Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Cảm Khúc



Không Đề

Nhen ngọn lửa nấu rượu mình
Những mong ngấu đận duyên tình chết men
Ngỡ năm tháng ủ lãng quên
Nào hay chưng cất dậy lên thơm lừng...

Đắng cay mấy giọt ngập ngừng
Rơi về lối mộng nửa chừng ngẩn ngơ
Ngọt ngào vừa đến se tơ
Đượm nồng canh cửi hững hờ cạnh bên...

Hoa xoan mấy cánh nhớ quên
Theo mưa nức nở đợi đêm chuyển màu
Chi Li đọng mấy giọt châu
Mà dòng trong đục Thương sầu không tan? (2/4/2016 HXS)

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Thu Có Vàng Không.. ! Của Tác Giả Trăng Khuyết



Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Thu Có Vàng Không.. ! Của Tác Giả Trăng Khuyết



Mùa đông đã tràn ngập khắp miền Bắc và lan cả tới đây, nơi quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Không lạnh lẽo sương mù giăng kín lối. Mùa đông tìm gặp mùa nắng phương nam để dung hòa đông giá và nắng lửa.
Tiết trời se se hanh hao nhè nhẹ bất giác ta có cảm giác như đang bềnh bồng giữa tiết trời thu vậy.
Thu thì phải có lá vàng bay, có gió heo may, có bầu trời trong vắt…Thu đâu chỉ có se se lạnh nhỉ? Tiết trời này, có lẽ là lúc mà tâm hồn mơ mộng, của một nàng thơ phương nam. thả hồn đi tìm câu hỏi: Thu Có Vàng Không…? Đây.
Tôi nghĩ vậy và tôi muốn đi tìm xem chị muốn nói điều gì với mùa thu.Khi mà chị đặt câu hỏi rất thơ này:

THU CÓ VÀNG KHÔNG…?
Thu có vàng không... sương trắng bay?
Thu hồ trong vắt ngẩn ngơ say
Ngả nghiêng liễu rũ hồn thu lịm
Náo nức thu về bóng nguyệt lay
Đời chở mùa thu trao cõi thế
Ai hờn hương sắc trải thu mây?
Non ngàn nước bạc hồn thu thảo*
Gợn sóng thu ba…nhẹ gót hài.
*Hồn thu thảo: Bà Huyện Thanh Quan
(Trăng Khuyết)

Chị đặt ra một câu hỏi, rồi chị dùng một bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú thể Bát Điệp để diễn giải gợi mở…thật khó cho tôi đây!
Khi mà chỉ có 56 chữ, lại là thể Bát Điệp nên trừ đi mất bảy chữ vậy còn có 49 chữ. Mà chị muốn gợi ý miêu tả một câu hỏi mênh mông tình thơ ý thơ như thế này ư?
Nghĩ thế nhưng tôi vẫn rất tò mò muốn biết chị viết gì?
Bố cục và niêm luật của Thơ Đường Luật vốn là chắt lọc câu từ để diễn đạt ẩn ý sâu xa mà. Tôi nghĩ vậy và tôi bắt đầu khám phá từ hai câu đầu tiên:
Thu có vàng không... sương trắng bay?
Thu hồ trong vắt ngẩn ngơ say

Ở hai câu đề chị đã đặt câu hỏi về một bức tranh mùa thu, thông thường nói đến mùa thu là nói đến hình ảnh nắng vàng, lá vàng, thậm chí gió cũng vàng luôn.
Nhưng ở đây chị lại vẽ ra những nét phác họa chẳng hề có chữ “vàng “ nào cả. Chỉ có “sương trắng bay” chứ không phải mây trắng đâu nhé! Màn sương bàng bạc bao phủ tầm nhìn của chị phía trên. Phía dưới ngay trước mắt chị là mặt hồ “Trong vắt” cảnh này có lẽ khiến bất cứ ai chiêm ngưỡng đều phải “ngẩn ngơ say” chứ không riêng mình chị đâu.
Hai câu đề với  “ngẩn ngơ say” tác giả khéo léo đưa ta vào “mùa thu có vàng không…?” Câu thực là tả thực mà ! hy vọng ta sẽ bắt gặp màu vàng để thỏa mãn câu hỏi của chị

Ngả nghiêng liễu rủ hồn thu lịm
Náo nức thu về bóng nguyệt lay

Ở hai câu thực chị dùng các cặp đối sau “ngả nghiêng” đối với “náo nức” , “liễu rủ” đối với “thu về” và “hồn thu lịm” đối với “bóng nguyệt lay”. Ba cặp đối được chị kết hợp bằng các mỹ từ  một cách khéo léo tạo thành một cặp câu thực miêu tả cảnh bên “hồ thu trong vắt” là hàng liễu rủ đẹp tới mức mà “hồn thu lịm”. tác giả ơi! Cho hỏi nhỏ. “Hồn thu lịm”. hay chị đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy mà mê mẩn hồn mình, rồi muốn mộng mị theo đấy?
Còn khi màn đêm buông xuống. Ánh trăng xuyên qua những mành liễu rủ lay động mặt hồ. cho ta cảm giác giống chị lúc này là “náo nức thu về” ….vẫn chưa thấy có mùa thu vàng trong hai câu thực. Bởi bản thân lá liễu bốn mùa đều xanh, màu xanh bình dị không nõn nà, không xanh ngắt. Màu xanh dịu dàng trước gió đong đưa, như rủ rê, như mời gọi ta chiêm ngưỡng….
Bây giờ muốn biết Thu có vàng không thì phải theo tác giả vào hai câu luận để tìm thôi:

Đời chở mùa thu trao cõi thế
Ai hờn hương sắc trải thu mây?

Hai câu luận tác giả dùng các cặp đối sau “đời chở” đối với “ai hờn”, “ mùa thu” đối với “hương sắc” và “trao cõi thế” đối với “trải thu mây”. Ba cặp đối được chị sắp đặt vào hai câu luận dùng để, vừa hỏi, vừa trả lời, vừa gói, vừa mở, để nói rằng : cuộc đời đã ưu ái cho ta cảnh sắc tuyệt đẹp của mùa thu. Dẫu mùa thu có vàng hay chỉ là “sương trắng bay” trên mặt “hồ thu trong vắt” và hàng liễu “ngiêng ngả” gọi mời ánh trăng thôi. Thì yêu thu, thu vẫn đẹp tuyệt trần. chẳng ai có thể hờn giận vì “hương sắc” thu không vàng cả.
Hai câu luận này có lẽ còn có ẩn ý sâu xa, đang phảng phất trong hồn những câu chữ  bay bổng muốn ta hiểu rằng: “Hương sắc” là trời trao cho. Mỗi người mỗi vẻ đẹp, mỗi tính cách riêng. Trời trao sao, ta nhận vậy. nếu có chút buồn bã hờn giận gì! Hãy thả theo những áng mây thu, đang rong ruổi trên bầu trời kia. Cho nó cùng trôi về nơi vô định.
Vẫn chưa có màu vàng xuất hiện. mặc dù đã tới hai câu kết :
Non ngàn nước bạc hồn thu thảo*
Gợn sóng thu ba...nhẹ gót hài.
Hai câu kết cũng chẳng hề có màu vàng của Thu . Chỉ có “non ngàn nước bạc”. Là màu sắc mà trời thu mang đến.
Tác giả ơi… Thu vàng hay không? Thì chị đã nói rồi mà không cần phải “hờn giận” chi hãy cứ thả theo mây thu, nó sẽ mang đi mà. Cớ sao chị còn viện dẫn tới cả “Thăng Long Thành Hoài Cổ”của Bà Huyện Thanh Quan vào câu kết này làm gì nữa. “non ngàn nước bạc” là Thu mà Trời trao cho ta bốn mùa có nó.
Còn “hồn thu thảo” rồi “gợn sóng thu ba” cả “nhẹ gót hài” nữa. chị muốn nói đến mùa thu của riêng chị chăng?
Có lẽ nào chị vui vẻ nhẹ nhàng chấp nhận “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” đã xa rồi. Bởi qui luật của tạo hóa vốn là vậy. chị muốn níu muốn giữ cũng chẳng được, nên chị bằng lòng nhìn mùa thu của mình, đến rồi ra đi bằng một chút “gợn sóng thu ba”. Có nghĩa ánh mắt chị cũng có chút ngập ngừng, chút băn khoăn trước khi nhẹ “lướt gót hài”.
Thu Có Vàng Không…? Chị hỏi chỉ để hỏi mà thôi, phải không ạ. Mùa Thu của trời đất. Mùa đẹp nhất trong năm được chị dùng các câu từ chắt lọc, tinh tế, để diễn tả một mùa thu đẹp, không cần màu vàng vẫn làm đắm say lòng người.
Thu không có màu vàng, còn là mùa thu của đời người. Chị muốn gửi gắm trong “Thu Có Vàng Không…?”
Thông điệp chị muốn gửi phải chăng là. Cuộc sống của mỗi chúng ta, cũng là thuận theo quy luật mà tạo hóa đã ban cho mỗi người, đôi khi khôngxuôi theo tự nhiên,không theo ý chúng ta, cũng đừng vì thế mà hờn ai, giận ai hãy buông xả hết cho thanh thản, để niềm vui tràn về.
Cũng như khi ta nói đến mùa thu là ai cũng nghĩ đến sắc thu vàng. Nhưng ở đây Thu của chị chỉ có “sương trắng bay” có “liễu rủ ngả ngiêng” có “hồ thu trong vắt” và có “bóng nguyệt lay” vậy mà Thu vẫn làm cho “tao nhân mặc khách” “ngẩn ngơ say” rồi “náo nức”  đón đợi thu về để mà chiêm ngưỡng . Ngay cả khi đã muốn “hồn thu lịm” thì họ vẫn hiểu rằng “Đời trở mùa thu trao cõi thế”. Mỗi người có một mùa thu với hương sắc riêng. Ta hãy đón nhận dẫu là màu sắc gì đi chăng nữa thì đó là thu của riêng ta. Ta cứ việc nhẹ nhàng mà “Nhẹ gót hài” thong dong đi tới phía trước.

Sài Gòn 31/12/2013

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Cảm Nhận Bài Thơ Mo Cau...! Của Tác Giả Trăng Khuyết



Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Mo Cau...! Của Tác Giả Trăng Khuyết




Mo cau….!

Mo cau rụng ở sau nhà
Anh làm phu kéo chiều tà ngẩn ngơ
Lối mòn cát bụi mịt mờ
Gập ghềnh sỏi đá bâng quơ tiếng cười

Gió nghiêng gọi bước rong chơi
Về đâu phu kéo -Em ơi em à !
Em về...- Lên tận đồi xa
Ngắm chiều buông nắng, ngắm hoa tím màu

Mo cau ngày ấy nay đâu ?
Để người phu kéo chở sầu vào tim
Em xưa giờ biết sao tìm ?
Đành gom kỷ niệm bên thềm mà thương

Nhìn mo cau rụng vấn vương
Phải chi ngày đó con đường...đừng xa !(Trăng Khuyết)

Mở đầu bài thơ tác giả giới thiệu hình ảnh hai bạn nhỏ kéo nhau trên “lối mòn” bằng tầu cau khô rụng xuống, mà đường làng nhỏ “sỏi đá gập ghềnh” khi kéo nhau ắt hẳn “bụi bay mịt mờ” rồi! nhưng tất cả sẽ theo tiếng cười đùa vui vẻ trong những buổi chiều tà ấy tới tận bây giờ, khi mà bài thơ này ra đời, tác giả có lẽ vẫn còn ngẩn ngơ khi nhớ lại. Chứ không hẳn là khi ấy “chiều tà ngẩn ngơ” đâu? Phải không chị. Chị đã rất khéo khi mượn hình ảnh “chiều tà” để gửi cái sự “ngẩn ngơ” của mình hôm nay cũng vào tuổi bóng xế của cuộc đời!
Mo cau rụng ở sau nhà
Anh làm phu kéo chiều tà ngẩn ngơ
Lối mòn cát bụi mịt mờ
Gập ghềnh sỏi đá bâng quơ tiếng cười

Chuỗi hồi ức về kỷ niệm xưa được tiếp nối với

Gió nghiêng gọi bước rong chơi
Về đâu phu kéo -Em ơi em à !
Em về...- Lên tận đồi xa
Ngắm chiều buông nắng, ngắm hoa tím mầu

Ở khổ thơ này có sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại chung một câu hỏi của chủ thể anh: “ Về đâu phu kéo- Em ơi! Em à”. Không có câu trả lời của em khi ấy, có lẽ bởi còn đang mê mải với “Gió chiều gọi bước rong chơi”. Nên em không nghe thấy anh hỏi, hoặc giả do gió ngược chiều em không nghe và cứ để anh tự do làm những gì anh muốn. Chắc là vậy vì em vô tình, vì gió vô tình? hay tại anh? hoặc giả là tại em?. Tác giả để ngỏ câu trả lời về đâu? Nhưng bài thơ thì vẫn tiếp nối với:

“Em về…” nghe như trả lời câu hỏi em về đâu để anh kéo em về trên tầu mo cau ấy. Nhưng không phải? ở đây là em về hôm nay của thì hiện tại…dấu ba chấm để ở đây quả là đắt giá, khi chị trả lời, mà như không trả lời ai cả .Khiến người đọc phải dừng lại để nghỉ, sau một thời gian rất dài vậy. sau khi chị cho người đọc nghỉ ngơi rồi bây giờ thì hiện tại đã bật dậy trong câu :

“Ngắm chiều buông nắng ngắm hoa tím mầu” mà ngắm sau khi “Em về….lên tận đồi xa”. Em lên tận đồi xa có lẽ là em muốn đi tìm lại con đường”Ghập ghềnh sỏi đá bâng quơ” ngày xưa ấy.Nhưng mà thật buồn cho chị bởi chỉ có nỗi buồn và muôn vàn câu hỏi trong chị ngày về thôi! Bài thơ cùng chuỗi hồi ức vẫn tiếp diễn:

Mo cau ngày ấy nay đâu ?
Để người phu kéo chở sầu vào tim
Em xưa giờ biết sao tìm ?
Đành gom kỷ niệm bên thềm mà thương

Có lẽ Em đã lên tận đồi xa để tìm dư hương ngày cũ và tìm lại kỷ niệm ngày ấu thơ. Tìm được gì chị không nói! Chỉ có mạch thơ trầm lại cùng nỗi buồn vì ước gì tìm lại được thuở hai đứa chở nhau đi bằng cái tầu cau ấy,dẫu “gập ghềnh sỏi đá” và “bụi mịt mờ” nhưng sao thơ mộng và đáng yêu thế! Bây giờ nhìn mo cau rụng chỉ còn thấy nỗi ám ảnh mo cau này sẽ có “người phu kéo trở nỗi sầu vào tim”. Đấy là nhớ là nao lòng muốn tìm lại người phu kéo mà nghĩ vậy thôi . Nếu gặp lại, chàng cũng chẳng nỡ kéo nỗi sầu vào tim đâu?

Có lẽ chị đã ngồi rất lâu bên thềm nhà nhìn tầu mo cau hôm nay, để mà nhớ mà thương một tình bạn thuở ấu thơ trong sáng có vương vấn chút rung động đầu đời. Mà có lẽ cả hai chưa ai kịp nói với ai điều gì! Thì đã xa nhau cho đến ngày hôm nay. Đây là hai câu kết của chị:

Nhìn mo cau rụng vấn vương
Phải chi ngày đó con đường đừng xa…

Phải chi? Một sự tiếc nuối bây giờ để tô đẹp thêm kỷ niệm xưa phải không chị? Con đường gập ghềnh sỏi đá vẫn vậy nó hiện diện như bao năm qua với chiều dài ấy. Chỉ có con đường đời, đường duyên nợ nó dài hay ngắn mà thôi. Ngay cả cái sự cảm nhận ngắn hai dài này lại còn tùy thuộc vào mỗi con người mỗi hoàn cảnh nữa!

Viết tới đây tôi bỗng có một ước ao rất thật thế này: Khi mà "Em về..." 'Em ngắm chiều buông nắng ngắm hoa tím màu"! thì từ dưới chân "Đồi xa" kia vang lên tiếng hát của một "lãng tử " vừa trở về thăm quê cũ: 
Em ơi! Em ơi ! chuyện xưa cũ đâu có ngờ chia ly
Khi em vu quy, làm sao em chợt nghĩ, chuyện mo cau đáng gì !
Hỏi ai còn nhớ tên phu kéo mo cau
Chở rong cô khách nghèo
Nay đã hết rồi tuổi thơ tìm đâu..."(Người Phu Kéo Mo Cau-Vinh Sử)

Lời người con trai trong ca khúc đang trách cứ người tình của mình sang ngang..! 
Và tới đây tôi tin có lẽ không chỉ mình tôi đồng cảm với nỗi lòng tác giả khi viết Mo Cau!

Cám ơn Tác giả Trăng khuyết với bài thơ Mo Cau…! Đã cho tôi có cảm xúc để viết lên bài cảm nhận này. Mong rằng tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của riêng cá nhân tôi giành cho một bài thơ mà tôi đã đồng cảm.

Sài Gòn 7/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Cảm Nhận Tác Phẩm Níu Thu Vào Mộng Của Tác Giả Trăng Khuyết


Cảm Nhận Níu Thu Vào Mộng .Của Tác giả Trăng Khuyết


Níu Thu Vào mộng

Ta níu chân thu ngủ dưới đồi
Bảo chiều giấu mặt cứ rong chơi
Mây đan cháy bỏng che màu nắng
Gió thổi ngẩn ngơ quyện sắc trời
Ngây ngất sương nghe hồn đất thở
Nồng nàn cây động lá rừng rơi
Dặn đông nho nhỏ đừng sang nhé !
Ta níu chân thu ngủ dưới đồi (Trăng Khuyết)

Bài thơ được tác giả viết theo thể  Đường Luật.với niêm, luật, vần, và bố cục chặt chẽ. Đối ngẫu trong thơ tương đối chuẩn, câu từ trau chuốt kỹ lưỡng. Một bài thơ tình mượt mà nhưng sâu sắc, nhẹ nhàng về câu chữ nhưng lại mang hàm ý diễn tả một cảm xúc thật đẹp…
Hai câu Đề mở ra cánh cửa để mời bạn đọc bước vào "khoảng đồi" thơ mộng của bài thơ

Ta níu chân thu ngủ dưới đồi
Bảo chiều giấu mặt cứ rong chơi

Tôi cứ thắc mắc rằng tại sao chị lại Níu chân Thu…và để “Ngủ dưới đồi”? Rồi lại phải “Bảo chiều giấu mặt” và “Cứ rong chơi” đi nhé! Một chiều thu thơ mộng chị tả thì tôi cảm nhận ngay được rồi, nhưng phải chăng còn ẩn ý gì chị giấu sau vỏ bọc Trời, Mây,nắng, Gió,cỏ cây… .Câu hỏi ấy đến sau khi tôi chợt nghĩ đến một ý tưởng mà có thể trùng với ý tác giả.Nhất là sau khi nghiền ngẫm thêm hai câu thực này nữa:

Mây đan cháy bỏng che màu nắng
Gió thổi ngẩn ngơ quyện sắc trời



Câu thực thứ nhất gợi thêm trí tò mò để vào câu thực thứ hai trong cặp đối này”.Gió thổi” đối với "Mây đan" và "quyện sắc trời" đối với "che màu nắng" đúng và thật đẹp, nhưng sao lại là Mây đan thì cháy Bỏng, còn Gió thổi thì lại Ngẩn ngơ, cộng với sự liên tưởng tới ý mà cặp câu Đề đặt ra “Ta níu chân thu ngủ dưới đồi" ...Ta ngủ mà phải bảo chiều giấu mặt cứ rong chơi, rồi khiến mây phải cháy bỏng và Gió thì ngẩn ngơ…Tôi đã và sẽ dùng cái quyền được suy diễn để suy luận. Vận dụng trí tưởng tượng đến với một cuộc sống tràn đầy tình yêu hạnh phúc,để cảm nhận mà tôi nghĩ đến, Ta ở đây là hai người chứ không chỉ có một…Cảm xúc này chỉ đến khi có hai người...Và khi viết tới đây tác giả chắc hẳn phải có một tâm hồn lãng mạn gấp nhiều lần tôi bây giờ.
Với suy nghĩ này tôi hân hoan bước vô thế giới của hạnh phúc lứa đôi,đi lên tới đỉnh mơ ước của tình yêu khi thăng hoa. Tâm hồn thơ mộng của những kẻ đang yêu, khát khao được yêu và họ đã được toại nguyện. Hai thân thể như lẫn vào nhau, và có lẽ hai tâm hồn họ cũng hòa vào một, khiến cho sương cũng phải ngây ngất khi nghe hồn đất thở và cây cũng cảm nhận được sự nồng nàn qua tiếng động mặc dù chỉ là tiếng động của lá rừng rơi thôi

Ngây ngất sương nghe hồn đất thở
Nồng nàn cây động lá rừng rơi

Ở hai câu Luận này chị dùng các cặp đối "ngây ngất" đối với "nồng nàn", "Sương nghe" với "Cây động" và "hồn đất thở" đối với "Lá rừng rơi"…Chị đã rất tài tình khi kết nên một nhịp thơ nghe như nó đang hổn hển, đang thì thào, đang rạo rực qua từng câu chữ.Tất cả hoà quyện với nhau tạo nên ý thơ chất chứa khối tình lãng mạn , phải chăng chị muốn diễn tả niềm hạnh phúc của lứa đôi... Mang theo bao nhiêu cảm xúc của tình yêu và tình thơ để đến với hai câu kết
Dặn đông nho nhỏ đừng sang nhé !
Ta níu chân thu ngủ dưới đồi

Thông thường khi mà cả tâm hồn lẫn thể xác hòa quyện vào một rồi thì tất cả không gian thời gian như ngừng lại...Mặc dù nó vẫn phải trôi đi theo lẽ tự nhiên .Thu đi thì đông ắt đến, sao lại phải dặn đông mà dặn nho nhỏ thôi là đừng sang nhé.
Biết là sẽ sang sao lại dặn nhỉ? Có lẽ tác giả muốn cái giây phút ngất ngây hạnh phúc đừng trôi qua, hãy đứng yên ở khoảnh khắc này! Để cho người được hưởng thụ tận hưởng trọn vẹn cảm xúc của tình yêu thăng hoa khi tận hiến.
Nếu như cảm nhận của tôi đúng, thì cảm xúc này sẽ không tới một lần .Nó sẽ lại tiếp diễn như một chuỗi nối tiếp nhau đến… vô cùng vô tận
Phải chăng tác giả cũng cùng suy nghĩ này nên chị đã viết bài thơ theo thể Đường luật Thủ vĩ ngâm-Câu cuối cũng là câu bắt đầu.
Và chị cũng muốn nói đó là Níu Thu vào trong Mộng thôi.Để nhắc cho tôi và bạn đọc thấy đây là một giấc mộng …nhưng với suy nghĩ của riêng tôi thì không hẳn là trong mộng đâu tác giả ơi! Chỉ là tôi chưa có dịp gặp gỡ để nghe tác giả kể về Mộng này ở đâu… Đồi Dạ Lan của nhà thơ Phạm Thiên Thư…hay Đồi trong Cỏ Hồng của Nhạc sĩ Phạm Duy? chắc chắn khi có dịp diện kiến tôi sẽ hỏi chị như vậy!

Cám ơn tác giả Trăng Khuyết với bài thơ có những câu từ trau chuốt, ý thơ , tình thơ lãng mạn rộng sâu ...Ở Níu Thu Vào Mộng điều mà tôi tâm đắc nhất đó là thơ Đường nhưng không gò bó, không cứng nhắc. Nó vẫn lả lướt nhẹ nhàng thanh thoát , uyển chuyển theo từng ý thơ, tình thơ được viết ra từ một tâm hồn có lẽ cũng bay bổng, lãng mạn không kém

Với tình cảm của một bạn đọc yêu thơ,tôi luôn muốn khám phá từng ẩn ý khuất sau những câu thơ bay bổng, những nét đẹp nhất của bài thơ mà tôi thấy đồng cảm...Với tấm tình đó khi gặp Níu Thu Vào Mộng diễn tả cái cảm xúc thăng hoa lồng lộng, đắm đuối và si mê…
Tôi đã cảm nhận được phần nào nên muốn đồng hành cùng với tác giả ...
Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm, là suy nghĩ một chiều từ cá nhân tôi dành cho vẻ đẹp của bài thơ Níu Thu Vào Mộng, Nếu có sự sai sót rất mong nhận được sự bao dung.

Sài Gòn mùa thu 2013
Huỳnh Xuân sơn