Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

BÀI THƠ HỒI MÔN CỦA TÁC GIẢ CÔNG NHUỆ


BÀI THƠ HỒI MÔN

Tặng Điệp – con gái út

Bố vẫn nhắc mình món nợ với con yêu
Bài thơ nhỏ chia tay ngày con cưới
Nỗi lòng thôi – mà sao không viết nổi
Để vui buồn cuốn theo bụi xe hoa.

Ai đó bảo con về nhà người ta
Không phải thế! Con về nhà con chứ!
Bố linh cảm con như là dảnh mạ
Về chân ruộng xa - con xây vụ riêng mình.

Con bị điếc câm từ lúc mới sinh
Với vườn ta con là hoa đốt cuối
Mọi yêu thương đổ dồn như tắm tưới
Nên hồn con, bố thấy cứ mỏng manh.

Và suốt đận mình con là mầm xanh
Con tha thẩn cảm đời qua đôi mắt
Ngôn ngữ bàn tay(*) nói điều suy nghĩ thật
Dòng chảy đời, con hòa nhập như không.

Nhỏ to gì, nồi cũng phải có vung
Con phơi phới về phía đời trả chỗ
Bắt đầu đấy, làm dâu và làm vợ
Cuộc đời mà, đừng vòi vĩnh gì hơn.

Bố vừa mừng vừa lo cho con
Cho bố nữa, chuyện cõi người là thế
Đến bao giờ để con thành lúa
Trĩu hạt mình trong nắng táp mưa buông.

Con gái út ơi!
Thế là bố đã tròn
Bài thơ nhỏ cộng vào hồi môn đấy!
Bố còn phải đi
Con cũng đi đi…đừng vội!
Đừng để hồn khuyết tật đấy con yêu! Công Nhuệ
(*) Người câm điếc nói bằng ngôn ngữ ký hiệu bàn tay.

Một trong những lần vào mạng đọc thơ tôi đã gặp tác phẩm Bài Thơ Hồi Môn của tác giả Công Nhuệ. Bài thơ dẫn tôi xuôi theo từng từ, từng câu, tới câu kết cơn sóng trong lòng xô tôi ngược trở lại từ câu cuối cùng nên câu mở đầu .
Bài Thơ Hồi Môn được viết theo thể thơ Tự do, với những ngôn từ bình dị nhưng chứa chất một khối tình nặng trĩu, của người cha nhất mực yêu thương "hoa đốt cuối". Trong vườn nhà, bông hoa út ít ấy mỏng manh lắm, nên :"Mọi yêu thương đổ dồn như tắm tưới"...
Lời hứa của người cha ngày con gái về nhà chồng sẽ có bài thơ làm của hồi môn, nhưng ông đã không viết được. Rồi từ buổi ấy cho tới khi ông âu yếm nói với con gái:
Con gái út ơi!
Thế là bố đã tròn
Bài thơ nhỏ cộng vào hồi môn đấy!
Là bao lâu? Ông không nói chỉ biết rằng những lời thơ tuôn chảy xuôi dòng suối tình cha hiền hoà, róc rách nghe như lời ru thủa "hoa đốt cuối" còn nằm nôi.Đôi lúc ào ào tuôn chảy như khi "hoa đốt cuối"cùng "vui buồn cuốn theo bụi xe hoa." Lúc thâm trầm suy tư như đang ngừng chảy "chuyện cõi người là thế"...Lúc lăn tăn gợn sóng xanh rờn hy vọng rằng "dảnh mạ non" sẽ có một ngày "thành lúa.Trĩu hạt mình.." dẫu " trong nắng táp mưa buông."...
Dòng suối ấy cuốn người viết theo và ngay lúc này người viết rất mong bạn đọc cùng xuôi dòng với tác giả Công Nhuệ .
Thông thường với người dân Á đông thì con gái luôn gần gũi với mẹ, khi lấy chồng nỗi lo lắng căn dặn cũng là mẹ...Rất ít khi là cha, tác giả Công Nhuệ với Bài Thơ Hồi Môn có lẽ là trường hợp đặc biệt. Bởi cô con gái út của ông cũng là một thiếu nữ đặc biệt bởi:


Con bị điếc câm từ lúc mới sinh
Với vườn ta con là hoa đốt cuối
Mọi yêu thương đổ dồn như tắm tưới
Nên hồn con, bố thấy cứ mỏng manh.

Và suốt đận mình con là mầm xanh
Con tha thẩn cảm đời qua đôi mắt
Ngôn ngữ bàn tay(*) nói điều suy nghĩ thật
Dòng chảy đời, con hòa nhập như không.


Thật cảm động với hai khổ thơ khắc hoạ về cô con gái út mà ông gọi là "hoa đốt cuối".
"Hoa đốt cuối" là cô bé khuyết tật, nhưng người xưa đúc kết "giàu hai con mắt khó đôi bàn tay" ."Hoa đốt cuối "vì không nghe được nên đã không nói được. Nhưng còn hai bàn tay và đôi mắt cùng sự "yêu thương đổ dồn như tưới tắm" của cả nhà và có lẽ rất nhiều từ người cha nên dẫu "suốt đận mình" bông hoa ấy "là mầm xanh" và chỉ "Cảm đời qua đôi mắt." Hoa đốt cuối vẫn "hoà nhập như không" dẫu mọi giao tiếp để nói lên "suy nghĩ thật" đều bằng "ngôn ngữ bàn tay".Với cả nhà "hoa đốt cuối" và trong tâm người cha thì "hoa đốt cuối luôn mang trong mình một tâm hồn "mỏng manh".
Người làm cha làm mẹ ai cũng lo lắng cho con như thế, nhưng với "hoa đốt cuối" thì có lẽ người cha lo lắng hơn gấp nhiều lần.
Cha mẹ anh chị chăm sóc nuôi dưỡng tâm hồn "hoa đốt cuối". Đưa "hoa đốt cuối" hoà nhập vào "dòng chảy đời". Rồi một ngày "hoa đốt cuối" mong manh ấy trưởng thành.Người cha hẳn vui mừng lắm nhưng cũng là bắt đầu một nỗi lo khác


Nhỏ to gì, nồi cũng phải có vung
Con phơi phới về phía đời trả chỗ
Bắt đầu đấy, làm dâu và làm vợ
Cuộc đời mà, đừng vòi vĩnh gì hơn.

Bố vừa mừng vừa lo cho con
Cho bố nữa, chuyện cõi người là thế

............
Thêm sáu câu thơ nữa xuôi dòng trong lặng sóng với tâm tình của người cha chất chứa suy tư, bên "hoa đốt cuối" đang "phơi phới về phía đời trả chỗ". Nỗi lòng người cha vẫn luôn coi "hoa đốt cuối" mỏng manh, yếu đuối hay "vòi vĩnh". Phải chăng với ông "hoa đốt cuối" chiếm phần lớn những vui buồn trong cuộc sống hàng ngày, "hoa đốt cuối" vui, ông vui và ngược lại..
"Bắt đầu đấy" ba từ ấy, như là lời nhắc nhở "hoa đốt cuối" về chặng đường phía trước,mà lại như người cha tự nhắc nhở mình bắt đầu một nỗi lo khác...
Có lẽ là lo lắng quá cho "hoa đốt cuối" nên ông sợ vậy thôi! "hoa đốt cuối" của ông nay đã trưởng thành rồi, biết "làm dâu và làm vợ", người viết đã rất muốn gửi lời chia sẻ như thế tới tác giả Công Nhuệ.
Dòng suối tình cha êm ái và sâu sắc vừa đưa ta tới khúc quanh cũng chính là điểm nhấn cho cả dòng chảy


Ai đó bảo con về nhà người ta
Không phải thế! Con về nhà con chứ!
Bố linh cảm con như là dảnh mạ
Về chân ruộng xa - con xây vụ riêng mình.
........................
Đến bao giờ để con thành lúa
Trĩu hạt mình trong nắng táp mưa buông.


Sáu câu thơ với những ngôn từ bình dị,dễ hiểu không hoa mỹ không sử dụng những "ngôn từ bác học" mà sao thơ chất trong thơ
"dâu là con " vẫn nghe, vẫn biết, mà sao khi đọc câu thơ người cha gửi gắm vẫn nghẹn ngào xúc động."con về nhà con chứ". Với tấm lòng và tâm tư người cha như vậy thì tác giả ơi! Chắc chắn (chứ không phải là linh cảm) "dảnh mạ non" kia dẫu có phải "về chân ruộng xa" đi nữa nó vẫn đang và sẽ sinh sôi chờ ngày "thành lúa.
Trĩu hạt mình ..."
Và giờ đây thì ông đã không còn phải day dứt trăn trở vì:
Bố vẫn nhắc mình món nợ với con yêu
Bài thơ nhỏ chia tay ngày con cưới
Nỗi lòng thôi – mà sao không viết nổi
Để vui buồn cuốn theo bụi xe hoa.

Mà ông đã viết ra, viết xong tâm tư nỗi niềm người cha.Bài Thơ Hồi Môn đã vào đoạn kết cũng là một chút thanh thản trong lòng người cha khi nói với con:


Con gái út ơi!
Thế là bố đã tròn
Bài thơ nhỏ cộng vào hồi môn đấy!
Bố còn phải đi
Con cũng đi đi…đừng vội!
Đừng để hồn khuyết tật đấy con yêu!

Dòng đời vẫn cứ lặng lẽ trôi cuốn theo những gì nó chảy qua. Biết là thế nhưng khi đọc "bố còn phải đi" nhất là từ còn sao nó nặng trĩu kéo chùng cả khổ thơ xuống. Người cha dẫu không muốn thì cũng phải xa con. Ông đi về phía chân trời,gần phía hoàng hôn đang buông xuống thấp thật thấp. Chung một con đường ấy "Hoa đốt cuối" của ông đang đi phía sau. Lời ông gửi gắm cho con mới thật đắt "con cũng đi đi" nhưng không như cha, con "đừng vội"...Nếu như dừng lại, với người bình thường lành lặn, cũng sẽ lạc dòng lệch bến, huống chi "hoa đốt cuối " của ông mong manh là thế. Hãy từ từ không vội, cứ đi là sẽ đến . Dẫu cho "hoa đốt cuối có một chút khiếm khuyêt về thân thể nhưng tin chắc với sự chăm sóc nâng niu phần xác và được nuôi dưỡng phần hồn từ một trụ cột gia đình và là người cha như tác giả thì "hoa đốt cuối" sẽ toả hương thơm ngào ngạt, chờ ngày gần kết trái ngọt trong khu vườn mới !
Ngời viết và mong rằng bạn đọc cùng cầu chúc và tin rằng "hoa đốt cuối" một thiếu nữ và nay là một thiếu phụ luôn có tâm hồn tròn vạnh trong veo...dẫu một chút khiếm khuyềt về thân thể!
Bài thơ vừa kết .Với tình cảm nỗi lòng người cha cứ ngỡ "không viết nổi" như bao người khác.Nhưng ông đã hoàn thành tâm nguyện gửi cho con gái yêu, bài thơ làm của hồi môn.Một món quà vô giá một thông điệp sâu sắc đậm chất nhân văn, chan chứa tình cảm...
Người viết là phụ nữ tuổi đời và vốn sống chưa nhiều..những cảm nhận trên đây ít nhiều mang tính nhận định chủ quan. Xin được coi đây là tình cảm, là sự cảm thông, là lời chia sẻ của một người Bạn mà cho đến nay, đã và vẫn may mắn có một thân hình lành lặn, một cuộc sống hạnh phúc, viết tặng cho người cha nhà thơ Công Nhuệ và cô con gái út tên Điệp của ông!
Sài Gòn 13/4/2015
Huỳnh Xuân Sơn

http://nontan.blogtiengviet.net/2014/12/06/bai_th_c_a_h_i_mon#comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét