Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

NHỮNG MÙA HOA PHƯỢNG ĐI QUA ĐỜI TÔI

Lời Tựa: Sau khi sống với nhau hơn hai chục năm, XS mới biết rằng Ông xã còn biết viết văn. Đây là bài thứ hai sau bài viết về PLEIKU - Nắng Bụi Mưa Bùn. Anh ấy viết đăng vô kỷ yếu của lớp nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra trường....
Xuân Sơn xin giới thiệu với đại gia đình Blogspot.

Tháng năm, hương sen đã thoảng nhẹ trong gió. Tiếng ve đã râm ran trên từng tán cây, suốt dọc đường đến trường và ngược lên phía công viên. Tiếng ve kêu khắp nẻo, như nhắc nhở với mọi người rằng mùa hạ đã về , về thật rồi...
Và đối với tôi, mùa hạ vẫn có điều gì đó rất riêng, không lẫn với bất kỳ mùa nào khác được, dù mỗi sáng nắng vẫn lên và chiều hoàng hôn vẫn xuống.
Ở tuổi 14,15 tôi là một cậu bé đánh giày ở một thị xã nhỏ của miền trung. Năm 1965 chiến tranh bắt đầu lan rộng. Gia đình tôi phải chạy về thành phố để tránh đạn bom. Bỏ lại sau lưng mọi thứ tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, mỗi người chỉ kịp mang theo mình túi quần áo nhỏ.
Đất chật người đông, không việc làm nơi phố thị, mẹ đau yếu luôn và các anh em thì còn đi học . Tôi phải hy sinh: bỏ học .Hằng ngày theo lũ bạn cùng trang lứa đi đốn củi ở núi Chóp Chài về bán. Nhưng rồi có người bạn gần nhà, thấy tôi đi đốn củi khổ sở ,không được bao nhiêu tiền nên dẫn tôi đi đánh giày để mưu sinh..
Người bạn này đánh giày đã lâu nên tôi đi theo để không bị bắt nạt.
Hàng ngày cứ vào buổi trưa rảnh việc, tôi lại đến tiệm giặt ủi Tân Lai ở đường THĐ để vừa tìm khách vừa được nghe nhạc.( Dạo ấy tiệm giặt ủi này có cô chủ thích nghe nhạc và họ cũng có một dàn máy hiện đại vào bậc nhất thời bấy giờ. )
Với tuổi 15 tôi cũng không rành về nhạc, nhưng có một bài hát tôi đặc biệt thích nghe không chán ( Thường thì tôi xin cô chủ cho nghe lại, cô thấy tôi thích và cũng ngoan nên cô chiều ý ). Sau này tôi mới biết đó là bài :Nỗi buồn hoa phượng của nhạc sỹ Thanh Sơn:
“ Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi...” ( Nỗi buồn hoa phượng _Thanh Sơn )
Lời nhạc nhẹ nhàng, ray rứt của tuổi học trò. Tôi không biết người ca sỹ thể hiện bài hát tên gì, là ai, nhưng mỗi ngày qua đi, sau khi được nghe chị hát tôi lại lẩm nhẩm hát theo và cam đoan rằng tôi thuộc lời và cả từng luyến láy của câu hát. Và bây giờ, nếu ai đó hát sai dù chỉ một nửa tông trong một nốt nhạc là tôi phát giác ngay. Và cũng mãi sau này tôi mới biết đó là ca sĩ Thanh Tuyền.
Khi gia đình tạm ổn định, tôi bắt đầu đi học trung học trở lại- Năm 1965 tôi đang học lớp Đệ ngũ TH SC thì phải nghỉ học.Vì giấy tờ thất lạc và tuổi đã lớn , tôi phải làm giấy tờ nhỏ tuổi lại mới đi học tiếp được. Từ đây, cứ mỗi mùa hè đến tôi lại phải chuyển trường và học nhảy lớp cho kịp thời gian.
Nhìn những cành phượng vỹ nở đỏ ối và tiếng ve rộn rã mỗi lúc hè về, tôi thấy thời gian qua nhanh quá. Theo lẽ tự nhiên, đứa con trai mới lớn trong tôi bắt đầu ý thức được sự chia ly của tuổi học trò. Những rung động đầu đời dần hình thành, một nỗi buồn vô cớ, man mác len nhẹ vào hồn qua những lần phượng nở:

“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng
Biết ai còn nhớ đến ân tình không
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu...
Giờ như nước trôi qua cầu...”( Nỗi buồn hoa phượng -Thanh Sơn )

Lời bài hát sao mà chứa chan tình cảm . Hình như có một sự tiếc nuối đến nghẹn ngào. Dù tôi chưa từng hẹn hò với cô bạn học nào cả. Có chăng chỉ trong tâm tưởng. Tôi bắt đầu tập tành làm thơ để tự thỏa những rung động trong lòng:
“...Sau mùa xuân,ấy là mùa hạ
Trời trong veo và nắng cháy da
Có hương sen nhẹ bay theo gió
Níu chân ai áo trắng học trò...”*
Mỗi đêm về trên căn gác nhỏ,tôi nghe tiếng gió thầm thì qua khung cửa sổ như những lời hẹn hò,những âu lo cho nhau .Chỉ chừng đó thôi,canh dài khắc khoải, những trăn trở hiện về'Tôi như lắng nghe tiếng thời gian ngừng chảy:
Gĩa biệt bạn lòng ơi
Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi
Buồn riêng một mình ai...
Chờ mong từng đêm gối chiếc
Nỗi u hoài này ai có hay?...( NBHP- Thanh Sơn )

Niềm vui ngắn ngủi,nghe tiếng ve kêu sao mà buồn thảm.Từ trong thẳm sâu của ký ức ,những nỗi nhớ nhung nhỏ nhoi,những lần hẹn hò tiếp nối hiện về.Biết nói với nhau điều gì dù sân trường giờ đây chỉ còn hai đứa:.
“...Tiếng ve nức nở chan chứa
Sân trường còn lại hai đứa
Cầm tay nhau nói nhiều cũng buồn....” ( Thương ca mùa hạ- Thanh Sơn )
Thời gian dần trôi qua,tôi ngày một lớn,tình học trò tình như gió thoảng, như mây bay. Xốn xang chỉ riêng một góc trời nhỏ bé của mình. Để rồi mỗi lần vào hạ, tiếng ve kêu cũng làm thức giấc bao mộng ước trong lòng,một thứ tình cảm mới mẻ nhẹ len vào hồn.Tôi vẫn không định hình được ấy là tình yêu hay là tình bạn:

Tuổi mười lăm
Với những nụ phượng hồng vừa hé
Bâng khuâng những dòng nhật ký
Viết cho nhau
Mơ hồ nghe những rung động ban đầu
Không hẳn chỉ là tình bạn
Để mỗi đêm hè tâm trí lại xôn xao...*
Vâng,ấy chỉ có thể là tình yêu của đôi trai gái, trong sáng và không một chút bận lòng về những bất trắc có thể xảy ra:
“...Nếu ai đã từng rung cảm
Đôi lần nhặt màu hoa thắm
Lòng bâng khuâng biết mình đã yêu...” ( Thương ca mùa hạ_ Thanh Sơn )
Tình đầu đời của mỗi chúng ta sao đẹp quá, với những suy nghĩ vu vơ, những bàn tay vụng dại nắm lấy nhau run rẩy.Trước mắt tôi chỉ thấy màu xanh, màu của hy vọng chứa chan:
Tuổi mười tám
Tay vin cành phượng vỹ
Trao nhau nụ hôn đầu
Nghe lòng thấy lâng lâng
Tay cầm tay mong thời gian ngừng lại
Để trái tim non xao động... ngại ngần...*
Cả hai cùng đón nhận ân sủng của đất trời, không so đo, không toan tính.Trái tim chưa kịp lớn của tôi đập rộn ràng,những mong thời gian ngừng chảy .Đời học sinh sắp qua đi,đường đời muôn nẻo ,biết ngày mai sẽ về đâu?Mùa hạ này cũng là mùa của chia ly lần cuối. Nhìn cành phượng đã nở rộ, lòng tôi trĩu nặng bao ân tình với những dòng lưu bút. Ngôi trường thân yêu, với tường rêu ngói đỏ của thời cắp sách:
“...Nhưng bao nhiêu yêu dấu đã phai mờ
Thời gian đã vùi chôn tuổi học trò
Người em gái mến thương nơi chốn nào
Bao giờ mình gặp nhau....” ( Lưu bút ngày xanh- Thanh Sơn )

Để mỗi chiều hè, thơ thẩn trong sân trường cũ, nhặt từng cánh phượng rơi mà tiếc nhớ những ngày qua ,và thấy lòng sao quạnh vắng:
“...Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương
Màu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè sang... kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm “ ( NBHP-Thanh Sơn )
Từ giã tuổi học trò,những cánh chim bắt đầu tung cánh bay về muôn hướng, bỏ lại sau lưng ( có thể nhớ, có thể quên ) những ngày xưa thân ái. Tôi vào học ngành sư phạm,người xưa cũng đã chọn cho mình một hướng đi,cả hai cùng mong ngày tái ngộ để nối lại mối tình thơ.
Thời gian vẫn cứ trôi đều đặn, xuân sang hè đến. Dòng đời nghiệt ngã,chiến tranh ngày càng khốc liệt,chúng tôi lạc mất nhau vì nhiều lẽ. Lắm khi chợt giật mình nhớ đến mối tình thơ của tuổi học trò, không biết giờ đây, người xưa phiêu bạt nơi nào. Có còn lại chăng là những tiếc nhớ buồn thương của thời áo trắng:
Tuổi ba mươi
Hàng phượng buồn đu đưa theo gió nhẹ
Từng cánh phượng cuối mùa,
Rơi rụng... nhớ thời gian
Tiếng sáo diều vi vu... hờ hững
Thời học sinh xa lắc...vọng buồn,*
Dòng sông qua bao nhiêu thác ghềnh vẫn chảy xuôi về biển,Cũng như dòng đời đôi khi vật vã, đôi lúc lặng yên trôi theo bóng thời gian. Thi thoảng vô tình, tôi bắt gặp lại những kỷ vật xưa, lòng chợt nghĩ sao ta quá vô tình, dẫu rằng bụi thời gian có thể đã phủ mờ bao kỷ niệm.
Tuổi bốn mươi
Lật từng trang lưu bút
Cánh phượng khô ép giữ những vần thơ
Từng khuôn mặt thân quen
Lâu rồi quên liên lạc
Bụi thời gian
Phủ che bao hẹn ước... đợi chờ*
Bây giờ tuổi đã về chiều, bao mùa hoa phượng vẫn nở rồi tàn, bao lần tiếng ve râm ran rồi nín lặng.Tôi thầm trách mình sao ngày ấy ngu ngơ?. Sao dòng thời gian ta không buồn níu lại? Để dòng đời nghiệt ngã nổi trôi?
Tuổi xế chiều
Nhìn xác phượng tàn khô dưới nắng
Nghe đâu đây tiếng hát ngày xanh
Tiếng hát học trò
Một thời xa vắng
Vẫn vang lên khi phượng đỏ trên cành*

Chiều nay, nghe lại bản nhạc buồn năm nào mà đầu đời cảm nhận được,lòng chợt bồi hồi xúc động.Giọng nữ ca sỹ Thanh Tuyền vẫn như ngày xưa, trầm ấm, thiết tha. Có lẽ không ai thể hiện bài hát này thành công như chị, dù có qua bao nhiêu năm tháng. Xin cảm ơn nhạc sỹ Thanh Sơn, người nhạc sỹ tài hoa của tuổi học trò, lứa tuổi mà tất cả chúng ta ai cũng từng trải qua. Thời gian có thể phủ mờ tất cả, nhưng không thể xóa nhòa những rung động đầu đời của con tim một thời hoa niên,nhiều mộng mơ và tươi đẹp nhất.

*Thơ Những mùa hoa phượng
Sài Gòn tháng 5 năm 2013

Huỳnh Kim Thạch

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

PLEIKU _MỘT THỜI NẮNG BỤI MƯA BÙN...



( xin tưởng nhớ những người bạn đã phải nằm lại nơi này )



Chiếc xe đò chậm dần rồi đỗ xịch lại. Mệt mỏi và nóng bức là cảm giác đầu tiên khi tôi bước xuống khỏi xe. Đáng lý ra xe đã về đến dây từ mấy tiếng trước, nhưng dọc đường xe bị hỏng nên đành chịu.
Đã hai giờ chiều, ngột ngạt và khó thở. Tôi rẽ sang đường ngay ngã ba Diệp Kính, chui vội vào quán cà phê có máy lạnh, trong khi chờ Tùng,người bạn cũ đến đón. Đó là người bạn học thời trung học, lưu lạc lên thành phố này đã bốn mươi năm. Bây giờ bạn cũng có chút thành đạt nên mời tôi lên chơi, Pleiku thành phố biên viễn của một thời chiến tranh đã lìa xa. Pleiku, tên gọi mà rất nhiều người ở thế hệ chúng tôi sẽ phải e ngại khi nghe nói đến. Súng đạn và chết chóc với hai mùa nắng đổ lửa và mưa thối trời thối đất.

Không khí trong quán dịu đi theo tiếng nhạc nhẹ nhàng và tôi thấy đây đó vài cặp tình nhân tình tự có vẻ thân mật. Khẽ mỉm cười đồng cảm với họ, tôi vẫy tay gọi người phục vụ
_Cô có thể cho tôi nghe một bài hát nào đó về Tây Nguyên không ?
_Dạ được chứ ạ chú chờ một chút nhé, cháu sẽ chọn ngay
Giọng cô bé phục vụ trong veo và đôi mắt tròn vo như hai viên bi trên khuôn mặt
Phố núi cao phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em....

Em Pleiku má đỏ môi hồng... (Còn chút gì để nhớ Vũ Hữu Định_Phạm Duy)
Tiếng người ca sĩ trầm ấm thiết tha với một chút âm sắc của núi rừng kéo tôi về với hồi tưởng của chuyến đi đầu tiên đến với cao nguyên nắng gió này cách đây đã bốn mươi năm chẵn.
Ngày đó tôi là một giáo sinh của trường SPQN, vào trường sau mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến tranh ngày càng ác liệt trên cả nước, lệnh đôn tuổi quân và động viên quân dịch được ban hành. Tôi thi vào trườngSPQN với tâm trạng rối bời. Tôi và vài người bạn trúng tuyển nhập học. Nhưng còn rất nhiều những người bạn của tôi phải lên đường nhập ngũ, bỏ lại sau lưng sách vở, ngôi trường và những ước mơ chưa trọn.
Hụt hẫng và mất phương hướng là tâm trạng chung của thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong đạn bom khói lửa. Và dù vạn lần không mong muốn, chúng tôi vẫn bị cuốn trôi theo cơn lốc của chiến tranh.
Sáng 27/1/1973 chúng tôi đang thi học kì 1, thì được tin hiệp định Paris quyết định số phận chiến tranh Việt Nam được ký kết.
Không gian vỡ òa, tâm trạng chúng tôi lâng lâng...thế là chiến tranh đã chấm dứt, cảnh chết chóc và những tiếng nổ đêm đêm không còn vọng về nữa.
Cả lớp chúng tôi như dừng lại với bài thi dở dang. Thầy phụ trách phải giải thích và khuyên nhủ rằng: đây chỉ là bước đầu tiên thôi, chứ chưa phải và chưa chắc được hòa bình như mong đợi. Do đó chúng tôi phải làm tròn công việc của mình. Buổi trưa hôm đó tôi không về nhà mà vào nội trú. Một không khí ồn ào, hỗn độn với baohiêu âm thanh phát ra từ mọi dụng cụ như: nồi xoong,cà mèn, xô đựng rác, những chiếc ghế ngồi,và thậm trí là cả vách tủ được các bạn trong nội trú gõ lên, lẫn trong tiếng cười, tiếng gào thét của quá nhiều người phấn khích. Bên dưới sân trường cảnh khói lửa bốc lên mù mịt. Ban quản đốc nội trú và giám thị cũng chỉ nhắc nhở giáo sinh đừng làm gì quá đáng chứ trong lòng cũng vui lây với cái vui chung của cả dân tộc.
Khoảng một tháng sau sự kiện ấy tôi nhận được thư của một người bạn , bảo rằng đang công tác CTCT tại tỉnh Pleiku. Cụ thể là quận Lệ Trung. Tôi khăn gói lên đường thăm bạn mà không nói lý do cho bạn bè và cũng không xin phép nhà trường nghỉ học
Rời Qui Nhơn bằng chuyến xe đò sớm nhất của hãng Việt Sanh, lòng háo hức mong gặp bạn. Chẳng biết sau những ngày nhập ngũ và huấn luyện quân trường, có gì thay đổi không.
Trên xe khá đông hành khách, đa số tay xách nách mang. Vài người lính lẫn trong xe, có lẽ trên đường trở về đơn vị. Nhìn dáng vẻ hiên ngang nhiều nắng gió của họ, rồi nhìn lại mình, tôi thấy mình sao ngây ngô và lạc lõng. Ngồi ghế bên cạnh tôi là một thiếu phụ mặc áo dài màu đen độ chừng ngoài hai mươi tuổi và một cháu bé ,cả hai đều đội vành khăn trắng. Màu khăn trắng và chiếc áo dài đen tương phản. Tôi chợt nghĩ đến thân phận con người sống trong chiến tranh, những đối nghịch sống _chết, mất _còn, hợp _tan ,vô định...
Mải suy nghĩ vẩn vơ xe vượt qua đèo An Khê lúc nào không biết. Lúc này nắng đã lên cao, tôi nhìn người chị đồng hành bên cạnh:
_Chắc chị cũng về Pleiku chứ?
_Vâng cám ơn anh nhưng tôi còn đi thêm một đoạn nữa
_Chị về quê à?
Giọng trầm buồn chị đưa khăn tay chặn dòng nước mắt
_Tôi lên đơn vị cũ của anh để nhận tiền tử tuất và làm hồ sơ cô nhi quả phụ cho cháu thôi ạ
Tôi chợt thấy sống mũi mình cay xè và cổ họng như đắng nghét . Chiến tranh mang lại quá nhiều bất hạnh cho nhiều thân phận.
Đăm chiêu,tôi nhìn hai bên đường, xe vẫn lao đi vùn vụt. Thỉnh thoảng hai bên đường vài xác xe nhà binh lẫn xe đò bị nổ mìn vỡ nát. Vài ngôi miếu cô hồn khói nhang nghi ngút. Vài đoàn xe nhà binh ngược chiều chạy bạt mạng tung bụi đỏ mịt mù. Thi thoảng những tràng đạn liên thanh nổ vang trời, ở những khúc quanh:
Bao giờ cho hết chiến tranh
Bao giờ cho đến hòa bình
Để được hát Bài Hương Ca Vô Tận...( Thơ Huỳnh Xuân Sơn )
Lòng tôi quặn thắt và bỗng dưng tôi muốn mình trở thành một người lính, bên nào cũng được, để tham gia vào trò chơi nghiệt ngã này, như một cách trốn chạy cuộc sống.
Xe đến Lệ Trung vào buổi trưa. Trời nắng như đổ lửa, mỗi khi có chiếc xe chạy qua bụi đỏ bốc lên mù trời, không gian như đặc quánh lại. Chung quanh không một bóng cây. Nắng nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại, tôi vội vã bước đến chỗ mấy hàng quán gần chợ, những mái tôn thấp lè tè, đỏ quạch màu đất đỏ bazan bất kỳ nơi nào ánh mắt tôi đảo tới.
Tại một bàn nước có hai người lính mang trên ve áo chiếc alpha màu vàng tôi dừng lại.
_Xin lỗi cho tôi hỏi thăm có anh nào biết Nguyễn Xuân Tùng SVSQ khóa 10/72 đaị đội 749 ở đâu không nhỉ.?
_À Tùng lùn phải không? Cùng đại đội với bọn này. chắc loanh quanh gần đây thôi.
_Thế anh bạn là ai vậy? Một anh bạn cao gầy đen nhẻm lên tiếng.
_Tôi là Sơn bạn của Tùng, cùng học thời trung học, nghe Tùng ở đây nên lên thăm chơi.
Chưa nghe trả lời thì thấy vai mình bị đập mạnh, quay lại tôi đã thấy Tùng đứng sau lưng có cả Thông, Ngọc, Hùng...cả bốn đều là bạn tôi thời trung học. Nhìn bốn chiếc đầu húi cua ba phân, làn da đen sạm của mấy người bạn tôi phì cười. Tiếng Tùng vồn vã:
_Ê mày lên đây bằng gì, sao lại đi một mình, chắc là bỏ học phải không? Hôm trước thằng Bùi Công Trúc có gửi thư cho tao bảo rằng mày muốn đi lính.
Tôi cười xòa: chắc vậy. Nắm tay kéo bạn vô quán và cùng ngồi với hai anh bạn tôi vừa hỏi thăm
Tùng giới thiệu với tôi mấy người bạn
_Đây là Tiến ( người tôi hỏi thăm ) quê Nha Trang và đây là Hậu quê Bình Định cả bọn cùng đại đội ở quân trường Đồng Đế cả
_Còn đây là Sơn đang học SPQN, tay thi sĩ này hát hay...và đàn cũng giỏi
Chúng tôi hỉ hả bắt tay nhau, cười nói rôm rả.
Chưa kịp kêu nước uống, Hậu lên tiếng xin lỗi bà chủ quán và kéo chúng tôi
_Lên cà phê Hồng đi, nhiều bóng cây và nước suối mát lắm, đặc biệt cô chủ quán rất xinh, thằng Ngọc đã trồng cây si rồi
Tôi quay sang nhìn ngọc cười cười. Ngọc là tay đẹp trai, cao to nhất bọn, nhưng tính tình hiền hiền ít nói...

Chúng tôi bảy đứa cùng leo lên một chiếc xe lam, chiếc xe rú ga đưa chúng tôi về hướng Pleiku chừng năm cây số. Tùng giới thiệu:
Đây là xã Phú Thọ. Địa bàn bọn mình công tác. Dân bắc 54 một trăm phần trăm theo Thiên Chúa Giáo, rất nhiều người đẹp và khá an ninh
Quán cà phê Hồng nằm bên cạnh con suối nước chảy róc rách, cảnh trí thật thơ mộng. Mỗi lối đi nhỏ len lỏi giữa những bụi cây dại dẫn tới một chiếc bàn uống nước bằng một tảng đá, Thường chỉ có hai ghế ngồi bằng thân cây cắt ngang. Chúng tôi chui vào căn lều bằng tranh ở lưng chừng dốc cạnh con suối. Đây là trung tâm của quán. Một bóng hồng thấp thoáng. Tôi chưa kịp nhìn kỹ thì giọng Hậu đã oang oang:
Cô chủ đây rồi _Hồng đây rồi _người đẹp của Ngọc đây rồi
Hồng bước đến kéo ghế ngồi sát bên tôi, giọng rất tự nhiên:
_Chắc anh mới vừa lên đây, PLEIKU, VÙNG ĐẤT NẮNG BỤI MƯA BÙN này phải không?
_Vâng . Sao cô biết hay thế? giọng tôi hơi ngạc nhiên
_Thỉnh thoảng cũng có bạn của các anh SVSQ cùng đến đây uống nước và...
Tôi thấy vui pha chút thích thú với câu trả lời đứt đoạn của Hồng. Nhìn kỹ một chút. Đúng là Hồng khá đẹp, nói giọng bắc pha chút gì đó của âm hưởng Tây Nguyên. Chắc cô này làm nhiều anh chàng chết mê chết mệt đây. Tôi thầm nghĩ.
Tùng tự nhiên:
_Cho bọn anh cà phê đi Hồng, ít đường thôi nhé
Không khí trong quán ồn ào hẳn lên, bảy chúng tôi bỗng như thân thiết nhau hơn. Ngọc, ông bạn có tiếng là ít nói cũng chen vào:
_Sơn nếu mày thích ở đây trồng cà phê, tao sẽ giới thiệu mấy rẫy cà phê của Hồng cho mày.
_Đừng đùa, tao vừa nghe Tùng giới thiệu khi nãy nhé. Sơn chắc khá về vụ này nhưng tao nghĩ Sơn .không trồng cà phê đâu. Mà trồng loại cây dài ngày hơn thôi.
Tiến Nha Trang nãy giờ ngồi im giờ lên tiếng khiến cả bọn cười ồ
_Cây si thì nói đại đi, còn vòng vo cây dài ngày với ngắn ngày
Chợt có cơn gió lạnh ùa vào, làm dịu đi không khí nóng nực. Mây đen sà xuống thấp. Giọng Hồng trùng xuống
_Lại mưa giông rồi. Lát nữa các anh về lại phải khốn khổ vì bùn lầy của đất đỏ Tây Nguyên.
Mưa nặng hạt dần, từng cơn gió lạnh mang theo nước mưa thốc vào quán hắt vào tận chỗ chúng tôi ngồi. Cả bọn chúng tôi lại chuyển chỗ ngồi sát vào trong góc quán, ngồi co cụm lại với nhau.
Hớp từng ngụm cà phê nóng, nhìn ra màng mưa đục, tôi thầm ước ao mưa đừng tạnh, để chúng tôi không phải về.
“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”
Tôi chợt nhớ tới câu thơ cổ và bật cười với chính ý nghĩ của mình
Tùng đi vào trong quầy tính tiền lấy ra một cây ghi ta và ấn vào tay tôi
_Sơn hát đi để bọn mình cùng nghe với. Giòng nhạc TCS với Ca khúc da vàng hoặc Kinh Việt Nam càng tốt
Đón lấy cây đàn, tôi nhìn thấy có ghi tên nhiều người, số quân,KBC cùng những lời hẹn, những ước mơ và cả những lời hẹn tán gẫu vu vơ


“ôi đêm dài và cơn bão rớt

Trên dải đất quê hương khô cằn...

ôi bom đạn cày trên những xác...

Trên đồng lúa hôm nay bỏ hoang...( Đêm bây giờ _Đêm mai _TCS )


Tôi cất tiếng hát với những trăn trở, xót xa thân phận lạc loài của kiếp sống...
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ

Để lại cho con

Gia tài của mẹ

Là nước Việt buồn

Gia tài của mẹ

Một rừng xương khô......Một núi đầy mồ ( Gia tài của mẹ _TCS )


Mưa đã ngớt rơi, trong quán vắng tôi chợt nghe có tiếng nấc. Nhìn lại, tôi thấy Hồng đôi mắt nhòa lệ. Cả bọn chúng tôi cùng bối rối.
Hậu đưa tay nhận cây đàn:
_Sơn hát thay cho nhiều thân phận quá, mình sẽ hát cho các bạn nghe...về mỗi thân phận mình thôi. Hậu bắt đầu dạo đàn, với giai điệu thổn thức:


Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây

Đã vui chơi trong cuộc đời này....đã bay cao....

Rồi nằm xuống

Không bạn bè

Không có ai từng ngày....

Cho hận thù vào lãng quên...

Đất hoang vu... khép lại hẹn hò... ( Cho một người nằm xuống _TCS )


Bây giờ Hậu và Tiến cùng cất tiếng hát


Rồi có một ngày,

Có một ngày chinh chiến tàn

Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi

Ngoài con tim héo em ơi

Xin bỏ lại đây, Trả lại đây

Thép gai giăng với lũy hào sâu

Lỗ châu mai với những địa lôi

Đã bao phen máu anh tuôn...( Một mai giã từ vũ khí _Trịnh Lâm Ngân )
...
Khoảng sáu tháng sau tôi nhận được tin Hậu mất trong một đợt hành quân. Rồi sau đó ít lâu Tiến nằm xuống sau tiếng nổ của một quả bích kích pháo.
Vậy là hai người bạn của tôi đã vĩnh viễn ra đi, không kịp giã từ vũ khí, không kịp thực hiện những ước mơ đời thường. Để rồi đến hôm nay sau bốn mươi năm, tôi trở lại nơi này, với những ray rứt, những ân hận muộn màng và cả những tiếc nhớ đối với những người bạn đã ở cuối trời thênh thang...

PLEIKU tháng 2 năm 2013

 Huỳnh Kim Thạch 

Thay cho lời giới thiệu:
Xuân Sơn Biết ơn cha mẹ đã cho Xuân Sơn hình hài, nuôi dạy Xuân Sơn thành người.....
Xuân Sơn biết ơn thầy cô dạy Xuân Sơn biết đọc biết viết....biết nhìn cuộc đời với gam màu hồng tươi đẹp.
Xuân Sơn cám ơn Tác giả bài viết đã dạy cho Xuân Sơn biết cuộc đời còn có những gam màu xám, màu đen bên cạnh những gam màu tươi sáng....
 
Sài Gòn 22/4/2014
Huỳnh Xuân Sơn 



Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

BẠN TÌNH




Trăng ngà chứng giám đôi ta
Ti Gôn sắc tím nệm hoa gợi tình
Một làn gió thoảng hương trinh
Màn đêm buông xuống quyện tình khát khao
Đôi ong quấn quýt yêu sao
Giật mình...vương vấn tình nào đây ong?






Xuân Sơn cảm tác từ tác phẩm cùng tên của tác giả Võ Mậu Khiêm -Phan Rang(Hình minh họa)


Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

TỐI RỒI MẸ ƠI!


Hàng ngày hai chị em tôi
Mẹ cho bú tí... rồi chơi quanh nhà
Mẹ đi kiếm cỏ nơi xa
Đơn thân... mình mẹ xót xa một đời
Ánh dương chìm xuống chân trời
Dắt em ra ngóng mẹ nơi cội già
Cội già như bóng dáng cha
Chở che hai đứa...chiều tà dần buông


Xuân Sơn cảm tác từ tác phẩm cùng tên của tác giả Võ Mậu Khiêm-Phan Rang ( hình minh họa)

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

THANH BÌNH VỚI NHỮNG CƠN MƯA CHIỀU CỦA HUỲNH XUÂN SƠN



Xuân Sơn và Chị Thanh Bình tháng 12'2013



Trời mưa ! Tôi nghĩ hình như chiều mang mưa về phủ lên con phố , hay là mưa đem chiều về cho tôi mênh mang suy nghĩ , mà có thế nào thì chiều vẫn mưa và HXSđã viết : Những cơn mưa chiều .

Chiều mưa !trên phố mọi người xôn xao chạy trốn như sợ ướt áo hay rộn rã cùng lá me bay trong gió , cô gái có đôi mắt buồn đưa tay giữ cho tóc thôi bay , lá me ơi ngừng rơi đi nhé , người đã lỗi hẹn rồi .

              Cơn mưa chiều

              Bất chợt về thành phố

              Áo xôn xao rộn rã trên đường

             Lá me bay...

            Xô tóc em đến muộn

           Lỡ hẹn rồi nên đôi mắt buồn vương

Người con gái trong bài thơ được tác giả mong chờ , hình ảnh “đôi mắt cuối sân ga “, trong cơn mưa chiều bay ngang thành phố , hình ảnh sân ga để ta hiểu ở đó có con tàu rời bến , có những cuộc tiễn đưa …có đôi mắt dõi tìm và thời gian chờ đợi . Chợt tiếng còi tàu làm thời gian như ngắn lại , ngắn hơn cả chiều dài mái tóc em , chỉ bởi “ có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi “(TCS)có lẽ trí nhớ là vô cùng , không phải là hữu hạn . Con tàu cũng đến lúc rời bến nhưng còn kịp để lại trong trí nhớ những sợi tóc nào bay .

                   Cơn mưa chiều

                   Đang bay ngang thành phố

                   Ta chờ em

                   Đôi mắt cuối sân ga

                   Sợi tóc dài sao thời gian quá ngắn

                   Khi tiếng còi tàu

                   Dang giục giã đi xa .

Rồi mưa ơi ! có xóa được không lối đi về …con đường vắng…cô đơn (?) . Bước chân ai vừa tan trong dòng nước của cơn mưa chiều buổi hẹn hò xưa . Tất cả chỉ là điều em muốn quên trong vùng kí ức vẫn luôn tồn tại .

                  Cơn mưa chiều

                  Vừa đi qua thành phố

                Xóa sạch dấu chân

                Những bận hẹn hò

                Em gắng quên …vạn lần không nên nhớ

                Lối đi về …con đường vắng cô đơn

Rồi sự trở về như vòng quay của chiếc kim đồng hồ , có đơn giản quá không khi “Trời tạnh mưa ta sẽ lại quay về “(?). Để qua bao tháng bao ngày , qua những dặm sơn khê , để con tàu lại về bến đỗ . Có được không khi mọi việc không thể ngược dòng đời . Vì có thể nào cơn mưa chiều không trở lại , và có thể nào khi em đã ra đi …khi tôi vẫn hoài cô độc như ngọn đèn đường vẫn thắp sáng hàng đêm .

                      Những cơn mưa chiều

                     Sẽ trở về cùng thành phố

                    Trời tạnh mưa

                    Ta sẽ lại quay về

                    Như chuyến tàu đêm

                   Trở về bến đỗ

                   Sau những tháng ngày

                   Qua bao đạm sơn khê

Nếu một mai

Những cơn mưa chiều

Không trở lại

Thành phố này hẳn vắng dáng em

Em đã ra đi

Và thế là mãi mãi

Ngọn đèn đường sẽ cô độc hằng đêm .

Nhưng em ơi , thành phố này cơn mưa chiều vẫn đổ , và ngọn đèn đường vẫn soi bóng tình nhân .

Sài Gòn 16/4/2014
Nguyễn Thị Thanh Bình 




Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

MỘT NGÀY ĐI TÌM BẠN

(Một góc phòng khách hôm nay


Xin cho tôi được mượn nơi này để gửi lời cảm ơn chân thành tới các anh chị trực tổng đài bưu điện tỉnh Bình Định và các huyện, tất cả ủy ban các xã cùng một số gia đinh người dân trong tỉnh và đặc biệt là anh Thân Đình Thi cựu BT xã Ân Hảo huyện Hoài Ân, anh Bình trưởng thôn Tân Xuân xã Cát Hanh huyện Phù Cát, đã giúp đỡ tôi trong suốt " một ngày đi tìm bạn cho nhà tôi."


Buổi sáng tôi giật mình thức dậy! Ngôi nhà thật yên ắng. Hai con đã đi học. Tôi bước xuốngcầu thang , nhìn vô phía nhà trong không thấy bóng dáng nhà tôi đâu. Tôi  ra phía trước, anh bắc ghế ngồi bên giàn phong lan. Khuôn mặt anh trầm ngâm tư lự, ánh mắt nhìn xa xăm đến nỗi tôi đến gần bên anh cũng chẳng hay biết.
-Sao sáng nay anh không nấu nước pha café? Anh cũng không gọi em dậy?
Nghe tôi nói, anh giật mình quay lại:
-Mấy giờ rồi em?
-Gần bảy giờ rồi.
-Thế à! Thôi để anh đi nấu nước.
-Thôi để em! Tôi vội vã bước vào trong bếp.
Thật ra mà nói mấy hôm nay anh suốt ngày bận rộn dõi theo từng phút, từng giờ, từng ngày, hành trình đi tìm lại các bạn cũ học lớp 6 trường Sư Phạm Qui Nhơn(1972-1974) đã thất lạc nhau gần 40 năm.

Ngày 22 tháng 8 năm 2012 sẽ là một ngày không thể quên!
Chúng tôi đang ngồi nhâm nhi bên ly café. 8 giờ sáng, bỗng máy điện thoại của anh có tin nhắn của anh Thái: "Tìm bạn Vương Hữu Thành đành bó tay thôi! Hỏi tổng đài rồi, không có địa danh nào tên Tân Xuân cả? Thôi, mình tiếp tục đi ra Quảng Ngãi đây!"
Một nét buồn xen thất vọng trên gương mặt anh. Anh nói:
-Nếu anh không bị đau chân, thì giờ này anh cũng đang đi tìm bạn cùng với Thái rồi. (Anh Trần Trọng Thái là người bạn cùng lớp hiện đang ở Phú Yên. Đầu tháng tám anh tìm gặp bạn bè và bắt đầu lên đường cùng con ngựa sắt của mình rong ruổi khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để tìm những người bạn còn lại trong lớp chưa liên lạc được.)

Sau khi nhận được tin nhắn của anh Thái, tôi quyết định tìm bạn của anh giúp anh. Tôi biết rằng sẽ phải khó khăn vì chỉ một địa danh Tân Xuân nào đó ở Bình Định mà sau mấy chục năm biết có thay đổi hay không? Tôi lấy giấy bút, cầm điện thoại và bắt đầu một kế hoạch mà trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy lờ mờ.
Bắt đầu từ tổng đài 0561080
-Alô! Cô cho tôi hỏi ở Bình Định có địa danh nào? hoặc thôn hay xã nào? có tên là Tân Xuân không ạ?
Sau một hồi chờ máy đầu dây bên kia trả lời:
- Chỉ có một xã Tân Xuân của huyện Tây Sơn thôi ạ.
-Vậy cô làm ơn cho tôi xin số điện thoại của xã đó đi ạ!
- Điện thoại được kết nối với UBND xã nhưng tất cả những điều tôi có được từ cuộc điện thoại này chỉ là con số không tròn trĩnh.
Quay lại tổng đài 1080, tôi xin được một số nhà dân trong xã.
Điện thoại được kết nối dầu dây kia là một cô gái 22 tuổi, sau khi nghe tôi trình bày lý do cuộc điện thoại này là vì tôi muốn tìm một người bạn thất lạc gần bốn mươi năm. Nghe xong cô rất vui vẻ. Nhưng kết quả là ở thôn cô ở và một số thôn khác mà cô biết thì không có ai tên Vương Hữu Thành làm thầy giáo cả. Cô lại nói:
- Hay chị chờ em một lát, em đi hỏi mấy người lớn tuổi xem thử.
Sau một hồi chờ đợi, tôi gọi lại thì có một chút hy vọng..
- Ở trường Bùi Thị Xuân, quốc lộ 19 có thầy Thành dạy văn ở trường cấp 2. nhưng khi tôi hỏi thầy đó khoảng bao nhiêu tuổi? và họ gì? thì cô không biết?
Lại cúp máy, cô tiếp tục dò tìm, 15 phút sau cô ấy gọi lại, tia hy vọng ban nãy bay đi mất! Khi nghe cô nói không biết thầy họ gì nhưng thầy khoảng 50 tuổi (Trong khi nhà tôi và anh bạn mà tôi tìm phải gần sáu mươi tuổi cơ.)
Tạm biệt và cảm ơn cô gái! Tôi quay lại tổng dài 1080. Trả lời tôi bây giờ không còn là cô gái dễ thương ban sáng nữa. Sau khi nghe tôi nói lý do xin số điện thoại của tất cả bưu điện các huyện trong tỉnh Bình Định, thì cô trả lời rằng:
-Chị cần số điện thoại ở huyện nào thì em cho số huyện đó?
-Tôi cần số tất cả các huyện trong tỉnh.
-Em không thể giúp chị được! và tín hiệu tít tít... vang lên.
Tôi đành lên hỏi nhà tôi tên các huyện của tỉnh Bình Định. May quá! Anh biết! Anh cho tôi tên 10 huyện và tp Quy Nhơn.
Tôi lại bấm tổng đài 1080 và lần này thì tôi đã có tên và số điện thoại bưu điện 10 huyện trong tỉnh.Từ số điện thoại có được, tôi gọi về bưu điện từng huyện và xin số điện thoại từng xã và từ từng xã tôi truy tìm thôn Tân Xuân ?
Bắt đầu từ huyện Tây Sơn, không có. Tuy Phước, không .Vân Canh, cũng không…
Đến lúc này tôi có phần hơi nản nên tắt máy bỏ đi nấu cơm. Ăn xong tôi lại tiếp tục hành trình tìm kiếm! Huyện Vĩnh Thạnh không có . Đến huyện An Lão đầu dây bên kia là một người đàn ông mới nghe tôi nói lý do xin điện thoại của các xã, thì anh nói ngay: không cần đâu, trên đường đi làm, tôi có đi ngang qua thôn có tên Tân Xuân nhưng nó thuộc Hoài Ân. Cô thử điện thoại sang Hoài Ân, nó thuộc xã Ân Hảo. Mừng quá! Tôi như thấy được tia sáng cuối đường hầm.
Bưu diện huyện Hoài Ân cho tôi số điện thoại xã Ân Hảo, người trực UB xã Ân Hảo cho tôi biết xã Ân Hảo đã tách làm hai. Đây là Ân Hảo Đông, còn Tân Xuân ở Ân Hảo Tây, nhưng tôi sẽ cho chị số của anh cựu BT xã là người thôn Tân Xuân, chị không cần gọi sang xã đâu. Người cựu BT đó là anh Thân Đình Thi, khi gọi thì anh đang ở Sài Gòn. Anh nói: tôi năm nay 60 tuổi rồi sinh ra và lớn lên ở Tân xuân nhưng ở vùng tôi không có họ Vương cũng như không có ai từng học Sư Phạm Qui Nhơn cả. Họ Vương chỉ có ở thôn Hậu Trung nhưng nó thuộc Ân Hảo Tây. Theo anh biết thì nhiều năm anh làm cán bộ xã Ân Hảo không có ai tên như vậy? Và cũng không có ai học SPQN cả. Anh hứa sẽ cố gắng tìm giúp nhưng vẫn khuyên tôi chuyển hướng tìm kiếm sang huyện khác. Tôi nghe lời và cúp máy. Chuông đổ! Tiếng anh Thi :
- Cô ơi, tôi cho cô số phôn của thầy hiệu trưởng mới về hưu may ra thầy giúp được cô.
Tôi bấm số gọi cho thầy Nguyễn Từ Khoa, thầy đi vắng tiếp tôi là vợ thầy. Cô ấy hẹn tối gọi lại xem thầy có giúp được gì không? vì cô không biết về những điều tôi cần hỏi.
Sau đó anh Thi có gọi cho tôi vài lần, cho số phôn của một vài nơi, mà theo anh có thể có thông tin tôi cần, nhưng kết quả không như ý muốn.
Tạm biệt Hoài Ân với những người dân nhiệt tình dễ mến! Tôi gọi tìm ỏ Hoài Nhơn nhưng không có.
Sau hàng trăm cuộc điện thoại, tai tôi như ù đi! Người thì mệt mỏi, chán nản. Tôi bỏ đi lên lầu định nghe nhạc cho thư giãn đầu óc. Lên tới nơi, nhà tôi lại đưa cho tôi xem tin nhắn của anh Thái:
"Trên đường đi Quảng Ngãi để tìm bạn, sức khỏe tốt, ăn uống tốt, đang nằm gốc keo bên đường nghỉ. Chiều trời mát đi tiếp!"
Đọc xong, tôi như tiếp thêm sức mạnh! Quay xuống nhà và tiếp tục công việc tìm kiếm!
Bưu điện Phù Cát, sau khi nghe tôi nói lý do xin số điện thoại các xã. Anh trực bưu điện nói:
-Cô hãy gọi số phòng bưu chính huyện mà hỏi dễ hơn vì ở đó có các địa danh thôn xã.
Tôi gọi phòng bưu chính huyện, trả lời tôi là một người đàn ông (rất tiếc là tôi đã không hỏi tên anh).Anh trả lời:
- Có thôn Tân Xuân ỏ xã Cát Hanh. (Lần này thì vầng thái dương đã thực sự xuất hiện). Tôi xin số xã anh nói:
- Tôi cho cô số phôn một cơ sở mộc ở tại thôn. Sau khi ghi xong 2 số đt của cs mộc đó tôi nói:
- Anh cho em xin số của UB và trường học luôn, kẻo không gọi được em lại phiền anh. Anh nói:
- Nếu không gọi được cô cứ điện lại tôi sẽ giúp cô!
Tôi gọi 2 số anh cho nhưng cả 2 số đều không điện được .Tôi gọi lại phòng bưu chính. Anh vui vẻ cho tôi số của xã.
Tôi gọi UB xã, người trả lời tôi là anh thường trực UB. Anh cho tôi số di động của ông trưởng thôn Tân Xuân và còn dặn tôi nếu không gặp thì điện lại anh sẽ tìm người giúp.
Tôi gọi ông trưởng thôn tên Bình. Sau một hồi hỏi lý do tôi tìm người tên Vương Hữu Thành trước 75 học SPQN niên khóa 72-74 ông trả lời:
- Ở thôn Tân Xuân có họ Vương Hữu còn tên Thành thì chờ một giờ nữa gọi lại, để ông tra sổ rồi trả lời.
Hy vọng tràn trề, tôi mang tin đó nói với nhà tôi, Anh mừng rỡ! Anh vội phôn ngay cho anh Nguyễn Xuân Từ ở thị trấn Ngô Mây Phù Cát (Anh Nguyễn Xuân Từ cũng do anh Thái mới tìm ra mấy hôm trước). Anh nói anh Từ hãy xuống ngay xã Cát Hanh để tìm bạn Vương Hữu Thành.
Một tiếng trôi qua, tôi gọi lại ông Bình, ông nói:
-Tôi chưa xong việc, mà tôi đã nói là có họ Vương Hữu rồi mà. Có việc gì mà gấp dữ vậy.
Tôi nói : -dạ việc gấp thì không nhưng từ sáng tới giờ (4h30), em điện gần 200 cuộc rồi, bây giờ mới có chút hy vọng, mong anh giúp, mà không phải mình em đâu? Có đến 50 người chờ anh để biết tin bạn của mình nữa đấy! Ông ấy hỏi tôi:
- Sao nghe giọng nói thì cô còn nhỏ mà làm gì 72 -74 đã học SPQN rồi. Tôi cười, không giải thích mà xin ông gặp chồng tôi một chút. Ông hẹn xong công việc sẽ gọi lại .
Chúng tôi ngồi chờ, 10 phút sau điện thoại tôi reo lên! Một số lạ 0905214596. tôi nhấc máy. Giọng một người nam
- Cô ơi! Cho tôi gặp anh bạn tôi với.
-Dạ xin lỗi bạn anh tên là gì ạ? Tôi nói.
-Tôi không biết bạn tôi tên gì? nhưng tôi là Vương Hữu Thành đây!
Máy được chuyển cho chồng tôi. Hai người mừng rỡ hỏi thăm nhau rối rít. Thế là cuối cùng anh đã tìm được bạn.
Trong khi nhà tôi và anh Thành hàn huyên, tôi phôn người đầu tiên là anh Thân Đình Thi báo cho anh biết là tôi dã tìm được anh Thành. Người thứ hai là ông trưởng thôn Tân Xuân xã Cát Hanh Phù Cát. Tôi cảm ơn ông đã giúp tôi, ông và cũng mừng nói:
- Chúc mừng cô đã gặp được bạn!

Vậy là sau 10 tiếng đồng hồ ròng rã bên chiếc điện thoại, tôi đã tìm được bạn cho chồng. Người bạn đã 38 năm không tin tức chỉ còn một dòng địa chỉ  sót lại trong quyển kỷ yếu năm1974 là "Vương Hữu Thành Tân Xuân- Bình Định"
Tôi nghĩ rằng tôi đã đem đến một niềm vui cho chồng mình và cho các anh, các chị lớp nhị 6 k11 SPQN .
Sài Gòn, 26/08/2012
Huỳnh Phú Vang.

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

SẼ VẪN LÀ NHƯ THẾ

 
( Con gái và Mẹ)
Nếu như quay ngược thời gian đặng
Chắc chắn rằng sẽ chẳng phân vân
Vẫn là chân đất đầu trần
Chăn trâu cắt cỏ đồng gần bãi xa

Vẫn có buổi trưa hè trốn mẹ
Ra đồng làng bắt cá bắt cua
Vẫn chơi những trò bán mua
Hái dăm chiếc lá... tiền vừa đủ tiêu

Sẽ chẳng hề thêm nhiều khát vọng
Để thỏa lòng mơ mộng dời trang...
Vẫn là được đến trường làng
Học thầy học bạn dịu dàng lớn lên

Tuổi thơ ấy không quên kỷ niệm
Ao ước hoài! chiêm nghiệm vỡ ra
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Làm sao có thể cho ta ngược dòng?




Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

NHỮNG CƠN MƯA CHIỀU



 


Cơn mưa chiều
Bất chợt về Thành phố
Áo xôn xao rộn rã trên đường
Lá me bay…
Xô tóc em đến muộn
Lỡ hẹn rồi nên đôi mắt buồn vương


Cơn mưa chiều
Đang bay ngang thành phố
Ta chờ em…
Đôi mắt cuối sân ga
Sợi tóc dài…
Sao thời gian quá ngắn
Khi tiếng còi tầu
Đang giục giã đi xa


Cơn mưa chiều
Vừa đi qua thành phố
Xóa sạch dấu chân
Những bận hẹn hò
Em gắng quên…vạn lần không nên nhớ
Lối đi về…con đường vắng... cô đơn


Những cơn mưa chiều
Sẽ trở về cùng thành phố
Trời tạnh mưa
Ta sẽ lại quay về
Như chuyến tàu đêm
Trở về bến đỗ
Sau những tháng ngày
Qua bao dặm sơn khê


Nếu một mai
Những cơn mưa chiều
Không trở lại
Thành phố này hẳn vắng dáng em
Em đã ra đi
Và thế là mãi mãi
Ngọn đèn đường sẽ cô độc hằng đêm




Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

QUÊ HƯƠNG




Ngày trẻ áo cơm bỏ chốn thương
Những mong cầu thực phải tha phương
Trông ngày thành đạt tìm về cội
Giờ đã đủ đầy nhớ cố hương





Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

QUÀ TẶNG-NIỀM VUI






Sáng nay ngày sinh nhật của Xuân Sơn! ngoài những lời chúc và tình cảm của người thân, Xuân Sơn còn nhận được hai bài thơ. Xuân Sơn đăng lên đây chia vui cùng tất cả. Xuân Sơn cám ơn Anh Trương Quang Thứ và chị N.T. Thanh Bình cùng hai bài thơ...
HOA NGỌC LAN
(Quà tặng của anh Trương Quang Thứ gửi qua email)
Cô gái Bắc Giang mến tài trọng nghĩa
Kết chàng trai xa xứ Phú Yên
Hoa Ngọc Lan nở trên gió cát
Ngạt ngào hương duyên dáng rạng trời đêm!
Ngày 01 / 4 / 2014



CÓ GÌ TRONG CÁI ĐẦU EM THẾ
(Quà tặng của chị Thanh Bình đăng trên tho.com.vn)


Có gì trong đầu em thế?
Em tôi
có những gì hở em trong cái đầu bé tẹo ?
Mà hình như chất chứa cả một trời lo toan:

Có phải không
những dấu chân trâu trên đồng cỏ.
bên cạnh dấu chân em ?
Đêm đêm ngọn đèn dầu soi dòng chữ đưa em vào lớp học …

Rồi ngày tháng
hoa hồng đưa em sang sông về bên chồng
một vùng quê xa tít tắp .
Xuân thắm
hạ vàng
thu tím
rồi đông sang …
Hương bưởi theo em không mang vị ngọt ngào.
lãng mạn
Bưởi theo chân em qua nhiều con phố
nặng trĩu đôi bờ vai.

Em tôi
có gì trong cái đầu bé tẹo ấy?
Để khi tóc phai màu
ai đã gieo mầm thơ cho em vun đắp .
Thơ em trào dâng tình người làm dâu xứ Nẫu
nghe xót xa lòng trong tiếng dế đêm đêm …

Văn em viết có mảnh đời bình dị .
Thầy giáo làng và những nẻo đường quê …
Nhưng em ơi
tôi muốn nói :
Các con ngoan

Người với bờ vai vững chãi
Em có ngàn vạn ngày hạnh phúc với thơ ca .
Hạnh phúc hôm nay
của em đó .
Tôi biết rồi
trong cái đầu bé tẹo của em
là cả một vũ trụ bao la .

 Xuân Sơn và chị N.T.Thanh Bình