Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

PLEIKU _MỘT THỜI NẮNG BỤI MƯA BÙN...



( xin tưởng nhớ những người bạn đã phải nằm lại nơi này )



Chiếc xe đò chậm dần rồi đỗ xịch lại. Mệt mỏi và nóng bức là cảm giác đầu tiên khi tôi bước xuống khỏi xe. Đáng lý ra xe đã về đến dây từ mấy tiếng trước, nhưng dọc đường xe bị hỏng nên đành chịu.
Đã hai giờ chiều, ngột ngạt và khó thở. Tôi rẽ sang đường ngay ngã ba Diệp Kính, chui vội vào quán cà phê có máy lạnh, trong khi chờ Tùng,người bạn cũ đến đón. Đó là người bạn học thời trung học, lưu lạc lên thành phố này đã bốn mươi năm. Bây giờ bạn cũng có chút thành đạt nên mời tôi lên chơi, Pleiku thành phố biên viễn của một thời chiến tranh đã lìa xa. Pleiku, tên gọi mà rất nhiều người ở thế hệ chúng tôi sẽ phải e ngại khi nghe nói đến. Súng đạn và chết chóc với hai mùa nắng đổ lửa và mưa thối trời thối đất.

Không khí trong quán dịu đi theo tiếng nhạc nhẹ nhàng và tôi thấy đây đó vài cặp tình nhân tình tự có vẻ thân mật. Khẽ mỉm cười đồng cảm với họ, tôi vẫy tay gọi người phục vụ
_Cô có thể cho tôi nghe một bài hát nào đó về Tây Nguyên không ?
_Dạ được chứ ạ chú chờ một chút nhé, cháu sẽ chọn ngay
Giọng cô bé phục vụ trong veo và đôi mắt tròn vo như hai viên bi trên khuôn mặt
Phố núi cao phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em....

Em Pleiku má đỏ môi hồng... (Còn chút gì để nhớ Vũ Hữu Định_Phạm Duy)
Tiếng người ca sĩ trầm ấm thiết tha với một chút âm sắc của núi rừng kéo tôi về với hồi tưởng của chuyến đi đầu tiên đến với cao nguyên nắng gió này cách đây đã bốn mươi năm chẵn.
Ngày đó tôi là một giáo sinh của trường SPQN, vào trường sau mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến tranh ngày càng ác liệt trên cả nước, lệnh đôn tuổi quân và động viên quân dịch được ban hành. Tôi thi vào trườngSPQN với tâm trạng rối bời. Tôi và vài người bạn trúng tuyển nhập học. Nhưng còn rất nhiều những người bạn của tôi phải lên đường nhập ngũ, bỏ lại sau lưng sách vở, ngôi trường và những ước mơ chưa trọn.
Hụt hẫng và mất phương hướng là tâm trạng chung của thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong đạn bom khói lửa. Và dù vạn lần không mong muốn, chúng tôi vẫn bị cuốn trôi theo cơn lốc của chiến tranh.
Sáng 27/1/1973 chúng tôi đang thi học kì 1, thì được tin hiệp định Paris quyết định số phận chiến tranh Việt Nam được ký kết.
Không gian vỡ òa, tâm trạng chúng tôi lâng lâng...thế là chiến tranh đã chấm dứt, cảnh chết chóc và những tiếng nổ đêm đêm không còn vọng về nữa.
Cả lớp chúng tôi như dừng lại với bài thi dở dang. Thầy phụ trách phải giải thích và khuyên nhủ rằng: đây chỉ là bước đầu tiên thôi, chứ chưa phải và chưa chắc được hòa bình như mong đợi. Do đó chúng tôi phải làm tròn công việc của mình. Buổi trưa hôm đó tôi không về nhà mà vào nội trú. Một không khí ồn ào, hỗn độn với baohiêu âm thanh phát ra từ mọi dụng cụ như: nồi xoong,cà mèn, xô đựng rác, những chiếc ghế ngồi,và thậm trí là cả vách tủ được các bạn trong nội trú gõ lên, lẫn trong tiếng cười, tiếng gào thét của quá nhiều người phấn khích. Bên dưới sân trường cảnh khói lửa bốc lên mù mịt. Ban quản đốc nội trú và giám thị cũng chỉ nhắc nhở giáo sinh đừng làm gì quá đáng chứ trong lòng cũng vui lây với cái vui chung của cả dân tộc.
Khoảng một tháng sau sự kiện ấy tôi nhận được thư của một người bạn , bảo rằng đang công tác CTCT tại tỉnh Pleiku. Cụ thể là quận Lệ Trung. Tôi khăn gói lên đường thăm bạn mà không nói lý do cho bạn bè và cũng không xin phép nhà trường nghỉ học
Rời Qui Nhơn bằng chuyến xe đò sớm nhất của hãng Việt Sanh, lòng háo hức mong gặp bạn. Chẳng biết sau những ngày nhập ngũ và huấn luyện quân trường, có gì thay đổi không.
Trên xe khá đông hành khách, đa số tay xách nách mang. Vài người lính lẫn trong xe, có lẽ trên đường trở về đơn vị. Nhìn dáng vẻ hiên ngang nhiều nắng gió của họ, rồi nhìn lại mình, tôi thấy mình sao ngây ngô và lạc lõng. Ngồi ghế bên cạnh tôi là một thiếu phụ mặc áo dài màu đen độ chừng ngoài hai mươi tuổi và một cháu bé ,cả hai đều đội vành khăn trắng. Màu khăn trắng và chiếc áo dài đen tương phản. Tôi chợt nghĩ đến thân phận con người sống trong chiến tranh, những đối nghịch sống _chết, mất _còn, hợp _tan ,vô định...
Mải suy nghĩ vẩn vơ xe vượt qua đèo An Khê lúc nào không biết. Lúc này nắng đã lên cao, tôi nhìn người chị đồng hành bên cạnh:
_Chắc chị cũng về Pleiku chứ?
_Vâng cám ơn anh nhưng tôi còn đi thêm một đoạn nữa
_Chị về quê à?
Giọng trầm buồn chị đưa khăn tay chặn dòng nước mắt
_Tôi lên đơn vị cũ của anh để nhận tiền tử tuất và làm hồ sơ cô nhi quả phụ cho cháu thôi ạ
Tôi chợt thấy sống mũi mình cay xè và cổ họng như đắng nghét . Chiến tranh mang lại quá nhiều bất hạnh cho nhiều thân phận.
Đăm chiêu,tôi nhìn hai bên đường, xe vẫn lao đi vùn vụt. Thỉnh thoảng hai bên đường vài xác xe nhà binh lẫn xe đò bị nổ mìn vỡ nát. Vài ngôi miếu cô hồn khói nhang nghi ngút. Vài đoàn xe nhà binh ngược chiều chạy bạt mạng tung bụi đỏ mịt mù. Thi thoảng những tràng đạn liên thanh nổ vang trời, ở những khúc quanh:
Bao giờ cho hết chiến tranh
Bao giờ cho đến hòa bình
Để được hát Bài Hương Ca Vô Tận...( Thơ Huỳnh Xuân Sơn )
Lòng tôi quặn thắt và bỗng dưng tôi muốn mình trở thành một người lính, bên nào cũng được, để tham gia vào trò chơi nghiệt ngã này, như một cách trốn chạy cuộc sống.
Xe đến Lệ Trung vào buổi trưa. Trời nắng như đổ lửa, mỗi khi có chiếc xe chạy qua bụi đỏ bốc lên mù trời, không gian như đặc quánh lại. Chung quanh không một bóng cây. Nắng nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại, tôi vội vã bước đến chỗ mấy hàng quán gần chợ, những mái tôn thấp lè tè, đỏ quạch màu đất đỏ bazan bất kỳ nơi nào ánh mắt tôi đảo tới.
Tại một bàn nước có hai người lính mang trên ve áo chiếc alpha màu vàng tôi dừng lại.
_Xin lỗi cho tôi hỏi thăm có anh nào biết Nguyễn Xuân Tùng SVSQ khóa 10/72 đaị đội 749 ở đâu không nhỉ.?
_À Tùng lùn phải không? Cùng đại đội với bọn này. chắc loanh quanh gần đây thôi.
_Thế anh bạn là ai vậy? Một anh bạn cao gầy đen nhẻm lên tiếng.
_Tôi là Sơn bạn của Tùng, cùng học thời trung học, nghe Tùng ở đây nên lên thăm chơi.
Chưa nghe trả lời thì thấy vai mình bị đập mạnh, quay lại tôi đã thấy Tùng đứng sau lưng có cả Thông, Ngọc, Hùng...cả bốn đều là bạn tôi thời trung học. Nhìn bốn chiếc đầu húi cua ba phân, làn da đen sạm của mấy người bạn tôi phì cười. Tiếng Tùng vồn vã:
_Ê mày lên đây bằng gì, sao lại đi một mình, chắc là bỏ học phải không? Hôm trước thằng Bùi Công Trúc có gửi thư cho tao bảo rằng mày muốn đi lính.
Tôi cười xòa: chắc vậy. Nắm tay kéo bạn vô quán và cùng ngồi với hai anh bạn tôi vừa hỏi thăm
Tùng giới thiệu với tôi mấy người bạn
_Đây là Tiến ( người tôi hỏi thăm ) quê Nha Trang và đây là Hậu quê Bình Định cả bọn cùng đại đội ở quân trường Đồng Đế cả
_Còn đây là Sơn đang học SPQN, tay thi sĩ này hát hay...và đàn cũng giỏi
Chúng tôi hỉ hả bắt tay nhau, cười nói rôm rả.
Chưa kịp kêu nước uống, Hậu lên tiếng xin lỗi bà chủ quán và kéo chúng tôi
_Lên cà phê Hồng đi, nhiều bóng cây và nước suối mát lắm, đặc biệt cô chủ quán rất xinh, thằng Ngọc đã trồng cây si rồi
Tôi quay sang nhìn ngọc cười cười. Ngọc là tay đẹp trai, cao to nhất bọn, nhưng tính tình hiền hiền ít nói...

Chúng tôi bảy đứa cùng leo lên một chiếc xe lam, chiếc xe rú ga đưa chúng tôi về hướng Pleiku chừng năm cây số. Tùng giới thiệu:
Đây là xã Phú Thọ. Địa bàn bọn mình công tác. Dân bắc 54 một trăm phần trăm theo Thiên Chúa Giáo, rất nhiều người đẹp và khá an ninh
Quán cà phê Hồng nằm bên cạnh con suối nước chảy róc rách, cảnh trí thật thơ mộng. Mỗi lối đi nhỏ len lỏi giữa những bụi cây dại dẫn tới một chiếc bàn uống nước bằng một tảng đá, Thường chỉ có hai ghế ngồi bằng thân cây cắt ngang. Chúng tôi chui vào căn lều bằng tranh ở lưng chừng dốc cạnh con suối. Đây là trung tâm của quán. Một bóng hồng thấp thoáng. Tôi chưa kịp nhìn kỹ thì giọng Hậu đã oang oang:
Cô chủ đây rồi _Hồng đây rồi _người đẹp của Ngọc đây rồi
Hồng bước đến kéo ghế ngồi sát bên tôi, giọng rất tự nhiên:
_Chắc anh mới vừa lên đây, PLEIKU, VÙNG ĐẤT NẮNG BỤI MƯA BÙN này phải không?
_Vâng . Sao cô biết hay thế? giọng tôi hơi ngạc nhiên
_Thỉnh thoảng cũng có bạn của các anh SVSQ cùng đến đây uống nước và...
Tôi thấy vui pha chút thích thú với câu trả lời đứt đoạn của Hồng. Nhìn kỹ một chút. Đúng là Hồng khá đẹp, nói giọng bắc pha chút gì đó của âm hưởng Tây Nguyên. Chắc cô này làm nhiều anh chàng chết mê chết mệt đây. Tôi thầm nghĩ.
Tùng tự nhiên:
_Cho bọn anh cà phê đi Hồng, ít đường thôi nhé
Không khí trong quán ồn ào hẳn lên, bảy chúng tôi bỗng như thân thiết nhau hơn. Ngọc, ông bạn có tiếng là ít nói cũng chen vào:
_Sơn nếu mày thích ở đây trồng cà phê, tao sẽ giới thiệu mấy rẫy cà phê của Hồng cho mày.
_Đừng đùa, tao vừa nghe Tùng giới thiệu khi nãy nhé. Sơn chắc khá về vụ này nhưng tao nghĩ Sơn .không trồng cà phê đâu. Mà trồng loại cây dài ngày hơn thôi.
Tiến Nha Trang nãy giờ ngồi im giờ lên tiếng khiến cả bọn cười ồ
_Cây si thì nói đại đi, còn vòng vo cây dài ngày với ngắn ngày
Chợt có cơn gió lạnh ùa vào, làm dịu đi không khí nóng nực. Mây đen sà xuống thấp. Giọng Hồng trùng xuống
_Lại mưa giông rồi. Lát nữa các anh về lại phải khốn khổ vì bùn lầy của đất đỏ Tây Nguyên.
Mưa nặng hạt dần, từng cơn gió lạnh mang theo nước mưa thốc vào quán hắt vào tận chỗ chúng tôi ngồi. Cả bọn chúng tôi lại chuyển chỗ ngồi sát vào trong góc quán, ngồi co cụm lại với nhau.
Hớp từng ngụm cà phê nóng, nhìn ra màng mưa đục, tôi thầm ước ao mưa đừng tạnh, để chúng tôi không phải về.
“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”
Tôi chợt nhớ tới câu thơ cổ và bật cười với chính ý nghĩ của mình
Tùng đi vào trong quầy tính tiền lấy ra một cây ghi ta và ấn vào tay tôi
_Sơn hát đi để bọn mình cùng nghe với. Giòng nhạc TCS với Ca khúc da vàng hoặc Kinh Việt Nam càng tốt
Đón lấy cây đàn, tôi nhìn thấy có ghi tên nhiều người, số quân,KBC cùng những lời hẹn, những ước mơ và cả những lời hẹn tán gẫu vu vơ


“ôi đêm dài và cơn bão rớt

Trên dải đất quê hương khô cằn...

ôi bom đạn cày trên những xác...

Trên đồng lúa hôm nay bỏ hoang...( Đêm bây giờ _Đêm mai _TCS )


Tôi cất tiếng hát với những trăn trở, xót xa thân phận lạc loài của kiếp sống...
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ

Để lại cho con

Gia tài của mẹ

Là nước Việt buồn

Gia tài của mẹ

Một rừng xương khô......Một núi đầy mồ ( Gia tài của mẹ _TCS )


Mưa đã ngớt rơi, trong quán vắng tôi chợt nghe có tiếng nấc. Nhìn lại, tôi thấy Hồng đôi mắt nhòa lệ. Cả bọn chúng tôi cùng bối rối.
Hậu đưa tay nhận cây đàn:
_Sơn hát thay cho nhiều thân phận quá, mình sẽ hát cho các bạn nghe...về mỗi thân phận mình thôi. Hậu bắt đầu dạo đàn, với giai điệu thổn thức:


Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây

Đã vui chơi trong cuộc đời này....đã bay cao....

Rồi nằm xuống

Không bạn bè

Không có ai từng ngày....

Cho hận thù vào lãng quên...

Đất hoang vu... khép lại hẹn hò... ( Cho một người nằm xuống _TCS )


Bây giờ Hậu và Tiến cùng cất tiếng hát


Rồi có một ngày,

Có một ngày chinh chiến tàn

Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi

Ngoài con tim héo em ơi

Xin bỏ lại đây, Trả lại đây

Thép gai giăng với lũy hào sâu

Lỗ châu mai với những địa lôi

Đã bao phen máu anh tuôn...( Một mai giã từ vũ khí _Trịnh Lâm Ngân )
...
Khoảng sáu tháng sau tôi nhận được tin Hậu mất trong một đợt hành quân. Rồi sau đó ít lâu Tiến nằm xuống sau tiếng nổ của một quả bích kích pháo.
Vậy là hai người bạn của tôi đã vĩnh viễn ra đi, không kịp giã từ vũ khí, không kịp thực hiện những ước mơ đời thường. Để rồi đến hôm nay sau bốn mươi năm, tôi trở lại nơi này, với những ray rứt, những ân hận muộn màng và cả những tiếc nhớ đối với những người bạn đã ở cuối trời thênh thang...

PLEIKU tháng 2 năm 2013

 Huỳnh Kim Thạch 

Thay cho lời giới thiệu:
Xuân Sơn Biết ơn cha mẹ đã cho Xuân Sơn hình hài, nuôi dạy Xuân Sơn thành người.....
Xuân Sơn biết ơn thầy cô dạy Xuân Sơn biết đọc biết viết....biết nhìn cuộc đời với gam màu hồng tươi đẹp.
Xuân Sơn cám ơn Tác giả bài viết đã dạy cho Xuân Sơn biết cuộc đời còn có những gam màu xám, màu đen bên cạnh những gam màu tươi sáng....
 
Sài Gòn 22/4/2014
Huỳnh Xuân Sơn 



20 nhận xét:

  1. Bài viết hay vì nó như cuốn phim tư liệu . Biết thêm về Tây nguyên và chiến tranh. Hình như tướng ngụy một sao Ngô Văn Phú làm tư lệnh vùng này , sau khi thất thủ đã chạy về Nha trang tự sát - nâng số tướng tự sát lên 5 người trong năm 1975...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xuân Sơn cám ơn Lão Tan đã ghé đọc bài viết của OX XS

      Xóa
  2. Đọc và nhớ lại những ngày qua, chiến tranh , bao người đã ngã xuống, trong đó có bạn bè và người thân...bom đạn quá vô tình bạn ạ, và hòa bình thì quá mong manh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất tiếc thời ấy chưa có em chị Sóc ơi! Chỉ nghe tác giả cũng là OX em kể thôi ạ! chúc chị vui nhé

      Xóa
  3. Không có một người làng quê nào trên đất nước VN mà không tử trận vì chiến tranh
    và đã để lại cho chúng ta bao niềm thương tiếc vô hạn .Câu chuyện đã dẫn ta đến những kỷ niệm xa xưa....không bao giờ quên đc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu cám ơn chú đã đọc và đồng cảm với nhà cháu ạ

      Xóa
  4. Đọc để nhớ một thời như thế
    Chiến tranh cày tan nát quê hương.....

    Rất xúc động,quỳnh cũng đi qua trong bom đạn ác liệt.Những người thân trong đó có cha của quỳnh nằm xuống dưới hệ lụy chiến tranh...lòng mãi xót !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xuân Sơn chia sẻ với anh. Cám ơn anh đã ghé đọc và đồng cảm với OX XS.

      Xóa
  5. Chiến tranh dẫu đã lùi xa
    Nỗi đau còn mãi vẫn là nỗi đau
    Cớ gì tàn hại lẫn nhau
    Để người vô tội nát nhàu đời xanh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua rồi lâu lắm chiến tranh
      Chỉ còn mất mát vẫn xanh một màu
      Kề bên xám ngoét nỗi đau
      Và dòng máu đỏ đẫm màu thương đau

      Xóa
  6. Bài viết thật là cảm động! Chiến tranh đã cướp mất đi của chúng ta biết bao người thân. Nhất là cuộc nội chiến "cốt nhục tương tàn". Dù là người lính phía bên này hay bên kia chiến tuyến thì sự mất mát hy sinh đều là mất mát chung vô cùng to lớn...
    Cảm ơn tác giả Huỳnh Kim Thạch đã có bài viết chân thực và sinh động giúp bạn đọc hiểu thêm về tình cảm cùng những nét sinh hoạt đáng yêu của những người lính VN cộng hòa!...

    Trả lờiXóa
  7. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ niệm còn mãi, những ký ức buồn đau vẫn đeo đẳng, những mất mát không gì bù đắp...Cám ơn tác giả và cám ơn chủ nhà đã cho đọc.

    Trả lờiXóa
  8. Pleiku cao nguyên nắng gió
    Ddã qua rồi thời máu lửa chiến tranh
    Mà nơi đây một miền đất yên lành
    Còn vương mãi trong ai bao kỷ niệm -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Pleiku nắng bụi mưa bùn
      Vẫn còn trong đó muôn vàn nỗi đau
      Đất lành đất đỏ thương đau
      Giờ đây khuất dấu lùi sâu dần dần

      Xóa
  9. một thời để nhớ...
    Mình cũng cám ơn trời đã cho mình một người bạn quý như Xuân Sơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS rất vui khi anh Mẫn đọc bài viết của ox và lời nhận xét dễ thương này. Chúc anh chị vui nhé

      Xóa
  10. " Dù là người lính phía bên này hay bên kia chiến tuyến thì sự mất mát hy sinh đều là mất mát chung vô cùng to lớn... "
    Sự đớn đau không của riêng ai nó cấu nát trái tim người mẹ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS cám ơn anh đã đồng cảm ạ! một thời xa đã rất xa....chúc anh vui

      Xóa