Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Đọc Dòng Thác Của Tác Giả Lê Thanh Sơn



Dòng thác

Nhìn dòng nước trong xanh
Trượt thác ghềnh trắng xóa
Bao người xa xứ sở
Trăn trở nhiều bạc nhanh

(18/4/2012 -Lê Thanh Sơn)

Dòng Thác! Bài thơ được sắp xếp ngôn từ theo khuôn khổ một bài Tứ Tuyệt đã được trau chuốt để chuyên chở ý thơ đến với bạn đọc..
Khi bắt gặp tựa đề bài thơ trên trang mạng của tác giả Lê Thanh Sơn người viết đã dừng lại rất lâu với câu hỏi: Tại sao lại là Dòng Thác mà không phải là Thác..
Hồi lâu ngẫm nghĩ từng câu chữ, đã được lựa chọn sắp xếp nên bốn câu thơ, ý tại ngôn ngoại của tác giả đã bước vào tuổi Thất Thập Cổ Lai Hy, thì người viết không thể không chia sẻ những điều mình cảm nhận được cùng bạn đọc:

Đứng bên Dòng Thác tác giả trong vai người quan sát với nhãn quang của tâm hồn thi sĩ mà cảm rằng:
Nhìn dòng nước trong xanh

Vâng! "Dòng nước" ở Dòng Thác này "trong xanh"! Hẳn nhiên nó bình lặng xuôi dòng tìm đường về với biển. Dẫu là sông, là suối, hay con lạch nhỏ, thì nó đều có một điểm chung bất biến như vậy! Câu mở của bài thơ qua đi êm đềm như những gì văn bản thể hiện dưới cái Nhìn của tác giả.
Người viết trôi theo sự bình an "trong xanh " mà xuôi Dòng Thác mang theo nhiều thắc mắc vào với câu thơ tiếp

Trượt thác ghềnh trắng xóa

Động từ "Trượt" đặt ngay đầu câu thơ cùng với sự xuất hiện của "Ghềnh Thác" thì sự bình an "trong xanh" không còn nữa. "sông vẫn rủ sông " cùng về với biển nhưng nào có mãi "xanh trong" mà nay sau cú trượt nó đã thay đổi thành "Trắng xóa"! 
Dòng nước Trượt ?
Dòng Thác Trượt? 
Hay Dòng nào nữa Trượt đây?
Dù cho Dòng nào, hay là bạn là tôi hoặc giả chính tác giả thì chỉ cần một cú Trượt thôi hậu của cú trượt ấy khó có ai định lượng ra được kết quả.
Trong bài thơ này ta theo sợi dây gắn kết của câu mở với câu thơ này thì thì khả năng là dòng nước  sau khi Trượt ra khỏi đáy nước bình địa lao xuống vực sâu tạo thành Thác.
 Bọt tung trắng xóa tạo thành từ sự va đập của nước vào mặt đá. Một số các hạt nước văng xa không có cơ hội trở lại dòng chảy tìm đường về biển cả.. Phần đông chúng sau khi lao xuống tung lên và rơi xuống chúng lại cùng nhau tạo thành "dòng nước trong xanh" bình an xuôi dòng bất chấp phía trước có thể lại gặp Ghềnh Thác...
Chỉ với hai câu thơ ngắn thôi mà tác giả đã chở người viết trôi theo Dòng Thác qua nửa chặng đường của Nó với những ưu tư không dễ giãi bày.
Trước khi vào câu thơ thứ ba người viết nhớ đến lời của nhà giáo học giả Trần Trọng Kim "Trong thơ tứ tuyệt ( 4 câu) “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu thơ ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước”. 
Ở Dòng Thác câu thơ làm nhiệm vụ dẫn dắt ý thơ "trôi như thuyền thuận nước" đó là :

Bao người xa xứ sở 

 Dòng thác đang trong xanh chỉ sau cú Trượt trở thành trắng xóa ! Ghềnh thác này có lẽ do điều kiện địa chất tạo thành, nếu không có động từ Trượt tạo đà thì hẳn nhiên không ai nghĩ khác..
Người viết cũng không ngoại lệ !
Nhưng ở câu thơ thứ ba thì hồn cốt chuyên chở ý thơ ra khỏi Dòng Nước thông thường mà có lẽ ở đây điều tác giả muốn nói cũng là dòng, cũng có ghềnh thác... Phải chăng dòng đời ?
Vâng có lẽ thế! Với lịch sử "Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước" Ông cha ta đã có biết bao nhiêu dòng chảy dịch chuyển, nổi trôi, đình đậu những kiếp người. Từ nông thôn ra thành thị, từ Bắc vào nam, từ nam ra bắc. Đặc biệt có rất nhiều người xa Tổ Quốc ...
Câu thơ thứ ba chở theo một câu hỏi tu từ hỏi mà không hỏi, hỏi mà không ai có thể trả lời! Người viết cũng bất lực trước câu hỏi này nên đành theo tác giả xuôi Dòng Thác vào với câu thơ kết.

Trăn trở nhiều bạc nhanh

 Ai trăn trở? ai? cái gì bạc nhanh? tác giả không nói! 
Nhưng có lẽ không riêng người viết mà còn có rất nhiều bạn đọc nghĩ tới mái tóc pha sương thậm chí màu tuyết của người thân, kẻ sơ quanh mình. Họ vì nhiều lý do phải tha hương và phải chăng trong số họ nhiều người cũng đã đôi lần Trượt....
Viết tới đây người viết thấy văng vẳng câu hát trong Tuồng Hộ Sanh của Đào Tấn

“Lao xao sóng bủa ngọn tùng,
Gian nan là nợ anh hùng phải vay"
Mấy ai xa xứ mà không từng trải gian nan khổ ải? Mà không từn trăn trở ưu tư ? huống hồ nhiều người còn bị Trượt nữa

Người viết tìm thấy sự đồng cảm trong hai câu thơ của Đỗ Phủ  với tác giả với những ai đã đang bị Trượt ...

Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi
 (Gian nan khổ hận đầu thêm bạc
Quặt quẹo đành kiêng chén giải buồn - người dịch Đăng Cao). 

Và sự đồng cảm đến từ đây nữa:

Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương (Thề Non Nước – Tản Đà)

Bốn câu thơ tác giả Lê Thanh Sơn khắc họa ra một Dòng Thác đã có câu trả lời cho thắc mắc của người viết ở phần đầu.
Thác là ghềnh thác nước theo nghĩa thông thường người ta vẫn nghĩ vẫn viết. Nhưng ở đây ngay trong Dòng Thác này còn biết bao thân phận những người xa quê hương bản quán vì miếng cơm manh áo vì trôi theo sự xô đẩy của thời cuộc . Để rồi nơi đình đậu ấy "không như là mơ" Họ đã Trăn trở và nhiều khi bị Trượt... Những cú Trượt ấy  không chỉ sảy ra  một lần, mà là nhiều lần trên đường đời ,nên nó thành Dòng Thác ...
Dòng Thác ấy sâu bao nhiêu, dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu? tác giả không viết. Người viết không định lượng được. Nhưng người viết tin mong và mong rằng bạn đọc cũng tin mong sau những cú Trượt dòng đời lại trở về dòng bình an tĩnh lặng Lắng sâu, để rồi sẽ lại Trong Xanh. Xin đừng như :

Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra (Cắt tóc, 1952 Phan Khôi).

Một Dòng Thác kiệm lời chuyên chở ý thơ không mới. nhưng qua nghệ thuật sắp đặt ngôn ngữ tài tình đã níu tâm tư người viết và có lẽ không ít bạn đọc dừng lại và chiêm ngưỡng. Dòng Thác mà ngẫm cái tình sâu, ý rộng...
Người viết vừa cảm nhận cùng câu chữ của tác giả Lê Thanh Sơn. Với góc nhìn phiến diện một chiều có thể những điều người viết cảm nhận trên đây chưa hẳn đúng với góc nhìn của phần đông bạn đọc cũng như những gì mà tác giả muốn gửi gắm...
Người viết rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả cũng như bạn đọc cho những điều chưa đúng nếu có 

Sài Gòn 25/ 10 / 2017
Huỳnh Xuân Sơn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét