Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017
Huỳnh Xuân Sơn mỗi ngày đọc một tứ thơ hay-8
Huỳnh Xuân Sơn mỗi ngày đọc một tứ thơ hay-8
Bên nào mưa mẹ đem che
Bên nào nắng cháy mẹ xoè tơi ra
Mấy chục năm mẹ đi xa
Tơi kè treo ở góc nhà nhìn con...! (Lekinhhuyen 3/10//2014*)
Bốn câu thơ kết trong bài thơ Tơi Kè của tác giả Lekinhhuyen.Ông viết về Aó tơi, một vật dụng phổ biến ở Miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung Bộ. Áo tơi có từ bao giờ? có lẽ không ai còn nhớ nữa. Nhưng hình ảnh cái áo tơi che mưa, che nắng, chắn gió lạnh luôn đọng lại trong lòng người dân nơi đây, đặc biệt là những người dân quê đã từng một nắng hai sương ngoài đồng. Miền Trung là vùng nắng lửa dội xuống, gió Lào thốc ngang, mỗi khi mùa nắng nóng đến. Aó tơi che nắng, chắn gió..Mùa đông mưa phùn, gió bấc tràn về cũng lại là áo tơi che chắn cho người lớn ra đồng, cùng những cô cậu bé chăn trâu bò xuống bãi, hay trên vai học trò tới trường ngày trước. Khi về nhà ngơi nghỉ áo tơi cuộn tròn lại treo trên vách.
Với tác giả vừa bước qua ngưỡng tuổi thất thập cổ lai hy, ông mượn hình ảnh áo tơi nói về người mẹ lam lũ tảo tần của mình. Bà cũng như bao bà mẹ Việt khác. “Bên nào mưa mẹ đem che”. Còn “Bên nào nắng cháy mẹ xòe tơi ra” Hai câu thơ đã nói đủ, nói hết về công năng và tác dụng của cái áo tơi, đơn giản mà tiện dụng. Đã che mưa, che nắng, cho mẹ ông, cho ông và cả những người dân quê nữa. Nay “Mấy chục năm mẹ đi xa”. Quy luật của tạo hóa là vậy, đọc câu thơ mang chút bùi ngùi thương nhớ. Nhưng cái hay, cái đẹp cùng hồn thơ lay động người đọc chính là động từ “nhìn” và câu thơ kết : “Tơi Kè treo ở góc nhà nhìn con…!”. Chỉ một động từ nhìn đưa vào câu thơ, cái áo tơi vô tri vô giác treo ở góc nhà như có tâm hồn vậy. Chủ nhà treo nó lên, giữ gìn như kỷ vật của người mẹ đã đi xa. Aó tơi nằm đó theo năm tháng như hình bóng thân thương của mẹ mỗi ngày dõi theo bước đường tác giả đi. Để rồi khi nhìn áo tơi ngỡ như áo tơi đang nhìn mình vậy! Với hai chữ “nhìn con..” câu thơ kết đủ sức nặng của chữ tình, chữ hiếu và chữ nghĩa lay động trái tim người đọc… Một khổ thơ với những câu từ đơn giản như chính chiếc áo tơi mà quê ông vẫn gọi Tơi Kè. Đơn giản mà có tâm hồn, có tình người sâu nặng, là bởi nghệ thuật dùng từ của tác giả tuyệt vời …
Sài Gòn 3/10/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Nguồn:https://www.facebook.com/lekinhhuyen.le/about
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét