Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

NỖI ĐAU NGƯỜI MẸ TRONG BÀI THƠ VÀ BÀI BÁO ĐÊM KINH HOÀNG TRONG HANG HÒN KẼM- Thơ Trần Ngọc Hòa



Quán cà phê Bên Sông Sài Gòn với dăm người bạn lớn tuổi ngồi chuyện trò cùng ly cà phê . Người chuyện đông, người chuyện tây cuối cùng có anh bạn quê Quảng Nam nhắc đến bài báo Đêm kinh hoàng trong hang hòn kẽm của nhà báo Vũ Công Điền đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần. Viết về bà mẹ vì sự sống của 200 dân làng trốn giặc trong hang mà phải chôn sống đứa con 3 tháng tuổi của mình, trong khi chồng bà mới chết vì bị bom B52. Hành động của bà người xót thương, kẻ lên án nhưng cuối cùng họ đổ tại Chiến Tranh.Một chủ nợ mà chẳng ai có thể đòi, một con nợ mà chẳng bao giờ bị vỡ nợ cả…Chiến Tranh. Người viết ngồi nghe rồi mở máy đọc lại.Nỗi đau chồng chất nỗi đau mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ vợi dù chỉ một chút…Người ta vẫn nói nước sôi rồi từ từ cũng nguội…Làm sao nguôi nỗi đớn đau khi tự tay mình bới đất chôn đứa con trai ba tháng tuổi được đây? Nhìn ngày xảy ra sự kiện ấy người viết bỗng giật mình. Cô Sáu Tiền bị phục kích bắn chết ngày 10/10/1969 do bò ra rẫy đào khoai cứu đói cho dân làng. Ba ngày sau bà chôn sống đứa con của mình vậy là ngày 13/10, hôm nay cũng là ngày 13/10. Bốn mươi lăm năm đã trôi qua…

Đêm Sài Gòn lung linh cũng chẳng kéo nổi tâm trí tôi ra khỏi câu chuyện thương tâm ấy. Lang thang vào mạng lại gặp bài thơ của tác giả Trần Ngọc Hòa một người mẹ sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong hòa bình. Đọc bài thơ của chị nỗi đau kéo theo nỗi xót xa…Bài báo tôi nghe được hồi sáng, cùng câu chuyện mà ai cũng đổ thừa chiến tranh.Bài Thơ tác giả đề Viết sau khi đọc….Tôi quyết định cùng chị đọc lại bài báo ấy một lần nữa để chia sẻ những suy nghĩ của mình với bạn đọc.

Viết sau khi đọc ĐÊM KINH HOÀNG TRONG HANG HÒN KẼM
Đốt ba nén hương Mẹ đi khắp khu rừng khấn nguyện
Bồng chiếc khăn trên tay ru khúc ơi. . . à . . .
Con của mẹ tuổi tháng mới được ba
Đang khóc khào cơn đói sữa.

Thượng nguồn dòng Thu Bồn năm nào giặc càn đỏ lửa
Hơn hai trăm dân làng trong hòn kẽm trú thân
Nín đi con !
Tay chuyền tay ôm ấp ân cần
Nín đi con !
Sinh mạng dân làng ...
Trời !
Ba tháng tuổi biết gì đâu
Cũng đành phải hy sinh
Chiến tranh
Ác nghiệt.

Mẹ cởi áo đùm con bò lên miệng hang khẩn nguyện
Ông trời ngó lơ ...thả một trận mưa giọt đỏ hỏn đỏ hòn
Để rồi
Mẹ ấp con
Để rồi
Mẹ xin lỗi con
Để rồi
Mẹ giết con.

Đêm kinh hoàng vùi lấp trái tim non
Tay cào đất tóe máu tươi
Con ơi ! Mẹ còn gì để sống ?
Mẹ tạo nên vóc nên hình rồi lại không cho con được sống
Giết con để cứu dân làng
Mẹ không muốn đâu
Cao sanh ơi !
Đau lắm cao sanh ơi !

Mẹ với chị kêu chẳng động lòng trời
Thôi đành gửi con về bên Cha
(Cha cũng vừa nằm xuống trong trận B52 máu lửa)
Hòn kẽm chỉ có đại bác pháo bầy
Không nước cơm
Không sữa
Hòn kẽm còn sống sót hai trăm dân làng
và một người mẹ khổ đau vò xé đến hóa cuồng.

Đêm thôn Trà Linh
Đêm hang hòn kẽm
Có đôi bầu vú mẹ nhăn nheo
Áp vào đất
Mớm cho con giọt sữa cuối cùng (Trần Ngọc Hòa).

Bài thơ tự do với những câu thơ thật dài, có câu lại rất ngắn, được tác giả sắp xếp câu từ theo một nhịp điệu gập ghềnh trúc trắc . Chuyên chở một câu chuyện tình mẫu tử bi thảm, mà có lẽ bất cứ ai đọc cũng không tránh khỏi ngậm ngùi, nghẹn đắng, cho dù bạn là ai, đã làm cha, làm mẹ hay chưa? Câu chuyện đau lòng ấy xảy ra cách đây đúng bốn mươi lăm năm (45) với người dân thôn Trà Linh:
Thượng nguồn dòng Thu bồn năm nào giặc càn đỏ lửa
Hơn hai trăm dân làng trong hang Hòn Kẽm trú thân
Nín đi con !
Tay chuyền tay ôm ấp ân cần
Nín đi con !
Sinh mạng dân làng ...
Trời !
Ba tháng tuổi biết gì đâu
Cũng đành phải hy sinh
Chiến tranh
Ác nghiệt.
Mỗi người chúng ta hôm nay hẳn có suy nghĩ riêng về hành động và lời nói của hai trăm người trong hang hôm ấy là ác, là bất nhân, là ham sống…Hay là hiểu và đồng cảm với việc hy sinh cuộc sống của một đứa bé sẽ cứu được hai trăm mạng người…

Những người như tôi ,như bạn không được chứng kiến thảm cảnh khi ấy, giữa vòng vây giặc, giữa cuồng quay bão tố trong lòng, bởi chỉ cần giặc nghe tiếng khóc là lập tức hai trăm mạng người sẽ bị bắn giết chết hết. Ai dám khẳng định sẽ không có thêm vụ thảm sát Mỹ Lai -Sơn Mỹ với 504 dân thường từ 1 đến 82 tuổi bị bắn giết. Mỹ Lai –Sơn Mỹ xảy ra trước khi em bé trong hang hòn kẽm chết khoảng một năm. Nói đến Sơn Mỹ để thấy chẳng phải người làng lẫn bà mẹ nhẫn tâm, vẫn biết mọi so sánh đều vô đạo và khập khiễng. Nhưng Sơn Mỹ vẫn còn hiển hiện nỗi đau chưa ai phủ nhận tội ác của chiến tranh cho tới tận bây giờ sau 46 năm. Quyền sinh sát được đặt vào tay kẻ mạnh. Dân làng cùng người mẹ tội nghiệp cũng đã làm hết cách, “tay chuyền tay” bồng bế nâng niu dỗ dành em bé, nhưng mới ba tháng tuổi, nước cơm không có nói chi đến sữa mẹ, hay sữa bò. Đói lả… theo bản năng sinh tồn em chỉ biết khóc, mà tiếng khóc kêu gào đòi ăn ấy nào ai có thể bịt lại.. Mà em thì mới ba tháng tuổi có biết gì đâu để nghe lời người lớn như chị của em, phải ngồi im không giặc bắn chết cả mình và hết cả dân làng…

Người viết bài này cũng có trái tim như người mẹ ấy,Tác giả Trần Ngọc Hòa cũng vậy! Và, chắc chắn rằng trong hai trăm dân làng hôm ấy ai cũng có trái tim và rất nhiều người đã làm cha làm mẹ…Hỏi ai không đau xót khi phải khuyên người mẹ bỏ đi núm ruột của mình …Câu hỏi này có lẽ chỉ những người trong cuộc hôm ấy là thấu hiểu , là cảm thông cho hành động của người mẹ xuất phát từ những lời khuyên của dân làng. Thế rồi đêm xuống:
Mẹ cởi áo đùm con bò lên miệng hang khẩn nguyện
Ông trời ngó lơ ...thả một trận mưa giọt đỏ hỏn đỏ hòn
Để rồi
Mẹ ấp con
Để rồi
Mẹ xin lỗi con
Để rồi
Mẹ giết con.

Đêm kinh hoàng vùi lấp trái tim non
Tay cào đất tóe máu tươi
Con ơi ! Mẹ còn gì để sống ?
Mẹ tạo nên vóc nên hình rồi lại không cho con được sống
Giết con để cứu dân làng
Mẹ không muốn đâu
Cao sanh ơi !
Đau lắm cao sanh ơi !

Một khổ thơ lặp lại ba lần từ “Để rồi…”, cùng với bảy đại từ nhân xưng Mẹ bên cạnh bảy đại từ nhân xưng Con cùng với những động từ cởi, đùm, bò, ,giết, cứu, cào, vùi, lấp, tóe máu, đau…cùng với nhịp thơ ngập ngừng ngắt quãng, đứt đoạn như tâm lý giằng xé và nỗi đau tận cùng mà người mẹ đang gánh chịu lúc bấy giờ..Những câu thơ nửa muốn đứt rời như tình mẫu tử phải chia lìa. Nửa như tuôn theo những giọt “mưa máu” từ trời trút xuống đêm ấy?Làm nghẹn lòng người đọc. Nỗi đau người mẹ dứt ruột sinh ra một sinh linh bé bỏng để rồi tự tay mình cướp đi sự sống của nó, vẫn còn tiếp diễn sau khi kêu trờithì “ trời ngó lơ…” Bà mẹ 32 tuổi ấy bò vào hang ôm đứa con 4 tuổi còn lại vớt vát chút hy vọng mục đích sống sau khi chồng chết mình phải giết con…
Mẹ với chị kêu chẳng động lòng trời
Thôi đành gửi con về bên Cha
(Cha cũng vừa nằm xuống trong trận B52 máu lửa)
Hòn kẽm chỉ có đại bác pháo bầy
Không nước cơm
Không sữa
Hòn kẽm còn sống sót hai trăm dân làng
và một người mẹ khổ đau vò xé đến hóa cuồng.

Đêm thôn Trà Linh
Đêm hang hòn kẽm
Có đôi bầu vú mẹ nhăn nheo
Áp vào đất
Mớm cho con giọt sữa cuối cùng

Kết cuộc của câu chuyện là đã không xảy ra một “Thảm sát Sơn Mỹ”ở hang Hòn Kẽm năm ấy. Một thiếu nữ gan dạ xung phong đi đào khoai sắn bị bắt bị giết vì không khai ra nơi dân làng ẩn náu tên Sáu Tiền và em bé Lê Tân ba tháng tuổi…

Chiến tranh không ai nói trước được điều gì cả. Bom đạn vốn không có mắt, những người lính hai bên chiến tuyến bắt buộc phải cầm súng hướng nòng vào nhau. Khi không may vướng hòn đạn mũi tên dẫn đến thiệt mạng hay bị thương, họ là lính…Còn những người dân vô tội như chị Sáu Tiền hay em bé Lê Tân và hàng triệu người dân thường trên khắp quê hương này nữa vì đâu phải chết và chẳng có ai ghi nhận cái chết ấy vì đâu? do đâu? Cũng chỉ biết đổ tại chiến tranh…Điển hình như bà Năm Nghê khi ấy vì bảo vệ sự sống của hai trăm dân làng trong đó có bà, có con gái bà, mà bà phải nhẫn tâm giết chết đứa con mình…Cứu được người thật đấy nhưng lòng người mẹ nào lại không thương con mình dứt ruột đẻ ra. Kể từ đó tới nay đã bốn mươi lăm năm, bà nửa điên, nửa tỉnh, ôm khư khư chiếc khăn còn lại ru như ru bé Tân ngày nào…Lúc tỉnh táo thì bà:
Đốt ba nén hương Mẹ đi khắp khu rừng khấn nguyện
Bồng chiếc khăn trên tay ru khúc ơi. . . à . . .
Con của mẹ tuổi tháng mới được ba
Đang khóc khào cơn đói sữa.

Bài thơ của tác giả Trần Ngọc Hòa cũng vừa kết lại. Hẳn chị khi viết bài thơ cũng như tôi lúc này…Trái tim người mẹ cũng run lên bần bật bởi tình mẫu tử thiêng liêng không bến bờ…Yêu con, thương con, nào ai muốn hành động như bà Năm Nghê, nhưng thời cuộc và hoàn cảnh lúc ấy bắt buộc phải đẩy bà đi đến hành động…và rồi sự day dứt, đớn đau theo bà suốt 45 năm qua. Bà bây giờ điên dại, nghèo khó nhưng chưa có một chế độ đãi ngộ nào cho người mẹ khốn khổ ấy, Bởi luật chính sách không có dòng nào cho những cống hiến như bà…
Từ trước tới nay mỗi khi nghe ca khúc Ca Dao Mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những ca từ:

Mẹ ngồi ru con đong đưa vọng buồn năm qua tuổi mòn

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn

Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân

Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người..

…………

Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương

Tuổi còn bơ vơ thế giới hận thù chiến tranh ngục tù .(Ca Dao Mẹ)

Tôi đã thấy người mẹ Việt Nam trong chiến tranh sao quá khổ đau vậy?( Mẹ Việt Nam ấy của Ca Dao Mẹ bị mất con do mưa bom bão đạn của chiến tranh.) Nhưng bắt đầu từ hôm nay ngay lúc này tôi nghe và thấy đó vẫn chưa là nỗi đau khổ tột cùng của biết bao người mẹ Việt Nam khác sống bên lề chiến tranh.

Cám ơn tác giả Trần Ngọc Hòa cùng bài thơ và cám ơn bài báo của nhà báo Vũ Công Điền đã cho tôi có dịp đồng hành và nói lên suy nghĩ của cá nhân mình về một nỗi đau mà có lẽ không có gì có thể làm nguôi ngoai của bà Năm Nghê!

Sài Gòn 13 /10/2014

Huỳnh Xuân Sơn


Bài Báo :http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20080609/dem-kinh-hoang-trong-hang-hon-kem/261962.html

27 nhận xét:

  1. Đọc bài cảm nhận cùng bài thơ quá ư xúc động. Không có lời nào để diễn tả...
    ...Quảng Nam , nơi có nhiều cái nhất chìm trong nước mắt. Trong đó có Mẹ Việt Nam anh hùng và các tướng lĩng quân đội. Dù chưa từng đến thăm nơi.." Rượu Hồng đào " vang danh , nhưng nơi đây Phan Tứ đả lấy nguyên mẫu để viết " Mẫn và Tôi" nên yêu thương qua những trang sách vẫn dành trọn cho mảnh đất này.
    Sự kiện , bài thơ và lời cảm nhận thật sự trào dâng , tâm trang khó nói nên lời. Lão xin gõ mấy lời chia sẻ như lời cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  2. Xuân Sơn viết xong thực sự chưa tự tin vì nhiều lẽ ...Đăng lên đây rất mong nhận được góp ý từ các cô các chú các anh các chị để Xuân Sơn tự tin hơn khi viết về đề tài này.
    Vừa đăng xong lại được lão Tân Comment rất ư đàng hoàng nghiêm túc (dẫu chưa góp ý) XS rất vui ạ! Cám ơn Lão.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc mà thắt ruột XS à. Thường thì ta chỉ nói một cách chung chung về sự hi sinh, mất mát, khổ đau...do chiến tranh. Nhưng với những câu chuyện cụ thể như thế, cái sự đau đớn đến nát lòng như thế của người mẹ, ta mới bàng hoàng, rụng rời, đau đớn đến tột độ. Em đã làm chị sởn gai ốc khi đọc những dòng này: "Một khổ thơ lặp lại ba lần từ “Để rồi…”, cùng với bảy đại từ nhân xưng Mẹ bên cạnh bảy đại từ nhân xưng Con cùng với những động từ cởi, đùm, bò, ,giết, cứu, cào, vùi, lấp, tóe máu, đau…cùng với nhịp thơ ngập ngừng ngắt quãng, đứt đoạn như tâm lý giằng xé và nỗi đau tận cùng mà người mẹ đang gánh chịu lúc bấy giờ..Những câu thơ nửa muốn đứt rời như tình mẫu tử phải chia lìa. Nửa như tuôn theo những giọt “mưa máu” từ trời trút xuống đêm ấy?Làm nghẹn lòng người đọc."
    Nhưng không! Chị không thể chấp nhận được hành động ấy của người mẹ trẻ! Hay nói cách khác, chị không tin được là người mẹ có thể làm như thế với đứa con 3 tháng tuổi của mình! Giá như người mẹ có thể bưng tai bịt mắt cho người khác hành động thì cũng quá là sắt đá rồi.Chẳng người con nào tha lỗi cho mẹ về việc làm đó, và chẳng người mẹ nào đủ can đảm xin con tha lỗi nếu tự tay mình chôn sống đứa con yêu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi! bây giờ em cũng nghĩ chẳng ai dám làm điều đó.dù là bịt tai bịt mắt thà mình chết...Vậy mà em mới vừa nghe một bác nói ca khúc Mẹ Hậu Giang viết về một bà mẹ chỉ vì cứu 10 anh du kích trước họng súng gót giầy thời pháp mà cũng giết chết đứa con ruột mấy tháng tuổi của mình chị ạ....Chị em mình may mắn không phải chứng kiến chiến tranh...Em sợ chị ạ

      Xóa
  4. Chiến tranh là vậy đó , không đổ lỗi cho ai cả . Có lẽ lúc ấy bà mẹ trẻ cũng không có đủ can đảm làm việc ấy đâu mà do áp lực ... Mấy chục năm rồi nhắc lại , lại đau lòng ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật là Kinh Hoàng phải không chị...Em viết xong mà không ngủ được chị ạ. Bây giờ bà ấy điên dại ai nói gì chẳng được chả nhẽ họ nói lúc ấy du kích rồi dân làng ép bà ấy à....Em chỉ buồn là người con còn lại quá nghèo khổ làm đơn xin trợ cấp cho mẹ thì các đoàn thể cơ quan bảo luật không có chế độ nào cho những người như bà ấy....vậy là điên cứ điên có mấy ai nghĩ tới bà ấy đã điên để cả làng được sống đâu...
      Cám ơn chị nhiều ạ

      Xóa
  5. Sự hy sinh cao cả làm nền cho những bài viết hay . Cảm ơn cả hai tác giả !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu lơn lên khi không còn chiến tranh chỉ nghe chung chung là mất mát là khổ đau là chết chóc...Nay mới thấy nó ghê gớm cỡ nào...Nghe đâu thời Pháp ở Hậu Giang cũng có bà mẹ vì cứu 10 ông du kích mà phải giết con nhỏ chú ạ...Thật là Kinh Hoàng...
      Cháu cảm ơn chú ạ

      Xóa
  6. Mình sẽ còm cụ thể sau về bài thơ và bài viết của XS. Nhưng trước hết là mình hoàn toàn không chấp nhận hành động này của người mẹ được. Không thể chấp nhận!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bức Xúc quá phải không chị....Em cũng run bần bật khi viết, phải lấy điểm tựa là thảm sát Sơn Mỹ để viết đấy ạ. Bài thơ này khi đăng trên FB tác giả không dẫn nguồn bài báo cũng bị dư luận trái chiều nhiều lắm chị ạ!
      45 năm họ dấu bây giờ bài báo mới khui ra....Còn bao nhiêu nỗi đau động trời mà mình chưa biết nữa em đã tự hỏi mình như thế chị ạ?
      Em chờ ý kiến của chị nhé

      Xóa
  7. Em chờ ý kiến của chị ạ!
    Chị vui khỏe nhé

    Trả lờiXóa
  8. Kinh hoàng quá XS ơi! Nhưng viết để ca ngợi về hành động cao cả của người mẹ đó thì chị thấy nó nhẫn tâm với cháu bé quá ! Thậm chí chị cũng chưa thể thấu hiểu và cảm thông một chút nào với lời đề nghị của ai đó trong dân làng và càng không bao giờ có thể hiểu nổi hành động chôn sống con như vậy của người mẹ chứ nói gì đến thông cảm nữa đây. Cố nhiên chị chia sẻ nỗi đau đến điên dại hiện nay của người mẹ và chị nghĩ đó mới là tình mẫu tử vậy. Còn cái phút hy sinh đứa con của người mẹ ấy thì chị cảm thấy nó mất đi thiên tính của người mẹ và mất đi cả nhân tính nữa rồi. Cho nên càng miêu tả kĩ về cách mẹ bới đất vùi lấp thì chị chỉ càng thấy người mẹ ấy nhẫn tâm thôi.
    Vì vậy chị không thể có cảm nhận gì về bài thơ và bài bình của em được.
    Tuy nhiên chị chỉ muốn nói rằng chiến tranh thật là khủng khiếp và chị muốn lên án những kẻ gây ra chiến tranh . Dẫu vì bất cứ mục đích gì đi nữa thì gây ra chiến tranh là ác quỷ không thể tha thứ. Còn bây giờ có công nhận em bé là liệt sỹ cũng chỉ là làm đẹp cho chế độ thôi chứ người mẹ nhận đồng tiền vì đã giết con mình phỏng có được an ủi chăng hay lại thấy đớn đau thêm?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn chị đã chia sẻ những suy nghĩ của mình ạ! Em và có lẽ tác giả bài thơ và rất nhiều người cũng nghĩ như chị vậy..Nhưng biết làm sao khi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết đôi khi họ hành động kêu gào trong vô thức để rồi...
      Chúc chị luôn vui khỏe ạ

      Xóa
  9. Phụ nữ, người mẹ là những người chịu nhiều đau khổ nhất trong chiến tranh...Cầu trời tha thứ cho người mẹ này. Chắc bà ấy đau đớn lắm...hành động như mất trí vậy Sơn à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng chị ạ! Chiến tranh như em nói là chủ nợ không ai có thể đòi, là con nợ không bao giờ vỡ nợ...
      Em cám ơn chị và chúc chị vui ạ

      Xóa
  10. Bài viết khá xúc động nhưng có cái gì đó sự cảm phục tự nhiên hững. Ôi cuộc đời có hai mặt đc cái này mất cái khia cũng là lẽ thường tình.Sự hy sinh cao cả để cứu bao sinh linh khác là vĩ đại ,bắn nhau giết nhau cũng vì cuộc đời đưa đảy mà thôi cháu ạ

    Trả lờiXóa
  11. Chuyện chôn sống con thì quá nhẫn tâm và ác độc. Nhưng Anh biết có một chuyện xảy ra tương tự như thế này ở hàng xóm nhà anh: Đó là hồi kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp đổ bộ lên Quỳnh Lưu, dân làng tản cư vào hang núi. Khi bọn giặc gần đến nơi dân lánh nạn thì một cậu bé hơn 10 tháng tuổi bỗng nhiên quấy khóc, người mẹ dỗ con ko đc, cho ngậm vú nó cũng ko chịu. Thấy nguy hiểm vì có thể bị lộ vầ dẫn đến cái chết cho mấy trăm sinh mạng nên mọi người rối lên nhao nhao: " bịt mồm nó lại đi", "bóp mũi nó lại đi, ko thì chết hết bây giờ"... Người mẹ lo sợ, cùng quẫn và bị sức ép nên nén khóc rồi cũng bóp mồm, bóp mũi con khiến nó ngạt thở... May thay, chỉ có chút xíu là bọn giặc bỗng ngoặt rẽ đi hướng khác, và người mẹ cùng dân làng vội cấp cứu cho đứa con tỉnh lại. Thế mới biết chiến tranh tàn độc và có thể làm thay đổi cách xử sự của con người, cũng như gây nên nhiều cái chết oan nghiệt mà ta ko thể lường hết được!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời nào và nơi đâu cũng vậy cả..Chỉ chiến tranh là có tội em nghĩ vậy anh ạ! Cám ơn anh đã chia sẻ và chúc anh vui khỏe nhé

      Xóa
  12. Em mà viết bình thơ thì bao giờ cũng hay rồi. Chị đã đọc nhiều bài bình của em và nhiều khi chị rút ra nhận xét thế này: lúc đọc bài thơ thì chưa thấy hay mấy. Nhưng khi đọc bài bình của em, mới gật gù: à, hiểu rồi! Đó là thành công của em đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị lại cho em đu dây rồi, Nhưng mà em rất vui khi chị sang thăm ạ! Chị cũng vui nhé

      Xóa
  13. Nhân ngày 20-10 chúc XS vui vẻ hạnh phúc và ngày càng xinh tươi nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn chị đã luôn quan tâm tới em ạ! Em chúc chị thật nhiều niềm vui nhé

      Xóa
  14. Sang thăm Xuân Sơn nhân ngày 20 tháng 10, chúc Xuân Sơn luôn trẻ đẹp và giàu cảm hứng sáng tác nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn chị ạ! Chúc chị luôn tươi trẻ yêu đời yêu thơ nhé

      Xóa
  15. đọc và cảm nhận mình làm được còn nói ra khúc chiết như bạn mình đành bó tay. sang chúc bạn nhiều niềm vui bạn nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS Cám ơn anh Mẫn nhiều nhé! Chúc anh chị luôn vui và hạnh phúc ạ

      Xóa