(Nụ cười của tác giả khi nghe xong chính là niềm hạnh phúc của Xuân Sơn xin chia sẻ cùng quý vị)
Chiều nay lãng đãng theo thơ để rồi bắt gặp nỗi trở trăn suy tư hoài niệm của một thầy giáo già đã ngoài bảy chục tuổi, viết Di Chúc Thứ Nhất Cho Con. Thầy giáo già muốn gửi gắm, muốn căn dặn… Và bao nhiêu tâm ý được ông gửi gắm vào câu chữ thật xúc động:
Di Chúc Thứ Nhất Cho Con
Ba để lại cho con một cây thước gỗ
(tấm huy chương giáo dục ba tự tặng cho mình)
Nó ghi dấu những nhạt- nồng -cam -khổ
Trong quãng đời phấn trắng- mưu sinh
Nó là cây thiền trượng
Đã cùng ba mải miết
Đi bón chăm cây lễ nghĩa cho đời
Đi ca hát những thăng trầm đất việt
Những nhục vinh công tội kiếp người
Nó là cây Thiết Bổng
Không phải để trừ ma –diệt quỷ
Mà chỉ để giúp ba
Những lúc muộn phiền
Khi ngả lòng
Nộ khí xung thiên
Đứng vững giữa đàn con lêu lổng
Nó là cây gậy trúc
Cùng ba trên đường lên xuống lớp
Tìm ngôn từ cho những ý thơ
Hay suy ngẫm những cảnh đời trong đục
Những tang thương
Hưng phế
Bất Ngờ
Nó là cây dầm bát nhã
Giúp ba chèo vượt biển buồn vui
Vừa kiếm áo cơm
vừa hành đạo trồng người
Vừa gõ nhịp hát bài ca tiếu ngạo (Phạm Mộ Đức)
Một bài thơ tự do dài, được tác giả gửi gắm tâm tư tình cảm nỗi niềm của một người Thầy. Trải qua những sóng gió bể dâu thời cuộc, cũng như những thăng trầm trong cuộc sống...Tuổi xế chiều nhìn lại ông thấy vật quý giá nhất bên mình chính là "cây thước gỗ" và ông muốn "để lại cho con" cùng với lời căn dặn mà như lời tự sự của chính ông vậy :
(tấm huy chương giáo dục ba tự tặng cho mình)/ Nó ghi dấu những nhạt- nồng -cam -khổ./Trong quãng đời phấn trắng- mưu sinh
Cả cuộc đời làm nghề đưa đò tri thức, hơn bốn mươi năm có biết bao thế hệ học trò được ông truyền thụ kiến thức. Cuộc đời làm thầy của ông bắt đầu từ những năm 67 của thế kỷ trước, trải qua biến cố mậu Thân và suốt cuộc chiến cho tới năm 1975. Đất nước thay đổi ông vẫn bám trụ với nghề thầy. Ông viết về"Quãng đời phấn trắng mưu sinh". Chính vì hai chữ "mưu sinh"đi cùng tấm lòng nhiệt huyết của một đời làm Thầy, nên chẳng có gì lạ khi cây thước này "ghi dấu những nhạt- nồng- cam- khổ" của cuộc đời ông.
Sau cột mốc 1975 những thầy giáo như ông khó khổ chung với sự thiếu thốn của thời bao cấp. Nhưng người thầy còn khó khổ hơn bởi "giấy rách phải giữ lấy lề". Một người làm cán bộ, kỹ sư ra đường có thể mặc chiếc áo rách, đi đôi dép đứt, nhưng người Thầy lên lớp giảng bài trước mặt học trò, ra đường không thể….khó chồng thêm khó chất lên vai người Thầy
Nhưng với tác giả- một người Thầy- đã có đủ "nhạt nồng cam khổ" thì cuộc đời nhà giáo vẫn tiếp diễn :
Nó là cây thiền trượng/Đã cùng ba mải miết/ Đi bón chăm cây lễ nghĩa cho đời./Đi ca hát những thăng trầm đất việt./Những nhục vinh công tội kiếp người
Cây thước gỗ giờ đây là "tấm huy chương giáo dục ông tự tặng cho mình". Nhưng một thời nó đã "là cây thiền trượng" là biểu tượng,là điểm tựa tâm linh, giúp ông vượt qua những sóng gió, thác ghềnh của cuộc sống .
Những lời ông căn dặn con ở khổ thơ này, sao nghe day dứt trong lòng. Với cuộc sống của người Thầy thôi mà sao ông phải dùng cây thước gỗ ấy ví với một cây thiền trượng của các bậc cao tăng , hay là các vị thần thông trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung để mà đi "chăm bón cây lễ nghĩa cho đời" và cùng "những thăng trầm đất Việt" chưa hết cây thiền trượng còn giúp người thầy đi qua "những nhục- vinh công -tội kiếp người".Bài thơ vẫn còn tiếp với những lời căn dặn của ông :
Nó là cây Thiết Bổng. ./Không phải để trừ ma –diệt quỷ./Mà chỉ để giúp ba./Những lúc./muộn phiền./Khi ngả lòng ./Nộ khí xung thiên./Đứng vững giữa đàn con lêu lổng
Nỗi lòng của một người Thầy trải qua những năm tháng sóng gió của cuộc đời, đâu chỉ có những thăng trầm ngoài xã hội, với những biến cố của thời cuộc, ông đã cần đến Cây Thiền Trượng. Giờ đây khi trở về với gia đình, với cuộc sống của người chồng, người cha, ông vẫn phải cần đến cây thước gỗ, lúc này cây thước phải chăng là "cây thiết bổng" của Tề Thiên Đại Thánh mới giúp ông vượt qua được những khó khăn của đời thường. Để làm tròn bổn phận người chồng , người cha và giữ tròn trọng trách một người thầy trong xã hội .
Vượt qua được tất thảy những khó khăn ấy. Và đây là khi cây thước gỗ làm công việc nhẹ nhàng nhất, khi nó chỉ phải cáng đáng công việc của một "cây gậy trúc", và "cây dầm bát nhã" để song hành cùng tác giả trong khổ cuối của lời căn dặn :
Nó là cây gậy trúc./Cùng ba trên đường lên xuống lớp./Tìm ngôn từ cho những ý thơ/Hay suy ngẫm những cảnh đời trong đục./Những tang thương ./Hưng phế./ Bất Ngờ
Nó là cây dầm bát nhã./Giúp ba chèo vượt biển buồn vui./Vừa kiếm áo cơm ./vừa hành đạo trồng người./Vừa gõ nhịp hát bài ca tiếu ngạo
Tới đây có lẽ cây thước gỗ cũng đã làm nhiều thiên chức quá sức của nó rồi, nên tác giả cho nó trở về với những công năng bình dị vừa sức của nó. Đồng hành cùng nó lúc này là tác giả chủ nhân của nó cũng đã thong dong trên đường tới lớp, hay trên đường đi tìm ý thơ. Cây gậy trúc sẽ nhàn hạ chỉ đôi khi gặp những "tang thương"những "hưng phế" và đôi khi là "bất ngờ" mới phải dùng đến.
Cây thước gỗ của nhà giáo, được ông trân quý cả cuộc đời, với bao sóng gió, trồi sụt trong biển buồn vui của nghiệp đưa đò. Khổ kết của bài thơ ông viết cây thước này chính là cây dầm bát nhã đã giúp ông…. Ba câu thơ cuối với ba chữ vừa…dẫn người đọc cập bến bình yên và chia sẻ với ông về sự "vừa lòng" khi ông đã trọn nghiệp Thầy cho mình!
Một bài thơ tự do được tác giả sử dụng biện pháp "mượn vật tả tình" đã đưa ta theo suốt cuộc đời nhà giáo hơn bốn mươi năm của ông . Cây thước gỗ chính là biểu trưng cho nghề nghiệp mà ông đã chọn. và cũng chính nghề giáo với những khuôn mẫu mực thước của nghề nghiệp đã giúp ông giữ mình vượt biển đời sóng gió bình yên.
Cây Thước Gỗ là tài sản ông di chúc lại cho con? "Bản thân Biểu trưng này không phải là gia sản kếch sù, không có giá trị về vật chất, nhưng nó là tài sản vô giá bởi nó là Biểu Trưng cho một đời sống thach bạch, là nhân cách sống thanh cao, ngay thẳng, mực thước. Nó còn là kỷ vật của một đời dạy học bần hàn của nghiệp làm Thầy" Qua đó ông muốn nhắn nhủ, căn dặn các con và phải chăng cũng chính là lời tâm sự ông muốn gửi gắm cho thế hệ thầy cô giáo trẻ hôm nay, sinh ra và lớn lên, vào nghề trong một đất nước yên bình. Dẫu vậy vẫn cần và rất cần giữ trọn đạo đức khuôn mẫu và mực thước của người thầy.
Sài Gòn 19/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014
Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014
Thung Lũng Tình Yêu
Ta sánh bước
Trên những con đường gập ghềnh
Khi xuống, lúc lên
Ngoằn ngoèo uốn theo những khúc quanh
Tìm đích đến của tình yêu
Màu nhiệm
Ta đã đi
Trong sương mai nắng sớm thơm nồng
Hương rừng thông xa ngái
Gió đưa lá nhỏ tiếng reo
lên cao, lên cao, cao mãi
Em đưa tay
đón cánh lá đang bay
Mỏng mảnh
Hanh hao khô gầy…
Anh cúi xuống
Nhặt trái thông khô
Không còn nguyên vẹn
Cùng nhìn về phía xa...
con đường rộng mở
Bầu trời vời vợi trong xanh…
Nào ta cùng cất lá quả vào chốn hoang liêu
Tình yêu long lanh
Đang chờ…
Nơi ấy
Mình bên nhau
Cuối bờ thung lũng
Lấp lánh những giọt sương
Rặng liễu ngả nghiêng quyến rũ
Ngọt ngào làn nước thung sâu
Tiếng gió đồi cao vang vọng
Gọi mời…
Nắng dang rộng vòng tay
Ôm cánh rừng Mimosa
Vàng tung nhan sắc
thủy chung
Tình yêu bất diệt
Vĩnh hằng!
Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014
Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn
Khi nói đến Hà Giang là nói đến Cao Nguyên Đá Đồng Văn, đến Cổng Trời Quản Bạ, đến cột cờ Lũng Cú, Đến Núi Đôi, đến sông Gâm, những thửa ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch và đặc biệt là phải nói đến chợ Tình Khau Vai, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc H’Mông, Giáy,Tày, Nùng, Giao…
Tôi và có lẽ nhiều bạn đọc dầu chưa chứng kiến nhưng đã nghe, đã đọc rất nhiều những lời thơ, câu hát, chuyện kể, về phiên chợ họp chỉ duy nhất một đêm vào 26 tháng ba hàng năm này. Chợ tình, nơi dành cho những chàng trai, cô gái các dân tộc ít người, đã yêu nhau mà không đến được với nhau. Dẫu đã có vợ, có chồng nhưng hàng năm họ vẫn đến chợ để gặp lại nhau. Một đêm cho người tình cũ, dù già, dù trẻ. Đó là nét văn hóa đặc trưng và cũng là phần đông nội dung những câu chuyện tình được người đi họp chợ mang tới Khau Vai từ xa xưa tới nay.
Chuyện Tình thì muôn màu muôn vẻ. Mỗi người, mỗi chuyện tình có những lý do riêng để mà dang dở, để mỗi năm họ có một đêm “danh chính ngôn thuận” đến với nhau. Trong ngàn vạn triệu câu chuyện ở chợ tình Khau Vai, nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn gặp một câu chuyện khiến cho người đọc rưng rưng cảm động. Câu chuyện ấy có tên:
Chuyện Tình Khau Vai.
Đôi dép đặt lên tảng đá
Lão như nấm bấy từ lâu
Ngựa già leo từ Quản Bạ
Chờ ai dáng điệu âu sầu?
Lão đổ chai rượu lên đầu
Cho cái tay già nó uống
Năm qua hắn nhổ tóc sâu
Sao giờ vẫn không thấy xuống!?
Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…
Trèo non, vượt đá… mòn chân
Đường rừng đói ăn, khát uống
Khau Vai gặp lão bao lần
Nén hương khói quyện phân vân
Kèn lá o e lão thổi
Ngón vê đứt ruột sầu thương
Lão khóc người tình suốt tối
Đắng cổ rượu không nuốt nổi
Núi xa…! Hắn nhắm mắt rồi!
Rừng hoang cây ngừng gió thổi
Cao nguyên như lão… đang trôi!(Hà Nội, 20-4-2014 Nguyễn Lâm Cẩn).
Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn không bắt đầu bằng rượu ngô rót tràn bát, bên chảo Thắng Cố nghi ngút khói bay từ buổi chiều tà cho đến đêm khuya khi đã ngà ngà say, họ mới từng đôi tản vào các vách núi ngồi bên nhau tình tự…Mà bắt đầu bằng hình ảnh:
Đôi dép đặt lên tảng đá
Lão như nấm bấy từ lâu
Ngựa già leo từ Quản Bạ
Chờ ai dáng điệu âu sầu?
Chủ thể ngôi thứ nhất của nhà thơ không còn gắn với đại từ nhân xưng, Chàng hay Anh nữa mà đã là Lão, thê thảm hơn với những hình dung từ nhà thơ dùng đặc tả: đã Lão, lại còn “như nấm bấy từ lâu”. Lão đã đến đây trước người tình. Bởi Lão đang “chờ ai dáng điệu âu sầu”. Hình ảnh, điệu bộ nôn nóng của Lão đang ngóng chờ ấy, có lẽ đã thu hút cái nhìn của nhà thơ và phải chăng nhà thơ bắt gặp hình ảnh Lão đặt đôi dép “lên tảng đá”, dép có đôi, hẳn nhiên người đặt nó hy vọng đêm nay mình cũng có đôi. Chưa hết ngay cả bác ngựa leo đến đây từ Quảng Bạ, cũng được gắn theo chữ già.(Xin phép nhà thơ phải gọi bằng bác vì hai chữ Ngựa già không thể là chú ngựa .. ) Ba câu thơ mệt mỏi đặt trước một câu hỏi mà như ta thán “chờ ai dáng điệu âu sầu” khiến cho Chuyện Tình Khau Vai vừa mở ra thôi, đã dẫn người đọc bước vào thế giới nội tại như một khu rừng hoang lạnh chứ không phải là nơi chợ tình khiến người đi chợ nôn nao rạo rực nữa… Dù hoang lạnh, dù thấy ám ảnh một chuyện tình không trọn thì cửa đã mở ta bước vào thôi!
Lão đổ chai rượu lên đầu
Cho cái tay già nó uống
Năm qua hắn nhổ tóc sâu
Sao giờ vẫn không thấy xuống!?
Ngôi thứ hai Hắn đã xuất hiện trong thơ của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn, nhưng việc làm của Lão thì lại làm ngỡ ngàng người đọc. lão mang chai rượu ra không uống như người khác, mà lại “đổ chai rượu lên đầu”. Ắt hẳn là đầu Lão nhưng Lão lại muốn “cho cái tay già nó uống”. vì “Năm qua hắn nhổ tóc sâu”. Trời ạ! Chỉ có con tim và lý trí của những kẻ đang yêu và nhớ đến cuồng điên mới có ý nghĩ và hành động như Lão của nhà thơ được.
Hắn và Lão gặp nhau ở phiên chợ trước, kỷ niệm đẹp lưu lại trong Lão không phải nụ hôn, cái nắm tay, tiếng kèn lá hoặc giả một ánh mắt …mà lại là hình ảnh “Hắn nhổ tóc sâu”. Đôi tay hắn nhổ tóc sâu thì bây giờ Lão cho “tay già nó uống”. Rất công bằng và rất tình, phải chăng đó cũng là cách suy nghĩ khi trao tình cảm cho nhau của người dân tộc thiểu số vùng cao.Lão có lẽ đã “chờ ai dáng điệu âu sầu” lâu lắm rồi và rượu mang theo Lão cũng đã đổ lên đầu mong thỏa cái nhớ. Nhưng sao tới tận bây giờ vẫn không thấy Hắn xuống!?. Lão lại bồn chồn mà ngóng chờ tiếp thôi… Viết tới đây tôi ước mong được động viên Lão rằng: Được chờ đợi, đôi khi lại cũng chính là niềm vui và hạnh phúc đấy, rằng Lão có biết sinh thời ông nhà thơ Hồ Zếnh đã từng ao ước:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.
Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân.
Ngó trên tay điếu thuốc cháy lụi dần.
Anh sẽ nói gớm sao mà nhớ thế”! (Nhớ- Hồ Zếnh)
Vẫn biết ở đời ước thì cũng chỉ là ước thôi! Lão của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn thì vẫn đang ngóng đợi. Càng ngóng đợi thì nỗi nhớ càng trào dâng và đây là những điều hằn sâu, in đậm trong tâm trí Lão lúc này:
Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…
Trèo non, vượt đá… mòn chân
Đường rừng đói ăn, khát uống
Khau Vai gặp lão bao lần
Một khổ thơ với những ngôn từ bình dị nhất có thể, để chất lên đó sự dài dằng dặc của thời gian và sức nặng của chữ Tình mà Hắn dành cho Lão. Liên tiếp những động từ gắn với danh từ được sắp xếp theo một nhịp điệu khúc khuỷu gập ghềnh như con đường len lỏi qua những vách đá, hay rừng rậm mà Lão và Hắn mỗi năm phải vượt qua, để đến được chợ Tình Khau Vai. Đôi chân có thể mòn, nhưng có lẽ tình cảm và nỗi rạo rực thì mỗi năm mỗi lớn hơn.
Một năm chợ chỉ họp một lần, có lẽ không chỉ mình Lão từ khi cuộc tình dang dở tới nay vẫn mong ngày tới chợ, mà Hắn của Lão cũng vậy. Bốn câu thơ trên đã nói đủ, nói hết về cái tình của Hắn dành cho Lão, suốt từ thời lão còn là chàng trai thổi kèn môi, kèn lá gọi Hắn và Hắn còn là cô gái thổi kèn lá đáp lại… Vì đâu, vì sao mà họ không đến được với nhau điều đó có lẽ hai người họ đã đào sâu chôn chặt trong một hốc đá nào rồi. Xin hãy để nó ngủ yên trong đó. Chỉ có điều chắc rằng từ đó mỗi năm họ đều về gặp nhau ở Khau Vai cho tới tận bây giờ.
Đợi chờ, có lẽ Lão đã mơ thấy Hắn xuất hiện trước mặt nhiều lần. Hoặc giả mỗi khi Lão thấy thấp thoáng bóng người xuống núi từ phía xa xa, hay khi nghe thấy tiếng kèn môi, kèn lá vang lại đâu đó giữa muôn vàn những âm thanh rạo rực của chợ tình mỗi lúc một đông. Nhưng không!
Nén hương khói quyện phân vân
Kèn lá o e lão thổi
Ngón vê đứt ruột sầu thương
Lão khóc người tình suốt tối
Tiếng kèn lá ngày này năm trước và những năm trước, trước nữa… Lão thổi dìu dặt và tha thiết lắm, nay chỉ còn âm thanh o e đứt quãng mới sầu thảm làm sao? “Nén hương khói quyện” cho ta biết đó là khởi nguồn của “ngón vê đứt ruột sầu thương”. Lão đã hy vọng để giờ đây phải tuyệt vọng trong tiếng nấc nghẹn ngào “khóc người tình suốt tối”. Lão đến chợ Tình với niềm thương nỗi nhớ bồi hồi mong gặp lại người cũ. Cũng chỉ là “nhổ tóc sâu” ôn cố, tri tân, như bao năm rồi vẫn thế. Cái tình xưa cũ không duyên phận vẫn có chữ tình đeo mang để rồi giờ đây tất cả chỉ trong phút chốc sụp đổ xuống vực sâu .
Đắng cổ rượu không nuốt nổi
Núi xa…! Hắn nhắm mắt rồi!
Rừng hoang cây ngừng gió thổi
Cao nguyên như lão… đang trôi!
Cú sốc và sự mất mát quá lớn đến với Lão khi biết tin “Hắn nhắm mắt rồi!”.Tự đáy lòng Lão có lẽ đã chết đi một khúc tơ duyên, Nỗi đau trào lên khiến rượu trở thành vị đắng, mà có lẽ đời Lão chưa thấy đắng thế bao giờ, làm sao mà “nuốt nổi”. Tin dữ về từ Núi xa…lan theo những vách đá, vọng theo tiếng rừng âm u dội ngược vào tâm hồn ủ rũ và trái tim quặn thắt của Lão. Sự mất mát quá lớn này có lẽ đã đánh gục Lão. Chân Lão vẫn còn đang bám trụ trên mặt đất, mặt đá. Mắt Lão vẫn hướng ra xa cuối con đường cheo leo vách đá, bên những cánh rừng âm u hoang lạnh. Tai Lão vẫn đang nghe thấy những âm thanh hỗn độn từ chợ dội lại. Nhiều nhất trong mớ âm thanh ấy có lẽ là tiếng thì thầm của cây rừng, của gió ngàn như muốn an ủi Lão. Thân xác lão vẫn còn đây, nhưng trái tim Lão, tâm trí Lão đang bồng bềnh đâu đó trên chín tầng mây cao vời kia. Cao nguyên đá đang trôi như Lão ư! Không! Chỉ là Lão cảm thấy vậy thôi, Nó đang đứng đấy như từ ngàn năm trước vẫn vậy. cũng như chợ Tình Khau Vai trước mặt Lão vẫn đang vui nhộn theo nỗi niềm rạo rực của hàng ngàn trái tim, trai gái các mường hòa với tiếng kèn môi, kèn lá dìu dặt đang được cất lên gọi bạn tình.
Đêm chợ tình Khau Vai rồi cũng trôi qua, bình minh sẽ đến. Mỗi người lại trở về với cuộc sống thường nhật cùng người chồng, người vợ của mình suốt cả năm, để rồi chợ phiên sang năm họ lại rạo rực tìm tới..Chợ phiên năm nay đã thiếu đi một người và ít nhất đã kết thúc một chuyện tình. Sang năm chợ sẽ lại thiếu đi ít nhất một người nữa…!
Chuyện Tình Khau Vai sẽ còn tồn tại mãi mãi với thời gian! Bởi nó đã được nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn ghi lại như một nét đẹp văn hóa, một nỗi niềm sâu nặng….Bằng những vần thơ viết theo thể thơ sáu chữ, mượt mà nhưng vẫn tuân thủ niêm luật, trên nền âm điệu nhịp nhàng, chuyển tải nội dung, cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư của người trong cuộc đến với bạn đọc gần xa.
Sài Gòn 4/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014
Khi Mùa Đông Vừa Rớt
Mùa đông vừa rớt trên tay
Xúi chi con Sáo lẻ bầy bay xa
Nhỡ mai gió lạnh sương sa
Khuất che một bóng trăng tà cuối sông
Vội chi khi bước theo chồng
Bỏ quên mấy bận mênh mông hẹn thề
Trầm ngâm ngắm mấy cơn mê
Quên bao năm tháng bộn bề đón đưa
Từ khi áo mỏng thôi mưa
Lay cành liễu rủ cho vừa nhớ nhung
Gió đông giờ đã ngại ngùng
Đào khoe yếm thắm tương phùng mấy ai ?
Mùa đông vừa rớt hiên ngoài
Chợt lòng ngân khúc "U hoài ngàn năm"
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)