Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đãm quá trăng sao lại nhoà
Người ta mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh
Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm. (Quang Huy)
Với hai nhân vật chính “Xứng đôi vừa lứa ” Thị Nở và Chí Phèo thì có lẽ đây là những giây phút đẹp nhất trong cuộc đời của họ.
Thị Nở rút ruột mà nói ra nỗi lòng của kẻ đang yêu và được yêu. Trời đất cũng ủng hộ cho cuộc “mây mưa” của họ đêm nay “trời ở rất cao” không có gì phải ngại. “Sương thì đậm” sáng ra sẽ tan thành nước giúp phần xóa dấu tích của họ. “Trăng sao lại nhòa” như thể dải Ngân hà cũng đồng lỏa mà chở che cho hai người . “ Còn người ta…”ư? Ngay lúc đầu Thị đã không ngần ngại mà khẳng khái rằng “chấp chi miệng lưỡi lắm lời thị phi ” thì bây giờ Thị còn sợ gì đâu mà chẳng “…mặc kệ người ta”…Thị khẳng định chắc nịch “Chỉ em rất thật đàn bà với anh”.
Nhà Thơ Quang Huy đã để cho Nỗi Niềm Của Thị Nở kết ở nơi mà hai người gặp nhau, tìm đến nhau theo bản năng của con người. Nơi này cũng chính là nơi xuất phát ra tình yêu của họ, chí ít cũng từ phía Thị Nở. Thị yêu, Thị “nao nao”, Thị thương Chí Phèo tới mức “Đứt ruột”. Và rồi đỉnh điểm của tình yêu chính là sự dâng hiến. Sau đêm nay…Thị đã không còn là con gái nữa, Thị đã trở thành “Đàn bà” người mà “rất thật với anh”. Dẫu Thị từ trong sâu thẳm vẫn nghĩ tới tiết hạnh của người con gái Á Đông đấy chứ! Vẫn biết đến “Tiết trinh đáng giá ngàn vàng” mà. Trong khi cả Thị và Người yêu Chí Phèo của Thị đều “nghèo rớt mồng tơi”. Nhưng có lẽ cái ham muốn theo bản năng của hai kẻ đang yêu đã lỡ trao cho nhau. Thị chỉ còn biết thốt ra hai từ “thôi rồi”. Quả thật hai từ này nhà thơ Quang Huy dùng thật đăt, bởi có hai chữ “thôi rồi” bản chất của Thị Nở vẫn còn biết mình đã làm gì…? Và có lẽ cũng vì cái sự giật mình mà thốt ra hai chữ “thôi rồi” này, nên “Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm” hay chăng? Có lẽ thế bởi Chí Phèo ra đời cho tới nay hơn 70 năm, nhưng nói đến Thị Nở thì chưa ai phủ nhận tình cảm mà Thị trao cho Chí Phèo qua bát cháo hành giải cảm vào lúc gần sáng năm ấy! Và có lẽ nó sẽ còn được nhớ tới mãi mãi sau này
Hai chữ “thôi rồi” mà Thị Nở thốt ra ở đây, tôi thấy phảng phất câu thơ cũng chính là nỗi lòng của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du :
“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa”
Nếu không có cái “giật mình” này Thúy Kiều cũng chẳng khác gì các cô gái “lầu xanh” khác!
Cám ơn nhà Thơ Quang Huy với khổ kết trong Nỗi Niềm Thị Nở đã cho tôi có dịp đồng hành với một góc nhìn rất nhân văn của tác giả về hai thân phận con người cùng khổ của xã hội thời phong kiến vào những thập niên đầu của Thế kỷ 20. Dẫu cho họ xấu tới mức nào, nghèo đói ra sao, họ đã phải làm những việc xấu xa “rạch mặt ăn vạ…cuộc đời đã xô đẩy họ đến chỗ cùng đường… Nhưng tình yêu, tình cảm của họ trao cho nhau đáng để ta phải suy ngẫm.
Sài Gòn 19/3/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét