Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

ĐỌC THƠ XANH CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN VĂN TƯ


Cách xưng hô của người Việt rất độc đáo, nó có thể thay đổi linh hoạt tùy theo vị thế và quan hệ thân hữu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào khi ta xưng hô thích hợp sẽ tạo thêm sự thân mật gần gũi với người đối thoại. trong quan hệ xã hội thông thường có các cặp xưng hô như Ông-cháu, bác- cháu, chú- cháu, rồi tới anh- em. Nữ thì cũng các cặp theo ngôi thứ tương xứng chỉ thay cách xưng hô của phái nữ vào thôi !

Cùng với quan điểm ngôi thứ như vậy nhưng với giới văn nghệ sĩ, thì lại không theo sự phân ngôi thứ thông thường trong xã hội. Ta sẽ ngạc nhiên vô cùng khi một cô thôn nữ 18 tuổi gọi bác nông dân 30 tuổi bằng anh. Nhưng một cô ca sĩ 20 tuổi gọi một ca sĩ đàn anh 40 thậm chí 60 tuổi bằng anh là chuyện bình thường.
Điều này đi vào âm nhạc một cách rất tự nhiên như ca khúc Hai Mươi bốn Mươi của nhạc sĩ Y Vân với ca từ như:

Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời
Ngày anh bốn mươi em cũng vừa đôi mươi
Tình đời nhiều lúc mỉa mai, cuộc đời nhiều đắng nhiều cay vui đó sầu đây
Khi em còn trong nôi anh đã lo việc đời- (Y vân)

Còn ở đây ngay trang thơ này tôi bắt gặp một bài thơ thật dễ thương
Thơ Xanh

Gọi chú bằng anh đi em.
Để cho chồi biếc con tim quên già.
Gọi chú bằng anh đi mà.
Để đời khỏe,chống phong ba,chòng trành.
Bể tình thì cứ mông mênh .
Thuyền thơ thì cứ lênh đênh giữa dòng
Xanh rờn nào rõ đục trong.
Sóng thơ thì cứ theo dòng thơ trôi.
Gọi chú bằng anh em ơi.
Để chú thêm sức chảy xuôi theo thuyền.
Dòng thơ cuộn chảy triền miên.
không bờ thơ biết neo thuyền nơi đâu.
..........
Dẫu cho sương trắng mái đầu.
Vẫn mong giữ mãi một mầu thơ xanh.

Tôi đã rất ngạc nhiên với tựa đề này, nhưng khi đọc cả bài thơ mới vỡ òa ra. Một bài thơ rất thật, rất tình cảm và ý nghĩa sâu xa.Khi hiểu hết Thơ Xanh tôi đã quyết định viết ra điều tôi nghĩ với bạn đọc .Tại sao lại là Thơ Xanh mà không là thơ hồng, thơ tím…

Gọi chú bằng anh đi em.
Để cho chồi biếc con tim quên già.
Gọi chú bằng anh đi mà.
Để đời khỏe,chống phong ba,tròng trành.

Bốn câu thơ đầu hai lần tác giả nói “Gọi chú bằng anh đi”. Nhưng ở câu trên thì nói “đi em” rất tình cảm cứ như cái chuyện gọi bằng anh em này là lẽ tự nhiên vậy, chỉ cái sự gọi bằng chú kia mới là không bình thường.
tác giả nói “em” gọi bằng “anh” “Để cho chồi biếc con tim quên già”. Bản thân tác giả lại để hở cái điều câu mở đầu nói lẽ thường phải gọi anh xưng em kia.
Nếu thuận thì đâu có chuyện phải mong thế để “chồi biếc” (là chồi xanh hy vọng) “con tim quên già” tác giả tự khẳng định là già rồi và chỉ muốn xưng hô vậy để quên rằng đã già đi.
Câu gọi chú thứ hai lặp lại nhịp thơ trùng xuống không còn tự tin như câu đầu nữa mà từ “đi em” chuyển sang “đi mà”. Chưa có sự phản hồi từ phía em,mà sao tác giả đã thiếu tự tin vậy? để phải xuống nước năn nỉ “đi mà”. Tác giả năn nỉ “để đời khỏe chống phong ba tròng trành”. Có lẽ việc xưng hô này quả là cần thiết với tác giả!
Nhưng phía em có đồng ý hay không, và tại sao lại quan trọng việc xưng hô này đến vậy, thì chưa thấy tác giả nói đến. Tác giả viết tiếp

Bể tình thì cứ mông mênh .
Thuyền thơ thì cứ lênh đênh giữa dòng
Xanh rờn nào rõ đục trong.
Sóng thơ thì cứ theo dòng thơ trôi.

Hóa ra tác giả cần “chồi biếc con tim quên già” và để “khỏe chống phong ba tròng trành” vì ông đang ở trên một con thyền thơ nó cứ trôi giữa “mênh mông” “bể tình” mà chẳng hề biết ông đang cô đơn, Dòng tình thơ cứ trôi, con thuyền thơ ông thì “lênh đênh giữa dòng”. Sóng của dòng tình thì vô tình hay cố ý cứ trôi theo dòng thơ trước mặt ông thôi.

Tác giả năn nỉ thêm một bước nữa
Gọi chú bằng anh em ơi!
Để chú thêm sức chảy xuôi theo thuyền.
Dòng thơ cuộn chảy triền miên.
không bờ thơ biết neo thuyền nơi đâu.

Lần này ông thiên về tâm lý đánh vào tình cảm của Em sau khi có vẻ như xuống nước không ăn thua. Ông khẳng định “gọi chú bằng anh em ơi!” nếu gọi vậy thì “Chú thêm sức chảy xuôi theo thuyền”. Chà! có lẽ bên em xuôi hay sao mà ông dấn thêm một chút tâm lý nữa “ dòng thơ cuộn chảy triền miên” (ai lại không biết nhỉ) nhưng đó chỉ là bước đệm để ông nhấn mạnh “không bờ thơ biết neo thuyền nơi đâu”
Thì ra là vậy ông muốn em là bờ để dòng thơ kia có chỗ dừng lại thôi! Một sức mạnh tiếp thêm năng lượng cho trái tim đã già của ông có thể quên đi sự già ấy! Em ở đây vẫn chưa lên tiếng và ông cũng không khẳng định là em có gọi chú bằng anh theo yêu cầu hay không!
Chỉ thấy từ đầu đến giờ là cuộc độc thoại trong vỏ bọc đối thoại mà diễn tiến tâm lý của Chú tăng dần độ phức tạp từ yêu cầu “Gọi chú bằng anh” “đi em” rồi “đi mà” và đến “em ơi” ! không có bên kia đáp trả vậy có thể suy ra đây là cuộc độc thoại bởi cuộc đối thoại trong Thơ Xanh của thi sĩ đã dừng ở đây khi mà bài thơ bị ngắt quãng bằng một hàng dấu chấm dài với cặp câu kết
........
Dẫu cho sương trắng mái đầu.
Vẫn mong giữ mãi một mầu thơ xanh.
Cuối cùng thì suy luận ở trên đã đúng khi ở câu kết ông khẳng định mình “dẫu cho sương trắng mái đầu” thì ông “vẫn mong giữ mãi một màu thơ xanh”. Màu xanh là màu của sự sống tươi trẻ và cũng là màu của hy vọng
Một tâm hồn lãng mạn trẻ trung được thể hiện trong bài Thơ Xanh. Dẫu người viết nó đã “sương trắng mái đầu’.
Trong cuộc sống lúc nào và bao giờ cũng vậy hy vọng thể hiện bằng màu xanh chứ không phải màu hồng của tình yêu và càng không phải màu tím của lãng mạn .

Hy vọng cần và rất cần cho thơ, cho nhạc và cho cuộc sống hôm nay, và cho bất cứ ai, chứ không chỉ một mình tác giả bài Thơ Xanh.
Và ở đây chắc chắn rồi bài thơ này là một ngọn sóng trong dòng sông thơ mang màu xanh ngăn ngắt của tác giả. Tâm hồn tươi trẻ lãng mạn của ông luôn được dòng thơ tình màu xanh tưới mát mỗi ngày
Tôi đã hiểu ra tại sao không phải thơ hồng thơ tím mà lại là Thơ Xanh như vậy đấy
Sài Gòn 7/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét