Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Nỗi Niềm






Mây trôi đưa nỗi niềm chiều
Sông nào in bóng bao nhiêu nỗi buồn?
Đục trong không bởi tại nguồn
Thác ghềnh tung bọt trắng muôn giọt đời

Tìm đâu những giọt sương rơi?
In trong đáy mắt thay lời trao nhau
Mưa nào khóc giọt tình đầu?
Cuốn bao thương nhớ nhuộm màu chia ly

Xuân qua hạ đến thu đi
Mùa đông hờ hững nhốt vì sao mai
Chiều buông màu nắng dần phai
Vuốt từng sợi tóc mong ai nhẹ lòng

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Hình Như...





Hình như mù đã giăng mành
Một màu xám ngắt cội cành khẳng khiu
Đông vừa khẽ gọi mùa yêu
Mang theo gió lạnh với nhiều đêm sương…

Hình như Thu vẫn vấn vương
Mùa đông ngày ấy sông Thương cạn lòng
yêu thương… Mù khắp khoảng không
Gió từ phương bắc lạnh lùng bủa vây…

Hình như ngày ấy đâu đây
Hình như lời ấy chưa say bao giờ
Hình như Thu vẫn đang mơ
Mùa đông không lạnh đang chờ đón ai! 


Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

ĐÀ LẠT ƠI!



Đà Lạt Ơi

Đà Lạt ơi!
Xe đang lên đèo
Vi vút gió reo
Kỷ niệm đón tôi nơi ngàn thông thẳng
Nghiêng bóng mình xuống những con đường cong.
Bên Hồ phẳng lặng Xuân Hương
Nàng Thanh Thủy khoe sắc
Màu tím Panse quyến rũ đợi chờ!

Đà Lạt ơi !
Ngày ấy…
Một dòng suối nóng bỏng, khát khao
Một ly cà phê đặc sánh tỏa hương
Hay ánh mắt buồn bối rối.
Hương vị nào sưởi ấm lòng anh?
Xe đạp đôi tròng trành
Hay khung trời se lạnh
Đưa ta lại gần nhau?
Mimosa ở đâu ?
Nụ hôn xưa gửi lại! có còn ?

Đà Lạt ơi!
Langbiang cao vời
Tình yêu ngày nào khoe sắc lá non tươi
Sóng đôi
Lên cao lên cao uốn khúc
Mơ màng
Gió lồng lộng thổi
Dìu bước
Hai người bạc thếch gió sương
Cùng dõi mắt nhìn về dĩ vãng…
Đôi tình nhân tươi trẻ
Tay trong tay
Hạnh phúc ngọt ngào !


Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Tâm Tư Thầy Giáo Già Phạm Mộ Đức Qua Bài Thơ Di Chúc Thứ Nhất Cho Con -Huỳnh Xuân Sơn

(Nụ cười của tác giả  khi nghe xong chính là niềm hạnh phúc của Xuân Sơn xin chia sẻ cùng quý vị)

Chiều nay lãng đãng theo thơ để rồi bắt gặp nỗi trở trăn suy tư hoài niệm của một thầy giáo già đã ngoài bảy chục tuổi, viết Di Chúc Thứ Nhất Cho Con. Thầy giáo già muốn gửi gắm, muốn căn dặn… Và bao nhiêu tâm ý được ông gửi gắm vào câu chữ thật xúc động:
Di Chúc Thứ Nhất Cho Con


Ba để lại cho con một cây thước gỗ
(tấm huy chương giáo dục ba tự tặng cho mình)
Nó ghi dấu những nhạt- nồng -cam -khổ
Trong quãng đời phấn trắng- mưu sinh

Nó là cây thiền trượng
Đã cùng ba mải miết
Đi bón chăm cây lễ nghĩa cho đời
Đi ca hát những thăng trầm đất việt
Những nhục vinh công tội kiếp người

Nó là cây Thiết Bổng
Không phải để trừ ma –diệt quỷ
Mà chỉ để giúp ba
Những lúc muộn phiền
Khi ngả lòng
Nộ khí xung thiên
Đứng vững giữa đàn con lêu lổng

Nó là cây gậy trúc
Cùng ba trên đường lên xuống lớp
Tìm ngôn từ cho những ý thơ
Hay suy ngẫm những cảnh đời trong đục
Những tang thương
Hưng phế
Bất Ngờ

Nó là cây dầm bát nhã
Giúp ba chèo vượt biển buồn vui
Vừa kiếm áo cơm
vừa hành đạo trồng người
Vừa gõ nhịp hát bài ca tiếu ngạo (Phạm Mộ Đức)

Một bài thơ tự do dài, được tác giả gửi gắm tâm tư tình cảm nỗi niềm của một người Thầy. Trải qua những sóng gió bể dâu thời cuộc, cũng như những thăng trầm trong cuộc sống...Tuổi xế chiều nhìn lại ông thấy vật quý giá nhất bên mình chính là "cây thước gỗ" và ông muốn "để lại cho con" cùng với lời căn dặn mà như lời tự sự của chính ông vậy :
(tấm huy chương giáo dục ba tự tặng cho mình)/ Nó ghi dấu những nhạt- nồng -cam -khổ./Trong quãng đời phấn trắng- mưu sinh
Cả cuộc đời làm nghề đưa đò tri thức, hơn bốn mươi năm có biết bao thế hệ học trò được ông truyền thụ kiến thức. Cuộc đời làm thầy của ông bắt đầu từ những năm 67 của thế kỷ trước, trải qua biến cố mậu Thân và suốt cuộc chiến cho tới năm 1975. Đất nước thay đổi ông vẫn bám trụ với nghề thầy. Ông viết về"Quãng đời phấn trắng mưu sinh". Chính vì hai chữ "mưu sinh"đi cùng tấm lòng nhiệt huyết của một đời làm Thầy, nên chẳng có gì lạ khi cây thước này "ghi dấu những nhạt- nồng- cam- khổ" của cuộc đời ông.
Sau cột mốc 1975 những thầy giáo như ông khó khổ chung với sự thiếu thốn của thời bao cấp. Nhưng người thầy còn khó khổ hơn bởi "giấy rách phải giữ lấy lề". Một người làm cán bộ, kỹ sư ra đường có thể mặc chiếc áo rách, đi đôi dép đứt, nhưng người Thầy lên lớp giảng bài trước mặt học trò, ra đường không thể….khó chồng thêm khó chất lên vai người Thầy
Nhưng với tác giả- một người Thầy- đã có đủ "nhạt nồng cam khổ" thì cuộc đời nhà giáo vẫn tiếp diễn :
Nó là cây thiền trượng/Đã cùng ba mải miết/ Đi bón chăm cây lễ nghĩa cho đời./Đi ca hát những thăng trầm đất việt./Những nhục vinh công tội kiếp người
Cây thước gỗ giờ đây là "tấm huy chương giáo dục ông tự tặng cho mình". Nhưng một thời nó đã "là cây thiền trượng" là biểu tượng,là điểm tựa tâm linh, giúp ông vượt qua những sóng gió, thác ghềnh của cuộc sống .
Những lời ông căn dặn con ở khổ thơ này, sao nghe day dứt trong lòng. Với cuộc sống của người Thầy thôi mà sao ông phải dùng cây thước gỗ ấy ví với một cây thiền trượng của các bậc cao tăng , hay là các vị thần thông trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung để mà đi "chăm bón cây lễ nghĩa cho đời" và cùng "những thăng trầm đất Việt" chưa hết cây thiền trượng còn giúp người thầy đi qua "những nhục- vinh công -tội kiếp người".Bài thơ vẫn còn tiếp với những lời căn dặn của ông :
Nó là cây Thiết Bổng. ./Không phải để trừ ma –diệt quỷ./Mà chỉ để giúp ba./Những lúc./muộn phiền./Khi ngả lòng ./Nộ khí xung thiên./Đứng vững giữa đàn con lêu lổng
Nỗi lòng của một người Thầy trải qua những năm tháng sóng gió của cuộc đời, đâu chỉ có những thăng trầm ngoài xã hội, với những biến cố của thời cuộc, ông đã cần đến Cây Thiền Trượng. Giờ đây khi trở về với gia đình, với cuộc sống của người chồng, người cha, ông vẫn phải cần đến cây thước gỗ, lúc này cây thước phải chăng là "cây thiết bổng" của Tề Thiên Đại Thánh mới giúp ông vượt qua được những khó khăn của đời thường. Để làm tròn bổn phận người chồng , người cha và giữ tròn trọng trách một người thầy trong xã hội .
Vượt qua được tất thảy những khó khăn ấy. Và đây là khi cây thước gỗ làm công việc nhẹ nhàng nhất, khi nó chỉ phải cáng đáng công việc của một "cây gậy trúc", và "cây dầm bát nhã" để song hành cùng tác giả trong khổ cuối của lời căn dặn :
Nó là cây gậy trúc./Cùng ba trên đường lên xuống lớp./Tìm ngôn từ cho những ý thơ/Hay suy ngẫm những cảnh đời trong đục./Những tang thương ./Hưng phế./ Bất Ngờ
Nó là cây dầm bát nhã./Giúp ba chèo vượt biển buồn vui./Vừa kiếm áo cơm ./vừa hành đạo trồng người./Vừa gõ nhịp hát bài ca tiếu ngạo
Tới đây có lẽ cây thước gỗ cũng đã làm nhiều thiên chức quá sức của nó rồi, nên tác giả cho nó trở về với những công năng bình dị vừa sức của nó. Đồng hành cùng nó lúc này là tác giả chủ nhân của nó cũng đã thong dong trên đường tới lớp, hay trên đường đi tìm ý thơ. Cây gậy trúc sẽ nhàn hạ chỉ đôi khi gặp những "tang thương"những "hưng phế" và đôi khi là "bất ngờ" mới phải dùng đến.
Cây thước gỗ của nhà giáo, được ông trân quý cả cuộc đời, với bao sóng gió, trồi sụt trong biển buồn vui của nghiệp đưa đò. Khổ kết của bài thơ ông viết cây thước này chính là cây dầm bát nhã đã giúp ông…. Ba câu thơ cuối với ba chữ vừa…dẫn người đọc cập bến bình yên và chia sẻ với ông về sự "vừa lòng" khi ông đã trọn nghiệp Thầy cho mình!

Một bài thơ tự do được tác giả sử dụng biện pháp "mượn vật tả tình" đã đưa ta theo suốt cuộc đời nhà giáo hơn bốn mươi năm của ông . Cây thước gỗ chính là biểu trưng cho nghề nghiệp mà ông đã chọn. và cũng chính nghề giáo với những khuôn mẫu mực thước của nghề nghiệp đã giúp ông giữ mình vượt biển đời sóng gió bình yên.
 Cây Thước Gỗ là tài sản ông di chúc lại cho con? "Bản thân Biểu trưng này không phải là gia sản kếch sù, không  có giá trị về vật chất, nhưng nó là tài sản vô giá bởi nó là Biểu Trưng cho một đời sống thach bạch, là nhân cách sống thanh cao, ngay thẳng, mực thước. Nó còn là kỷ vật của một đời dạy học bần hàn của nghiệp  làm Thầy" Qua đó ông muốn nhắn nhủ, căn dặn  các con và phải chăng cũng chính là lời tâm sự ông muốn gửi gắm cho thế hệ thầy cô giáo trẻ hôm nay, sinh ra và lớn lên, vào nghề trong một đất nước yên bình. Dẫu vậy vẫn cần và rất cần giữ trọn đạo đức khuôn mẫu và mực thước của người thầy.
Sài Gòn 19/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Thung Lũng Tình Yêu




Thung lũng tình yêu
Ta sánh bước
Trên những con đường gập ghềnh
Khi xuống, lúc lên
Ngoằn ngoèo uốn theo những khúc quanh
Tìm đích đến của tình yêu
Màu nhiệm

Ta đã đi
Trong sương mai nắng sớm thơm nồng
Hương rừng thông xa ngái
Gió đưa lá nhỏ tiếng reo
lên cao, lên cao, cao mãi
Em đưa tay
đón cánh lá đang bay
Mỏng mảnh
Hanh hao khô gầy…
Anh cúi xuống
Nhặt trái thông khô
Không còn nguyên vẹn
Cùng nhìn về phía xa...
con đường rộng mở
Bầu trời vời vợi trong xanh…
Nào ta cùng cất lá quả vào chốn hoang liêu
Tình yêu long lanh
Đang chờ…
Nơi ấy

Mình bên nhau
Cuối bờ thung lũng
Lấp lánh những giọt sương
Rặng liễu ngả nghiêng quyến rũ
Ngọt ngào làn nước thung sâu
Tiếng gió đồi cao vang vọng
Gọi mời…
Nắng dang rộng vòng tay
Ôm cánh rừng Mimosa
Vàng tung nhan sắc
thủy chung
Tình yêu bất diệt
Vĩnh hằng!

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn



Khi nói đến Hà Giang là nói đến Cao Nguyên Đá Đồng Văn, đến Cổng Trời Quản Bạ, đến cột cờ Lũng Cú, Đến Núi Đôi, đến sông Gâm, những thửa ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch và đặc biệt là phải nói đến chợ Tình Khau Vai, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc H’Mông, Giáy,Tày, Nùng, Giao…
Tôi và có lẽ nhiều bạn đọc dầu chưa chứng kiến nhưng đã nghe, đã đọc rất nhiều những lời thơ, câu hát, chuyện kể, về phiên chợ họp chỉ duy nhất một đêm vào 26 tháng ba hàng năm này. Chợ tình, nơi dành cho những chàng trai, cô gái các dân tộc ít người, đã yêu nhau mà không đến được với nhau. Dẫu đã có vợ, có chồng nhưng hàng năm họ vẫn đến chợ để gặp lại nhau. Một đêm cho người tình cũ, dù già, dù trẻ. Đó là nét văn hóa đặc trưng và cũng là phần đông nội dung những câu chuyện tình được người đi họp chợ mang tới Khau Vai từ xa xưa tới nay.
Chuyện Tình thì muôn màu muôn vẻ. Mỗi người, mỗi chuyện tình có những lý do riêng để mà dang dở, để mỗi năm họ có một đêm “danh chính ngôn thuận” đến với nhau. Trong ngàn vạn triệu câu chuyện ở chợ tình Khau Vai, nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn gặp một câu chuyện khiến cho người đọc rưng rưng cảm động. Câu chuyện ấy có tên:
Chuyện Tình Khau Vai.

Đôi dép đặt lên tảng đá
Lão như nấm bấy từ lâu
Ngựa già leo từ Quản Bạ
Chờ ai dáng điệu âu sầu?

Lão đổ chai rượu lên đầu
Cho cái tay già nó uống
Năm qua hắn nhổ tóc sâu
Sao giờ vẫn không thấy xuống!?

Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…
Trèo non, vượt đá… mòn chân
Đường rừng đói ăn, khát uống
Khau Vai gặp lão bao lần

Nén hương khói quyện phân vân
Kèn lá o e lão thổi
Ngón vê đứt ruột sầu thương
Lão khóc người tình suốt tối

Đắng cổ rượu không nuốt nổi
Núi xa…! Hắn nhắm mắt rồi!
Rừng hoang cây ngừng gió thổi
Cao nguyên như lão… đang trôi!(Hà Nội, 20-4-2014 Nguyễn Lâm Cẩn).
Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn không bắt đầu bằng rượu ngô rót tràn bát, bên chảo Thắng Cố nghi ngút khói bay từ buổi chiều tà cho đến đêm khuya khi đã ngà ngà say, họ mới từng đôi tản vào các vách núi ngồi bên nhau tình tự…Mà bắt đầu bằng hình ảnh:
Đôi dép đặt lên tảng đá
Lão như nấm bấy từ lâu
Ngựa già leo từ Quản Bạ
Chờ ai dáng điệu âu sầu?
Chủ thể ngôi thứ nhất của nhà thơ không còn gắn với đại từ nhân xưng, Chàng hay Anh nữa mà đã là Lão, thê thảm hơn với những hình dung từ nhà thơ dùng đặc tả: đã Lão, lại còn “như nấm bấy từ lâu”. Lão đã đến đây trước người tình. Bởi Lão đang “chờ ai dáng điệu âu sầu”. Hình ảnh, điệu bộ nôn nóng của Lão đang ngóng chờ ấy, có lẽ đã thu hút cái nhìn của nhà thơ và phải chăng nhà thơ bắt gặp hình ảnh Lão đặt đôi dép “lên tảng đá”, dép có đôi, hẳn nhiên người đặt nó hy vọng đêm nay mình cũng có đôi. Chưa hết ngay cả bác ngựa leo đến đây từ Quảng Bạ, cũng được gắn theo chữ già.(Xin phép nhà thơ phải gọi bằng bác vì hai chữ Ngựa già không thể là chú ngựa .. ) Ba câu thơ mệt mỏi đặt trước một câu hỏi mà như ta thán “chờ ai dáng điệu âu sầu” khiến cho Chuyện Tình Khau Vai vừa mở ra thôi, đã dẫn người đọc bước vào thế giới nội tại như một khu rừng hoang lạnh chứ không phải là nơi chợ tình khiến người đi chợ nôn nao rạo rực nữa… Dù hoang lạnh, dù thấy ám ảnh một chuyện tình không trọn thì cửa đã mở ta bước vào thôi!
Lão đổ chai rượu lên đầu
Cho cái tay già nó uống
Năm qua hắn nhổ tóc sâu
Sao giờ vẫn không thấy xuống!?
Ngôi thứ hai Hắn đã xuất hiện trong thơ của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn, nhưng việc làm của Lão thì lại làm ngỡ ngàng người đọc. lão mang chai rượu ra không uống như người khác, mà lại “đổ chai rượu lên đầu”. Ắt hẳn là đầu Lão nhưng Lão lại muốn “cho cái tay già nó uống”. vì “Năm qua hắn nhổ tóc sâu”. Trời ạ! Chỉ có con tim và lý trí của những kẻ đang yêu và nhớ đến cuồng điên mới có ý nghĩ và hành động như Lão của nhà thơ được.
Hắn và Lão gặp nhau ở phiên chợ trước, kỷ niệm đẹp lưu lại trong Lão không phải nụ hôn, cái nắm tay, tiếng kèn lá hoặc giả một ánh mắt …mà lại là hình ảnh “Hắn nhổ tóc sâu”. Đôi tay hắn nhổ tóc sâu thì bây giờ Lão cho “tay già nó uống”. Rất công bằng và rất tình, phải chăng đó cũng là cách suy nghĩ khi trao tình cảm cho nhau của người dân tộc thiểu số vùng cao.Lão có lẽ đã “chờ ai dáng điệu âu sầu” lâu lắm rồi và rượu mang theo Lão cũng đã đổ lên đầu mong thỏa cái nhớ. Nhưng sao tới tận bây giờ vẫn không thấy Hắn xuống!?. Lão lại bồn chồn mà ngóng chờ tiếp thôi… Viết tới đây tôi ước mong được động viên Lão rằng: Được chờ đợi, đôi khi lại cũng chính là niềm vui và hạnh phúc đấy, rằng Lão có biết sinh thời ông nhà thơ Hồ Zếnh đã từng ao ước:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.
Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân.
Ngó trên tay điếu thuốc cháy lụi dần.
Anh sẽ nói gớm sao mà nhớ thế”! (Nhớ- Hồ Zếnh)
Vẫn biết ở đời ước thì cũng chỉ là ước thôi! Lão của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn thì vẫn đang ngóng đợi. Càng ngóng đợi thì nỗi nhớ càng trào dâng và đây là những điều hằn sâu, in đậm trong tâm trí Lão lúc này:
Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…
Trèo non, vượt đá… mòn chân
Đường rừng đói ăn, khát uống
Khau Vai gặp lão bao lần
Một khổ thơ với những ngôn từ bình dị nhất có thể, để chất lên đó sự dài dằng dặc của thời gian và sức nặng của chữ Tình mà Hắn dành cho Lão. Liên tiếp những động từ gắn với danh từ được sắp xếp theo một nhịp điệu khúc khuỷu gập ghềnh như con đường len lỏi qua những vách đá, hay rừng rậm mà Lão và Hắn mỗi năm phải vượt qua, để đến được chợ Tình Khau Vai. Đôi chân có thể mòn, nhưng có lẽ tình cảm và nỗi rạo rực thì mỗi năm mỗi lớn hơn.
Một năm chợ chỉ họp một lần, có lẽ không chỉ mình Lão từ khi cuộc tình dang dở tới nay vẫn mong ngày tới chợ, mà Hắn của Lão cũng vậy. Bốn câu thơ trên đã nói đủ, nói hết về cái tình của Hắn dành cho Lão, suốt từ thời lão còn là chàng trai thổi kèn môi, kèn lá gọi Hắn và Hắn còn là cô gái thổi kèn lá đáp lại… Vì đâu, vì sao mà họ không đến được với nhau điều đó có lẽ hai người họ đã đào sâu chôn chặt trong một hốc đá nào rồi. Xin hãy để nó ngủ yên trong đó. Chỉ có điều chắc rằng từ đó mỗi năm họ đều về gặp nhau ở Khau Vai cho tới tận bây giờ.
Đợi chờ, có lẽ Lão đã mơ thấy Hắn xuất hiện trước mặt nhiều lần. Hoặc giả mỗi khi Lão thấy thấp thoáng bóng người xuống núi từ phía xa xa, hay khi nghe thấy tiếng kèn môi, kèn lá vang lại đâu đó giữa muôn vàn những âm thanh rạo rực của chợ tình mỗi lúc một đông. Nhưng không!
Nén hương khói quyện phân vân
Kèn lá o e lão thổi
Ngón vê đứt ruột sầu thương
Lão khóc người tình suốt tối
Tiếng kèn lá ngày này năm trước và những năm trước, trước nữa… Lão thổi dìu dặt và tha thiết lắm, nay chỉ còn âm thanh o e đứt quãng mới sầu thảm làm sao? “Nén hương khói quyện” cho ta biết đó là khởi nguồn của “ngón vê đứt ruột sầu thương”. Lão đã hy vọng để giờ đây phải tuyệt vọng trong tiếng nấc nghẹn ngào “khóc người tình suốt tối”. Lão đến chợ Tình với niềm thương nỗi nhớ bồi hồi mong gặp lại người cũ. Cũng chỉ là “nhổ tóc sâu” ôn cố, tri tân, như bao năm rồi vẫn thế. Cái tình xưa cũ không duyên phận vẫn có chữ tình đeo mang để rồi giờ đây tất cả chỉ trong phút chốc sụp đổ xuống vực sâu .
Đắng cổ rượu không nuốt nổi
Núi xa…! Hắn nhắm mắt rồi!
Rừng hoang cây ngừng gió thổi
Cao nguyên như lão… đang trôi!
Cú sốc và sự mất mát quá lớn đến với Lão khi biết tin “Hắn nhắm mắt rồi!”.Tự đáy lòng Lão có lẽ đã chết đi một khúc tơ duyên, Nỗi đau trào lên khiến rượu trở thành vị đắng, mà có lẽ đời Lão chưa thấy đắng thế bao giờ, làm sao mà “nuốt nổi”. Tin dữ về từ Núi xa…lan theo những vách đá, vọng theo tiếng rừng âm u dội ngược vào tâm hồn ủ rũ và trái tim quặn thắt của Lão. Sự mất mát quá lớn này có lẽ đã đánh gục Lão. Chân Lão vẫn còn đang bám trụ trên mặt đất, mặt đá. Mắt Lão vẫn hướng ra xa cuối con đường cheo leo vách đá, bên những cánh rừng âm u hoang lạnh. Tai Lão vẫn đang nghe thấy những âm thanh hỗn độn từ chợ dội lại. Nhiều nhất trong mớ âm thanh ấy có lẽ là tiếng thì thầm của cây rừng, của gió ngàn như muốn an ủi Lão. Thân xác lão vẫn còn đây, nhưng trái tim Lão, tâm trí Lão đang bồng bềnh đâu đó trên chín tầng mây cao vời kia. Cao nguyên đá đang trôi như Lão ư! Không! Chỉ là Lão cảm thấy vậy thôi, Nó đang đứng đấy như từ ngàn năm trước vẫn vậy. cũng như chợ Tình Khau Vai trước mặt Lão vẫn đang vui nhộn theo nỗi niềm rạo rực của hàng ngàn trái tim, trai gái các mường hòa với tiếng kèn môi, kèn lá dìu dặt đang được cất lên gọi bạn tình.
Đêm chợ tình Khau Vai rồi cũng trôi qua, bình minh sẽ đến. Mỗi người lại trở về với cuộc sống thường nhật cùng người chồng, người vợ của mình suốt cả năm, để rồi chợ phiên sang năm họ lại rạo rực tìm tới..Chợ phiên năm nay đã thiếu đi một người và ít nhất đã kết thúc một chuyện tình. Sang năm chợ sẽ lại thiếu đi ít nhất một người nữa…!
Chuyện Tình Khau Vai sẽ còn tồn tại mãi mãi với thời gian! Bởi nó đã được nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn ghi lại như một nét đẹp văn hóa, một nỗi niềm sâu nặng….Bằng những vần thơ viết theo thể thơ sáu chữ, mượt mà nhưng vẫn tuân thủ niêm luật, trên nền âm điệu nhịp nhàng, chuyển tải nội dung, cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư của người trong cuộc đến với bạn đọc gần xa.

Sài Gòn 4/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Khi Mùa Đông Vừa Rớt


Mùa đông vừa rớt trên tay
Xúi chi con Sáo lẻ bầy bay xa
Nhỡ mai gió lạnh sương sa
Khuất che một bóng trăng tà cuối sông

Vội chi khi bước theo chồng
Bỏ quên mấy bận mênh mông hẹn thề
Trầm ngâm ngắm mấy cơn mê
Quên bao năm tháng bộn bề đón đưa

Từ khi áo mỏng thôi mưa
Lay cành liễu rủ cho vừa nhớ nhung
Gió đông giờ đã ngại ngùng
Đào khoe yếm thắm tương phùng mấy ai ?

Mùa đông vừa rớt hiên ngoài
Chợt lòng ngân khúc "U hoài ngàn năm"


Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Khi Mùa Thu Trở Lại



Có một chút nắng vàng
Khi mùa thu trở lại
Phả mơn man trên đôi má thơm nồng
Có phải em là nắng thu năm trước
Hẹn nhau về
Đưa chim ngói sang sông

Có một chút gió vàng
Khi mùa thu trở lại
Luôn mang theo hương cốm lúc giao mùa
Để mây trời
Bay mãi tự nghìn xưa
Về lay động chút tình si
Thời trẻ dại

Ánh mắt chợt thoáng buồn
Khi mùa thu trở lại
Nẻo quan san sương khói vẫn đợi chờ
Chuyện tình buồn
Sao không đến trong mơ?
Phai màu áo
Và phai luôn giao ước

Những chiếc lá trở mình
Khi mùa thu trở lại
Nhẹ nhàng rơi khi sắc đã hanh vàng
Anh vẫn biết
Xa nhau là mãi mãi
Bởi cuối trời
Mây gió vẫn lang thang

Biển có rộng, Sông dẫu dài
Ta vẫn chờ nhau khi mùa thu trở lại




Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

NHƯ MỘT LỜI CẦU MONG



Tác giả Hồ Ngọc Dũng hiện tại đã không còn cử động được nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Ai gọi điện đến có người áp ĐT vào tai ông vẫn nói chuyện được... Xuân Sơn đăng bài tản mạn của Tác giả Nguyễn Tuấn Vũ như một lời cầu mong ông sẽ thêm một lần tai qua nạn khỏi...

Tản mạn về hồi kí tuổi học trò của Hồ Ngọc Dũng

Hôm nay 22 tháng mười buổi sáng ngoài trời nắng lên vàng nhẹ trải dài trên con phố kéo sang ngã sáu đường Lý Thái Tổ .8 giờ sáng, tôi đang pha trà thì chuông điện thoại réo. Vì đang giở tay nên tôi không nghe. Tiếng chuống lại réo, lại rung nên ... làm làm tôi sốt ruột, bắt máy. Đầu bên kia có tiếng khóc nức nở..
-Chú ơi, cháu Huỳnh Xuân Sơn đây. Chú Ngọc Dũng bị tai biến não nữa rồi. Cháu vừa nói chuyện với chú ấy, giọng chú Dũng ngọng và yếu lắm.

-Cháu cứ bình tĩnh. Chú biết chuyện này từ hôm qua, khi nói chuyện với con trai chú trên đường đưa chú từ bệnh viện Huế trở về.

Sở dĩ Xuân Sơn gọi cho tôi vì giữa tôi và cô ấy là người chắp cánh cho hồi ký đời học trò của Ngọc Dũng đến với độc giả.

Cách đây ba năm tình cờ vào mạng tôi thấy hình ảnh một ông già tóc bạc như một ông tiên ngồi trước máy tính. Tôi tò mò vào trang Ngọc Dũng Lý Hòa và đọc được hồi ký đời học trò của tác giả viết rất hay. Câu từ nhẹ nhàng làm nổi bật về tuổi học trò của cậu bé Ly cùng với thăng trầm của một thời đại. Từng chương từng chương cuốn hút tôi khiến tôi mê mải đọc. Cái kết của tập hồi ký là một giấc mơ đẹp có hậu với tình nghĩa vợ chồng, con cái khi gặp lại mối tình đầu. Tuy nhiên tập hồi ký viết còn sai nhiều lỗi chính tả và những phương ngữ vùng miền... Tôi đã cóp cả tập hồi ký vào máy âm thầm chỉnh sửa câu từ. Có những từ tôi phải tra từ điển để sửa cho chính xác. Tôi sửa cả cách trình bầy mỗi chương cho rõ ràng. Làm xong tôi thở phào nhẹ nhõm và lên mạng xin ý kiến tác giả cho in tập hồi ký ra để bạn bè và con cháu đọc, để thế hệ sau hiểu được những gian truân tuổi học trò từ thời cải cách ruộng đất. Tôi hy vọng sau khi đọc tác phẩm lớp trẻ có thể học được nghị lực vượt qua khó khăn gian khổ hòa nhập với đất nước xây dựng một tương lai tươi sáng.Tác giả rất vui và đồng ý khi tôi gửi lại bản đã chỉnh sưả để ông xem.

Từ khi tập hồi ký được in cả gia đình tôi với gia đình ông đã trở nên thân thiết. Thỉnh thoảng mọi người lại cùng nhau nói chuyện qua W.C.Nhất là mẹ tôi và cô em út rất quý tác giả và cảm phục nghị lực của Ngọc Dũng.Một người ngoài 70 tuổi đã vượt qua tai biến mạch máu não , hiện bị liệt nửa người nhưng vẫn làm thơ giao lưu trên blog.

Bỗng một ngày tôi nghe Ngọc Dũng thông báo Huỳnh Xuân Sơn đọc hồi kí đời học trò của ông và bị cuốn hồi kí cuốn hút. Cô gái trẻ này đã chuyển thể nội dung cuốn Hồi Ký ra 2014 câu song thất lục bát trong vòng mười ngày và chỉnh sửa nữa thành một tháng.Tôi cảm phục sự NHẬP VAI như lên đồng của cô ấy.Tất cả 2014 câu thơ ấy mang đầy đủ hồn cốt cuốn sách, từ những nhân vật đến địa danh đều có đủ. Tôi không hiểu cô ấy ăn lúc nào, ngủ lúc nào và thở lúc nào nữa... Có lẽ hiện tượng này nên ghi vào kỉ lục ghi nét VN.Ngọc Dũng mừng đến rơi nước mắt. Ông nói trong nghẹ ngào:

-Cám ơn cháu đã đồng cảm và nhập vai để cho tác phẩm của chú có chỗ đứng trong lòng độc giả.Cuộc đời chú chỉ còn mong muốn gặp được cháu, chú Tuấn Vũ và nhìn thấy tập hôì kí chuyển thể thành thơ.

Chúng tôi hẹn vào thăm ông mà cứ lần lữa mãi. Cuối cùng thì cả 3 người chưa gặp mặt nhau.Để đến hôm nay Xuân Sơn nức nở và ân hận vì tập Hồi Ký đã xin giấy phép nhưng lời tựa chưa hoàn thiện. Bởi lẽ khi Xuân Sơn gửi tôi xem thì tôi góp ý nên giới thiệu ngắn gọn.Và vì Xuân Sơn muốn Ngọc Dũng có nghị lực và ý trí sống kéo dài để mong nhìn thấy sách.Tôi có nói với Xuân Sơn hãy in gấp cuốn sách để gửi cho ông. Biết đâu nhìn thấy sách lại chính là liều thuốc tiên để ông vượt qua bệnh tật.Tôi còn thông báo cho Nam Chung, Đức Tâm (bạn ảo từ yahoo)động viên ông nữa.

Thế là như tia chớp, Xuân Sơn đã cho in cuốn sách với bìa ngoài là hình ảnh ông ngồi trước máy tính trong một rừng hoa mầu hồng nhạt. Còn ảnh tác giả thì Xuân Sơn ý tứ in nhỏ ở trang cuối. Cám ơn cô bé, cám ơn Xuân Sơn người có tâm hồn thẩm thấu thơ hay, luôn cảm nhận được nét đẹp trong cuộc sống và là một người hết sức tử tế.Ở đây tôi muốn cám ơn anh Huỳnh Kim Thạch- người bạn đời của Xuân Sơn luôn ủng hộ và đồng hành cùng cô ấy. Khi biết tin Ngọc Dũng đột quỵ lần 2 và có nguyện vọng muốn gặp Xuân Sơn. Anh đã giục vợ in sách và ra ngay bằng xe nhà với Ngọc Dũng .Nhưng Xuân Sơn lại muốn gửi sách trước rồi cô sẽ ra thăm ông sau để ông có cái mà ước mơ, mà cố gắng. Hãy cố lên Hồ Ngọc Dũng.Chúng tôi luôn ở bên ông.

Bắc Ninh 22/10/2014
Nguyễn Tuấn Vũ

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Khi Mùa Đông Về


Khi mùa đông về
Mặt trời soi nửa bóng
Cây bàng già đứng lặng tiễn thu đi
Có phải nửa bóng kia
Vẫn âm thầm lặng lẽ
Chờ gió sang mùa
Lên xe cưới vu quy ?

Khi mùa đông về
Ai chờ nhau nửa bóng ?
Một nửa cuồng si
Và một nửa dại khờ
Bờ giậu ngước nhìn đôi tình nhân bỡ ngỡ
Trao nhau nụ hôn đầu
Mà vẫn tưởng trong mơ

Khi mùa đông về
Cuộc tình cũng chỉ còn nửa bóng
Một nửa tương tư
và một nửa nhạt nhòa
Đi bên cạnh cuộc đời
Ta cúi đầu vội vã
Tránh đôi mắt buồn ẩn chứa lệ xót xa

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

NỖI ĐAU NGƯỜI MẸ TRONG BÀI THƠ VÀ BÀI BÁO ĐÊM KINH HOÀNG TRONG HANG HÒN KẼM- Thơ Trần Ngọc Hòa



Quán cà phê Bên Sông Sài Gòn với dăm người bạn lớn tuổi ngồi chuyện trò cùng ly cà phê . Người chuyện đông, người chuyện tây cuối cùng có anh bạn quê Quảng Nam nhắc đến bài báo Đêm kinh hoàng trong hang hòn kẽm của nhà báo Vũ Công Điền đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần. Viết về bà mẹ vì sự sống của 200 dân làng trốn giặc trong hang mà phải chôn sống đứa con 3 tháng tuổi của mình, trong khi chồng bà mới chết vì bị bom B52. Hành động của bà người xót thương, kẻ lên án nhưng cuối cùng họ đổ tại Chiến Tranh.Một chủ nợ mà chẳng ai có thể đòi, một con nợ mà chẳng bao giờ bị vỡ nợ cả…Chiến Tranh. Người viết ngồi nghe rồi mở máy đọc lại.Nỗi đau chồng chất nỗi đau mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ vợi dù chỉ một chút…Người ta vẫn nói nước sôi rồi từ từ cũng nguội…Làm sao nguôi nỗi đớn đau khi tự tay mình bới đất chôn đứa con trai ba tháng tuổi được đây? Nhìn ngày xảy ra sự kiện ấy người viết bỗng giật mình. Cô Sáu Tiền bị phục kích bắn chết ngày 10/10/1969 do bò ra rẫy đào khoai cứu đói cho dân làng. Ba ngày sau bà chôn sống đứa con của mình vậy là ngày 13/10, hôm nay cũng là ngày 13/10. Bốn mươi lăm năm đã trôi qua…

Đêm Sài Gòn lung linh cũng chẳng kéo nổi tâm trí tôi ra khỏi câu chuyện thương tâm ấy. Lang thang vào mạng lại gặp bài thơ của tác giả Trần Ngọc Hòa một người mẹ sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong hòa bình. Đọc bài thơ của chị nỗi đau kéo theo nỗi xót xa…Bài báo tôi nghe được hồi sáng, cùng câu chuyện mà ai cũng đổ thừa chiến tranh.Bài Thơ tác giả đề Viết sau khi đọc….Tôi quyết định cùng chị đọc lại bài báo ấy một lần nữa để chia sẻ những suy nghĩ của mình với bạn đọc.

Viết sau khi đọc ĐÊM KINH HOÀNG TRONG HANG HÒN KẼM
Đốt ba nén hương Mẹ đi khắp khu rừng khấn nguyện
Bồng chiếc khăn trên tay ru khúc ơi. . . à . . .
Con của mẹ tuổi tháng mới được ba
Đang khóc khào cơn đói sữa.

Thượng nguồn dòng Thu Bồn năm nào giặc càn đỏ lửa
Hơn hai trăm dân làng trong hòn kẽm trú thân
Nín đi con !
Tay chuyền tay ôm ấp ân cần
Nín đi con !
Sinh mạng dân làng ...
Trời !
Ba tháng tuổi biết gì đâu
Cũng đành phải hy sinh
Chiến tranh
Ác nghiệt.

Mẹ cởi áo đùm con bò lên miệng hang khẩn nguyện
Ông trời ngó lơ ...thả một trận mưa giọt đỏ hỏn đỏ hòn
Để rồi
Mẹ ấp con
Để rồi
Mẹ xin lỗi con
Để rồi
Mẹ giết con.

Đêm kinh hoàng vùi lấp trái tim non
Tay cào đất tóe máu tươi
Con ơi ! Mẹ còn gì để sống ?
Mẹ tạo nên vóc nên hình rồi lại không cho con được sống
Giết con để cứu dân làng
Mẹ không muốn đâu
Cao sanh ơi !
Đau lắm cao sanh ơi !

Mẹ với chị kêu chẳng động lòng trời
Thôi đành gửi con về bên Cha
(Cha cũng vừa nằm xuống trong trận B52 máu lửa)
Hòn kẽm chỉ có đại bác pháo bầy
Không nước cơm
Không sữa
Hòn kẽm còn sống sót hai trăm dân làng
và một người mẹ khổ đau vò xé đến hóa cuồng.

Đêm thôn Trà Linh
Đêm hang hòn kẽm
Có đôi bầu vú mẹ nhăn nheo
Áp vào đất
Mớm cho con giọt sữa cuối cùng (Trần Ngọc Hòa).

Bài thơ tự do với những câu thơ thật dài, có câu lại rất ngắn, được tác giả sắp xếp câu từ theo một nhịp điệu gập ghềnh trúc trắc . Chuyên chở một câu chuyện tình mẫu tử bi thảm, mà có lẽ bất cứ ai đọc cũng không tránh khỏi ngậm ngùi, nghẹn đắng, cho dù bạn là ai, đã làm cha, làm mẹ hay chưa? Câu chuyện đau lòng ấy xảy ra cách đây đúng bốn mươi lăm năm (45) với người dân thôn Trà Linh:
Thượng nguồn dòng Thu bồn năm nào giặc càn đỏ lửa
Hơn hai trăm dân làng trong hang Hòn Kẽm trú thân
Nín đi con !
Tay chuyền tay ôm ấp ân cần
Nín đi con !
Sinh mạng dân làng ...
Trời !
Ba tháng tuổi biết gì đâu
Cũng đành phải hy sinh
Chiến tranh
Ác nghiệt.
Mỗi người chúng ta hôm nay hẳn có suy nghĩ riêng về hành động và lời nói của hai trăm người trong hang hôm ấy là ác, là bất nhân, là ham sống…Hay là hiểu và đồng cảm với việc hy sinh cuộc sống của một đứa bé sẽ cứu được hai trăm mạng người…

Những người như tôi ,như bạn không được chứng kiến thảm cảnh khi ấy, giữa vòng vây giặc, giữa cuồng quay bão tố trong lòng, bởi chỉ cần giặc nghe tiếng khóc là lập tức hai trăm mạng người sẽ bị bắn giết chết hết. Ai dám khẳng định sẽ không có thêm vụ thảm sát Mỹ Lai -Sơn Mỹ với 504 dân thường từ 1 đến 82 tuổi bị bắn giết. Mỹ Lai –Sơn Mỹ xảy ra trước khi em bé trong hang hòn kẽm chết khoảng một năm. Nói đến Sơn Mỹ để thấy chẳng phải người làng lẫn bà mẹ nhẫn tâm, vẫn biết mọi so sánh đều vô đạo và khập khiễng. Nhưng Sơn Mỹ vẫn còn hiển hiện nỗi đau chưa ai phủ nhận tội ác của chiến tranh cho tới tận bây giờ sau 46 năm. Quyền sinh sát được đặt vào tay kẻ mạnh. Dân làng cùng người mẹ tội nghiệp cũng đã làm hết cách, “tay chuyền tay” bồng bế nâng niu dỗ dành em bé, nhưng mới ba tháng tuổi, nước cơm không có nói chi đến sữa mẹ, hay sữa bò. Đói lả… theo bản năng sinh tồn em chỉ biết khóc, mà tiếng khóc kêu gào đòi ăn ấy nào ai có thể bịt lại.. Mà em thì mới ba tháng tuổi có biết gì đâu để nghe lời người lớn như chị của em, phải ngồi im không giặc bắn chết cả mình và hết cả dân làng…

Người viết bài này cũng có trái tim như người mẹ ấy,Tác giả Trần Ngọc Hòa cũng vậy! Và, chắc chắn rằng trong hai trăm dân làng hôm ấy ai cũng có trái tim và rất nhiều người đã làm cha làm mẹ…Hỏi ai không đau xót khi phải khuyên người mẹ bỏ đi núm ruột của mình …Câu hỏi này có lẽ chỉ những người trong cuộc hôm ấy là thấu hiểu , là cảm thông cho hành động của người mẹ xuất phát từ những lời khuyên của dân làng. Thế rồi đêm xuống:
Mẹ cởi áo đùm con bò lên miệng hang khẩn nguyện
Ông trời ngó lơ ...thả một trận mưa giọt đỏ hỏn đỏ hòn
Để rồi
Mẹ ấp con
Để rồi
Mẹ xin lỗi con
Để rồi
Mẹ giết con.

Đêm kinh hoàng vùi lấp trái tim non
Tay cào đất tóe máu tươi
Con ơi ! Mẹ còn gì để sống ?
Mẹ tạo nên vóc nên hình rồi lại không cho con được sống
Giết con để cứu dân làng
Mẹ không muốn đâu
Cao sanh ơi !
Đau lắm cao sanh ơi !

Một khổ thơ lặp lại ba lần từ “Để rồi…”, cùng với bảy đại từ nhân xưng Mẹ bên cạnh bảy đại từ nhân xưng Con cùng với những động từ cởi, đùm, bò, ,giết, cứu, cào, vùi, lấp, tóe máu, đau…cùng với nhịp thơ ngập ngừng ngắt quãng, đứt đoạn như tâm lý giằng xé và nỗi đau tận cùng mà người mẹ đang gánh chịu lúc bấy giờ..Những câu thơ nửa muốn đứt rời như tình mẫu tử phải chia lìa. Nửa như tuôn theo những giọt “mưa máu” từ trời trút xuống đêm ấy?Làm nghẹn lòng người đọc. Nỗi đau người mẹ dứt ruột sinh ra một sinh linh bé bỏng để rồi tự tay mình cướp đi sự sống của nó, vẫn còn tiếp diễn sau khi kêu trờithì “ trời ngó lơ…” Bà mẹ 32 tuổi ấy bò vào hang ôm đứa con 4 tuổi còn lại vớt vát chút hy vọng mục đích sống sau khi chồng chết mình phải giết con…
Mẹ với chị kêu chẳng động lòng trời
Thôi đành gửi con về bên Cha
(Cha cũng vừa nằm xuống trong trận B52 máu lửa)
Hòn kẽm chỉ có đại bác pháo bầy
Không nước cơm
Không sữa
Hòn kẽm còn sống sót hai trăm dân làng
và một người mẹ khổ đau vò xé đến hóa cuồng.

Đêm thôn Trà Linh
Đêm hang hòn kẽm
Có đôi bầu vú mẹ nhăn nheo
Áp vào đất
Mớm cho con giọt sữa cuối cùng

Kết cuộc của câu chuyện là đã không xảy ra một “Thảm sát Sơn Mỹ”ở hang Hòn Kẽm năm ấy. Một thiếu nữ gan dạ xung phong đi đào khoai sắn bị bắt bị giết vì không khai ra nơi dân làng ẩn náu tên Sáu Tiền và em bé Lê Tân ba tháng tuổi…

Chiến tranh không ai nói trước được điều gì cả. Bom đạn vốn không có mắt, những người lính hai bên chiến tuyến bắt buộc phải cầm súng hướng nòng vào nhau. Khi không may vướng hòn đạn mũi tên dẫn đến thiệt mạng hay bị thương, họ là lính…Còn những người dân vô tội như chị Sáu Tiền hay em bé Lê Tân và hàng triệu người dân thường trên khắp quê hương này nữa vì đâu phải chết và chẳng có ai ghi nhận cái chết ấy vì đâu? do đâu? Cũng chỉ biết đổ tại chiến tranh…Điển hình như bà Năm Nghê khi ấy vì bảo vệ sự sống của hai trăm dân làng trong đó có bà, có con gái bà, mà bà phải nhẫn tâm giết chết đứa con mình…Cứu được người thật đấy nhưng lòng người mẹ nào lại không thương con mình dứt ruột đẻ ra. Kể từ đó tới nay đã bốn mươi lăm năm, bà nửa điên, nửa tỉnh, ôm khư khư chiếc khăn còn lại ru như ru bé Tân ngày nào…Lúc tỉnh táo thì bà:
Đốt ba nén hương Mẹ đi khắp khu rừng khấn nguyện
Bồng chiếc khăn trên tay ru khúc ơi. . . à . . .
Con của mẹ tuổi tháng mới được ba
Đang khóc khào cơn đói sữa.

Bài thơ của tác giả Trần Ngọc Hòa cũng vừa kết lại. Hẳn chị khi viết bài thơ cũng như tôi lúc này…Trái tim người mẹ cũng run lên bần bật bởi tình mẫu tử thiêng liêng không bến bờ…Yêu con, thương con, nào ai muốn hành động như bà Năm Nghê, nhưng thời cuộc và hoàn cảnh lúc ấy bắt buộc phải đẩy bà đi đến hành động…và rồi sự day dứt, đớn đau theo bà suốt 45 năm qua. Bà bây giờ điên dại, nghèo khó nhưng chưa có một chế độ đãi ngộ nào cho người mẹ khốn khổ ấy, Bởi luật chính sách không có dòng nào cho những cống hiến như bà…
Từ trước tới nay mỗi khi nghe ca khúc Ca Dao Mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những ca từ:

Mẹ ngồi ru con đong đưa vọng buồn năm qua tuổi mòn

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn

Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân

Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người..

…………

Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương

Tuổi còn bơ vơ thế giới hận thù chiến tranh ngục tù .(Ca Dao Mẹ)

Tôi đã thấy người mẹ Việt Nam trong chiến tranh sao quá khổ đau vậy?( Mẹ Việt Nam ấy của Ca Dao Mẹ bị mất con do mưa bom bão đạn của chiến tranh.) Nhưng bắt đầu từ hôm nay ngay lúc này tôi nghe và thấy đó vẫn chưa là nỗi đau khổ tột cùng của biết bao người mẹ Việt Nam khác sống bên lề chiến tranh.

Cám ơn tác giả Trần Ngọc Hòa cùng bài thơ và cám ơn bài báo của nhà báo Vũ Công Điền đã cho tôi có dịp đồng hành và nói lên suy nghĩ của cá nhân mình về một nỗi đau mà có lẽ không có gì có thể làm nguôi ngoai của bà Năm Nghê!

Sài Gòn 13 /10/2014

Huỳnh Xuân Sơn


Bài Báo :http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20080609/dem-kinh-hoang-trong-hang-hon-kem/261962.html

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

NÓ và MẸ VỚI CẢM NHẬN THƠ


 Nó và Mẹ với cảm nhận Thơ

Một hôm chàng trai 22 tuổi biết mẹ nó viết cảm nhận thơ.
Cậu ta liền sốt sắng hỏi :
-Mẹ viết giống như phân tích bình luận văn ở trường phải không?
- Ừ có chuyện gì vậy con?
- Mẹ khoan viết để nghe con kể đã
- Cậu học sinh nọ ,con của một nhà thơ, có bài thơ được trích dẫn trong sách giáo khoa. Một hôm cô giáo ra đề tập làm văn phân tích đoạn thơ trích dẫn ấy. Cậu ta về năn nỉ bố mình phân tích dùm, với lý lẽ lỡ cô giáo biết con là con của nhà thơ mà phân tích sai thì chán lắm.
Ông bố nghe bùi tai, liền ngồi phân tích cặn kẽ cho cậu con làm bài.
Một tuần sau nó ỉu xìu mang về bài văn với điểm hai cùng lời phê của cô giáo
-Lạc đề…
Mẹ nó chưa kịp nói gì thì nó đã dặn dò ra điều nghiêm trọng lắm
-Mẹ nhớ đấy thơ tác giả viết ra họ phân tích, mà cô giáo còn bảo lạc đề, thì mẹ viết làm sao mà theo ý tác giả được. Nếu tác giả có phản ứng lại, hay người đọc không cùng ý với mẹ! Mẹ cố gắng đỡ một mình nhé!
Sau hôm đó, mẹ nó luôn làm chủ cảm xúc với ngòi bút của mình!

Một hôm khác nghe mẹ chê một câu thơ trong một bài thơ nọ.
Nó lại hỏi
-Mẹ có biết câu chuyện về bức tường xây chưa?
-Chưa, mà bức tường thì liên quan gì đến thơ ?
Thế rồi nó kể:
Một bác thợ nhận xây một bức tường cao dài và rộng. Bác ấy cố gắng xây rất cẩn thận và làm sao cho thật đẹp mong vừa lòng ông chủ. Nhưng đến khi hoàn tất thì lại thấy có một viên gạch lồi hẳn ra như một vết sẹo giữa bức tường. Lúc này không thể chữa được. Bác thợ xây rất buồn!
-Buồn vì ông chủ trừ tiền chứ gì?
-Không phải, bác ấy buồn vì không thể làm lại
Nhưng ông chủ ấy lại khen bức tường rất đẹp và thưởng thêm tiền công.
Bác thợ xây sau phút ngỡ ngàng, tiến tới chỗ viên gạch lồi xấu xí chỉ cho ông chủ biết, nhưng ông chủ chỉ cười và bảo
-Cả bức tường là công trình lớn đâu chỉ vì một viên gạch mà phủ nhận cái đẹp của cả bức tường.
-Mẹ đừng vì một câu thơ hoặc một từ chưa chuẩn mà chê cả bài thơ ấy nhé!


Nó vốn dĩ không thích mẹ nó làm thơ hay viết văn.
Từ sau hôm ấy, khi đọc bất kỳ bài thơ nào, mẹ nó đều nhìn tác phẩm với góc nhìn đẹp nhất có thể của mình.
Sài Gòn 5/10/2014
Huỳnh Xuân Sơn



Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

SÔNG QUÊ- Chùm Thơ Cảm Tác Ảnh


Chùm thơ Huỳnh Xuân Sơn - Cảm Tác Ảnh của Võ Mậu Khiêm


ĐỐI ĐẦU

Trưa hè gọi gió trên cao
Muôn con sóng giỡn xôn xao một dòng
Trâu vui cùng chú mục đồng
Đối Đầu thử sức dù không cân bằng...

Trọng tài làn nước xanh trong
Cưỡi con sóng nhỏ mục đồng bay lên
Chú trâu “Tiếp nước” không quen
Tạo mành nước trắng tung lên thua rồi

Đối Đầu thua thắng đều vui
Khoảnh khắc lưu lại bao người đắm say
HXS


TẮM MÁT TRƯA HÈ

Tuổi thơ ai cũng mê say
Hòa vào làn nước sóng vây quanh mình
Cám ơn anh gió nhiệt tình
Luôn trao lớp lớp sóng xinh vỗ về

Nước xanh trong vắt trưa hè
Hai anh bạn nhỏ... đua về tương lai
Theo sau hai chú rồng bay
Tiếp thêm ước vọng mai này thành danh
HXS


ĐẮM MÌNH TRÊN BẾN SÔNG QUÊ
Ai từng làm chú mục đồng
Chăn trâu, tắm mát cùng dòng sông quê
Sẽ nhiều hồi ức vọng về
Đằm mình cưỡi sóng thỏa thuê vui đùa

Bến sông yêu dấu khi xưa
Tuổi thơ lưu dấu nắng mưa bốn mùa
Cưỡi trâu cùng bạn vui đùa
Khoảng trời thơ mộng như vừa hôm qua

Sông quê yêu dấu nay xa
Bao nhiêu sóng gió trải qua trong đời
Dẫu cho sướng khổ buồn vui
Quê hương nguồn cội trong tôi luôn gần
HXS



TẮM MÁT
Tắm mát... Tí Tèo hẹn nhau
Mai ta sẽ dắt bạn trâu đi cùng

Đắm mình làn nước bến sông
Ánh dương cũng xuống và cùng đùa chơi
Trâu vui nghếch mặt gọi mời
Bạn ơi thích lắm xuống chơi cùng mình

Quê hương ơi nặng nghĩa tình
Trong tim đau đáu...thuở mình ấu thơ
Dòng sông nuôi dưỡng ước mơ
Bây giờ nhớ lại thẫn thờ sông ơi
HXS


Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Cảm Tác Huỳnh Xuân Sơn - ảnh Võ Mậu Khiêm



(Thân  tặng Nhiếp ảnh gia Võ Mậu Khiêm - Xuân Sơn lang thang trên mạng, bất ngờ bắt gặp những khoảnh khắc làm rung động....xin cảm tác theo tựa đề các tác phẩm của  Tác giả Võ Mậu Khiêm)




THÁP CHÀM VỀ ĐÊM


Bầu trời giăng mắc mây bay
Hoàng hôn bao phủ lòng này nhói đau
Tháp Chăm nổi ánh đèn màu
Một chùm tháp tựa vào nhau trên đồi
Thoảng nghe tiếng vọng ma HỜI
Rêu phong cổ kính bao đời nay đâu?





BẠN TÌNH

Trăng ngà chứng giám đôi ta
Ti gôn sắc tím nệm hoa gợi tình
Một làn gió thoảng hương trinh
Màn đêm buông xuống quyện tình khát khao
Đôi ong quấn quýt yêu sao
Giật mình vương vấn tình nào đây ong?



TỐI RỒI MẸ ƠI

Hàng ngày hai chị em tôi
Mẹ cho bú tí  rồi chơi quanh nhà
Mẹ đi kiếm cỏ nơi xa
Đơn thân mình mẹ xót xa một đời
Ánh dương tìm xuống chân trời
Dắt em ra ngóng mẹ nơi cội già
Cội già như bóng dáng cha
Chở che hai đứa chiều tà dần buông



BÌNH MINH TRÊN ĐẦM NẠI


Bình minh lên rắc ánh vàng
Màn đêm rút xuống thuyền chàng ra khơi
Muôn con sóng nhỏ dạo chơi
Ngư dân đầm Nại nơi nơi thanh bình
Phía xa núi đứng tâm tình
Giúp thêm chút lặng quê mình Phan Rang



CHIỀU TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI

Lối về in dấu bước chân
Gió tung cát bỏng phủ thân mẹ gầy
Quê hương gió cát nơi đây
Chắt chiu ngọn cỏ tháng ngày ngóng mưa
Đàn bò dưới nắng mẹ lùa
Sinh sôi nảy nở bốn mùa nhiều thêm
Chiều về chân bước cát êm
Đường quê yêu dấu nhiều thêm dấu đời



HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG LU


Ánh dương tạm biệt đi rồi
Màn đêm đang đến tìm nơi thả mành
Luyến lưu những áng mây xanh
Đợi chờ ánh sáng trăng thanh sắp về
Hoàng hôn trên bến sông quê
Khoảnh khắc lưu lại đắm mê bao người
Khúc quanh ngã rẽ dòng đời
Bình yên tĩnh lặng yêu người Phan Rang
Quê hương tình cảm chứa chan
Sông quê lưu dấu vọng vang bao đời...

Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

EM ĐỪNG



Em đừng nghĩ
Ta chỉ còn gặp nhau
Trong giấc mộng

Cũng đừng nghe khúc nhạc 
Thương đau
Vì chặng cuối sông dài
Là biển rộng
Ta
Một lần chắc chắn sẽ gặp nhau

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Đường Đến những ngày đồng cảm cùng Tác Giả Hồ Ngọc Dũng và Hồi Ký Đời Học Trò của ông!


Có một tháng ba xưa ngày tôi sắp chào đời! .Để rồi một ngày cuối tháng ba năm 2013 tôi chính thức đăng những câu thơ vụng trên trang tho.com.vn với bút danh Huỳnh Xuân Sơn. Sáu tháng sau niềm vui đã thay đổi ít nhiều. Tôi thích đi tìm những bài thơ hay của nhiều tác giả trên mạng để viết cảm nhận. Sáu tháng sau nữa,vào những ngày cuối tháng ba năm 2014. Tôi đã gặp một tác giả đặc biệt trong những lần đi tìm thơ như thế !Chú đặc biệt không phải thơ chú cuốn hút tôi, mà là tấm ảnh đại diện cùng dòng chữ Ngocdunglyhoa. Tôi cứ ngỡ Ngọc Dũng hoặc Ngọc Dung  Lý Hóa. Tưởng gặp người đồng cảm giống mình “ngoại đạo với văn chương” nhưng lại thích thơ văn.
Mang theo ý nghĩ ấy, tôi lần theo kho lưu trữ và đọc khoảng mươi bài thơ. Cho đến khi gặp bài thơ Đường Luật:
Mừng Thọ Tuổi Ta
Giáp Ngọ năm nay tuổi bảy ba
Đón xuân vui tết thọ mừng  ta
Ơn trên phù hộ sức còn khỏe
Nhờ Tổ hộ trì ấm thất gia
Con cháu sum vầy thêm phúc lộc
Bạn bè lui tới vịnh thơ ca
An nhiên vào mạng tìm tri thức
Trí tuệ tuổi già vẫn nở hoa (Hồ Ngọc Dũng)

Dù chưa quen biết hay giao lưu bao giờ, tôi gõ bài thơ họa cùng lời chào lưu lại: “Thấy tên chú đã lâu hôm nay cháu ghé nhà. Đọc bài thơ này, biết chú năm nay 73 tuổi vẫn vui Thơ Phú, rất cảm động cháu cảm tác mấy câu chúc chú nhiều sức khỏe.
Trừ đi bốn chục chẵn ba ba
Trai trẻ…già ư?… dám gọi ta
Ngày vẫn nôn nao lục vốn sống
Đêm hoài thao thức gọi thơ ra
Gió xuân dìu dặt ươm tình mộng
Nắng mới khát khao "Bờ Lốc ca"
Tự tại an nhiên vui lướt web
Chúc mừng Giáp Ngọ chú thăng hoa (HXS)
Sau đó chú không trả lời bài họa, nhưng chú sang ghi cảm nhận xã giao cùng tôi bên trang thơ huynhxuanson.blospot.com. Do thơ Đường lúc này tôi mới bắt đầu học hỏi, nên nghĩ chắc mình viết chả giống ai. Rồi tự nhủ có lẽ vì thế chú ấy bỏ qua...
Thời gian này tôi vẫn say sưa đi tìm thơ viết cảm nhận, nên cũng quên đi trang thơ Vui Tuổi Già, cho đến ngày 31/ 3/2014. Lang thang sao lại dẫn đến gặp bài thơ Hai Chị Em chú viết rất cảm động tôi liền gõ:
Phuvang Huynh21:49 Ngày 31 tháng 03 năm 2014
Cháu sang thăm chú, đọc thơ và hiểu thêm một chút về chú. Kính chúc hai chị em chú thật nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống!
Cháu hỏi nhỏ riêng chú nhé. Chắc hồi nhỏ chú hay bắt nạt chị chú hay sao mà bây giờ tóc chú tuyết hơn chị chú vậy?
Cháu ngưỡng mộ hai chị em chú nên chẳng thể họa được câu thơ nào ra hồn...bây giờ sang nữa không lý lại về không ...cháu ghi mấy lời chúc chú vui nhé
Tối hôm sau cũng là ngày sinh nhật tôi. Tôi quay lại trang cá nhân của chú có ý muốn mang về ghi cảm nhận và đọc được những câu  trả lời của chú :
ngocdunglyhoa14:27 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Trước hết chú xin cảm ơn cháu đã có những chia sẻ chân thành . Còn như chú có hay dỗi với chị mình ko thì hoàn toàn ko cháu ạ. Bởi tuổi nhỏ của chú là một thằng bé yếu ớt vô cùng. Lớn lên ko hay đùa nghịch ,sống nội tâm thành thử rất được chị yêu quý . Luôn đây nếu cháu cần hiểu thêm cuộc đời qua bài thơ thì cháu hãytìm đọc : “ HỒI KÝ ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI “, mà chú đã đăng trên trang blog này .Cháu lần về những bài đăng năm 2012 là có đấy: http://www.ngocdunglyhoa42.blogspot.com/2012/12/hoi-kyoi-hoc-tro-cua-toi.html
Cảm ơn cháu đã có lòng lưu tâm nhé (HND)
Theo đường dẫn này tôi vào đọc tập Hồi Ký ấy! hết phần một cùng lời giới thiệu tôi lưu lại mấy dòng
Phuvang Huynh19:43 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Những câu văn chú viết từ nhịp đập của trái tim thương tổn...nên nó thật xúc động chú ạ!
Cháu còn nhỏ chỉ nghe kể ngày ấy dòng họ bên nhà Ngoại cháu bị Đấu Tố gì đó rất khổ...bố cháu cùng thế hệ với chú chỉ lớn hơn vài tuổi thôi ạ....
Bây giờ mọi việc qua lâu rồi, ghi lại vài dòng cũng như nén tâm nhang ghi khắc vậy thôi chú nhỉ!
Cháu sẽ đọc tiếp những phần còn lại chú ạ! cũng như tấm chân tình của cháu chia sẻ với thế hệ ông cha một thời khốn khó...

Liền sau đó tôi đọc tiếp phần hai và lưu lại những lời chia sẻ bằng thơ lục bát
Phuvang Huynh20:04 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Chú bao nhiêu tuổi lúc này
Mà đi theo Mệ Xàng hay thật tình
Đoạn mà chú ngủ một mình
Có người len lỏi cháu kinh hãi hùng...
Tiếp sau đó tôi sang đọc phần ba. Nhưng vì chú copy không xóa mặc định nên tôi không biết cách đọc. Đành ghi lại rằng phần này không đọc được.Rồi sang phần 4 đọc và chia sẻ với chú
Phuvang Huynh20:20 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Ba về ôm ấp bên con
Có Cha có Mẹ chẳng còn gì hơn
Mẹ Cha chú dạ sắt son
Đói no chẳng quản chẳng mòn tình thâm
Tiều Phu một đoạn đời trầm...
Phần bốn cuốn tôi vào phần 5 để rồi cảm thấy đồng cảm xúc. Tôi lưu lại
Phuvang Huynh21:10 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Ngậm ngùi đọc đoạn viết này
Đoạn đời gian khổ ai hay bây giờ
Rèng Rèng trên núi hoang sơ
Bước chân gánh củi tuổi thơ in hằn...
Bốn phần của cuốn hồi ký trôi qua. Tôi ghi những vần thơ chia sẻ với chú như vậy. Cũng chỉ mong một tác giả lớn tuổi mái tóc bạc phơ có thêm chút niềm vui. Hành văn của chú có một sự cuốn hút nhất định, nhưng cốt truyện mới là cái kéo tôi theo. Một buổi tối tràn đầy cảm xúc của tôi dừng lại tại đây. Lúc này tôi mới thấy phần trả lời của chú trong phần 1 rằng:
ngocdunglyhoa22:15 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
duyên nào chú cháu gặp nhau
cùng chung cảnh ngộ tâm đầu sẻ chia
nhân duyên quả thật tình cờ
chú mong liên lạc để mà hiểu hơn .....................đt của chú đây cháu ơi 01683602037
Tôi không trả lời cũng không điện thoại vì đêm đã khuya. Tắt máy đi ngủ nhưng ngày hôm sau câu chuyện về cuộc đời của chú vẫn lảng vảng trong tâm trí tôi. Tối ngày 2 và ngày 3/ 4 tôi vẫn đọc và chia sẻ bằng những câu thơ lục bát. Cho đến khi tôi đọc được câu trả lời của chú bằng Song Thất Lục Bát như sau:
ngocdunglyhoa10:24 Ngày 03 tháng 04 năm 2014
Cháu càng đọc càng thêm hiểu kỹ
Thơ vận vào sát ý đủ lời
Có nhân có đức ở đời
Cháu đã viết được khúc thơ truyện này
Chúc cháu một ngày mới an vui cháu nhé (HND)
Lúc này tôi đã đi qua phần 9 của cuốn hồi ký. Tôi thầm ghĩ có lẽ chú thích Song Thất Lục Bát và thế là tôi tiếp tục đọc và chia sẻ từ phần 10 bằng thể thơ Song Thất Lục Bát. Chiều ngày 3/4/2014 tôi điện thoại cho chú, thấy chú rất vui. Sau cuộc nói chuyện ấy, bỗng nhiên tôi có ý nghĩ sẽ chuyển toàn bộ câu chuyện đời chú ra thơ STLB. Tôi điện thoại nói ý nghĩ này cho chú, tất nhiên chú rất vui…Tôi đi tiếp vào những phần sau theo cảm xúc của chú chứ không còn là cảm xúc của người đọc chia sẻ nữa….
Hồi Ký Đời Học Trò bằng thơ ra đời bắt đầu từ phần 10 như thế..
Chiều ngày 8/4 đã hết phần 24 trên mạng. Lúc này chú gửi phần 25 qua Email vì câu chuyện hồi kết chú chưa đăng. Tôi đọc và chuyển tiếp ra thơ, rồi quay sang chuyển lại nội dung từ phần 1 đến phần 8 ra thể STLB.
Ngày 9/4 tôi ngồi copy lại toàn bộ vì muốn giữ làm kỷ niệm. Nghĩ ngẫm sao đó, tôi đăng phần 1 bằng thơ lên Thi Đàn lúc khoảng 10 giờ đêm ngày 9/4 mà không nói với chú.
Sáng ngày 10 bài thơ đăng trên thi đàn được duyệt vô mục tiêu điểm. Tôi rụt rè xin ý kiến chú, hay là chú cho cháu đăng hết lên Thi Đàn, không ngờ chú rất vui vẻ đồng ý.
Nào ngờ khi đăng mấy bài đầu không ai duyệt có lẽ vì dư âm của Cải Cách Ruộng Đất, có BTV điện thoại hỏi tôi -XS viết có biết mình viết gì không?
Tôi không hoang mang vẫn ngồi đăng một mạch 25 phần chia làm 28 chương, gửi duyệt xong là 9 giờ sáng ngày 10/4/2014….
Bài vẫn chưa được duyệt cho tới đầu giờ chiều tôi nhận được điện thoại của một người có trách nhiệm với trang thơ động viên. Chị cứ viết như thế , em ủng hộ chị .Thơ phải phản ánh thực trạng xã hội…..Khi đang trao đổi thì cũng là lúc bài được duyệt liên tục, Cả mặt tiền trang thơ là ảnh chú Hồ Ngọc Dũng và mái tóc trắng phơ cùng tựa đề Hồi Ký Đời Học Trò.
Khi đăng lên Thi Đàn là tôi đã chấp nhận có thể “ Ăn gạch đá”. Nhưng không! tất cả đều suôn sẻ cho đến giờ này. Rất nhiều đồng cảm của bạn đọc gửi đến xin Email và điện thoại của tác giả cuốn Hồi Ký bằng văn xuôi. Duy chỉ có một vài lời bình luận sẻ chia nhưng chưa được nửa giờ họ vội vàng xóa đi. Sau đó tôi được biết do có nhiều “Ông lớn” khuyên họ không nên sẻ chia với tác phẩm này.
Qủa thật bây giờ tôi cũng chưa lý giải được tại sao? Cả một khối lượng câu chữ chú viết văn xuôi đồ sộ như vậy, mỗi một phần tôi chỉ cần đọc xuôi, đọc ngược và thêm một lần đọc xuôi nữa là tôi ngồi gõ ra thơ. Mười ngày ấy tôi đã nghỉ ba ngày vì đau vai không gõ phím, Vậy mà khoảng 1500 câu thơ chia sẻ cùng tác giả.
Sau khi đăng tải thì một số lỗi xuất hiện. Đa phần là sai luật bằng trắc, tôi đề nghị sửa và chú đồng ý. Chú sinh năm 1942 vậy là tôi sửa đến đâu giao cho chú đếm đến đấy, làm sao đúng 1942 câu. Ai dè người viết thì cứ viết, người đếm lụm cụm sao đó mà khi kết thúc lại là hơn 2000 câu. Ngày cuối tháng tư hai chú cháu quyết định sẽ để là 2014 câu. Hai câu thất cuối cùng do chồng tôi viết sau khi đọc toàn bộ tác phẩm thơ chuyển thể từ tác phẩm văn xuôi Hồi Ký Đời Học Trò :
Thực và mộng bình an một kiếp
Vòng tử sinh nối tiếp ngàn sau.
Ngày 2/5/2014 đúng dịp tác giả Hồ Ngọc Dũng bước vào tuổi 73 bài thơ chuyển thể đầu tiên được đăng tải trên trang Ngocdunglyhoa. Blogspot.com.
Sài Gòn ngày 19/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn


XS rất mong nhận được sự góp ý cho bài viết này, Vì chú HND muốn dùng nó in cùng tập thơ chuyển thể.


Toàn bộ 2014 câu STLB đăng tải tại đâyhttp://tho.com.vn/thi-pham/hoi-ky-doi-hoc-tro-toan-tap-2014-cau-song-that-luc-bat/49388

T oàn bộ tác phẩm văn xuôi của tác giả Hồ Ngọc Dũng đăng tải tại đây
http://www.ngocdunglyhoa42.blogspot.com/2014/08/gioi-thieu-truyen-hoi-ky-oi-hoc-tro-cua.html

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

XIN ĐƯỢC CHIA SẺ CÙNG TÁC GIẢ LÝ VIỄN GIAO MỘT CHUNG RƯỢU



Thơ ca có nhiều thể loại, nhiều hình thái biểu đạt ngôn ngữ và ý nghĩa khác nhau. Có tác phẩm dài dằng dặc mà ta gọi đó là Trường ca, có tác phẩm thì lại ngắn chỉ có vài từ. Bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa và hồn cốt ẩn chứa trong nó lại không hề ngắn như khuôn khổ của bài thơ. Một trong những bài thơ ngắn như thế mà tôi đã gặp là bài thơ Haiku viết về Rượu của tác giả Lý Viễn Giao.
Rượu đầy
Lời bay
Dạ cạn
Chỉ vỏn vẹn 6 từ cho ba ngắt ý, bài thơ Haiku không quý ngữ đã gieo vào lòng tôi một dòng suy tư về Rượu và những gì liên quan đến nó.
Ngắt ý thứ nhất Rượu đầy, với người dân Việt từ cổ chí kim rượu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Dịp lễ tết, ngày vui, ngày buồn, người ta khi vui và ngay cả lúc buồn thậm chí không vui không buồn cũng uống rượu. Rượu luôn luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Nhưng khi mà “Rượu đầy” thì lại dẫn tới chiều hướng sẽ uống nhiều. Sau khi uống nhiều không chỉ say xỉn ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn bao hệ lụy kéo theo sau. Ca dao xưa các cụ đã căn dặn:
Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm (Ca dao)
Câu ca dao thứ hai cũng là một phần của ngắt ý thứ hai mà tác giả muốn nói trong Rượu
Lời bay.
Tục ngữ đã có câu “rượu vào lời ra”. Hệ lụy của “Lời ra” này mới là điều mà mỗi người chúng ta cần nghĩ tới và có lẽ cũng là suy nghĩ của tác giả khi nghĩ đến hệ lụy của “Rượu đầy” dẫn tới “Lời bay”
Có câu
Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày (ca dao)
Tuy nhiên hệ lụy của Rượu không hẳn xấu với những người có nợ với văn chương. Đường Thi cổ có câu “Đấu tửu thi bách thiên” (Rượu vào hàng trăm bài thơ ra). Điển hình của mối duyên nợ Thơ và Rượu là Lý Bạch nhà thơ lớn đời Đường .Với thi sĩ Lý Bạch phải có rượu vào mới có thơ ra, những áng thơ Đường bất hủ của ông còn lưu danh tới nay cũng xuất phát từ những lúc ngấm men cay nồng của rượu. Để rồi ngày nay bên xứ ấy vẫn còn một Tróc Nguyệt Đài (Đài bắt trăng)…Tích xưa kể rằng khi Lý Bạch rời kinh thành ngao du khắp chốn, mang theo lệnh vua ban uống rượu miễn phí ở bất kể đâu, cũng được ngân khố triều đình chi trả . Một lần Lý Bạch say rượu nằm bên bờ sông Thái Trạch, huyện Đang Hồ vào đêm trăng rằm, thấy bóng chị Hằng lấp lánh dưới sông, Lý Bạch liền lội ra để vớt trăng, dẫn đến mất mạng. Tích ấy đúng sai hẳn nhiên đời sau không dám, và không có ý phán xét, chỉ biết rằng Đài Bắt Trăng vẫn còn tồn tại cùng những áng thơ bất hủ gắn liền với thi sĩ họ Bạch và gắn liền với mối lương duyên Thơ Và Rượu..
Ca dao truyền lại và thi sĩ xứ người là vậy còn các thi sĩ của chúng ta thì sao?
Sinh thời Tản Đà đã gửi gắm tâm tư về Thơ và Rượu thế này
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi rượu vò
Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai? (Thơ Về Rượu)
Gần đây nữa ta có thể kể đến cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng bài thơ Rượu của ông.
Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương (Nguyễn Quang Sáng).
Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã có câu đúc kết về Rượu với Thơ rằng
Rượu có mùi thơm nên uống mãi
Thơ là thuốc bổ cứ ngâm chơi”(Bảy mươi tuổi tự thuật)
Trở lại với Rượu .“Rượu đầy”! Cạn hết sẽ say, khi có chất men kích thích lập tức “Lời bay”. Đó chính là những gợi mở trong ngắt ý thứ hai và Lời Bay cũng chính là điểm nhấn của bài thơ . Rượu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng ngắt ý Lời bay trong Rượu của tác giả Lý Viễn Giao, hẳn họ muốn nhắc nhớ tới văn hóa ứng xử trong giao tiếp của mỗi người khi ngồi trong mâm rượu!
Mang theo suy nghĩ về Lời bay ta đến với ngắt ý thứ ba của Rượu
Dạ cạn.
Một vế đối đắt giá với ngắt ý thứ nhất Rượu đầy. Rượu đầy nghĩa là có nhiều, mà nhiều rượu sẽ dẫn tới uống nhiều. Còn dạ cạn thật khó định lượng đây, khi mà ông bà ta đã có câu
Sông sâu biển rộng dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người. ( ca dao).
Nhưng có lẽ câu ca dao ấy vốn nói về những người bình thường, tỉnh táo. Còn mấy người mà khi đã say tới mức lời bay không kiểm soát thì ắt chẳng cần đo cũng thấy Dạ Cạn.
Thông thường con người ta,bất kể già trẻ gái trai, khi uống nhiều nếu không biết kiềm chế sẽ dẫn đến nói nhiều. Kéo theo nhiều hệ lụy, mà đa phần trong đó là hệ lụy xấu. Và,với ngắt ý thứ ba “Dạ cạn” của tác giả Lý Viễn Giao, phải chăng ông còn muốn nhắc nhở những người uống “Rượu đầy” hãy tỉnh táo kìm chế. Đó đây nhan nhản trên các mặt báo biết bao vụ án từ say Rượu mà ra. Chỉ một cái nhìn, mà người say cho là “nhìn đểu” trong quán rượu, dẫn đến lời ra tiếng vào xô xát và hậu quả rất nhiều vụ án là người bị trọng thương hoặc mất mạng, kẻ tỉnh rượu thì vào tù hoặc lãnh án tử hình.
Vẫn biết rằng Rượu không thể thiếu trong đời sống bất kể thể chế, xã hội nào. Nhưng xin hãy nghĩ tới mặt trái của hậu cuộc “rượu đầy” sau những “lời bay” không chỉ là “Dạ cạn” mà nhiều rất nhiều từ cạn đi theo, cạn tình, cạn nghĩa, cạn luôn cả cuộc sống này.
Từ cổ chí kim. Xưa có Lý Bạch sinh thời cao ngạo tới mức
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (Tương Tiến Tửu)
Lý Hữu Phước dịch rằng
Xưa nay lặng tiếng thánh hiền
Chỉ người uống rượu còn truyền lưu danh.
Nhưng rồi ông lại mất mạng chỉ vì say rượu. Tên ông và thơ ông quả đã lưu danh thiên cổ thật , Nhưng thử hỏi có mấy người rượu vào lời ra được như Lý Bạch.
Thời cận đại Việt Nam có Phạm Thái tức Chiêu Lỳ. Tác giả Chiến Tụng Tây Hồ Phú, Sơ Kính Tân Trang. Văn Tế Trương Quỳnh Như… Một người tài hoa vậy mà khi ở tuổi hai mươi vì chán nản tìm đến Rượu nên đã có những suy nghĩ bi quan trong Tự Trào:
Bầu giốc càn khôn giọng bét be
Miễn được ngày nào ngang dọc đã
Sống thì nuôi lấy chết chôn đi. (Tự Trào- Phạm Thái).
Cho đến tuổi Tam thập Nhi Lập ông vẫn Tự Thuật:
Một tập thơ sầu ngâm đã chán
Vài be ruột lạt uống ra gì
Chết về Tiên Phật cho xong nợ
Cái kiếp trần gian sống mãi chi (Tự Thuật- Phạm Thái).
Phạm Thái mất đi ở tuổi 36. Kết thúc chuỗi ngày li bì say rượu và kết thúc những bài thơ văn bi quan, chán nản. Mới thấy Rượu và hệ lụy của rượu không chỉ có Lời Bay và Dạ Cạn.
Thơ Haiku vốn không tả mà chỉ gợi. Tác giả Lý Viễn Giao với Rượu của mình đã khơi gợi trong tôi một dòng suy nghĩ và tôi đã viết ra những suy nghĩ của riêng cá nhân mình. Rất mong nhận được sự lượng thứ từ bạn đọc và tác giả nếu như có thiếu sót.
Sài Gòn 12/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn



Xuân Sơn rất mong nhận được những góp ý của các vị tiền bối về thơ Haiku.

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

ĐIỀM VUI - THƠ NGẮN TÌNH DÀI Ý SÂU CỦA NỮ SĨ TUỔI 80 PHAN THỊ THANH MINH



Cầm trên tay tập thơ Lời Ngắn Tình Dài của nữ sĩ tuổi tám mươi Phan Thị Thanh Minh, theo thói quen tôi mở tập thơ và đọc trang bên trái. Trong trang 24 có bốn bài thơ ngắn và đọng lại trong tôi bài thơ:

Điềm Vui


Chích bông ríu ran
Trên bồn trúc cảnh
Bình minh.(Phan Thị Thanh Minh)

Điềm Vui vỏn vẹn chỉ 10 từ cho ba ngắt ý theo lối thơ Haiku Việt.
Ngắt ý thứ nhất gợi cho ta thấy: Có một Điềm Vui sống động đang hiện hữu. Ít nhất có hai chú chim chích bông đang ríu rít trò chuyện với nhau hay có thể nhiều hơn bởi chích bông ríu ran không thể lẻ loi một con mà âm thanh “ríu ran” lan niềm vui sang người đang ngắm nhìn thưởng thức niềm vui ấy được.
Ngắt ý thứ hai là địa điểm cụ thể : Trên bồn trúc cảnh.
Họ nhà Trúc có nhiều chi nhưng trồng trong chậu cảnh thông thường người ta chọn Trúc quân tử.
Trúc quân tử gắn liền với giai thoại của Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi khi đi sứ sang Trung Quốc ông đã xé bức hoành treo ở nhà quan Tể Tướng nước này. Nguyên do dẫn tới việc ấy vì bức hoành thêu con chim sẻ đậu trên ngọn trúc như thật, ông giơ tay bắt, những người có mặt cho là ông quê mùa phá lên cười. Lưỡng Quốc Trạng Nguyên kéo bức hoành xé toạc rồi quay sang giải thích rằng: “Cổ nhân vẫn cho trúc là bản sắc người quân tử, còn chim sẻ là đại diện cho hình dáng kẻ tiểu nhân. Tiểu nhân đâu có thể đậu trên đầu quân tử….” Bức hoành ấy và cảnh chim sẻ đậu trên ngọn trúc đã xé đi và không còn ý nghĩa tốt đẹp từ ngày xa xưa ấy.

Nay nữ sĩ gợi lại trúc quân tử đại diện cho bản sắc người quân tử. Mà ở đây có lẽ là người quân tử Việt Nam, bằng hình ảnh “Trên bồn trúc cảnh” có bầy “Chích bông ríu ran” chứ nào phải bọn chim sẻ tiểu nhân cơ hội. Mặc dù hình dáng hai loài chim này vốn nhỏ bé như nhau, nhưng người ta chỉ nuôi chích bông làm cảnh, chứ chưa thấy ai nuôi chim sẻ bao giờ.

Thêm một Điềm Vui nữa đến với người chiêm ngưỡng bồn trúc cảnh, sau khi ngắm mấy chú chích bông nô đùa dưới ánh Bình minh. Bình minh! bắt đầu một ngày mới, mở ra ánh sáng rực rỡ sau những canh dài màn đêm bao phủ.

Ngắt ý thứ ba với hình ảnh “Bình minh” góp vào Điềm Vui của người chiêm ngưỡng một không gian mới, một thời gian mới, hòa cùng sự vật cụ thể Tĩnh là “Bồn trúc cảnh” và sự việc Động là đám “Chích bông ríu ran”.

Điềm Vui mới chỉ là điềm báo trước một niềm vui sẽ tới. Bồn trúc cảnh luôn hiện hữu, đám chích bông tụ tập ríu ran rồi sẽ bay đi. Bình minh lấp lánh phía chân trời rồi cũng trôi theo vòng quay của quỹ đạo để khép trọn một vòng quay.

Điềm Vui sẽ ở lại lâu hay mau, còn tùy thuộc vào những sự vật, sự việc cụ thể muốn báo, nhưng tâm hồn người chiêm ngưỡng khoảnh khắc này thì ắt hẳn rất vui. Chỉ có niềm vui trong tâm hồn mới dẫn tới cảm nhận sự vật sự việc xung quanh vui theo .

Đại thi hào Nguyễn Du từng viết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”! Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh khi viết Điềm Vui hẳn bà đang vui lắm. Bất giác tôi nghĩ có lẽ sau một đêm với những giấc mơ ngọt ngào, nữ sĩ tỉnh giấc. Cũng là lúc ánh bình minh lấp ló. Cánh cửa ban công mở ra…Và rồi trước mắt nữ sĩ là Điềm Vui ập đến hòa cùng dư hương những giấc mơ. Tâm an nhiên tự tại, lòng rộn ràng niềm vui, Xung quanh cảnh vật ắt vui theo. Điềm Vui đã báo, ngày mới bắt đầu hy vọng sẽ tràn ngập niềm vui đến bên người nữ sĩ dạt dào tình thơ.

Sài Gòn 30/8/2014.
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

BLOG HUỲNH XUÂN SƠN MỘT NĂM TUỔI









Mưa Nắng dệt nên giấc mộng êm
Góp gom câu chữ gửi ngày đêm.
Trao đi Tình Ý ngàn hoa thắm
Mong nhận  nơi đây giọt rượu mềm!

Hôm nay 28/8 /2014 là ngày Căn lều nhỏ bé của Huỳnh  Xuân Sơn đã đứng được một năm tròn. Một năm qua với rất nhiều niềm vui và tình cảm cũng như sự chia sẻ của gia đình Blogger dành cho Xuân Sơn cũng như những bài thơ bài viết được đăng tại đây!
Xuân Sơn kính chúc tất cả các cô, chú các anh chị và các bạn nhiều niềm vui, sức khoẻ và hạnh phúc. Xuân Sơn cũng mong mình vẫn tiếp tục được nhận những tình cảm của đại gia đình Blogger thân quý!
Cuối cùng Xuân Sơn cám ơn người đồng hành trên chiếc thuyền, đã động viên Xuân Sơn những lúc nản chí muốn buông...Và là người có lẽ cũng ghét nhất những gì Xuân Sơn viết ra




Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

THU VÀNG





Thu vàng mấy độ phôi pha 

Vóc gầy bao đêm thổn thức 

Buồng riêng giật mình bất chợt 

Tưởng rằng ôi ! chỉ mình ta


Vàng gieo hôn lên mái tóc 

Sợi buồn sợi bạc lưa thưa 

Mây ngàn bay hoài cô độc 

Yêu em từ độ bao giờ ?


Thuyền ai vừa xuôi bến vắng 

Tỉnh say khua một mái chèo 

Mong sao dòng đời tĩnh lặng 

Sông dài chậm giấc cô liêu 


Lá vàng cựa mình rơi vội 

Cùng người nhặt lấy ánh trăng 

Tình duyên sao mênh mông lối 

Đông về sương bạc vừa giăng



Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

CHIA VUI

Gần một năm trôi qua với bao niềm vui có được từ sự chia sẻ của các cô chú, các anh chị và các bạn, Xuân Sơn xin cám ơn tất cả. 
Xuân Sơn có niềm vui riêng xin được chia sẻ. Con trai lớn của Xuân Sơn đang học năm 3 đại học ngành Quản Lý Kinh Doanh Quốc Tế . cháu xin được học bổng  của trường đại học ở tiểu bang NEWYORK- Mỹ. Cháu đã sang tới nơi ổn định học tập và nơi ăn ở.
Đây là những hình ảnh gia đình Xuân Sơn chụp ngày 14/8 trước khi cháu đi 2 ngày.


















Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

HẠ HỒNG



Hạ Hồng

Hạ hồng trăng sáng mênh mông
Chân cầu ôm bao con sóng
Ai vừa vội bước qua sông ?
Mà nghe lòng mình xao động

Tầng cao chim bay mỏi cánh
Mây xưa giờ có quay về?
Em đừng phơi mình trong nắng
Mấy lần cháy khúc đam mê

Có khi phượng hồng hỏi gió
Về đâu mù hút chân người?
Tiếng ve khoe vầng trăng tỏ
Thuyền ai như vừa xa khơi!

Đóa sen vừa tàn cuối hạ
Ta về nhặt lấy phù hoa
Thương em đường về xa quá
Thu vàng mấy độ phôi pha !