Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

XIN ĐƯỢC CHIA SẺ CÙNG TÁC GIẢ LÝ VIỄN GIAO MỘT CHUNG RƯỢU



Thơ ca có nhiều thể loại, nhiều hình thái biểu đạt ngôn ngữ và ý nghĩa khác nhau. Có tác phẩm dài dằng dặc mà ta gọi đó là Trường ca, có tác phẩm thì lại ngắn chỉ có vài từ. Bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa và hồn cốt ẩn chứa trong nó lại không hề ngắn như khuôn khổ của bài thơ. Một trong những bài thơ ngắn như thế mà tôi đã gặp là bài thơ Haiku viết về Rượu của tác giả Lý Viễn Giao.
Rượu đầy
Lời bay
Dạ cạn
Chỉ vỏn vẹn 6 từ cho ba ngắt ý, bài thơ Haiku không quý ngữ đã gieo vào lòng tôi một dòng suy tư về Rượu và những gì liên quan đến nó.
Ngắt ý thứ nhất Rượu đầy, với người dân Việt từ cổ chí kim rượu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Dịp lễ tết, ngày vui, ngày buồn, người ta khi vui và ngay cả lúc buồn thậm chí không vui không buồn cũng uống rượu. Rượu luôn luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Nhưng khi mà “Rượu đầy” thì lại dẫn tới chiều hướng sẽ uống nhiều. Sau khi uống nhiều không chỉ say xỉn ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn bao hệ lụy kéo theo sau. Ca dao xưa các cụ đã căn dặn:
Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm (Ca dao)
Câu ca dao thứ hai cũng là một phần của ngắt ý thứ hai mà tác giả muốn nói trong Rượu
Lời bay.
Tục ngữ đã có câu “rượu vào lời ra”. Hệ lụy của “Lời ra” này mới là điều mà mỗi người chúng ta cần nghĩ tới và có lẽ cũng là suy nghĩ của tác giả khi nghĩ đến hệ lụy của “Rượu đầy” dẫn tới “Lời bay”
Có câu
Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày (ca dao)
Tuy nhiên hệ lụy của Rượu không hẳn xấu với những người có nợ với văn chương. Đường Thi cổ có câu “Đấu tửu thi bách thiên” (Rượu vào hàng trăm bài thơ ra). Điển hình của mối duyên nợ Thơ và Rượu là Lý Bạch nhà thơ lớn đời Đường .Với thi sĩ Lý Bạch phải có rượu vào mới có thơ ra, những áng thơ Đường bất hủ của ông còn lưu danh tới nay cũng xuất phát từ những lúc ngấm men cay nồng của rượu. Để rồi ngày nay bên xứ ấy vẫn còn một Tróc Nguyệt Đài (Đài bắt trăng)…Tích xưa kể rằng khi Lý Bạch rời kinh thành ngao du khắp chốn, mang theo lệnh vua ban uống rượu miễn phí ở bất kể đâu, cũng được ngân khố triều đình chi trả . Một lần Lý Bạch say rượu nằm bên bờ sông Thái Trạch, huyện Đang Hồ vào đêm trăng rằm, thấy bóng chị Hằng lấp lánh dưới sông, Lý Bạch liền lội ra để vớt trăng, dẫn đến mất mạng. Tích ấy đúng sai hẳn nhiên đời sau không dám, và không có ý phán xét, chỉ biết rằng Đài Bắt Trăng vẫn còn tồn tại cùng những áng thơ bất hủ gắn liền với thi sĩ họ Bạch và gắn liền với mối lương duyên Thơ Và Rượu..
Ca dao truyền lại và thi sĩ xứ người là vậy còn các thi sĩ của chúng ta thì sao?
Sinh thời Tản Đà đã gửi gắm tâm tư về Thơ và Rượu thế này
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi rượu vò
Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai? (Thơ Về Rượu)
Gần đây nữa ta có thể kể đến cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng bài thơ Rượu của ông.
Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương (Nguyễn Quang Sáng).
Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã có câu đúc kết về Rượu với Thơ rằng
Rượu có mùi thơm nên uống mãi
Thơ là thuốc bổ cứ ngâm chơi”(Bảy mươi tuổi tự thuật)
Trở lại với Rượu .“Rượu đầy”! Cạn hết sẽ say, khi có chất men kích thích lập tức “Lời bay”. Đó chính là những gợi mở trong ngắt ý thứ hai và Lời Bay cũng chính là điểm nhấn của bài thơ . Rượu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng ngắt ý Lời bay trong Rượu của tác giả Lý Viễn Giao, hẳn họ muốn nhắc nhớ tới văn hóa ứng xử trong giao tiếp của mỗi người khi ngồi trong mâm rượu!
Mang theo suy nghĩ về Lời bay ta đến với ngắt ý thứ ba của Rượu
Dạ cạn.
Một vế đối đắt giá với ngắt ý thứ nhất Rượu đầy. Rượu đầy nghĩa là có nhiều, mà nhiều rượu sẽ dẫn tới uống nhiều. Còn dạ cạn thật khó định lượng đây, khi mà ông bà ta đã có câu
Sông sâu biển rộng dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người. ( ca dao).
Nhưng có lẽ câu ca dao ấy vốn nói về những người bình thường, tỉnh táo. Còn mấy người mà khi đã say tới mức lời bay không kiểm soát thì ắt chẳng cần đo cũng thấy Dạ Cạn.
Thông thường con người ta,bất kể già trẻ gái trai, khi uống nhiều nếu không biết kiềm chế sẽ dẫn đến nói nhiều. Kéo theo nhiều hệ lụy, mà đa phần trong đó là hệ lụy xấu. Và,với ngắt ý thứ ba “Dạ cạn” của tác giả Lý Viễn Giao, phải chăng ông còn muốn nhắc nhở những người uống “Rượu đầy” hãy tỉnh táo kìm chế. Đó đây nhan nhản trên các mặt báo biết bao vụ án từ say Rượu mà ra. Chỉ một cái nhìn, mà người say cho là “nhìn đểu” trong quán rượu, dẫn đến lời ra tiếng vào xô xát và hậu quả rất nhiều vụ án là người bị trọng thương hoặc mất mạng, kẻ tỉnh rượu thì vào tù hoặc lãnh án tử hình.
Vẫn biết rằng Rượu không thể thiếu trong đời sống bất kể thể chế, xã hội nào. Nhưng xin hãy nghĩ tới mặt trái của hậu cuộc “rượu đầy” sau những “lời bay” không chỉ là “Dạ cạn” mà nhiều rất nhiều từ cạn đi theo, cạn tình, cạn nghĩa, cạn luôn cả cuộc sống này.
Từ cổ chí kim. Xưa có Lý Bạch sinh thời cao ngạo tới mức
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (Tương Tiến Tửu)
Lý Hữu Phước dịch rằng
Xưa nay lặng tiếng thánh hiền
Chỉ người uống rượu còn truyền lưu danh.
Nhưng rồi ông lại mất mạng chỉ vì say rượu. Tên ông và thơ ông quả đã lưu danh thiên cổ thật , Nhưng thử hỏi có mấy người rượu vào lời ra được như Lý Bạch.
Thời cận đại Việt Nam có Phạm Thái tức Chiêu Lỳ. Tác giả Chiến Tụng Tây Hồ Phú, Sơ Kính Tân Trang. Văn Tế Trương Quỳnh Như… Một người tài hoa vậy mà khi ở tuổi hai mươi vì chán nản tìm đến Rượu nên đã có những suy nghĩ bi quan trong Tự Trào:
Bầu giốc càn khôn giọng bét be
Miễn được ngày nào ngang dọc đã
Sống thì nuôi lấy chết chôn đi. (Tự Trào- Phạm Thái).
Cho đến tuổi Tam thập Nhi Lập ông vẫn Tự Thuật:
Một tập thơ sầu ngâm đã chán
Vài be ruột lạt uống ra gì
Chết về Tiên Phật cho xong nợ
Cái kiếp trần gian sống mãi chi (Tự Thuật- Phạm Thái).
Phạm Thái mất đi ở tuổi 36. Kết thúc chuỗi ngày li bì say rượu và kết thúc những bài thơ văn bi quan, chán nản. Mới thấy Rượu và hệ lụy của rượu không chỉ có Lời Bay và Dạ Cạn.
Thơ Haiku vốn không tả mà chỉ gợi. Tác giả Lý Viễn Giao với Rượu của mình đã khơi gợi trong tôi một dòng suy nghĩ và tôi đã viết ra những suy nghĩ của riêng cá nhân mình. Rất mong nhận được sự lượng thứ từ bạn đọc và tác giả nếu như có thiếu sót.
Sài Gòn 12/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn



Xuân Sơn rất mong nhận được những góp ý của các vị tiền bối về thơ Haiku.

25 nhận xét:

  1. NM cũng chia xẻ với Lý huynh và rất tâm đắc với lối dẫn giải của Xuân Sơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS cám ơn chị NhaMy đã đồng cảm nhưng chị cũng đã viết Haiku em muốn chị cho ý kiến chỗ nào chưa hợp lý( nếu có) theo ý chị...Vì vốn dĩ em chưa có bài Haiku nào lận lưng mà cứ liều đại...
      Em đăng ở đây cũng có ý muốn nhận được những góp ý của các cô các chú các anh các chị đi trước ạ!

      Xóa
  2. HG không dám mon men với thể loại thơ này nên chỉ sang thăm - đọc bài phân tích của Xuân Sơn thôi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị sang đọc là em vui rồi ạ! Cám ơn chị nhiều nhé

      Xóa
  3. Bài phân tích rất sâu sắc chứng tỏ HXS có một kiến thức văn học rất rộng, cám ơn tác giả và người bình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS cám ơn chị khen và em cũng rất muốn chị chỉ cho em chỗ nào chưa được để em có cơ hội hoàn thiện mình hơn chị ạ! Chúc chị vui nhé

      Xóa
  4. Lời thơ - lời bình thật hay
    Làm cho cảnh sắc cùng say với người

    Chúc em vui chiều thứ ba nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn nhà bình luận ! Bình đã sát mà luận cũng rộng . Tất cả được làm nên bởi sự nhậy cảm với những hiểu biết đầy đủ để cho ngòi bút chạy trơn tru !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu cám ơn chú với những bài thơ Haiku ạ!
      Thực tình là cháu đọc bài Người Bới Sắc Khơi Hương của chú cháu cũng cứ áy náy sao mình không tự tin mà liều...
      Vốn cháu chỉ thích viết theo cảm xúc cho vui người vui mình...Sau khi đọc nhận xét của chú cháu mang bài này ra vừa bình vừa luận theo ý cháu. Xong cũng chưa tự tin cháu mới đăng lên đây mong nhận được góp ý chứ nếu đăng thi đàn thì chỉ nhận được sự im lặng. Đăng nhà chú sẽ nhận toàn lời khen...Lâu rồi cháu quên thế rồi liều.
      Chúc chú vui và cháu sẽ học để làm thơ Haiku vì đây là thể loại duy nhất cháu chưa biết làm ạ!

      Xóa
  6. Haiku " rượu" của bác Lý lại có thêm lời bình của XS mới đã và dã rượu được! Cám ơn hai tác giả quá!

    Trả lờiXóa
  7. Anh cũng đọc nhiều thể loại này -thực tâm chưa thấy hết được cái hay của thể loại này -có lẽ còn phải ngẫm nhiều thêm nữa em ạ -Cũng muốn đổi mới mình mà -
    Ngày mới vui vẻ nhé -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS tham ăn anh TML ạ! thức ăn nào ngon hay không ngon cũng muốn liều thử xem ạ!
      Cám ơn anh và chúc anh vui nhé

      Xóa
  8. Có thể lão là người duy ý chí và thuộc về một thế giới khác trước những vần thơ chìm nổi thế này - Phần chìm chiếm tỷ trong nhiều hơn phần nổi.
    Lão tự nhận mình là khó hòa nhập với thơ hiện đại - Thể thơ nghiêng về triết lý nhân sinh , không cần vần điệu . Thơ là tiếng nói cõi lòng , gửi vào đôi cánh vần điệu để bay vào cảm xúc .
    Có thể lão đã già - cái già của xúc cảm , nên vẫn ưa sự nhẹ nhàng thanh thoát trong thơ cổ điển. Lời thơ như lời ru gắn với vần điệu ,suốt dọc cuộc đời đã đi...
    Thơ hiện đại đọc thấy hay , vỡ ra nhiều điều mới lạ . Nhưng thật sự là khó nhớ , khác với dòng thơ cổ điển - dễ nhớ và lâu quên !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão Tân ơi! Thể thơ Haiku này nó cổ lắm mà Lão, nó đâu phải là thơ mới, hiện đại đâu ạ.
      Cám ơn Lão đã đọc và chịu khó gõ phím...
      Chúc Lão vui nhé

      Xóa
  9. Chị cũng không có cảm tình với loại thơ này cũng như các loại thơ " bóng chữ", "hiện đai" với "hậu hiện đại" gì gì đó như người ta vẫn nói nên ứ dám luận bàn hay dở ra sao của bài thơ.
    Nhưng về bài bình của XS thì chị thấy thế này: Vì chị không thích thể thơ này nên đọc nó thì không cảm thấy hay. Mong đọc bài bình để thấy bài thơ hay hơn thú vị hơn nhưng đọc rồi cũng vẫn chưa cảm được cái hay của nó mà chỉ thấy em mượn bài thơ để luận bàn về việc uống rượu cùng những tác hại của nó thôi. Dù bài viết có thể hiện kiến văn tương đối rộng nhưng vẫn không làm bật lên cái hay của bài thơ.
    Hơn nữa hình như bài viết của em còn có sự nhầm lẫn ( Lý Bạch là họ Lý chứ có phải họ Bạch đâu). Có lẽ em lầm Lý Bạch với Bạch Cư Dị chăng?

    Trả lờiXóa
  10. XS cám ơn chị đã đọc kỹ từng câu và nhắc nhở em, Em viết sai chữ họ Bạch thay vì Lý Bạch chứ không phải em nhầm với Bạch Cư Dị đâu chị ạ!
    Còn về bài này nếu chị thấy em mượn 6 từ ấy để chị cảm rằng "mà chỉ thấy em mượn bài thơ để luận bàn về việc uống rượu cùng những tác hại của nó thôi". Thì có lẽ em có chút thành công với thể loại này chị à...
    Cám ơn chị và chúc chị vui nhé! (em đã sửa lỗi ấyrồi chị ạ)

    Trả lờiXóa
  11. Đọc bài viết của em, chị tiếp thu được rất nhiều điều, nhất là vốn kiến thức sâu rộng của em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị khiêm tốn thế làm em ngượng đấy ạ!
      Cám ơn chị đã sang đọc và chia sẻ cùng em ạ!

      Xóa
  12. Bài thơ có 6 chữ, đọc đi đọc lại chị vẫn thấy mù mờ.
    Phần bình của em là cách mượn những bài thơ khác để mở ý cho bài thơ này.
    Chị thích những bài thơ mà tự nó nói lên bằng ngôn từ của chính nó. Hơn nữa, chị quan niệm thơ là tiếng nói của tình cảm, là tâm hồn người viết gửi gắm trong đó nên những bài lí trí quá, triết lí quá chị thường bỏ qua.
    Em quả là người đọc nhiều, nhớ giỏi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thích thơ nào cũng được trải nghiệm chị ạ! hồi mới đọc em cũng ghét lắm vì nó cụt ngủn và khô khốc, nhưng càng tìm hiểu càng thấy nó cũng có cái hay của nó chị ạ!
      Cám ơn chị và chúc chị luôn vui nhé

      Xóa
  13. Cũng giống như ý kiến của Song Thu, Lão Tan, và Nhật Thành thì anh không hiểu và không mấy cảm nhận được bài thơ Haiku mà em dẫn bình của tác giả LVG.
    Thực ra thơ Haiku không phải là thơ mới mà nó là lối thơ cổ của người Nhật Bản. "Haiku âm theo lối chữ Kanji ( gốc chữ Nho) là bài cú , có nghĩa là câu nói để trình bày . Chữ "hai" nghĩa là "bài" , trong tiếng Hán Việt có nghĩa "phường tuồng" , chữ "ku" là "cú" hay "câu". Haiku là loại thơ độc đáo , rất thịnh hành của Nhật Bản và là loại thơ ngắn nhất trên thế giới. Một bài thơ theo thể thơ Haiku có ba giòng, giòng đầu và giòng cuối mỗi giòng có năm âm, ôm lấy giòng giữa có bảy âm, có dạng 5-7-5, tổng cộng 17 âm. Tiếng Nhật Bản đa âm, nên mỗi giòng có thể có một, hai, ba chữ hay nhiều hơn. Haiku có biến thể là 5-7-6 hay 5-8-5, lên 18 âm trọn bài. Tiếng Việt đơn âm , nên mỗi chữ là một âm . Không cần vần điệu , nhưng thơ Haiku là sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh, tượng hình có chọn lọc. Thoạt nhìn chỉ là một bài thơ ngắn gọn, nhưng người thơ đã dẫn dắt chúng ta đi qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để thênh thang bước vào một cõi tư duy vô cùng bát ngát, một chân trời sáng tạo rộng mở mà người đọc cần có một sự tưởng tượng dồi dào phong phú .
    Ngày nay thơ Haiku thoáng hơn nhiều, không gò bó số chữ trong mỗi câu (tổng cộng trên dưới 17 âm hay chữ), không nhất thiết phải chấm, phết hoặc chấm phết tuỳ tiện (không cần phải ở cuối câu), không cần đặt tựa, không bắt buộc phải có từ của mùa . Chỉ giữ lại hình thức 3 câu , và được đưa vào những từ ngữ chải chuốt, những ẩn dụ của cái hữu hạn và vô hạn ...
    Tuy nhiên thơ Haiku vào Việt Nam chưa lâu, chỉ lẻ tẻ vào thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước và ko phổ biến nên đối với người Việt mình vẫn còn xa lạ, khác với thể thơ truyền thống cổ điển đi vào lòng người bằng con đường trực cảm của nhạc điệu và vần luật nhịp nhàng... Vì thế nhờ tài hiểu biết và bình luận uyên thâm của Xuân Sơn nên bài thơ Haiku trên sáng tỏ và bạn đọc được hiểu thêm. Dẫu sao sự đón nhận thơ Haiku đối với anh và một số độc giả chắc phải trải qua một quá trình dài mới dễ tiếp cận.
    Đôi điều bộc bạch cùng em rất chân thành để rộng đường dư luận. Mong đc em và tác giả bài thơ cảm thông. Chúc em luôn khỏe vui và mọi điều an lành nhé!

    Trả lờiXóa
  14. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  15. Bài thơ ngắn gọn mà bao hàm hiện thực và triết lí Xuân Sơn nhỉ?

    Trả lờiXóa