Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Cảm nhận bài thơ Anh Có Theo Về của tác Hoa Hồng


(Tác giả Hoa Hồng)

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Anh Có Theo Về của tác Giả Hoa Hồng

Chiếc xe từ từ leo dốc cầu Cần Thơ theo yêu cầu đi chậm của tôi. Bên cạnh anh chăm chú lái xe, còn tôi bấm kính xuống và thả tâm hồn mình lơ lửng cùng mênh mang sông nước miệt vườn cây trái Nam Bộ. Nước lớn đưa những đám lục bình dạt vào bờ. Nhen lên niềm hy vọng mai về gặp con nước ròng để mơ màng thêm lần nữa theo sắc tím chân quê đồng nội.

Miền Tây Nam Bộ tôi đã đi gần như khắp, tỉnh nào cũng vậy không lưu lại nhiều ngày thì cũng đã đi qua. Vậy mà giờ đây đọc được bài thơ Anh Có Theo Về của tác giả Hoa Hồng tôi cũng ngơ ngẩn… Lòng thầm ước giá như mình ngày trước cũng có một anh nào mời như Em của Hoa Hồng trong bài thơ!

Anh Có Theo Về


Anh có theo về với em không ?
Về vớt trăng mùa con nước nổi
Vớt tiếng cười chân quê đồng nội
Thả vào thơ.
Có về theo em hò lớ hò lờ
Bên bển bên nay đối qua đáp lại
Bơi xuồng đốt than bắt cua bắt nhái
Cá lóc nướng trui thơm nức cánh đồng.
Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Điên điển vàng ra sao trong nỗi nhớ
Để mà biết
Thế nào là con trăng đi ở đợ
Cho sông nước Miền Tây.
Về cho biết hốc mắt mẹ sâu -gầy
Lưng còng
Tay với
Theo mái dầm khua nhịp
Về mà nghe tiếng rao quê da diết
Ai . . .mua dưa điên điển . . . hông ?....
Em lớn lên theo từng nhịp mái dầm
Xinh mặn mòi trong lời rao của mẹ
Ký túc xá đêm nay nỗi nhớ nào len nhẹ
Nỗi nhớ vàng lắm
Vàng như bông điên điển mẹ hái chiều nao.
Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Mùa nước nổi quê em sướng khổ thế nào (Trần Ngọc Hòa- Hoa Hồng)

Thật thích thú khi xem Vở Diễn thơ tự do của tác giả Hoa Hồng với những Diễn viên câu chữ mộc mạc, không cần trang điểm vẫn đẹp một cách tự nhiên. Đạo diễn Hoa Hồng đã khéo léo sắp xếp cho các diễn viên nhảy múa, ca hát, theo nhịp điệu của Những mái dầm khua nước, nhịp điệu của câu hò đối đáp, nhịp của lời rao giữa mênh mang sông nước. Tất cả hòa quyện trong thơ nhằm khắc họa nên tình người chân quê, lòng người dân quê, cảnh sắc nơi quê, âm thanh đặc trưng vang vọng trên khắp vùng sông nước, hoa trái miệt vườn…đặc biệt là tấm lòng của cô gái trẻ đang yêu rất muốn Anh về cùng nhưng chữ Hiếu cô vẫn nắn nót viết bằng cả tấm lòng để làm nền cho vở diễn Anh Có TheoVề
Để cảm được hết vở diễn đặc biệt này có lẽ ta không chỉ nghe, nhìn, cầm nắm mà phải vận dụng hết năm giác quan và cần thêm giác quan thứ sáu nữa..

Anh có theo về với em không ?
Về vớt trăng mùa con nước nổi
Vớt tiếng cười chân quê đồng nội
Thả vào thơ.

Câu hỏi em trao đi nhưng hình như chưa muốn nghe anh trả lời! Em hỏi đó và muốn anh hãy nghe đã nhé, về cùng em “Vớt con trăng mùa nước nổi”, Hình ảnh đẹp quá, lung linh quá, về cùng em Vớt chứ không phải ngắm hay nhìn đâu anh ạ! Đọc xong khổ thơ ta cứ ngỡ nếu anh về cùng thì hai người sẽ vớt được và sở hữu trọn vẹn ánh trăng… Phải chăng Em vẫn còn phân vân sợ anh chưa cảm nhận được, bởi “con trăng mùa nước nổi” nếu anh là người thành phố hay vùng khác thì hẳn còn mơ màng… Em của Hoa Hồng quả nhiên có cách mời độc đáo khi đưa hình ảnh “vớt tiếng cười chân quê đồng nội.” để mà “thả vào thơ”. Đúng là tâm hồn mơ mộng của nàng thơ mới nghĩ ra được trò tinh nghịch như vậy. Ai thả tiếng cười trong dòng nước nổi mà vớt đây? Phải chăng nếu anh về, để rồi cùng đi vớt trăng với em, sẽ có rất nhiều tiếng cười vang lên giữa mênh mông đồng quê mùa nước nổi. Em đấy cùng nụ cười duyên của mình in bóng trong làn nước đấy… Chỉ cần anh giơ tay ra vớt thôi là sẽ có em trên tay. Một mở đầu cho một lời mời thật quyến rũ đưa ta về với quê hương Em của tác giả Hoa Hồng.

Có về theo em hò lớ hò lờ
Bên bển bên nay đối qua đáp lại
Bơi xuồng đốt than bắt cua bắt nhái
Cá lóc nướng trui thơm nức cánh đồng.

Thêm nhiều điều thú vị đi kèm lời mời tha thiết nữa rồi đây…Ai không thích thú khi được ngồi trên những chiếc xuồng ba lá trôi giữa mênh mông sông nước chỉ thấy dáng mà khó thấy mặt người cầm dầm khua nước. Nhưng những câu hò đối đáp giao duyên thì lanh lảnh cất lên rõ mồn một…mỗi lúc một xích lại gần nhau hơn. Anh của Em, tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc nữa chưa từng chứng kiến cảnh “bơi xuồng đốt than, bắt cua bắt nhái”. Nhưng qua phim ảnh sách vở thì “cá lóc nướng trui” đã thấy rất nhiều. Chỉ riêng cái hương vị “thơm nức cánh đồng” mênh mông mùa nước nổi là đã đủ để cho mấy chàng “ yêu bằng mắt” phải tặc lưỡi mà theo ngay là cái chắc…
Quê em còn nhiều điều muốn anh biết trước khi về! có lẽ Em đã nghĩ vậy nên :

Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Điên điển vàng ra sao trong nỗi nhớ
Để mà biết
Thế nào là con trăng đi ở đợ
Cho sông nước Miền Tây.

Mùa nước nổi cũng là mùa bông điên điển. Không phải ngẫu nhiên mà cụ Vương Hồng Sển đã từng viết:

Điên điển trên bờ ruộng trổ hoa
Vàng soi đáy nước tóc buông xòa
Chàng trai ve vãn “chờ em nhé
Ló rạng trời hồng em sẽ qua.

Loài Hoa dân dã mộc mạc đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân nơi đây, Loài hoa mang sắc vàng tô điểm khắp các bờ kinh, con rạch bờ ruộng mỗi khi mùa về. Ai đi xa cũng mang theo hình bóng không chỉ loài hoa mà cả các bà, các mẹ, các chị trên những chiếc xuồng ba lá hái bông điên điển. Trăng mênh mang rắc vàng ánh sáng trên sông nước miền tây mùa nước nổi,Trăng bầu bạn với người, với hoa với thiên nhiên nơi này…Mùa về trăng sáng reo vui mang đến cho người dân quê khiến họ cảm thấy mắc nợ ánh trăng ngà…Chứ nào ai có đủ can đảm cho trăng ở đợ nơi này…

Về cho biết hốc mắt mẹ sâu -gầy
Lưng còng
Tay với
Theo mái dầm khua nhịp
Về mà nghe tiếng rao quê da diết
Ai . . .mua dưa điên điển . . . hông ?....

Đọc tới đây mới hay, mới thấy thấm thía câu ca dao xưa

Điên điển mà đem muối chua
Ăn kèm cá nướng đến Vua cũng thèm


Mới thấy thấm cảm nhận của nữ ca nhạc sĩ Hà Phương:

Xa xăm nơi đất bưng biền
Ăn bông mà điên điển
Nghiêng mình nhớ đất quê
Xa xôi em khó mà về (Bông điên điển- Hà Phương)

Tấm lòng của người dân quê là vậy đấy! thật lòng cũng muốn mời, muốn gọi anh về! xong Em cũng muốn cho anh biết quê em với tình đất, tình người nơi đây không chỉ đẹp lãng mạn như thơ, như nhạc ,như tranh, anh vẫn nghe vẫn nhìn và vẫn thấy… Quê em còn có “lưng còng của mẹ./ Với tay./ Theo mái nhịp khua dầm”. Mẹ cũng là hình ảnh của đại đa số các bà mẹ Nam Bộ xưa nay tần tảo. Một đời lam lũ vất vả vì con. Những điều mà em muốn nói chưa hết, còn đây nữa:


Em lớn lên theo từng nhịp mái dầm
Xinh mặn mòi trong lời rao của mẹ
Ký túc xá đêm nay nỗi nhớ nào len nhẹ
Nỗi nhớ vàng lắm
Vàng như bông điên điển mẹ hái chiều nao.

Điều quan trọng nhất là điều em muốn nói sau cùng thì phải. Quê em đó em sẽ về, có những đêm trăng đẹp như xứ sở thần tiên, có tiếng cười trong vắt hòa vào sông nước bao la. Có mùa vàng bông điên điển làm nao lòng người xa xứ, Có những kỷ niệm thủa ấu thơ theo em lớn lên cùng chúng bạn. Có dáng mẹ tảo tần lam lũ nổi giữa mênh mang sóng nước. Mẹ đã nuôi em khôn lớn từ những lời rao theo nhịp mái dầm, len lỏi giữa màu vàng của trăng của hoa.Em với tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những câu ca dao, câu hò đối đáp và không thể thiếu âm thanh rao bán vọng ra từ chiếc xuồng ba lá của bà của mẹ. Em của tác giả đã nói hết tâm tư khi cất lời mời! Vẫn chỉ là riêng em độc thoại, chưa có anh trả lời nhưng đã đến hồi kết.
Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Mùa nước nổi quê em sướng khổ thế nào

Một khổ thơ kết lặp lại câu hỏi tu từ nhưng tha thiết của cô sinh viên trong ký túc xá một chiều nhớ quê và mong mỏi ngày về sẽ có anh theo cùng! Em hỏi nhưng có lẽ em đã biết anh sẽ về. Chỉ là em muốn nhắc quê em có sướng, có khổ khi mùa nước nổi ! Tất nhiên điều đó nơi đâu và quê ai cũng vậy cả!

Viết đến đây! Tôi muốn cám ơn chủ thể Anh dầu anh chưa xuất hiện trong thơ, nhưng anh là người mà nhờ đó Em của tác giả Hoa Hồng đã cất lên những tâm tư tình cảm sâu kín, rất thơ, rất đẹp mà vẫn đậm chất dân dã Nam bộ. Cám ơn tác giả Hoa Hồng với bút pháp tinh tế thể hiện dòng thơ riêng biệt cuốn tôi vào…

Sài Gòn 4/9/2014

Huỳnh Xuân Sơn

1 nhận xét:

  1. Bài thơ đã khắc họa một vùng quê Nam bộ thật nhiều thú vị. Bài bình thể hiện sự am hiểu tường tận nơi này và sự đồng cảm sâu xa với tác giả thơ.
    Chị thích cả hai. Tuy nhiên chị vẫn chưa thấu hiểu được hình tượng thơ: "Con trăng đi ở đợ"

    Trả lờiXóa