Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Đôi Dòng Tản Mạn Cùng Bên Lề Của Tác Giả Diệp Thế Hùng


(Ảnh minh họa chỉ mang tính chất Khoe Hình)

Đôi Dòng Tản Mạn Cùng Bên Lề Của Tác Gỉa Diệp Thế Hùng

 Người viết chưa có dịp Kiến Kỳ Hình với tác giả, nhà khoa học, nhà thơ Tình, Soái Ca Diệp Thế Hùng, nhưng Văn Kỳ Thanh thì đã rất lâu.. Người viết biết mình không dễ để trải lòng đồng cảm vào câu chữ với dòng thơ tình ướt đẫm của Ông! Nên từ lâu cứ âm thầm đọc 
 Thế nhưng chiều nay gặp một tâm sự, một dòng tâm tư rất đặc biệt có tựa Bên Lề đã khiến người viết quyết định cùng đứng Bên Lề với Ông, để mà ngắm, để mà trôi, để mà hy vọng biết đâu mình lại tìm được chút đồng cảm với không chỉ riêng tác giả mà  còn có thêm nhiều bạn đồng hành đã xuôi dòng và cũng vừa kịp dừng lại  Bên Lề dòng sông Tình riêng, mà chung đang trôi!

BÊN LỀ

Lá đỏ vàng rơi phủ mặt đường
Chiều nay gió lạnh lắm mây vương
Bên chồng em có âm thầm nhớ
Nhớ đến anh lòng có đoạn trường?

Anh biết rằng yêu phải chuốc sầu
Đêm khuya trằn trọc một niềm đau
Nhưng anh vẫn cứ yêu tha thiết
Và dệt tình yêu mọi sắc màu

Sương trắng bao quanh những ngọn đèn
Hàng cây thầm lặng dưới trời đen
Bên chồng êm ấm em nào biết
Mưa gió trong anh, sóng bập bềnh

Trở lại phòng anh có một mình
Nhìn hình em đẹp mắt huyền xinh
Dáng em yểu điệu yêu kiều quá
Làm đắm tim anh một mối tình.
(Diệp Thế Hùng)

Bên Lề được tác giả gửi gắm ý thơ, tình thơ, hồn thơ bằng những câu từ được trau chuốt kỹ lưỡng vào thể thơ Tự Do.
Bên Lề có lẽ được tác giả viết với tâm trạng phần nào giống cố nhà thơ Đồng Đức Bốn :

-Luồn kim vào nhớ để may
Chỉ yêu cứ đứt trên tay mình cầm
Sông Thương như gỗ hóa trầm
Mùi hương để vết tím bầm trên tay
(Sông Thương Ngày Không Em)

Mọi so sánh đều khập khiễng khi một bên là nhà thơ một bên là Khoa Học Gia làm thơ Tài Tử... Nhưng tình yêu gửi vào câu chữ thì có lẽ không khác nhau là mấy?
Trở lại với Bên Lề ! Phải chăng khởi nguyên dòng chảy của nó bắt nguồn từ thế giới mạng mênh mang khi  khoa học gia Diêp Thế Hùng bắt gặp một bóng hồng nào đó đủ quyến rũ để ông thả cảm xúc đi hoang ! Không biết Ông đã bao giờ thầm đọc "Mà có trách chi những phút xao lòng." chưa? Nhưng với Bên Lề thì có lẽ sau khi "Những phút xao lòng.. " Nổi loạn nhiều, rất nhiều ! Chàng lãng tử có tâm hồn si tình "Trở lại phòng có một mình" Bốn bức tường vây quanh, lúc này đây mới thực sự ngã gục như những gì câu thơ kết vừa tố cáo: Em chỉ qua một khoảnh khắc được nhiếp ảnh gia nào đó hoặc giả từ một phím bấm trên điện thoại thông minh thôi mà đã "Làm đắm tim anh một mối tình."
Không rào đón trước sau, trong khi mình là một trang nam tử mà Khoa Học Gia lãng tử tự thú nhận ngay sự yếu đuối của mình chỉ vì:

Nhìn hình em đẹp mắt huyền xinh
Dáng em yểu điệu yêu kiều quá

Đâu đây văng vẳng lời thơ của thi sĩ đa tình mãnh liệt bạo gan nhất Đồng Đức Bốn

-Em ở gần tôi lại ở xa
Tim vẫn đập về nơi em nhiều nhất
Và tôi tin tình em là có thật
Những lúc buồn tôi mới viết thành thơ
(Em có bỏ chồng về ở với tôi không?)

Trở lại cùng Bên Lề!

Lá đỏ vàng rơi phủ mặt đường
Chiều nay gió lạnh lắm mây vương

 Phải chăng những câu thơ này được viết khi tác giả và cả "người trong bức hình" cũng đã bước vào buổi thu của đời người! Có thể lắm chứ lá vàng lá đỏ hình tượng thơ này  làm nhiệm vụ chuyển tải thông điệp thay cho hai chủ thể trữ tình Anh và Em với những nỗi niềm ngổn ngang như lá ấy đang "rơi phủ mặt đường" trong một bầu không khí cũng ảm đạm thê lương như chuyện tình của Anh và Em chăng?

Một đấng Tu Mi Nam Tử mà phải thốt nên câu hỏi:

Bên chồng em có âm thầm nhớ
Nhớ đến anh lòng có đoạn trường?

Thật là bất công cho chủ thể trữ tình Anh phải không tác giả? Có lẽ Anh của tác giả hỏi chỉ để hỏi mà thôi! hai câu thơ này đã tố cáo Anh  đang phải quay quắt chống chọi với nỗi nhớ. Anh hỏi em hay anh đang tự vỗ về an ủi mình đây? Nếu giả như em có "âm thầm nhớ" đi nữa thì đâu nhất thiết khi "nhớ đến anh" là phải cảm thấy "Đứt từng khúc ruột" tác giả ơi?
Em có thể nhớ tới dáng hình anh, nhớ tới lời anh nói, hoặc giả nhớ cái bắt tay em vô tình còn anh hữu ý chẳng hạn
Xin nói thêm ở khổ thơ này ngoài nhiệm vụ tố cáo nỗi niềm yêu của một đấng Tu Mi Nam Tử yêu một người phụ nữ có gia đình ra thì cần phải nhắc đến nhịp thơ không bình thường ở câu thơ thứ tư. Ba câu đầu dòng thơ trôi theo nhịp 2/2/3 tới câu này đảo ngược 3/2/2 khiến cho câu thơ chở ý thơ trôi như gập ghềnh, như trắc trở theo những gì ý thơ muốn nói.
Phàm ở trên đời điều gì cũng có ngoại lệ cả! Chủ thể Anh trong thơ có" Vai năm tấc rộng thân mười thước cao" hay không? Tâm hồn lãng mạn như thế nào? Anh  có được bao nhiêu phần trăm sự lãng mạn thông minh tài giỏi của nhà thơ, nhà khoa học tác giả Diệp Thế Hùng? Anh có chút nào Táo bạo như nhà thơ Đồng Đức Bốn khi hỏi người phụ nữ có gia đình mà mình yêu không?.. thì không thấy hiện diện trong thơ...Chỉ thấy Anh "Đắm tim anh một mối tình" bởi vì:

Anh biết rằng yêu phải chuốc sầu
Đêm khuya trằn trọc một niềm đau
Nhưng anh vẫn cứ yêu tha thiết
Và dệt tình yêu mọi sắc màu

Người viết vẫn nghĩ theo phần đông bạn bè mình vẫn nghĩ. Với hai người trong cuộc khi Yêu thì họ chỉ cần Yêu và được yêu đã là hạnh phúc! Nhưng ở đây ngay trong nội tại Bên Lề  Anh lại khẳng khái mà rằng:"Anh biết rằng yêu phải chuốc sầu".Vì đâu và vì sao? câu trả lời của Anh và người Anh yêu ra sao người viết chưa biết. Tác giả có lẽ cũng chưa biết .. Người viết ít nhất đã tìm ra một sự đồng cảm sâu sắc của một Lãng Tử có cùng chung nỗi niềm yêu như Anh!

Cái đêm em ở với chồng
Để ai hóa đá bên sông đợi đò
.....
Cái đêm lành lạnh gió mùa
Em trong chăn ấm có đùa với ai
...
(Cái đêm em ở với chồng- Đồng Đức Bốn)

Vẫn biết yêu người phụ nữ có gia đình là phải trải qua một trời đau khổ! Yêu khi tuổi đã về chiều mà đơn phương còn khổ gấp trăm ngàn lần phải không Anh?phải không bạn đọc và phải không tác giả?
Người viết hỏi thế nhưng không có nhã ý chờ câu trả lời đâu! Bởi tác giả đã để chủ thể Anh khẳng định chắc nịch rằng:"Anh vẫn cứ yêu tha thiết". Dẫu cho bão tố đầy trời, tơ duyên rối bời, chẳng thể gỡ thì anh Vẫn Đã Đang và Sẽ mãi mãi "dệt tình yêu mọi sắc màu" Không ngơi nghỉ!Bất chấp kết quả ngày mai Anh dệt tình yêu ấy kết nên tấm thảm tình ra sao?
Tới đây người viết muốn nhờ tác giả gửi đến chủ thể trữ tình Anh trong Bên Lề một câu hỏirằng:  Đã bao giờ anh đọc và thấy đồng cảm với tác giả Hùng Nguyễn chưa? Và đây là bài thơ người viết muốn nói đến khi hỏi chủ thể Anh:

Lỡ Xuân
Ta về... ghé xuống sân ga
Liệu em có dám bỏ nhà theo không?
Hay là vú cháu vú chồng
Mấy thương cũng chịu dẫu lòng rách bươm.(Hùng Nguyễn)

Trở lại  Bên Lề cùng Kẻ Si Tình (Xin phép tác giả cho người viết từ đây được gọi chủ thể Anh như thế) với dòng độc thoại vẫn đang được nối tiếp.

Sương trắng bao quanh những ngọn đèn
Hàng cây thầm lặng dưới trời đen
Bên chồng êm ấm em nào biết
Mưa gió trong anh, sóng bập bềnh 

Bốn câu thơ rất thật, rất thơ này với những thi ảnh gợi mở tuyệt vời qua ngôn ngữ thơ của tác giả. Với cá nhân người viết thì đây chính là linh hồn, là đôi mắt, là tâm tư người trong cuôc và cũng chính là điểm nhấn đắt giá của Bên Lề.
Có lẽ Kẻ Si Tình đã "quay quắt nhớ"! Nhớ đến không thể ở trong phòng mà ngắm, mà nhìn, mà tưởng tượng, mà yêu trong đau khổ. Nên Hắn đã lao ra đường mong tìm thấy một sự đồng cảm chở che cho trái tim thổn thức của mình... Từ con đường, hàng cây, ngọn đèn , ánh trăng, cơn gió, hoặc giả là một ai đó ngang qua nở một "Nụ cười như mùa thu tỏa nắng" với Kẻ Si Tình chăng?  Nhưng rồi "Sương trắng" như lệ trời nhỏ xuống... Bao bọc những ngọn đèn đường hay  thầm xót thương cho Kẻ Si Tình đang lang thang độc bước đây?
Bầu trời đêm đen đặc quánh bủa vây chủ thể trữ tình Anh  với những bước chân như vô định.. Hàng cây cần chi mà phải thầm lặng ? Nó vẫn đang reo vui mỗi khi đón gió... Có chăng là mối tình câm của Kẻ Si Tình  đã không thể cất lên tiếng gọi yêu thương sưởi ấm trái tim ai đó mà  trong thâm tâm Kẻ Si Tình vẫn đang tưởng tượng ra:

Tôi không tin rằng trong bão giông
Em cam chịu con tàu chết chìm trên sóng
Và tôi tin rằng trong cát bỏng
Em - Cây xương rồng vẫn nở hoa (Em Bỏ Chồng Về Ở Với Tôi Không- Đồng Đức Bốn).

Mưa ngoài trời sẽ tạnh! Bão tố ngoài trời rồi cũng ngưng!
Mưa bão trong lòng  Kẻ Si Tình đang bồng bềnh vì yêu và nhớ thì có lẽ còn "bập bềnh" không biết đến bao giờ?
Người viết trộm nghĩ có hồi nào sau khi lang thang rồi khi "Trở lại phòng... có một mình" Kẻ Si Tình "Nhìn hình em đẹp mắt huyền xinh / Dáng em yểu điệu yêu kiều quá"Thì Kẻ Si Tình lại bị đánh thức bản năng của một Tu Mi Nam Tử vùng lên không thể để mình phải yếu đuối thú nhận đã "đắm tim anh một mối tình." nữa, mà thay vào đấy Kẻ Si Tình đã dám bạo gan mà chép tặng Nàng mấy câu kết của bài thơ Em Bỏ Chồng Về Ở Với Tôi Không thì hay biết mấy.Bốn câu thơ ấy thế này:

Cỏ nát rồi cỏ mới lại sinh sôi
Hoa vẫn nở mùi hương đằm thắm
Và tôi tin một ngày gần lắm
Em bỏ chồng về ở với tôi ? (Đồng Đức Bốn)

Còn nếu Kẻ Si Tình không có lá gan của Đồng Đức Bốn thì người viết mong Anh sẽ tìm thấy mình trong nửa bài thơ sau:

Vô Duyên.
Mắc gì thương vợ người ta
Làm như vay mượn thịt da kiếp nào
.....
(Hùng Nguyễn).

Còn nếu như Bên Lề vẫn cứ nghe tiếng réo gọi của con tim giục giã: Hãy giữ nguyên mối tình câm ấy thì người viết xin nhắc nhỏ thế này: Kẻ Si Tình ơi! Hãy ngược dòng văn học sử về với những năm ba mươi của thế kỷ trước. Khi ấy TTKH đã nói thay cho một bộ phận không nhỏ những người Phụ nữ không dám bước ra khỏi cái vòng Kim Cô  "lễ giáo gia phong" của nền văn hóa Á Đông.. Không dám cởi trói trái tim mình bằng hai chữ Cam Chịu rằng:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng “một người (Hai Sắc Hoa Ti Gôn).

Xa xưa hơn nữa thời phong kiến người phụ nữ khi có gia đình không chỉ cam chịu mà còn luôn đề cao tình yêu thương, lòng chung thuỷ bởi:

- Trăng tròn chỉ một đêm rằm
Tình duyên chỉ hẹn một lần mà thôi 
...
- “Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm , sông hương mặc người”(Ca Dao)

Hay :

- Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đạo cương thường chớ đổi đừng thay
Dẫu có làm nên danh vọng hay rủi có ăn mày ta cũng theo nhau (Ca Dao)

Nếu như "Người trong hình " Của Kẻ Si Tình là một trong số ít những người phụ nữ thời hiện đại hôm nay còn giữ được những "lễ giáo gia phong" như người phụ nữ Á Đông xưa thì Mối tình Đơn Phương của Kẻ Si Tình còn "bập bềnh" nổi trôi Bên Lề mãi mãi cho tới lúc "Sông rủ sông" cùng về tới biển!
Hoặc giả "Người trong hình" là người phụ nữ thời hiện đại ngày nay tuy đã có gia đình nhưng lại mang trái tim đa cảm đặt trong lồng ngực phóng khoáng như phụ nữ  Trời Tây. Nhưng bản chất họ vẫn là người phụ nữ có gia đình mang gốc gác Á Đông!  Như một tác giả trải lòng mà giấu đi danh tính của mình trong Giấu Anh Vào Nỗi Nhớ Của Em mà người viết vừa đọc được trên không gian mạng có những câu như thế này:

Có những con thuyền không cùng neo đậu một dòng sông
Những hàng cây không chung mùa lá rụng
Những chiếc giường không cùng chung giấc mộng
Chẳng thể chạm vào da diết cõi lòng nhau.

Chẳng thể chạm vào. Nên lặng lẽ mà đau
Xin được giấu anh vào tận cùng nỗi nhớ.
Em vẫn cứ yêu anh dù chỉ còn một hơi thở,
Nhắc suốt đời này cũng chỉ bấy nhiêu thôi...(Khuyết Danh)

Thì Mối Tình Câm của Kẻ Si Tình cũng vẫn phải Bập Bềnh nổi trôi chưa biết tới bao giờ?

Tới đây khi tác giả đặt dấu chấm hết cho Bên Lề !Người viết vẫn ngờ rằng chủ thể Anh của tác giả vẫn chưa thể thoát khỏi cảm giác đơn côi trống vắng khi "Xa một ngày bằng triệu mùa đông " dẫu cho đang ở giữa mùa hè chang nắng..Bởi "Nỗi nhớ em cồn cào như biển" Rồi lại tiếp tục như hôm rày vẫn thế "Nơi em ở tôi đi và tôi đến /Cho tháng ngày em sống bớt cô đơn "!

Người viết vừa đứng cùng góc nhìn quan sát với tác giả- Nhà thơ, nhà Khoa Học, Soái Ca,  Diệp Thế Hùng với BÊN LỀ.
Một khúc trên dòng sông tình ít nhiều người viết cũng như phần đông bạn đọc đã gặp những con sóng nhỏ reo trên đó để rồi bồng bềnh đôi phút lãng đãng theo thơ.
Là phụ nữ tuổi đời và vốn sống còn chưa đủ chín chắn. Nhưng rất may mắn bên mình có một bờ vai vũng chãi, một bóng tùng mát rượi chở che, nên những gì người viết cảm nhận về Bên Lề có lẽ còn chưa thật sâu sắc chưa thật chỉn chu trong từng ý thơ mà tác giả Một Tao Nhân đã qua tuổi Thất Thập gửi gắm vào câu chữ.. Âu cũng là lực bất tòng tâm! Người viết rất mong nhận lại từ tác giả cũng như bạn đọc sự bao dung cho những gì chưa được( nếu có) của người viết khi trải lòng vào Bên Lề!

Sài Gòn 30/10/2017
Huỳnh Xuân Sơn

Nguồn Bên Lề : http://www.chimvenuinhan.com/2017/10/ben-le-diep-hung.html?spref=fb

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Đọc Dòng Thác Của Tác Giả Lê Thanh Sơn



Dòng thác

Nhìn dòng nước trong xanh
Trượt thác ghềnh trắng xóa
Bao người xa xứ sở
Trăn trở nhiều bạc nhanh

(18/4/2012 -Lê Thanh Sơn)

Dòng Thác! Bài thơ được sắp xếp ngôn từ theo khuôn khổ một bài Tứ Tuyệt đã được trau chuốt để chuyên chở ý thơ đến với bạn đọc..
Khi bắt gặp tựa đề bài thơ trên trang mạng của tác giả Lê Thanh Sơn người viết đã dừng lại rất lâu với câu hỏi: Tại sao lại là Dòng Thác mà không phải là Thác..
Hồi lâu ngẫm nghĩ từng câu chữ, đã được lựa chọn sắp xếp nên bốn câu thơ, ý tại ngôn ngoại của tác giả đã bước vào tuổi Thất Thập Cổ Lai Hy, thì người viết không thể không chia sẻ những điều mình cảm nhận được cùng bạn đọc:

Đứng bên Dòng Thác tác giả trong vai người quan sát với nhãn quang của tâm hồn thi sĩ mà cảm rằng:
Nhìn dòng nước trong xanh

Vâng! "Dòng nước" ở Dòng Thác này "trong xanh"! Hẳn nhiên nó bình lặng xuôi dòng tìm đường về với biển. Dẫu là sông, là suối, hay con lạch nhỏ, thì nó đều có một điểm chung bất biến như vậy! Câu mở của bài thơ qua đi êm đềm như những gì văn bản thể hiện dưới cái Nhìn của tác giả.
Người viết trôi theo sự bình an "trong xanh " mà xuôi Dòng Thác mang theo nhiều thắc mắc vào với câu thơ tiếp

Trượt thác ghềnh trắng xóa

Động từ "Trượt" đặt ngay đầu câu thơ cùng với sự xuất hiện của "Ghềnh Thác" thì sự bình an "trong xanh" không còn nữa. "sông vẫn rủ sông " cùng về với biển nhưng nào có mãi "xanh trong" mà nay sau cú trượt nó đã thay đổi thành "Trắng xóa"! 
Dòng nước Trượt ?
Dòng Thác Trượt? 
Hay Dòng nào nữa Trượt đây?
Dù cho Dòng nào, hay là bạn là tôi hoặc giả chính tác giả thì chỉ cần một cú Trượt thôi hậu của cú trượt ấy khó có ai định lượng ra được kết quả.
Trong bài thơ này ta theo sợi dây gắn kết của câu mở với câu thơ này thì thì khả năng là dòng nước  sau khi Trượt ra khỏi đáy nước bình địa lao xuống vực sâu tạo thành Thác.
 Bọt tung trắng xóa tạo thành từ sự va đập của nước vào mặt đá. Một số các hạt nước văng xa không có cơ hội trở lại dòng chảy tìm đường về biển cả.. Phần đông chúng sau khi lao xuống tung lên và rơi xuống chúng lại cùng nhau tạo thành "dòng nước trong xanh" bình an xuôi dòng bất chấp phía trước có thể lại gặp Ghềnh Thác...
Chỉ với hai câu thơ ngắn thôi mà tác giả đã chở người viết trôi theo Dòng Thác qua nửa chặng đường của Nó với những ưu tư không dễ giãi bày.
Trước khi vào câu thơ thứ ba người viết nhớ đến lời của nhà giáo học giả Trần Trọng Kim "Trong thơ tứ tuyệt ( 4 câu) “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu thơ ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước”. 
Ở Dòng Thác câu thơ làm nhiệm vụ dẫn dắt ý thơ "trôi như thuyền thuận nước" đó là :

Bao người xa xứ sở 

 Dòng thác đang trong xanh chỉ sau cú Trượt trở thành trắng xóa ! Ghềnh thác này có lẽ do điều kiện địa chất tạo thành, nếu không có động từ Trượt tạo đà thì hẳn nhiên không ai nghĩ khác..
Người viết cũng không ngoại lệ !
Nhưng ở câu thơ thứ ba thì hồn cốt chuyên chở ý thơ ra khỏi Dòng Nước thông thường mà có lẽ ở đây điều tác giả muốn nói cũng là dòng, cũng có ghềnh thác... Phải chăng dòng đời ?
Vâng có lẽ thế! Với lịch sử "Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước" Ông cha ta đã có biết bao nhiêu dòng chảy dịch chuyển, nổi trôi, đình đậu những kiếp người. Từ nông thôn ra thành thị, từ Bắc vào nam, từ nam ra bắc. Đặc biệt có rất nhiều người xa Tổ Quốc ...
Câu thơ thứ ba chở theo một câu hỏi tu từ hỏi mà không hỏi, hỏi mà không ai có thể trả lời! Người viết cũng bất lực trước câu hỏi này nên đành theo tác giả xuôi Dòng Thác vào với câu thơ kết.

Trăn trở nhiều bạc nhanh

 Ai trăn trở? ai? cái gì bạc nhanh? tác giả không nói! 
Nhưng có lẽ không riêng người viết mà còn có rất nhiều bạn đọc nghĩ tới mái tóc pha sương thậm chí màu tuyết của người thân, kẻ sơ quanh mình. Họ vì nhiều lý do phải tha hương và phải chăng trong số họ nhiều người cũng đã đôi lần Trượt....
Viết tới đây người viết thấy văng vẳng câu hát trong Tuồng Hộ Sanh của Đào Tấn

“Lao xao sóng bủa ngọn tùng,
Gian nan là nợ anh hùng phải vay"
Mấy ai xa xứ mà không từng trải gian nan khổ ải? Mà không từn trăn trở ưu tư ? huống hồ nhiều người còn bị Trượt nữa

Người viết tìm thấy sự đồng cảm trong hai câu thơ của Đỗ Phủ  với tác giả với những ai đã đang bị Trượt ...

Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi
 (Gian nan khổ hận đầu thêm bạc
Quặt quẹo đành kiêng chén giải buồn - người dịch Đăng Cao). 

Và sự đồng cảm đến từ đây nữa:

Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương (Thề Non Nước – Tản Đà)

Bốn câu thơ tác giả Lê Thanh Sơn khắc họa ra một Dòng Thác đã có câu trả lời cho thắc mắc của người viết ở phần đầu.
Thác là ghềnh thác nước theo nghĩa thông thường người ta vẫn nghĩ vẫn viết. Nhưng ở đây ngay trong Dòng Thác này còn biết bao thân phận những người xa quê hương bản quán vì miếng cơm manh áo vì trôi theo sự xô đẩy của thời cuộc . Để rồi nơi đình đậu ấy "không như là mơ" Họ đã Trăn trở và nhiều khi bị Trượt... Những cú Trượt ấy  không chỉ sảy ra  một lần, mà là nhiều lần trên đường đời ,nên nó thành Dòng Thác ...
Dòng Thác ấy sâu bao nhiêu, dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu? tác giả không viết. Người viết không định lượng được. Nhưng người viết tin mong và mong rằng bạn đọc cũng tin mong sau những cú Trượt dòng đời lại trở về dòng bình an tĩnh lặng Lắng sâu, để rồi sẽ lại Trong Xanh. Xin đừng như :

Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra (Cắt tóc, 1952 Phan Khôi).

Một Dòng Thác kiệm lời chuyên chở ý thơ không mới. nhưng qua nghệ thuật sắp đặt ngôn ngữ tài tình đã níu tâm tư người viết và có lẽ không ít bạn đọc dừng lại và chiêm ngưỡng. Dòng Thác mà ngẫm cái tình sâu, ý rộng...
Người viết vừa cảm nhận cùng câu chữ của tác giả Lê Thanh Sơn. Với góc nhìn phiến diện một chiều có thể những điều người viết cảm nhận trên đây chưa hẳn đúng với góc nhìn của phần đông bạn đọc cũng như những gì mà tác giả muốn gửi gắm...
Người viết rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả cũng như bạn đọc cho những điều chưa đúng nếu có 

Sài Gòn 25/ 10 / 2017
Huỳnh Xuân Sơn



Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Huỳnh Xuân Sơn mỗi ngày đọc một tứ thơ hay-7

Mỗi ngày đọc một tứ thơ hay-7


Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đãm quá trăng sao lại nhoà
Người ta mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh
Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm. (Quang Huy)

Đây chính là khổ thơ kết trong bài thơ Nỗi Niềm Thị Nở của nhà thơ Quang Huy.

Với hai nhân vật chính “Xứng đôi vừa lứa ” Thị Nở và Chí Phèo thì có lẽ đây là những giây phút đẹp nhất trong cuộc đời của họ.
Thị Nở rút ruột mà nói ra nỗi lòng của kẻ đang yêu và được yêu. Trời đất cũng ủng hộ cho cuộc “mây mưa” của họ đêm nay “trời ở rất cao” không có gì phải ngại. “Sương thì đậm” sáng ra sẽ tan thành nước giúp phần xóa dấu tích của họ. “Trăng sao lại nhòa” như thể dải Ngân hà cũng đồng lỏa mà chở che cho hai người . “ Còn người ta…”ư? Ngay lúc đầu Thị đã không ngần ngại mà khẳng khái rằng “chấp chi miệng lưỡi lắm lời thị phi ” thì bây giờ Thị còn sợ gì đâu mà chẳng “…mặc kệ người ta”…Thị khẳng định chắc nịch “Chỉ em rất thật đàn bà với anh”.

Nhà Thơ Quang Huy đã để cho Nỗi Niềm Của Thị Nở kết ở nơi mà hai người gặp nhau, tìm đến nhau theo bản năng của con người. Nơi này cũng chính là nơi xuất phát ra tình yêu của họ, chí ít cũng từ phía Thị Nở. Thị yêu, Thị “nao nao”, Thị thương Chí Phèo tới mức “Đứt ruột”. Và rồi đỉnh điểm của tình yêu chính là sự dâng hiến. Sau đêm nay…Thị đã không còn là con gái nữa, Thị đã trở thành “Đàn bà” người mà “rất thật với anh”. Dẫu Thị từ trong sâu thẳm vẫn nghĩ tới tiết hạnh của người con gái Á Đông đấy chứ! Vẫn biết đến “Tiết trinh đáng giá ngàn vàng” mà. Trong khi cả Thị và Người yêu Chí Phèo của Thị đều “nghèo rớt mồng tơi”. Nhưng có lẽ cái ham muốn theo bản năng của hai kẻ đang yêu đã lỡ trao cho nhau. Thị chỉ còn biết thốt ra hai từ “thôi rồi”. Quả thật hai từ này nhà thơ Quang Huy dùng thật đăt, bởi có hai chữ “thôi rồi” bản chất của Thị Nở vẫn còn biết mình đã làm gì…? Và có lẽ cũng vì cái sự giật mình mà thốt ra hai chữ “thôi rồi” này, nên “Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm” hay chăng? Có lẽ thế bởi Chí Phèo ra đời cho tới nay hơn 70 năm, nhưng nói đến Thị Nở thì chưa ai phủ nhận tình cảm mà Thị trao cho Chí Phèo qua bát cháo hành giải cảm vào lúc gần sáng năm ấy! Và có lẽ nó sẽ còn được nhớ tới mãi mãi sau này

Hai chữ “thôi rồi” mà Thị Nở thốt ra ở đây, tôi thấy phảng phất câu thơ cũng chính là nỗi lòng của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du :

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa”

Nếu không có cái “giật mình” này Thúy Kiều cũng chẳng khác gì các cô gái “lầu xanh” khác!

Cám ơn nhà Thơ Quang Huy với khổ kết trong Nỗi Niềm Thị Nở đã cho tôi có dịp đồng hành với một góc nhìn rất nhân văn của tác giả về hai thân phận con người cùng khổ của xã hội thời phong kiến vào những thập niên đầu của Thế kỷ 20. Dẫu cho họ xấu tới mức nào, nghèo đói ra sao, họ đã phải làm những việc xấu xa “rạch mặt ăn vạ…cuộc đời đã xô đẩy họ đến chỗ cùng đường… Nhưng tình yêu, tình cảm của họ trao cho nhau đáng để ta phải suy ngẫm.

Sài Gòn 19/3/2014

Huỳnh Xuân Sơn