Nếu ai đó kỹ tính, sẽ nhận thấy bài thơ này, câu thơ này thừa đi hai chữ " ngà, vừa" Vì chỉ cần trăng rơi thôi cũng đã đầy đủ chủ, vị ngữ, cũng như đủ ý nghĩa muốn truyền tải. tuy nhiên ý đồ của tác giả ở đây thật đặc biệt, tác giả sử dụng hai từ thừa này để mô tả vẻ đẹp của trăng, nhưng lại có tác dụng chính là làm giảm_ đi_ đà_ rơi_ xuống của trăng, làm giảm đi một chút động _ chút động trong tâm hồn , bởi đơn giản một điều tâm hồn ấy đang "tĩnh" Để ngắm trăng.

Ánh trăng ngà nhẹ nhàng rơi xuống trong một không gian đẹp, một không gian mênh mông như thế, nếu theo logic học , nếu với người yêu cái đẹp, hay chỉ là suy nghĩ bình thường nhất thì trong cái không gian đó sẽ là rựơu và thơ, là bằng hữu và bằng hữu . nhưng với Huỳnh Xuân Sơn _ Nữ tác giả thì lại hoàn toàn bất ngờ " Tảng đá nghìn năm vỡ nát" Tác giả đang nghĩ gì? Đang muốn gì? Chậm thật chậm, chiết từng câu, từng chữ, từng ý ta nhận ra, ta nghiệm ra một điều là hai câu thơ hoàn toàn không ăn nhập gì với nhau, hoàn toàn không có chút logic_theologic học ấy đã được tinh lọc, gọt giũa một cách tài tình để rồi cuối cùng tác giả xây dựng nên một chữ "Duyên".

Duyên vốn là từ gốc Hán có nghĩa là duyên do, duyên cớ phát sinh ra sự việc, sau nhiều năm giao thoa cùng Tiếng Việt chữ duyên kia đã biến thành duyên số, duyên phận của con người.

Chữ Duyên vốn bản thân nó đã là một điều gì đó khó nắm bắt, bởi bản thân nó cũng phải trải qua đến năm lần ghép chữ mới tạo thành: D_U_Y_Ê_N.

Đạo Phật cũng nói đến chữ duyên rất nhiều. Phật nói " Trong sự tái sinh luân hồi duyên sẽ tồn tại , nhân quả từ đời này truyền sang đời khác" .

Phật nói rằng kiếp số con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi , kiếp này nối tiếp kiếp khác kế thừa lẫn nhau . con người gặp nhau là bởi chữ duyên, chữ nợ mà thôi.

Đại thi hào Nguyễn Du cũng luận bàn về duyên không ít :" Người ơi gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không ?" .

Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương cũng nhắc đến duyên ;" Có phải duyên nhau thì thắm lại" ...

Ở đây tác giả cũng muốn nói đến duyên, nhưng không trực tiếp đề cập đến mà sử dụng nhiều biện pháp ngôn ngữ để rồi đi đến kết luận.

Đá và Trăng _ hai thứ tưởng chừng hoàn toàn xa lạ ấy lại có cùng một chữ Duyên để rồi gặp nhau, để rồi " Cả hai cùng rơi xuống dòng đời" Và chữ Duyên kia đưa Trăng và Đá gặp nhau?

Sao cũng được, chẳng cần phải tìm hiểu điều đó bởi dẫu sao đi nữa một chữ Duyên thôi cũng đã là quá đủ.

........................

" bọt tung trắng xóa...

hóa trăm năm"

Hai câu thơ kết vẫn đi theo motuyp của đoạn thơ đầu, bằng triết lý học và luận giải vấn đề, đọc giả sẽ tự rút ra cho mình một chữ "Nợ" đơn thuần.

23 từ, nhưng đã hai lần tác giả nhắc đến thời gian : "nghìn năm" trăm năm". Cái đặc biệt ở đây là thời gian dài hơn "nghìn năm" Ở nửa đoạn đường phía trước, có lẽ vì "Duyên" Không dễ gặp nhưng đã gặp rồi thì chỉ ước sao " Nợ" được trăm năm.

" có phải duyên nhau thì thắm lại

đừng xanh như lá bạc như vôi" (Hồ Xuân Hương)

Cùng là phận nữ nhi, Huỳnh Xuân Sơn cũng như bà chúa thơ nôm chỉ mong ước có thế thôi,"Có phải duyên nhau thì thắm lại" Chẳng cần vạn năm, nghìn năm, mà trăm năm thôi là quá đủ. bởi Duyên và Nợ còn chưa chắc được song hành, cùng nhau huống chi là sự dở dang giữa đường đứt gánh có thế nào cũng chẳng thay đổi được gì bởi thượng đế chỉ cho ta chừng ấy Duyên, Nợ mà thôi.

Một bài thơ Tự Do ngắn, rất ngắn nhưng lại ẩn chứa trong mình bao nhiêu triết lý học, nhân sinh quan sâu sắc, và biết bao nhiêu tầng ý nghĩa sâu xa trong một chữ Duyên đầy hư ảo?

5 dòng thơ rời rạc_ nhưng dưới ngòi bút tài hoa của tác giả chúng lại hòa quyện vào nhau một cách chắc chắn như một viên kim cương thật sự, và sợi dây Nợ - Duyên kia chẳng thể đứt rời.

Người viết bài này cầu chúc mọi người, và thật sự cầu chúc ANH CHỊ mãi như " đá với trăng" Trăm năm và hơn thế nữa hòa quyện vào nhau cùng với chữ Duyên kia.

Cảm ơn Huỳnh Xuân Sơn đã viếtt một bài thơ hay. Người viết bài này cũng chỉ biết mượn lời của nhà thơ Hồ Xuân Hương để khép lại " Có phải duyên nhau thì thắm lại / Đừng xanh như lá bạc như vôi".

Kẻ hậu bối nghĩ sao viết vậy, rất mong được sự lượng thứ của tác giả và bạn đọc nếu có gì sai sót.

Tuy Hoà 8/4/2016

Nguyễn Văn Thành

*******************************

3*
Lâu nay tôi vẫn ghé trang nhà đọc thơ Huỳnh Phú Vang và văn phê bình của Huỳnh Xuân Sơn. Hai trong một và tất cả đều có những nét riêng biểu hiện năng lực sáng tạo. Bài thơ “Nợ duyên” cũng vậy, thể hiện nỗ lực tìm tòi, làm mới ý thơ, hình ảnh, từ ngữ của HPV. Nhiều người khen hay, nhưng tôi thấy có những chỗ không thông, chưa hiểu, nên trao đổi với nhà thơ vài ý sau:
1/ Về tên bài thơ: Nợ duyên
Đặt hai chữ theo trật tự trái chiều như vậy có ổn không? Người ta thường nói “duyên nợ”, để diễn ý có duyên thì gặp, nhưng phải có nợ mới nên vợ nên chồng.
Ca dao: Một duyên, hai nợ, ba tình….
Tú Xương: Một duyên, hai nợ, âu đành phận…(Thương vợ)
Để minh họa, xin kể lại câu chuyện sau:
Một chàng trai đau khổ vì người yêu ruồng bỏ, hỏi vị sư thầy:
- Tại sao con yêu nhiều thế mà cô ấy vẫn đi lấy người khác?
Sư thầy mỉm cười và cho anh xem một chiếc gương, trong đó có hình ảnh cô gái đẹp khỏa thân nằm chết bên đường.
Mọi người nhìn qua rồi bỏ đi...
Chỉ có một anh chàng dừng lại, đắp cho cô gái chiếc áo rồi cũng bỏ đi.
Mãi sau có chàng trai khác đến và đem xác cô gái đi chôn.
Sư thầy nhìn chàng trai và nói:
- Kiếp trước anh mới chỉ là người đắp áo cho cô ấy thôi. Còn người chồng cô ấy bây giờ chính là người kiếp trước đã chôn cô ấy. Đó chính là NỢ, anh chỉ có DUYÊN với người con gái ấy thôi!
Phật dạy rằng, kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Con người gặp nhau là bởi chữ DUYÊN, lấy nhau, sống với nhau là bởi chữ NỢ. Nhiều cặp vợ chồng đang sống với nhau khá hạnh phúc mà một trong hai người bỗng có tình cảm với người khác, dẫn đến chuyện chia tay, có thể người đời sẽ phê phán nhiều nhưng thật ra người ta đã trả xong nợ và đã đến lúc phải ra đi. Hay trong cuộc sống lứa đôi, có thể một người là kẻ chẳng ra gì, thường xuyên hành hạ, đánh đập người kia, nhưng người đó vẫn cắn răng chịu đựng, bảo vệ kẻ hư đốn, vũ phu. Cũng là cái nợ đã vay từ kiếp trước, mà kiếp này phải trả. Chuyện vợ chồng lý giải theo triết lý nhà Phật là thế! (Theo sách vở Phật giáo)
2/ Về từ ngữ: “trăm năm”
“trăm năm” thường dùng để nói một kiếp
người. “Trăm năm trong cõi người ta” (Kiều), chưa hẳn chỉ chuyện vợ chồng. Nói rõ hơn, như lời chúc: Bách niên giai lão, bách niên hảo hợp. Như vậy “hóa trăm năm” là chuyện “trăng ngà”, “tảng đá ngàn năm” (hình ảnh ẩn dụ chỉ người con gái, người con trai) thành vợ chồng, hay hóa con người trong “dòng đời” đây? Ngôn ngữ thơ có tính hàm súc, nhưng từ ngữ mặc dù có nghĩa hàm ẩn, vẫn phải hướng người đọc hiểu đúng điều nhà thơ muốn nói. Có thể người ta dễ dàng hiểu, nhưng tôi thì chậm hiểu nên đang thắc mắc đây!
Cũng chỉ vài lời trao đổi, có gì xin HPV thứ lỗi. Chúc cô và gia đình luôn vui khỏe!

NGUYỄN QUANG QUÂN

**************************************************
4*

Đặt hai chữ theo trật tự trái chiều như vậy có ổn không? Người ta thường nói “duyên nợ”, để diễn ý có duyên thì gặp, nhưng phải có nợ mới nên vợ nên chồng.

Anh bạn nhầm rồi. "Nợ duyên" khác với" Duyên nợ" bạn ạ.
Hai cái là ngược nghĩa nhau một cái chỉ về mặt tốt đẹp của chữ Duyên còn cái kia thường chỉ về mặt trái của chứ duyên .
Theo tứ của bài thơ đặt tên bài thơ là "Nợ Duyên" Là hay đấy

NGUYỄN THẾ DUYÊN
*************************************

5*

vài dòng cảm nhận về "Nợ Duyên"

Qua 20 âm lịch kể từ lúc nửa đêm trở về sáng thì người thức cùng đêm mới chiêm nghiệm được ánh trăng ngà.Ánh sáng lúc này mờ mờ trắng xen lẫn chút vàng tạo nên màn đêm vừa xa xăm vừa quyến rũ.Ở trong bài thơ "Nợ Duyên" ánh trăng ngà vừa xuất hiện thì tảng đá ngàn năm vỡ nát ngay lập tức
Chúng ta xét hai câu đầu của bài thơ "Nợ Duyên"
"Trăng ngà vừa rơi
Tảng đá ngàn năm vỡ nát"
Đây đúng là chuyện hoang đường,một tảng đá to cứng dùng máy móc búa công cụ hổ trợ cũng chưa chắc làm cho tảng đá vỡ ra huống gì là nát vụn,nhưng trong văn học dưới ngòi bút và ý tưởng của tác giả thì chuyện hoang đường đó đã xảy ra.Tảng đá ngàn năm theo tôi hiểu có thể nói về một trái tim con người nào đó đã đóng băng thành đá ngàn năm cứng và lạnh lùng khỏi phải nói,một trái tim khô cằn như sỏi đá không mảy may rung động thì làm sao biết nói tiếng yêu.Nhưng đêm nay thì lại ngoại lệ ánh "trăng ngà vừa rơi" xuống thì trái tim kia đã mở toang ra,kỳ tích đã xuất hiện
"Cả hai rơi xuống dòng đời
Bọt tung trắng xóa..."
Cả hai ở đây là hai cá thể con người một nam và một nữ và một trong hai cá thể ấy sẽ có người có trái tim như đá ngàn năm hoặc cả hai đều có trái tim bằng đá,mà một khi mở ra rồi thì họ được gặp nhau được quyện cùng nhau được dắt tay nhau đi chung đường đời.Đến lúc này thì hồn của bài thơ xuất hiện đó là "Duyên" hai người gặp nhau cùng nhau rơi xuống dòng đời cùng nhau đi suốt cuộc đời dù đời sướng khổ cũng mặc "Bọt tung trắng xóa"cái dòng đời mà cả hai đang đi có thể có nhiều sóng gió gập gềnh nhưng cũng phải chịu vì đã là nợ rồi mà là nợ duyên mới khổ
Trong không gian mờ ảo ánh trăng ngà là chất xúc tác mở được trái tim băng đá để hai người đén được với nhau cùng nhau đi đến hết đời dù có thể đường đời ấy không có trải đầy hoa hồng và đường đời đó có nhiều sóng gió bọt bèo thì họ cũng đã là của nhau không thể nào làm khác được nữa vì đó là "Nợ Duyên" có thể "bây giờ chồng thấp vợ cao/như đôi đũa lệch so sao cho bằng"nhưng đó là duyên nợ.
Đọc bài thơ của chị Xuân Sơn tôi thấy rất độc đáo trong cách suy tưởng,bài thơ ngắn nhưng đã chuyển tải được nội dung hoàn hảo.Chị rất đặc biệt trong cách xử lý ý tứ làm cho người đọc phải suy ngẫm nhiều.theo tôi bài thơ này độc đáo còn vấn đề hay thì tôi không dám nói có tiếc một chút là bài thơ ngắn mà đã có tới hai lần trùng từ
vài lời cảm nhận riêng tôi mong chị và mọi người bỏ qua cho xin cảm ơn

HOÀI ANH

******************************************

6*

ĐẾN VỚI BÀI THƠ NGẮN

NỢ DUYÊN -THƠ XUÂN SƠN HUỲNH

Trăng ngà vừa rơi
Tảng đá ngàn năm vỡ nát
Cả hai rơi xuống dòng đời
Bọt tung trắng xoá...
Hoá trăm năm
NỢ DUYÊN là bài thơ chỉ có mấy từ nhưng theo tôi đó chính là một minh chứng ,một lời biện hộ một thông điệp cho tất cả những gì gọi là duyên phận trong cõi người . Vâng tất cả đều là sự ngẫu nhiên , Sự tình cờ trong cuộc sống . Mà ở đây tác giả Huỳnh Xuân Sơn đã phải dùng đến những vật thể của vũ trụ . Một ánh trăng ngà, một tảng đá ngàn năm .Ánh trăng rơI đã làm cho tảng đá từng ngàn năm trơ gan cùng tuế nguyệt đã phải vở tan ra trăm ngàn mảnh . Phải chăng ánh trăng lại có sức mạnh như thế ? Không đây là lối nói ngoa ngữ hay chính là yếu tố phi lý trong thơ . Yếu tố phi lý là để chuyển tải khát vọng về sức mạnh của sự tình cờ của sự ngẫu nhiên.Dùng hình tượng to tát nhưng so với cái vô cùng của vũ trụ thì nó cũng bé nhỏ như những con người mà thôi . Ta còn thấy được ẩn ý của nhà thơ ở đây : ánh trăng ngà là người con gái và khối đá ngàn năm là người con trai .Nhiều khi nước mắt của người con gái có thể làm tan loảng cả một khối tình câm u uất như giọt lệ của nàng Mỵ Nương đã hóa giải cho trái tim đau khổ của chàng Trương Chi .Một sự va chạm tình cờ và có phần khốc liệt lại là cái duyên cái cớ để tác thành duyên phận trăm năm như những kiếp người . Trong đời đã có biết bao vạn ngàn những điều tình cờ kỳ diêụ để rồi sau đó đã tác thành cho bao lứa đôi trên cõi nhân gian này . Nhiều khi chỉ là một ánh nhìn . một sự va chạm nhẹ thôi như một nhà thơ đã viết . " Sao em lại đi bên trái / Để rồi ta chạm vào nhau / Tay áo nào có kêu đau / Mà hai người cùng ngoảnh lại ..." và rồi đôi lứa ấy lại nên vợ nên chồng cùng nhau chung hưởng trăm năm . Có khi là một sự va chạm giao thông trên đường . Phần sai hoàn toàn thuộc về cô gái . Nhưng chàng trai đã ân cần chăm sóc và rồi chỉ là một câu hỏi rất nhỏ chỉ để đủ cho cô gái nghe thấy " Em cho anh số được không " Và cô gái e thẹn bảo với chàng trai cũng nhỏ thôi chỉ đủ cho chàng trai nghe thấy " Anh đưa tay đây " rất nhanh bàn tay được chìa ra và dòng chữ số ân nghĩa đã nằm trọn trong lòng bàn tay chàng trai Và rồi không biết điều gì sau đó nữa nhưng tôi chắc chắn sự tình cờ kỳ diệu đó sẽ tác thành cho lứa đôi trai tài gái sắc ấy .Các cụ đã nói đoạn đường nên nghĩa ,chuyến đò nên duyên . Cái duyên cái nghĩa trong đời nhiều khi chỉ là sự tình cờ kỳ diệu như thế .
Đó là tất cả những gì mà bài thơ NỢ DUYÊN của Huỳnh Xuân Sơn muốn gửi gắm
Nguyễn Xuân Dương

http://www.tho.com.vn/thi-pham/no-duyen/90140