Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Đọc bài thơ Gởi Kiều Nữ Vô Danh cùng tác giả Phạm Ngọc Lư

Người viết chưa có dịp diện kiến tác giả Phạm Ngọc Lư ngoài đời.Nhưng thời gian ngắn qua đã được đọc và cảm nhận một số tác phẩm của tác giả đăng trên Facebook.Đặc biệt sau khi đồng cảm với Biên Cương Hành…Với riêng cá nhân người viết và có lẽ không ít bạn đọc yêu thơ Phạm Ngọc Lư thì chỉ một bài Hành ấy thôi đã đủ làm nên một tên tuổi đáng kính…
Dòng thơ của tác giả Phạm Ngọc Lư thực sự cuốn hút người viết, để rồi hôm nay gặp được bài thơ tác giả viết cho người phụ nữ Vô Danh mang thân phận một Nàng Kiều thời hiện đại:

GỞI KIỀU NỮ VÔ DANH

Em mấy mùa vung vãi phấn hương?
Mà đêm nay rũ rượi y thường
Nhìn ta đôi mắt như ngâm rượu
Xanh lét bàn tay rót tang thương
Quán tù mù như một âm cung
Rượu phù hoa rót chén phù dung
Một ly thâm tạ tình nhan sắc
Hai ly bái kiến nợ đào hồng
Em khuấy tiếng cười pha giọt lệ
Rót mời ta cạn một biển lòng
Sao mắt chua như màu rượu bạc
Cứ cụng đầu như cụng thinh không
Gặp nhau như thể trong thơ truyện
Cũng lệ Tầm Dương ươn ướt tình
Chỉ tiếc đời bặt tăm Từ Hải
Em đành vương víu nợ Thúc Sinh
Hương phấn mấy mùa thôi góp lại
Dọn mình đi ta gởi đóa hồng
Đêm nay tương kiến là tương biệt
Mai em về một bến nước trong? (Phạm Ngọc Lư, 2003)

Năm khổ thơ với hai mươi câu thơ là những lời trần tình, tâm sự, là tiếng lòng cảm thông, là lời khuyên nhủ, là khát vọng, là sự chia sẻ với một thiếu nữ tác giả gọi là Vô Danh. Chủ thể trữ tình Em…
Không khỏi ngậm ngùi khi đọc Gửi Kiều Nữ Vô Danh, bất giác người viết nhớ tới Cảnh Đoạn Trường của Thái Can
Đứng dậy em ơi sống cõi đời
Đời dầu khổ nhục đến mười mươi
Em nên điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười”
Ngày ấy Bác sĩ Thái Can sau khi cứu sống một vũ nữ tự vẫn, nghe cô nói “đời em buồn” mà ông để lại Cảnh Đoạn Trường sống mãi tới hôm nay…Phải chăng bài thơ được nhiều thế hệ bạn đọc nhắc nhớ, một phần nhờ khổ thơ chuyên chở lời khuyên nhủ đầy tính cảm thông cùng “lối tư tưởng Nghệ thuật vị nhân sinh” sâu sắc trên đây!
Hôm nay tác giả Phạm Ngọc Lư cùng Gửi Kiều Nữ Vô Danh với bối cảnh không ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết của Kiều Nữ… mà là một lần “tương kiến” ngay tại “quán tù mù”. Nơi ấy có tiếng cười hiếm hoi trong thơ của tác giả, tiếng cười này không nghe thấy, không nhìn được mà phải uống, ngay cả người viết cũng cảm nhận thật khó uống khi mà:
Em khuấy tiếng cười pha giọt lệ
Rót mời ta cạn một biển lòng
Sao mắt chua như màu rượu bạc
Cứ cụng đầu như cụng thinh không
Khổ thơ với rất nhiều động từ, tính từ như: khuấy, pha, rót, cạn, cụng… được sử dụng như phép đối trong thơ, cùng với “tiếng cười, giọt lệ’ rồi “một biển lòng” được chủ thể Em mời cạn, bên cạnh ánh mắt được so sánh với “màu rượu bạc” và đôi mắt ấy còn khiến cho người đối diện cảm nhận được vị “chua” trong ánh nhìn …Nhất là khi “Cứ cụng đầu như cụng vào thinh không”! Chua chát của đời người thấm đẫm cả trong ánh nhìn ấy? Hay chua chát của “một biển lòng” trào lên ẩn chứa trong cái nhìn, khiến người đối diện cảm thấy “màu rượu bạc” lan tỏa…
Làm sao mà không cạn được đây? Dẫu cho phải cạn cả một biển lòng hoặc nhiều hơn thế nữa !Thì cũng uống bởi em đã khuấy cả niềm vui trộn lẫn nỗi buồn tủi rồi mời cơ mà Làm sao mà có tiếng cười chua chát nghẹn ngào đến thế? Phải chăng bất cứ ai đọc đến đây đều ngậm ngùi dừng lại, hay chỉ mình tác giả, mình tôi…
Và khi cả hai chủ thể trữ tình Ta và Em lại chìm đắm trong một không gian ảm đạm, không kém phận đời của người mang đôi mắt “chua như màu rượu bạc”
Quán tù mù như một âm cung
Rượu phù hoa rót chén phù dung
Một ly thâm tạ tình nhan sắc
Hai ly bái kiến nợ đào hồng
Một không gian “tù mù như một âm cung” ư? Không, hình như là một không gian mờ ảo lãng mạn bao trùm hai người đấy chứ!
Còn Rượu! Theo lẽ thường chỉ có rượu mạnh,rượu chát, rượu đế…” nay trong hình tượng thơ ca có thêm “rượu phù hoa”? Rượu phù hoa? Hay chốn phù hoa? Ừ cứ cho là có “rượu phù hoa” đi chăng nữa thì rượu ấy đang được rót vào “chén phù dung”. Ôi! Cánh hoa phù dung “sớm nở tối tàn” thường được ví như thân phận người phụ nữ “hồng nhan bạc phận” lại được dùng để mà “Một ly… Hai ly…Ly nợ đào hồng? ly tình nhan sắc? Bái kiến gì nhau với cảnh sầu thương ảm đạm đến tận sâu thẳm lòng người vậy?
Đây rồi! chủ thể Em có lẽ cũng chính là người đang rót “rượu phù hoa”, đã được tác giả khắc họa qua những câu thơ cũng là câu hỏi:
Em mấy mùa vung vãi phấn hương?
Mà đêm nay rũ rượi y thường
Nhìn ta đôi mắt như ngâm rượu
Xanh lét bàn tay rót tang thương
Trời ạ! Ngôn ngữ thơ ca thường hay ca ngợi vẻ đẹp đài các kiêu sa của người thiếu nữ, hay vẻ đẹp giản dị chân quê …Ở đây, Em của tác giả dáng vẻ bên ngoài với quần áo thì “rũ rượi...”, thần sắc thì “xanh lét bàn tay” và đôi mắt, cửa sổ tâm hồn thì không còn sức sống nữa..Từ đôi mắt ấy gieo vào lòng người đối diện một ánh nhìn “như ngâm rượu”!Thêm một động từ rót nữa nhưng không còn rót rượu mà đã chuyển qua rót tang thương! Rượu phù hoa còn có chén phù dung để rót. Tang thương đang được đôi bàn tay xanh lét rót đi đâu? Phải chăng đang rót từ quá khứ vào thực tại? Hay rót tới tương lai, Hai chữ “tang thương” quả thật đã làm đau lòng người khi viết, khi đọc và khi cảm nhận…
Hai chữ tang thương ấy phải chăng là phận đời tủi nhục mà Em đã và đang trải qua chưa biết mấy mùa, nhưng một khúc sông buồn là đây:
Gặp nhau như thể trong thơ truyện
Cũng lệ Tầm Dương ươn ướt tình
Chỉ tiếc đời bặt tăm Từ Hải
Em đành vương víu nợ Thúc Sinh
Trong thơ nào? Chuyện nào? Và cảnh gặp nhau chưa thấy đâu? Chỉ thấy cũng có giọt lệ chia ly của kẻ ở người đi như tác gỉa đã mượn bến Tầm Dương để mô tả. Nhưng với tính từ “ươn ướt” thì nó đã là điềm báo cho một thứ tình cảm không lấy gì làm vui hay niềm hy vọng cho Em với câu chuyện tình.
Kiều trong thơ của đại thi hào Nguyễn Du vì chuộc cha mà phải bán mình để rồi còn an ủi là gặp được Từ Hải sau khi bị Hoạn Thư vợ Thúc Sinh đánh ghen…Còn Kiều Nữ Vô Danh thì lại đang vương víu nợ Thúc Sinh thời hiện đại, bởi Từ Hải đã chết đứng từ trong truyện Kiều lâu rồi, nay tìm đâu có Từ Hải thời hiện đại để cứu Em được nữa…
Thôi! dù cay đắng, dù xót xa, thân phận Kiều Nữ Vô Danh “mười hai bến nước”nào biết đục trong? cũng đành phó thác đời mình cho số phận đẩy đưa…Hãy nghe lời khuyên , cũng là một khổ kết có hậu, được viết ra từ trái tim đa cảm của một “Tao Nhân” đa sầu…
Hương phấn mấy mùa thôi góp lại
Dọn mình đi ta gởi đóa hồng
Đêm nay tương kiến là tương biệt
Mai em về một bến nước trong?
Vậy là đã rõ, người cạn một ly... hai Ly… “Rượu phù dung” được khuấy tan tiếng cười và giọt lệ hòa chung.Đêm nay cùng Em “Tao nhân”cũng chỉ là khách qua đường, như bao người khách xưa nay đến mua vui rồi đi…Chẳng biết “đã mấy mùa vung vãi phấn hương”rồi nữa.Nhưng đêm nay nhìn em “rũ rượu y thường…” Người ấy đã cùng em “cạn một biển lòng” và bây giờ thì nhắc lại “hương phấn mấy mùa…” nhưng không hỏi nữa mà khuyên “Thôi góp lại” để mà “dọn mình đi”.Thêm một lần Ta xuất hiện nữa, Ta với ngôi thứ hai hay là ngôi thứ ba? Người viết không cần biết nữa..Chỉ biết rằng Ta xuất hiện bây giờ là để “gửi đóa hồng”, rồi thì “tương biệt”.
Và có lẽ sau khi từ biệt, Ta cũng sẽ có một tấm lòng như nhà thơ Thái Can
Ngày mai ở mãi chốn chân trời
Trong cảnh gia đình ấm áp vui
Một phút trầm ngâm anh sẽ khấn
Cho em trở lại được cười tươi (Cảnh Đoạn Trường-Thái Can)
Bác sĩ nhà thơ Thái Can hay Ta chủ thể trữ tình của tác giả Phạm Ngọc Lư, đều gửi gắm tâm tư tình cảm, cũng như lòng nhân đạo cảm thông sâu sắc cho những mảnh đời phụ nữ không may bị hoàn cảnh đưa đẩy phải kiếm sống bằng nghề thường được coi là dưới đáy tận cùng của xã hội....
Tác giả, cũng như người viết bài này và mong rằng bạn đọc có cùng chung ý nghĩ, cầu mong cho Kiều Nữ Vô Danh “đêm nay tương kiến là tương biệt”. Để hy vọng rằng “mai em về một bến nước trong”. Vâng ở “bến nước trong” ấy có một căn nhà nhỏ, có một bờ vai vững chãi, có tiếng khóc cười của trẻ thơ…Và từ căn nhà ấy vọng ra tiếng hát:
“Khóc cho vơi đi những nhục hình.
Nói cho quên đi những tội tình.
Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Mà em tôi chỉ còn tương lai…” (Bài không tên số 4-Vũ Thành An)
Bài thơ Gửi Kiều Nữ Vô Danh của tác giả Phạm Ngọc Lư. từng câu từng từ viết ra đều chuyên chở một sự đồng cảm, sẻ chia. Không chỉ với thân phận cá nhân Kiều Nữ Vô Danh, mà có lẽ anh còn mong muốn chia sẻ cảm thông tới rất nhiều mảnh đời phụ nữ, đang phải trôi nổi dập dềnh trong ngập ngụa, đục ngầu bể dâu cuộc đời, Dẫu muốn họ cũng chưa có cơ hội “dọn mình” để “Mai em về một bến nước trong”!
Sài Gòn 19/1/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét