Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Tác Giả Hải Minh Và Những Vần Thơ Về Mẹ...



Tác Giả Hải Minh Và Những Vần Thơ Về Mẹ...


Nhờ có Duyên với bài thơ Hè. Tôi đã gặp được dòng thơ đặc biệt của một người lính già, Dòng thơ ông đặc biệt bởi nó được viết từ cảm xúc đã tích tụ từ tình yêu gần một ngàn năm với nàng thơ. Mặc dù Tiền kiếp mà cụ thể là năm 1232 tác giả đã:

Có “phao” tôi đỗ Thám Hoa
Vinh quy bái tổ nhạc loa váng đường…(Mơ)

Một ông Thám Hoa nhờ có Phao mới đậu…Không biết khi ấy triều đình ban cho chức quan gì? Và ông Thám Hải Minh có thực tài gì? Giấc mơ không nói, chỉ thấy trong Mơ ông Thám rất nặng tình với Thơ

Mặc ai ong bướm gái làng
Thám tôi ủ mộng yêu nàng thi nhân (Mơ)

Tình yêu từ tiền kiếp qua cả ngàn đời của ông Thám Hoa Hải Minh đã thực sự cuốn hút kẻ yêu thơ tò mò như tôi đi tìm xem Ông Thám “Ủ mộng yêu nàng thi nhân”ra sao? Khi đọc hết bài thơ cuối cùng cũng là lúc tôi nhận thấy:Mười lăm(15) trang thi phẩm được viết ra từ cảm xúc của Người Lính già một thời trai trẻ xông pha lửa đạn trở về với vết thương lòng rỉ máu.Có cảm xúc của người con Hiếu Kính với Bầm, thêm dòng cảm xúc của một lãng tử đa tình nhưng yếu đuối và cuối cùng là dòng cảm xúc của một Tao Nhân khi tỉnh lúc say gửi vào câu chữ tình yêu tha thiết quê hương tổ quốc…Gần đây có thêm cảm xúc của người ông đối với cháu gái yêu…
Người ta thường xuôi dòng chảy cuộc đời, nhưng ông Thám Hoa Hải Minh hình như luôn muốn ngược dòng. Đó cũng chính là suy đoán để người viết tách cảm xúc của ông ra từng dòng..
Hôm nay người viết xin mạn phép bơi ngược dòng cảm xúc của ông Thám Hoa Hải Minh với dòng thơ viết về mẹ
Tác giả Hải Minh nay vừa qua tuổi 70* Viết về Mẹ thời thiếu nữ , ngày Mẹ về với cha tác giả (có lẽ do ông bà hoặc cha tác giả kể lại) :

MẸ tôi xưa đẹp nhất làng
môi trầu cắn chỉ dịu dàng ,nết na
hội THẦY -mớ bẩy ,mớ ba
MẸ như Cô Tấm mặn mà ,chân quê
cái ngày BÀ đón MẸ về
trăng mười sáu dọc triền đê giãi vàng (trích Vu Lan 1)…Người mẹ, người phụ nữ ấy cũng như bao người mẹ Việt nam vào những thập niên ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước…Tần tảo, lam lũ một đời…Phải chăng ông đã nghẹn ngào khi viết
bây giờ tháng chạp đại hàn
MẸ ra ruộng cấy -răng đàn với môi
tháng tư bão giật mưa rơi
thân cò ,nón lá - tay khơi ,chân dằm
MẸ ơi -thương quá kiếp tằm
nhả tơ ,rút ruột tháng năm hao gầy
mỗi năm làng mở hội THẦY
MẸ ra đầu ngõ -tựa cây -đứng nhìn! (VULAN1)

Ngoài những công việc đồng áng cùng những việc “không tên” trút gánh nặng lên đôi vai người mẹ..Để lo cho đàn con, bà còn phải tranh thủ lúc nông nhàn, tất bật với việc chạy chợ mong cho con cái đủ no… mà quên đi chính bản thân mình…

MẸ tôi ngồi nép bên hè
đôi quang cũ -gánh xôi ,chè chưa vơi
tối ngày tất tả ngược ,xuôi
MẸ đâu biết -lá vàng rơi -thu rồi
bốn mùa tạc một dáng ngồi
nắng ,mưa khắc một nụ cười héo hon
vuốt từng đồng lẻ bợt mòn
thương chồng -vỉ thuốc -lo con -tiền trường
vai gầy gánh nắng , gồng sương
sáng góc phố -trưa công trường- bến xe
đêm nghe gió vít ngọn tre
rưng rưng thương MẸ- vỉa hè mưu sinh! (VULAN3).

Vất vả để lo chu toàn mọi việc, người mẹ ấy còn phải chịu cảnh cô đơn, với bao thương nhớ cùng lo lắng cho người chồng nơi chiến trận.Có lẽ là cha anh đã tham gia Kháng chiến chín năm đánh đuổi thực dân Pháp. Vậy thì ngày ấy làm gì có phương tiện để liên lạc…Thư từ có khi rất hiếm mà đâu phải ai cũng có giấy bút để viết thư…Nỗi niềm người mẹ những năm tháng tuổi xuân vò võ chờ chồng ấy, hiển hiện trong thơ người con hiếu thảo Hải Minh hôm nay:

tôi ngồi chải tóc cho BẦM
sợi đen thì ít hoa dâm thì nhiều
bao nhiêu sợi nhớ sợi yêu
THẦY mang ra trận-sớm chiều hành quân
mang theo cả tuổi thanh xuân
bao đên BẦM khóc -tần ngần soi gương

THẦY giờ nằm lại chiến trường
BẦM tôi bỏ lược ,bỏ gương vào hòm! (VULAN5)

Không biết bà đã chôn vùi bao nhiêu năm tháng tuổi xuân để chờ chồng, nuôi con …Ngày con lớn trưởng thành bà lại tiễn con lên đường đánh Mỹ. Để rồi người mẹ ấy lại nối tiếp những năm tháng đợi chờ trông ngóng con:

từ độ anh đi MẸ tôi chẳng hay cười
NGƯỜI năng lên chùa tuần rằm ,mùng một
những lúc rảnh lại ngồi tựa cột
ngóng anh bưu tá làng bên
bữa cơm nào MẸ cũng vốc thêm
đôi vốc gạo lo anh về nhỡ bữa
bao nhiêu lần MẸ vấp vào bậu cửa
bóng ai áo lính qua làng
bữa cơm chiều MẸ ăn rõ vội vàng
kịp ra ngõ nghe bản tin thời sự
lúc về nhà mặt đầy tư lự
miếng trầu nguyên trong miêng -chẳng nhai
năm tháng qua đi bao lần áo thay vai
bao lần bãi sông rực vàng hoa cải (trích Mẹ Tôi)

Và rồi nỗi đau lớn nhất xé nát tâm can người mẹ ập tới:

ngày báo tử anh MẸ tôi như hóa dại
ốm liệt gường -dỗ mãi chẳng chịu ăn (trích Mẹ Tôi)

Người mẹ nào nghe tin con mình dứt ruột sinh ra mãi mãi không về mà không hóa điên hóa dại…Mẹ tác giả như bao bà mẹ việt nam khác chịu đựng nỗi đau khủng khiếp.Biết bao đêm ngày nỗi đau vò xé trái tim người mẹ, mà có lẽ lúc này tác giả Hải Minh cũng đang ở chiến trường…Đứa về bằng giấy báo Tử , đứa không tin tức hỏi sức đâu bà chịu đựng trong khi vẫn phải gánh vác mọi việc….

nửa đời thắp nến -gọi tên
tự sâu thẳm đâu phút quên hình hài
thức dậy thôi -đứa con trai
bốn mươi năm ngủ miệt mài rừng sâu
MẸ giờ tóc trắng xóa đầu
muốn lay con đậy biết đâu mà tìm
quê người tăm cá ,bóng chim
câu ru xưa quặn thắt tim MẸ rồi
dậy đi con -về nhà thôi
MẸ ngồi bậu cửa ,cuối trời ngóng con (dậy Con Ơi!)

Rồi một ngày Mẹ, Cha tác giả cũng về với ông bà tổ tiên…Anh Hùng , Bảng vàng hỏi còn ý nghĩa gì với những đứa con như tác giả nữa đây?

nếu CHA không đổ mồ hôi
chắc gì đã có -MẸ tôi anh hùng?
bảng vàng chói lọi trong khung
tên CHA nhỏ bé -sau lưng -bụi mờ
chiều nay thắp nén nhang thờ
hai di ảnh đứng cậy nhờ bên nhau! (VU LAN 4)

Mẹ với mỗi người cùng với Quê ngoại, Mẹ ra đi còn cậu dì sợi dây tình cảm gắn kết..Nhưng bất hạnh đã đến với tác giả khi Mẹ mất tác giả cũng mất luôn sợi dây tình cảm này…

ngày ra đi MẸ mang theo tất cả
các CẬU các DÌ thoắt chốc hóa người dưng
con nhớ MẸ và thương quê ngoại
giờ nằm sâu dưới đất lạnh - mấy tầng
con đâu biết sữa DÌ chua hay ngọt ?
câu ca xưa chỉ trong cổ tích thôi
con bươn chải ,lần hồi trên quê nội
bữa cơm đèn - chan nướt mắt mồ côi
quê nội nghèo - xác xơ hàng lá cọ
nắng rắc hoa quanh di ảnh , bụi mờ
đêm mưa lạnh , nghe nhịp buồn điểm chậu
gió luồn khe - dỗ giấc ngủ tỉnh ,mơ
con đã qua bao vùng quê lạ
những cây đa , bến nước , bãi sông ...
đã bao lần lòng con tự hỏi
quê ngoại mình có giống thế này không ?
con đã muốn một lần về quê ngoại
như chiếc thuyền tìm bến đậu bình yên
nhưng không thể , MẸ ơi -không thể
đá thờ ơ nằm chắn nẻo con rồi
thôi đành vậy ! con sẽ về vào dịp
khi BA VÌ thắt mây trắng - để tang
con sẽ về giữa hai hàng nến đỏ
gió đồng hoang rũ rối cỏ nghĩa trang (Quê Ngoại Xa rồi)…

Buồn đau vì mất mẹ thêm nỗi buồn mất cả người thân, Uẩn ức chồng chất khiến đứa con Người Lính già gửi hết tâm tư vào những vần thơ…Tôi đã dừng lại rất lâu với bài thơ Vô Đề…Hình như những nỗi đau, nỗi nhớ thương đè nén trong trái tim, trong sâu thẳm đáy lòng tác giả khiến ước mơ mong mỏi khao khát của đứa con lúc tuổi “thất thập cổ lai hy” lại là Vô Đề:

tôi xin về lại ngõ xưa
một lần cuối đón cơn mưa tuổi hồng
theo CHA kéo vó ngoài sông
nón mê cùng MẸ giữa đồng mót khoai
ngõ trơn ,trượt tiếng thở dài
người xưa đâu -biết còn ai nhớ mình?
bờ ao dáng trúc còn xinh?
tôi soi mặt xuống giếng đình -ngẩn ngơ (VÔ ĐỀ)

Trong 15 trang tác phẩm của tác giả Hải Minh theo chủ quan của người viết thì có bấy nhiêu vần thơ về Mẹ…Những vần thơ chắt lọc từ dòng tình cảm của người con, người lính mộc mạc mà chân thành, ăm ắp tình cảm, Tác giả dành cho mẹ của mình, nhưng hình ảnh người mẹ ấy, sự lam lũ tần tảo ấy, nỗi đợi chờ chồng đi chiến trận mòn mỏi, rồi tiễn con ra trận để rồi lại mỏi mòn ngóng đợi chờ trông….Ngày về của con lại chỉ là tờ giấy vô hồn….Cũng chính là hình ảnh của nhiều, rất nhiều người mẹ Việt Nam khác nữa trên khắp mọi miền quê...

Trong khuôn khổ bài viết này. Người viết chưa thể, hay không đủ can đảm, để đi sâu vào từng ý thơ chất chứa nỗi đau của người mẹ một đời truân chuyên ấy! Đi sâu vào tình cảm của tác giả “…dù lớn vẫn là con của mẹ” có khi lại khơi dậy niềm đau mà khi nhức nhối ông đã bật lên những tứ thơ…những mong vợi bớt nỗi niềm…

Sẽ là chưa đủ nếu không nhắc đến những trở trăn về nỗi đau của người Phụ Nữ mà đại diện là Mẹ của đồng đội. Người mà chính ông đưa tay vuốt mắt trên chiến trường...Hay như bài thơ ông viết về Mẹ Âu Cơ và bài thơ viết về Những bà mẹ vô cảm của Những Thiên Thần Gãy Cánh....những bài thơ ấy người viết xin trích dẫn vào một dịp khác..

Người viết mong bài viết này như một lời sẻ chia, như một sự đồng cảm, xin gửi tới tác giả Hải Minh người lính già, người con hiếu thảo…

* Tác giả 70 tuổi là do Xuân Sơn đọc được trong một lời comment của chính tác giả..

Sài Gòn 30/10
Huỳnh Xuân Sơn

1 nhận xét: