Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Đọc NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI Của Tác Giả TRẦN NGỌC HÒA (HOA HỒNG)



BÀI CẢM NHẬN CỦA XUÂN SƠN HUỲNH VỀ " NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI "TÁC GIẢ TRẦN NGỌC HÒA (HOA HỒNG)


Thú thật cho đến giờ tôi mới thấy được lỗ hổng kiến thức của mình. Tôi đã biết rằng muốn từ Bắc vô Nam có một quốc lộ 1A hôm nay thông thoáng. Ngày chiến tranh có một đường Hồ Chí Minh trên biển, có một cung đường Trường Sơn huyền thoại. Nhưng cho đến tận bây giờ tôi vừa mới biết ngày chiến tranh tàn khốc ấy có một con đường, hay đúng hơn là Tuyến Lửa 1C. Một tuyến đường độc đạo nối liền giữa miền Đông và miền tây Nam Bộ, Kéo dài từ biên giới nước bạn Cam Pu Chia qua kênh Vĩnh Tế, Hà Tiên,Hòn Đất cho tới kênh Cái Sắn thuộc tỉnh Kiên Giang* Tuyến lửa 1C tuyến đường độc đạo chuyển quân,vận chuyển vũ khí, đạn dược phục vụ cho cuộc chiến… Vậy mà hoạt động trên tuyến đường này lại là lực lượng TNXP gần như 100% là nữ.


Biết được Tuyến lửa 1C là do tôi đọc và thấy như mình còn mắc nợ với bài thơ


NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI.

Trần Ngọc Hòa ( Hoa Hồng)

Người đàn bà ngửa mặt hứng giọt ngâu.
Con cua trong hang quăng ra ngoài tiếng khóc.
Tháng bảy trằn trọc.
Nước mắt người đàn bà
Ướt tháng bảy
Ướt thời gian

Lưng trâu lưng người xuồng ba lá tải hàng.
Tuyến lửa máu vùng đồng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt.
Người đàn bà
Vốc nắm đất ngào nỗi đau đi khập khiễng.
Đồng đội ơi !
Các anh, các chị , các em nằm nơi đâu ?.
Muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu.
Nó cọ rung cành ,máy bay quần trâu bổ nhào bổ ngửa.
Ì đùng.
Chiếc khăn rằn chỉ còn một nửa.
Trôi !
Trôi giữa dòng trôi.

Anh " Chàng Hiu " vác mấy khẩu súng to đùng đi vẹo cả người.
Mấy chị " Kiến Đen " gồng mình lôi chiếc xuồng vượt lộ.
Cò con cõng hòm đạn nặng hơn mình
lội lầy té nhào té bổ.
Chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi
Khóc thương đồng đội
Khóc nhớ đàn trâu đen.
Mùa nước ngập lụt , mùa hạ khô cháy, đìa xì phèn.
Trên đầu
B52 và pháo bầy nã xuống.
Dưới đất
Khói Napal đốt cạn ngày gầy guộc.
Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.


Người đàn bà đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong.
Cò Con, Chàng Hiu, Ễnh Ương, Nhái Cóc.
Tên đồng đội gọi vui nhau trong cái đói giơ xương, lứa tuổi lẽ ở nhà chải tóc
Lẽ đến trường để học.
Lẽ vô tư yêu.
Bảy ngày dầm lung ăn cù nèo bước loạng chọang liêu xiêu.
Ghẻ , lở , lác ,lang ben tàn tạ cái thì con gái.
Tóc xa lược lâu ngày bết bùn đanh lại.
Bàn tay gầy. . .che một bàn năm ngón khẳng khiu.


Người đàn bà nghiêng nón, múc nỗi nhớ múc yêu thương nâng niu.
Rưới lên vạt cỏ vòm cây.
Rưới lên những linh hồn đã cùng chị một thời kinh qua gian khổ.
Kinh qua bão giông cuồng nộ.
Nơi này !
Chị cắm cọc vào tim mình gửi em dưới lũng tràm thưa.
Đắng khúc đợi chờ khản đục tiếng gà trưa.
Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa.
Hài cốt còn không? Hay vụn rữa ?
Bờ kinh ? Hang núi ? Đồng cỏ bàng ?
Dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C. ?


Người đàn bà
Gói kỷ niêm tuổi nhõng đuôi gà bằng sợi tóc bạch kim lặng lẽ kéo về.
Qua Bảy Núi
Qua Mo So.
Qua Hòn Đất
Cất riêng ngăn đồng đội.
Vùng Tứ Giác Long Xuyên xưa ba chìm bảy nổi.
Nay lúa trổ vàng đồng
Cò Con ngày nào giờ tóc trắng như bông.
Chị dang tay ôm đất vào lòng ôm cả bầu trời đầy ngôi sao rực sáng
Đêm Gộc Xây chị ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng.
Gọi vầng dương về
Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê.

Tháng bảy !
Lốc xoáy triền đê.
Khai quật nỗi đau.
Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về.
Nát một ánh nhìn
Đau đáu kéo lê.
Nước mắt người đàn bà
Tuôn . . .
Đỏ miền ký ức

(Tác giả Hoa Hồng)


Đọc nhiều lần bài thơ tự do, với lối viết phóng khoáng, ngôn từ sâu sắc, theo một nhịp thơ gập ghềnh, trắc trở không dễ đọc và cảm nhận hết ý thơ…Mỗi câu thơ, mỗi khổ thơ, chất chứa trùng trùng ý thơ, vừa kịp nhận ra ý này lập tức bóng dáng ý sau xuất hiện…Có thể nói mỗi khổ thơ được tác giả xếp tầng tầng ý thơ trên nền tình thơ , tình người.. Tất cả như một dòng suối trong vắt, ngọt ngào cuốn tôi vào trong lòng thả xuôi theo dòng chảy, chưa hề yên ả. Dẫu tôi chỉ vừa mới biết bơi, tôi sẽ có gắng bơi theo bài thơ này…


Người đàn bà đi tìm đồng đội của tác giả Hoa Hồng mang bóng dáng người cựu thanh niên xung phong trên tuyến lửa 1C Lê Thị Minh Tâm. Không có sự kết nối của tác giả với nhân vật mà tôi hằng kính trọng…Nhưng tôi thấy sự gan dạ, sự dũng cảm , sự kiên cường quả cảm của người lính, một lòng vì đồng đội của người cựu nữ TNXP ấy, trong hình tượng người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội của tác giả Hoa Hồng.


Người đàn bà ấy quanh năm dọc ngang đi tìm đồng đội, nhưng tháng bảy về mỗi bước đi trên những bờ đê lộng gió hòa bình hôm nay. Chị lại thấy “Lốc xoáy triền đê”. Nỗi đau mà chiến tranh gieo rắc trên quê hương, tổ quốc của chị , gieo lên những thân phận con người sống trong thời chiến ấy, Gieo rắc cái chết bi hùng lên những người bạn, người đồng đội của chị năm xưa… Ngày thường mấy khi báo , đài nhắc tới. Chỉ có những nhân chứng một thời, và người thân của họ âm thầm lặng lẽ nhắc nhớ hoặc giả chưa một phút nào quên… ‘Tháng bảy về ..khai quật nỗi đau”. Hai từ “khai quật” mới nhức nhối làm sao? Có ai chôn được nỗi đau bao giờ đâu nhỉ? Cớ sao tháng bảy lại “ khai quật”…


Tháng bảy về , tháng mà người ta hay gọi “tháng tri ân”. Dành tặng cho những người đã để lại một phần máu xương nơi chiến trường, và những người đã ngã xuống…Trong đó có biết bao người lính trẻ đã hóa thân vào đất mẹ, vào lòng biển cả không một nấm mồ…Nghẹn đắng lòng người, khi đọc những vần thơ kết của Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội : “Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về./ Nát một ánh nhìn ./ Đau đáu kéo lê.” “Cơn lốc xoáy”đã “khai quật” được những gì ?mà khiến “nát” và “kéo lê” một ánh nhìn, ánh nhìn ấy phải chăng cũng chính là ánh mắt đau đáu nỗi niềm của “người đàn bà.” Đang “tuôn” không phải là dòng hay giọt nước mắt, mà là “Tuôn…đỏ miền ký ức.” Ánh mắt ấy, nỗi đau ấy, vết sẹo khó liền ấycủa chiến tranh, đã là chất xúc tác ủ dậy men tình người, khiến trái tim của tác giả rung lên những nhịp đập hòa vào trong từng câu chữ, viết ra khúc tráng ca mang tên Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội.

Người đàn bà ngửa mặt hứng giọt ngâu.
Con cua trong hang quăng ra ngoài tiếng khóc.
Tháng bảy trằn trọc.
Nước mắt người đàn bà
Ướt tháng bảy
Ướt thời gian

Vẫn là tại tháng bảy…Tháng bảy đâu làm gì nên tội, mà nó cũng chẳng thể “ trằn trọc”. Có lẽ chỉ có “người đàn bà” đang “ ngửa mặt hứng giọt ngâu” kia là đã bao đêm “trằn trọc”, bao ngày đau đáu với nỗi đau thương của cuộc chiến, gieo rắc những mất mát, không gì bù đắp được cho đồng đội trên tuyến lửa 1C nói riêng và trên khắp các chiến trường nói chung… Người mà tự thấy thân phận chẳng khác gì “con cua trong hang”…Không phải nằm trong đó mà ẩn dật, mà trú thân, mà gặm nhấm mất mát…Ở trong hang mà “quăng ra ngoài tiếng khóc”. Nước mắt người đàn bà ấy chảy bao lâu nay để mà ướt cả thời gian. Uớt cả tháng bảy và ướt nhòe cả trang thơ…


Ướt cái gì? Và ướt bao lâu? Thì những giọt nước mắt của người đàn bà đi tìm đồng đội đều quặn thắt trái tim cả..Huống chi bây giờ là dáng hình chất chứa những giọt nước mắt ấy, lại chẳng thể còn nguyên vẹn nữa, mà từng bước “đi khập khiễng..” . Người đàn bà ấy một thời dọc ngang trên “tuyến lửa máu..” Tháng bảy chị “ngửa mặt hứng giọt ngâu” phải chăng chị ước mong có một cây cầu như “cầu Ôthước” để chị và những người đồng đội đã khuất gặp nhau…

Lưng trâu lưng người xuồng ba lá tải hàng.
Tuyến lửa máu vùng đồng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt.
Người đàn bà
Vốc nắm đất ngào nỗi đau đi khập khiễng.
Đồng đội ơi !
Các anh, các chị , các em nằm nơi đâu ?.

Ám ảnh với hành động “vốc nắm đất” của người đàn bà ấy. Chị đã vốc đất để “ngào nỗi đau..” nỗi đau nào có thể ngào nặn bằng vốc đất nơi “vùng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt” mà có thể vơi được đây?

Tuyến lửa máu ấy,thời chiến tranh với mưa bom bão đạn cũng là thời thanh xuân của chị và đồng đội. Các chị đã tải đạn, tải lương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực hành quân vào hậu cứ với những phương tiện thô sơ “lưng trâu” “xuồng ba lá” và cả “lưng người”. những tấm lưng mà ở tuổi 18 đôi mươi tha thướt “thắt đáy lưng ong”. Cõng trên lưng những hòm đạn với trọng lượng nhiều hơn trọng lượng cơ thể mỗi người…Bom đạn trút xuống con đường độc đạo ấy, bao nhêu đồng đội đã nằm lại…giờ đây để tìm lại một nắm xương tàn mà sao thật khó…Người đàn bà ấy cất tiếng gọi “đồng đội ơi!” các anh, các chị các em nằm nơi đâu? Câu hỏi trong tiếng gọi cất lên từ người đàn bà “đi khập khiễng” như nhấn mạnh thêm khoét sâu hơn vào vết thương lòng của những người lính năm xưa và người thân của người đã khuất…
Bởi là chốn “lung bào” hoang vu khắc nghiệt, nên đâu phải chỉ có bom đạn trút xuống, còn có:

Muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu.
Nó cọ rung cành ,máy bay quần trâu bổ nhào bổ ngửa.
Ì đùng.
Chiếc khăn rằn chỉ còn một nửa.
Trôi !
Trôi giữa dòng trôi.

Nơi chiến trường khốc liết ấy, nơi con đường độc đạo ấy, con người còn có thể nín lặng chứ trâu làm sao im. Mấy ai hiểu được cảnh “muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu”. Trâu còn không chịu nổi làm sao con người chịu? Vậy mà con người với ý chí sắt đá vẫn im lặng chịu đựng nhưng nghiệt ngã ở chỗ mấy con trâu không chịu nổi đã “cọ rung cành”. Tán cây trong đìa, trong rừng bất chợt rung lên…Là mục tiêu cho máy bay trút bom đạn xuống. “ Ì đùng…” tiếng đạn pháo, hay tiếng bom nổ khiến cho “trâu bổ nhào bổ ngửa..” chiếc khăn rằn” trên vai “chỉ còn một nửa”…Còn người quàng nó với một nửa kia trôi về đâu? Giữa “dòng trôi” ấy…
Một khổ thơ với rất nhiều động từ “thổi, cọ, rung, quần, bổ,ì đùng, trôi….đã khắc họa một góc nhìn khốc liệt của chiến tranh mà chị và các đồng đội đã trải qua ngày ấy..

Anh " Chàng Hiu " vác mấy khẩu súng to đùng đi vẹo cả người.
Mấy chị " Kiến Đen " gồng mình lôi chiếc xuồng vượt lộ.
Cò con cõng hòm đạn nặng hơn mình
lội lầy té nhào té bổ.
Chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi
Khóc thương đồng đội
Khóc nhớ đàn trâu đen.

Những tên riêng,biệt danh như :Chàng Hiu, Kiến Đen, Cò Con. Đã phần nào nói lên hình dáng bé nhỏ của các chị vậy mà “vác mấy khẩu súng to đùng vẹo cả người”,cảm động nhất là hình ảnh của họ nhà kiến “lôi chiếc xuồng vượt lộ” và “cõng hòm đạn nặng hơn mình”. Tuyến lửa ấy, nào phải đường mòn hay con lộ cho cam, mà là “lung bào” sình lầy, cây cỏ níu bước, gai cào cây ngáng như vậy thì cảnh “té nhào té bổ” là chuyện thường ngày gặp phải…Nhưng “chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi”, khóc thương đồng đội, khóc nhớ trâu đen.” Các chị là vậy đấy, chẳng phút nào nghĩ cho riêng mình, tất cả lao lên phía trước…mang trong tim bóng hình những đồng đội ngã xuống… nhớ cả bày trâu hôm nào “bổ nhào bổ ngửa”…Những khó khăn gian khổ còn nối tiếp:

Mùa nước ngập lụt , mùa hạ khô cháy, đìa xì phèn.
Trên đầu
B52 và pháo bầy nã xuống.
Dưới đất
Khói Napal đốt cạn ngày gầy guộc.
Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.
Người đàn bà đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong.
Cò Con, Chàng Hiu, Ễnh Ương, Nhái Cóc.
Tên đồng đội gọi vui nhau trong cái đói giơ xương, lứa tuổi lẽ ở nhà chải tóc
Lẽ đến trường để học.
Lẽ vô tư yêu.
Bảy ngày dầm lung ăn cù nèo bước loạng chọang liêu xiêu.
Ghẻ , lở , lác ,lang ben tàn tạ cái thì con gái.
Tóc xa lược lâu ngày bết bùn đanh lại.
Bàn tay gầy. . .che một bàn năm ngón khẳng khiu.

Ba khổ thơ với những câu thơ không dễ đọc dễ cảm. là điểm nhấn cho cả bài thơ…Ba khổ thơ khắc họa những gian nan, nguy hiểm mà các chị đã trải qua ở cái tuổi “lẽ ra ở nhà chải tóc” làm duyên. Lẽ ra ở nhà đến trường…Lẽ ra vô tư yêu..Lẽ ra và lẽ ra…

Nhưng có lẽ nào lại quên đi “trên đầu B52 và pháo bầy nã xuống./ Dưới đất bom napan đốt cạn ngày…” Chưa hết đâu , các chị đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi mơ mộng ở cái thời “bẻ gãy sừng trâu” ấy, mà “bước loạng choạng liêu xiêu” bởi “bảy ngày dầm lung ăn cù nèo..”

Cái đói, chưa đáng sợ với các chị “đang thì con gái”bằng “ghẻ lở lác lang ben..rồi mái tóc “bết bùn đanh lại” bởi lâu ngày “Tóc xa lược..”. Mấy ai hiểu nỗi niềm con gái khi “bàn tay gầy…che một bàn năm ngón khẳng khiu”.

Vậy mà “ Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.” Nghĩ lại thời ấy, những người đồng đội ấy, người chị, người em người bạn ấy…nay vẫn còn đang nằm đâu đó giữa “bưng biền” hay mé kênh, bìa rừng, ven lộ..hoặc dưới lòng những con kênh ngang dọc kia..Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội chỉ còn biết “ đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong”. Có câu “nước mắt đàn ông không rơi thành dòng”. Chứ chưa thấy nước mắt đàn bà nuốt ngược vào trong bao giờ! Thế mới biết nỗi đau mà chị chịu đựng lớn thế nào. Bao nhiêu năm qua chị đã “nước mắt thành dòng” để đến hôm nay sau mấy chục năm, chị không còn nước mắt để khóc, để gào, để gọi “Đồng đội ơi!” nữa…Người đàn bà ấy. cứ âm thầm lặng lẽ đi tìm lại ký ức xưa…để rồi :


Người đàn bà nghiêng nón, múc nỗi nhớ múc yêu thương nâng niu.
Rưới lên vạt cỏ vòm cây.
Rưới lên những linh hồn đã cùng chị một thời kinh qua gian khổ.
Kinh qua bão giông cuồng nộ.
Nơi này !
Chị cắm cọc vào tim mình gửi em dưới lũng tràm thưa.

Người đàn bà quả cảm trong chiến tranh ngày ấy…Chị là chứng nhân lịch sử…Hành động chị “nghiêng nón múc nỗi nhớ, múc yêu thương nâng niu” để mà Rưới…Biết nơi đâu là nơi những “linh hồn đã cùng chị một thời…” yên nghỉ. Những vạt cỏ lùm cây vô tri kia có lẽ chẳng giúp gì được cho chị…Chỗ kia ư? Hay là “Nơi này!” chỗ nào khi xưa chị đã “cắm cọc vào tim mình..” để đánh dấu giữa những “lũng tràm thưa”…Bao năm qua cây cọc trong tim vẫn nhức nhối khi chưa tìm ra nơi mà ngày ấy đã “gửi em” lại..

Đắng khúc đợi chờ khản đục tiếng gà trưa.
Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa.
Hài cốt còn không? Hay vụn rữa ?
Bờ kinh ? Hang núi ? Đồng cỏ bàng ?
Dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C. ?

Khổ thơ với nhịp thơ như gào thét, như căm hờn chất chứa nỗi đau mà mấy ai hiểu được… “Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa”. Bao chàng trai cô gái đã ngã xuống trên tuyến lửa 1C ngày ấy…có sách sử nào ghi lại hay không? Tôi đã từng nghe “cả dòng sông là một nghĩa trang trôi” ( thơ Hải Minh), bởi “đáy sông còn đó bạn tôi nằm. / Có tuổi hai mươi thành sóng nước” ( thơ Lê Bá Dương). Nhưng dọc ngang những con kênh, rừng đước, ven sông, hang núi, hay lung bào mà “ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa” những “bóng hồng liễu yếu đào tơ” thì hôm nay tôi mới biết, và còn được biết thêm:

Tuyến lửa 1C ấy “là nơi sắt thép cũng bị nung chảy tan ra nhưng con người đã đi qua được”. Một trong số đó là Người đàn bà đi tìm đồng đội hôm nay…Với cả tấm lòng và nhiệt huyết như thời còn ngang dọc xông pha xưa..khó khăn sình lầy mùa nước ròng, hay mênh mông mùa nước nổi, chị chẳng quản, chỉ đắng nghét cổ họng với câu hỏi nhức nhối “hài cốt còn không? Hay vụn vữa?

Nếu còn thì đang ở đâu “bờ kinh? Hang núi? Đồng cỏ bàng? Còn có thể tìm lại…Nhưng ngộ nhỡ “dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C” kia thì biết đâu mà tìm. Dòng Thạch Hãn mỗi năm còn một vài bận thả hoa trôi, để nhớ một thời, một nơi từng là địa đầu chiến tuyến…. Gạc Ma, Hoàng Sa cũng bập bềnh những vòng hoa tri ân những năm tháng gần đây…Dọc ngang những con kênh, hang núi, lung bào của tuyến lửa 1C bao người nhớ, ngoại trừ những chứng nhân như chị và người thân của người nằm xuống…

Ôi ! vẫn biết chiến tranh là mất mát, vẫn biết bom đạn, pháo vốn không có mắt…nhưng “Ra đi cả ngàn…” mà “ hy sinh quá nửa” chỉ riêng lực lượng TNXP thì quả thật tuyến lửa này nung chảy sắt thép chẳng hề ngoa…

Người đàn bà
Gói kỷ niêm tuổi nhõng đuôi gà bằng sợi tóc bạch kim lặng lẽ kéo về.
Qua Bảy Núi
Qua Mo So.
Qua Hòn Đất
Cất riêng ngăn đồng đội.
Vùng Tứ Giác Long Xuyên xưa ba chìm bảy nổi.
Nay lúa trổ vàng đồng
Cò Con ngày nào giờ tóc trắng như bông.
Chị dang tay ôm đất vào lòng ôm cả bầu trời đầy ngôi sao rực sáng
Đêm Gộc Xây chị ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng.
Gọi vầng dương về
Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê.

Cò Con vác hòm đạn nặng hơn cả thân mình ngày ấy vào sinh ra tử chẳng màng sống chết…Thưở tóc “nhõng đuôi gà” xả thân ngang dọc tuyến lửa 1C dọc các địa danh từ miền Đông sang miền Tây Nam Bộ…Chiến trường ác liệt nhất cũng là nơi có lẽ nhiều đồng đội chị nằm lại nhất đó là vùng “Tứ Giác Long Xuyên” .Chị “cất riêng ngăn đồng đội” trong trái tim chị đã bao năm để bây giờ khi mà:

Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội hôm nay “tóc trắng như bông”. Trên một địa danh ác liệt ngày ấy với cái tên Gộc Xây đang “ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng” không để cho riêng mình..mà chị muốn những chiến công ấy là vầng mây sáng :”Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê”.

Vâng nhiều còn nhiều và rất nhiều những “liệt sĩ xa quê” còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ, trong lòng biển, hay lòng những con kênh ngang dọc nơi miền sông nước bao la… Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội kính mến ơi!, Chị đã góp một nén hương lòng vào muôn triệu ngọn nến tri ân…mong sưởi ấm những vong linh người ngã xuống còn chưa biết nằm lại nơi nào, trên dọc tuyến lửa 1C nói riêng và trên khắp các chiến trường cả nước nói chung. Tháng bảy, tháng của tri ân với mỗi người dân cả nước. Nhưng với Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội và người thân của những người còn nằm đâu đó chưa về, thì có lẽ với họ không chỉ có một tháng bảy. Mà bất cứ ngày nào? Tháng nào cũng đều là:

Tháng bảy !/Lốc xoáy triền đê./ Khai quật nỗi đau./ Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về./ Nát một ánh nhìn / Đau đáu kéo lê./Nước mắt người đàn bà/ Tuôn . . .Đỏ miền ký ức.

Cám ơn tác giả Hoa Hồng. Đã cho tôi có dịp tìm hiểu và đồng hành cùng với bài thơ Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội.. Có thể với tuổi đời và vốn sống cũng như sự hiểu biết của tôi về chiến tranh còn hạn hẹp…Nên tôi chưa thể cảm nhận hết được những ý thơ, tình thơ mà tác giả muốn gửi gắm… Mong nhận được sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc cho bài viết này nếu có sai sót..
Sài Gòn 21/7/2014
HXS

https://www.facebook.com/search/top/?q=%C4%91%E1%BB%8Dc%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20%C4%91%C3%A0n%20b%C3%A0%20%C4%91i%20t%C3%ACm%20%C4%91%E1%BB%93ng%20%C4%91%E1%BB%99i%20c%E1%BB%A7a%20t%C3%A1c%20gi%E1%BA%A3%20hoa%20h%E1%BB%93ng%20(tr%E1%BA%A7n%20ng%E1%BB%8Dc%20h%C3%B2a

1 nhận xét: