Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Đọc EM XƯA Của Tác Giả Hải Minh



EM XƯA


Sao mắt em bầm tím ?
Vội quá va cạnh bàn
Sao cánh tay xước xát ?
Nồm trơn truợt cầu thang

Nhìn sâu nơi đáy mắt
Đâu rồi lửa nồng nàn ?
Đâu nụ cười mãn nguyện
Trong hạ vàng mênh mang ?

Cúi đầu vê tà áo
Mắt nhìn phía xa xôi
Bỗng òa lên tức tưởi
Tôi hiểu rồi em ơi

Tôi không dám cầm tay
Đưa bờ vai em tựa
Bởi có hai đốm lửa
Chờ gió là bùng lên..Hải Minh


Mới nhìn tựa đề Em Xưa người viết đã nghĩ ngay tới ca khúc Một lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em của nhạc sĩ Vũ Thành An! Với những ca từ da diết nhớ nhung khao khát gặp lại!

"Một lần nào cho tôi gặp lại Em
Nghe Em nói Em vui một lần
Một lần nào cho tôi gặp lại Em
Còn chút tình đốt hết một lần..."

Nhưng khi đọc, rồi quay lại nhẩn nha từng câu chữ để cảm ý thơ mà tác giả gửi gắm thì quả thật Em Xưa không theo lối mòn mà các Thi Nhạc Sĩ vẫn viết!
Em Xưa! Người mà một khoảng thời gian nhất định đã là tất cả của Tôi! Nay thì sao? Tác giả giới thiệu ngay bằng một loạt câu hỏi?

Sao mắt em bầm tím ?
Vội quá va cạnh bàn
Sao cánh tay xước xát ?
Nồm trơn truợt cầu thang

Bốn câu thơ chở hai câu hỏi và hai câu trả lời rất rõ ràng người viết không còn cần lột ra lớp vỏ ngôn từ nữa. Câu hỏi của ngôi thứ nhất không có gì phải lạm bàn
Nhưng! Lại vẫn là chữ nhưng ẩn hiện sau câu trả lòi nhất là khi mắt bầm tím vì " vội quá va cạnh bàn" và cánh tay kia xước xát lý do là do trời nồm nên nền cầu thang trơn truợt! Chắc cũng do vội quá?

Bất giác tôi như bị dội ngược trở lại tuổi ấu thơ ! Nơi thôn quê nghèo nửa xã mới có 3 đứa con gái cùng tuổi tôi đi học! 15 16 tuổi các bạn lần lượt lấy chồng.Chị hàng xóm kề rào nhà tôi cũng tầm tuổi tôi vậy mà khi tôi tốt nghiệp cấp 3 chị đã kịp sinh 2 đứa và đang mang thai đứa thứ 3

Nào phải tiếng trẻ thơ mang lại hạnh phúc cho chị! Không mấy ngày thân thể chị không bị bầm tím do những cú ra đòn Thù của chồng vì say rượu! Những tiếng nồi niêu bát đũa bay cùng tiếng khóc tiếng kêu la của chị cũng như ánh mắt hoảng loạn của mấy đứa trẻ ám ảnh tôi đến giờ!
Thế nhưng khi chị về ngoại hay đi chợ ( Tôi hay chở giúp chị bằng xe đạp hồi bấy giờ) chị dặn - Đùng nói anh đánh chị mà nói chị bị ngã xe nhé!
Câu chuện ấy xảy ra cách đây hơn ba mươi năm bỗng dưng hiện ra trước mắt tôi vì những câu trả lời không có logic của Em trong Em Xưa...
Bất chợt tôi ngửa cổ muốn la to lên
-Trời ơi? Em ơi? Phụ nữ chúng mình ơi? Thế kỷ hai mươi mốt rồi! Sao còn phải cam chịu như vậy? Chấp nhận che giấu tội vũ phu bạo hành của chồng cũng là đồng lõa với cái ác đấy.
Xin trở lại với Em Xưa!
Có lẽ chủ thể ngôi thứ nhất sau phút gặp gỡ nghe câu trả lời của Em hẳn cũng xót xa, xót xa đến quặn thắt trong lồng ngực. ...
Để rồi

Nhìn sâu nơi đáy mắt
Đâu rồi lửa nồng nàn ?
Đâu nụ cười mãn nguyện
Trong hạ vàng mênh mang ?

Một khổ thơ dạt dào tình cảm vừa được tác giả giới thiệu về Em Xưa và cũng là gửi gắm tình cảm của mình trong đó.
Một đôi mắt có lẽ một thời ngự trị trong ngôi thứ nhất rất đẹp, đã từng tỏa ra những ánh nhìn nồng nàn bỏng cháy khi xưa... Nay không còn nữa!
Khi cửa sỗ tâm hồn " bầm tím" thì tìm đâu nụ cười mãn nguyện là hệ quả tất yếu
Chiều hạ vàng mênh mang? Hay chính ngôi thứ nhất đang hoang mang đây?
Có lẽ sau khi nghe trả lời có phần phi lý ! Cả hai cùng nhận ra điều ấy! Người hỏi không nỡ hỏi thêm nữa hay là biết trước câu trả lời...
Còn Em thì thế này đây :

Tay vân vê tà áo
Mắt nhìn phía xa xôi
Bỗng òa lên tức tưởi
Tôi hiểu rồi em ơi!

Đọc và cảm bốn câu thơ này có gì đó nghẹn đắng trong cổ họng!
Tác giả dùng hai từ Tức Tưởi mới đắt giá làm sao! Nếu như thay hai từ ấy bằng nức nở bằng thút thít bằng sụt sùi thì ý nghĩa và hồn cốt bài thơ lại chuyển sang một hướng khác trái ngược hoàn toàn.
Tức tưởi nhằm chỉ tiếng khóc bật lên trong nỗi oan ức có khi là phẫn uất đã được tác giả sử dụng hẳn anh đã chọn lựa rất kỹ...
 Người viết hy vọng bài thơ này tác giả viết đã lâu!
Qủa thực ngày nay khi xã hội phát triển nhanh, kéo theo nhiều hệ lụy, xấu có, tốt có, bên cạnh đó trình độ dân trí đã cao hơn, sự  bắt buộc phải cam chịu, nhẫn nhịn của người phụ nữ Á Đông theo Tam Tòng cũng đã được cởi trói giải thoát rất nhiều.
Thời đại công nghệ 4.0 mà sao vẫn còn nạn bạo hành phụ nữ như vây để tác giả ghi lại hôm nay! Là câu hỏi mà tôi rất muốn hỏi tác giả!
Hy vọng vẫn chỉ là hy vọng thôi! Người phụ nữ ấy! sau phút lúng túng kìm nén có lẽ chị đã cố gắng muốn giấu những tủi nhục mà mình đang nhẫn nhịn chịu đựng từ chính người "đến sau" thay chỗ người đang đứng trước mặt chị!
Nhưng vân vê tà áo thì áo cũng chẳng nhàu thêm! Nhìn xa nhìn gần cũng không tìm được sự chia sẻ, hoặc nơi nào để bấu víu . Ngay trước mặt lại là người chị muốn giấu lý do mắt bầm tay xước... Trái tim chị có lẽ đã run lên trước khi không ghìm nén được mới òa khóc tức tưởi!

Tác giả thốt lên " Tôi hiểu rồi em ơi"! Và hiểu thế nào? hiểu do đâu? Có lẽ anh không cần nói lý do nữa, bởi vì đã có hai từ Tức tưởi tố cáo vì sao chị lại bầm mắt và xước xát tay! Đó là những nơi đối diện và nhìn thấy,
Ai dám khẳng định thân thể chị không bị bầm tím, khi mà đôi mắt còn bị đánh đập thì có lẽ không nơi đâu còn lành lặn! Là Người viết nghĩ thế vì thủa xưa đã nhiều lần chứng kiến ánh mắt cầu xin của chị hàng xóm khi bị chồng chị Thượng cẳng chân hạ cẳng tay...Thậm chí chị có thai gần đến ngày sinh anh vẫn đánh! Quanh năm người chị không bao giờ hết dấu tích những trận đòn! Nhưng không phải ở những nơi ai cũng nhìn thấy như Em Xưa của tác giả Hải Minh hôm nay!
Những câu thơ với những câu từ giản dị chở ý thơ dễ hiểu nhưng lại nặng trĩu kéo tâm tư người đọc theo vào sâu trong những ý thơ ấy!
Dẫu muốn hay không thì khổ thơ kết cũng vừa hiện diện cùng một dấu chấm than!

Tôi không dám cầm tay
Đưa bờ vai em tựa
Bởi có hai đốm lửa
Chờ gió là bùng lên!

Tác giả đã đặt một dấu chấm than khép lại bài thơ. Nhưng chưa thể mở ra một lối thoát, cũng như chưa thể xóa nhòa hết nỗi đau còn hằn trên thân xác của Em Xưa một nạn nhân của bạo lực gia đình.Nạn nhân vẫn bị sống trong ngập ngụa nỗi đau thân xác cũng như bị hành hạ về tinh thần, Một mảng màu buồn bao trùm và xâm lấn tâm hồn chị, có lẽ cả Người đang đứng trước mặt chị.
Người Viết, tác giả cũng như mong bạn đọc hãy chung tay thắp lên những ngọn lửa tin yêu trong lòng những người phụ nữ như Em Xưa.. Để rồi một ngày gần chúng ta không còn phải chứng kiến những đôi mắt bầm tím, với những vết bầm tím trên khắp thân thể. Và vết thương trong tâm hồn trong trái tim Em Xưa!

Tới đây Người Viết Muốn gửi tới ngôi thứ nhất và tác giả Hải Minh một chút suy tư riêng thế này!
Thực tình mà nói nếu trong hoàn cảnh này,chủ thể trong thơ Tôi làm được điều mà khổ kết đã viết thì quả thật người viết và có lẽ có thêm nhiều bạn đọc nữa rất nể trọng!
Tác giả ơi! ngay như ông nhạc si họ Vũ khi chia tay người yêu còn khẳng khái
"Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em một lời chào...
Một lời thương, một lời yêu...
Lần cuối cùng...."
Tưởng mình nói được, làm được, nhưng cuối cùng thì sao?
Ông đã phải sống trong nhung nhớ tới nỗi mong "Một lần nào cho tôi gặp lại em. Còn chút tình đốt hết một lần" sau khi làm ra vẻ lạnh lùng: "Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói!Nói ra nhiều cũng vậy thôi! Ôi! đớn đau đã nhiều rồi!" Để thấy nói dễ mà làm không được!
Riêng với khổ thơ kết và tác giả Hải Minh! Người viết có suy tư thế này:
Diễn biến tâm lý nhân vật trong thơ anh tới khổ thơ kết này hoàn toàn hợp lý! Nhưng trong khổ kêt thì tác giả lại để cho ngôi thứ nhất Tôi không dám cầm tay. Đưa bờ vai em dựa"
Vế thứ hai thông thường phải là hệ quả của vế thư nhất nhưng ỏ đây lại là
Bởi có hai đốm lửa. Chờ gió là bùng lên" !Biết rằng chỉ có hai đốm lửa thôi Nhưng thử hỏi khi đôi vai gầy guộc nhỏ kia rung lên và tiếng khóc mà Tôi nghe và cảm được nó Tức Tưởi nữa thì liệu trái tim ngôi thứ nhất có đủ Vô Cảm đến mức đứng nhìn hay không, chứ chưa nói đến suy nghĩ được nếu như thế này.. thì sẽ như thế kia... nếu như thế kia... thì như thế này .. đâu tác giả ạ!
Thả rẳng cứ để cho ngôi thứ nhất "cầm tay" và cho "mượn bờ vai" một lúc thôi coi như "còn chút tình đốt hết một lần" thì lại có lý và hợp tình hơn..
Thay cho lời kết người viết xin mượn mấy câu thơ của tác giả Trần Mạnh Tuân như một lời can gián hay chia xẻ với tác giả với hai chủ thể trong Em Xưa!
Dẫu rằng lắm ước nhiều mong,
Xin đừng gặp lại sầu đong thêm đầy!
Cho dù còn chút đắm say,
Bóng hình xưa giữ thế này mãi thôi! (Trần Mạnh Tuân)

Sài Gòn 19/10/2018
Phương Lan


3 nhận xét: