QUÊ MẸ !
Mẹ ơi tết ta về quê ngoại nhé!
- Ừ con ngoan mẹ sẽ dẫn con đi.
Tiếng trẻ thơ vẫn bên chị thầm thì
- Mẹ nói thế đã bao lần rồi đó
Chị lặng buồn, mắt xa xăm trước ngõ
Mấy xuân qua chị đã nói cùng con
Thời gian trôi năm tháng cũng hao mòn
Hôm sắp mất chị nghẹn ngào trăn trối
- Tha lỗi mẹ nghen con, vì những lời nói dối
Quê ngoại chỉ là trong tưởng tượng mà thôi
Vì ngày xưa mẹ là đứa con rơi
Mẹ đâu biết về quê hương của mẹ! ( Phạm Hoàng Tuyên)
Tác giả viết Quê Mẹ với góc nhìn từ ngôi thứ ba! Quê Mẹ không phải là quê ngoại của tác giả, cũng không phải quê ngoại của tôi, của phần đông bạn đọc ...
Quê Mẹ là quê của nhân vật chữ tình Chị và là quê ngoại của nhân vật Con trong tứ thơ được chuyên chở bằng những câu thơ Tự Do...
Mười hai câu thơ với ba gạch đầu dòng phân chia ba giai đoạn cuộc đời nhân vật Chị... Ba cung bậc cảm xúc khác nhau từ đối thoại đến độc thoại giữa hai mẹ con của Chị...
Các bậc làm cha làm mẹ ai trong đời vì nhiều lý do khác nhau lại không có đôi lần thất hứa với con khi chúng muốn được về thăm Quê Ngoại...Nhiều khi cùng sống chung một vùng quê mà đòi hỏi sang nhà ngoại cũng chưa chắc bậc làm cha mẹ đáp ứng được đủ đầy cho con. Bởi vậy nên khi đọc bốn câu thơ mở đầu cũng chính là cuộc đối thoại giữa hai mẹ con :
Mẹ ơi tết ta về quê ngoại nhé!
- Ừ con ngoan mẹ sẽ dẫn con đi.
Tiếng trẻ thơ vẫn bên chị thầm thì
- Mẹ nói thế đã bao lần rồi đó
Nghe con trách, hẳn người mẹ nào cũng xót xa, chạnh lòng. Quê ngoại cũng chính là nơi sinh ra lớn lên, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm thủa ấu thơ của mỗi người mẹ. Tác giả Phạm Hoàng Tuyên thấu hiểu nỗi niềm ấy của những người phụ nữ đã và đang làm mẹ, Tác giả viết:
Chị lặng buồn, mắt xa xăm trước ngõ
Mấy xuân qua chị đã nói cùng con
Thật tình tới đây tôi cũng muốn buông một lời trách cứ chị bởi chị đã để con thốt lên "Mẹ nói thế đã bao lần". Ngay bản thân tác giả là người ngoài cuộc còn phải thốt ra "Mấy xuân qua chị đã nói cùng con" ...Phải chăng ẩn chứa trong ánh mắt xa xăm lặng buồn ấy là một dấu hỏi? Mà tác giả không nỡ đặt vào đây. Hay là còn uẩn khúc nào khác nữa...
Bài thơ vẫn còn ở phía trước, với câu thơ như một lời ta thán, như một sự khẳng định sự biến thiên không ngừng nghỉ của vòng quay trái đất.
Thời gian trôi năm tháng cũng hao mòn
Tới đây tôi bỗng nhận thấy cụm từ "mấy xuân qua..." Nó như vô lý khi tác giả sử dụng ở trên. Mới mấy xuân thôi mà sao lại phải hứng chịu sự phũ phàng "Năm tháng cũng hao mòn"? Hay chính chị đang bị bào mòn về thân xác đến nỗi chưa thể đưa con về quê ngoại. Một ước mơ trỗi lên trong lòng người viết giá như tác giả thay chữ Mấy bằng chữ Bao... Vâng Bao "xuân qua" Thì có lẽ tôi sẽ không hụt hẫng đến thế khi bước vào gạch đầu dòng thứ ba cũng chính là khổ thơ kết của tác giả Phạm Hoàng Tuyên:
Hôm sắp mất chị nghẹn ngào trăn trối
- Tha lỗi mẹ nghen con, vì những lời nói dối
Quê ngoại chỉ là trong tưởng tượng mà thôi
Vì ngày xưa mẹ là đứa con rơi
Mẹ đâu biết về quê hương của mẹ!
Chữ mấy có nghĩa chưa thể đến con số 10. Chỉ mới " Mấy xuân thôi" ấy mới đau đớn làm sao, khi mà hoàn cảnh éo le của Chị bắt buộc phải bật lên những lời "Trăn trối" với đứa con chưa một lần biết quê ngoại...
Đau xót nhất, cám cảnh nhất, nghẹn ngào nhất chính là cụm từ "Đứa con rơi" . Vì bị bỏ rơi nên chị không hề biết quê hương bản quán của mình ở đâu? Dẫu trong tưởng tượng có lẽ cũng chưa hình dung ra.
Phải chăng Chị thương con, không muốn con chịu cảnh như mình nên đành lòng phải nói dối. Lời nói dối ấy khi mà chị trăn chối chính là nút thắt cuộc đời chị đã được gỡ ra...
Chị "Đâu biết quê hương của" chị. Thì con chị cũng chẳng thể có quê ngoại. Hai chữ Quê Ngoại của tựa đề ngỡ ngọt ngào bỗng tất cả trở nên cay đắng xót xa, nghẹn ngào với hai chủ thể trữ tình trong thơ của tác giả Phạm Hoàng Tuyên.
Với Quê Ngoại tác giả Phạm Hoàng Tuyên đã khắc hoạ ra hai mảnh đời trong nhân quần xã hội hôm nay, ta có thể gặp rất nhiều. Vẫn biết "Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh". Nhưng sau khi đọc xong Quê Ngoại. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn dẫu cho phải:
Nhìn người có Ngoại trong đời
Còn tôi mất ngoại từ thời ấu thơ (Chạnh Lòng- Tiểu Long)
Đã thấy tủi tủi gì đâu? Mẹ tôi mồ côi mẹ từ nhỏ nên tôi chỉ còn Quê Ngoại mà không còn Ngoại nữa...
Năm tháng trôi qua tôi lại làm mẹ. May mắn thay có nhiều lần ríu rít mẹ con đùm túm về thăm Ngoại. Cũng dăm lần con đòi về mà vì áo cơm, vì nhiều nhẽ mà hứa lèo với con....
Nay các con tôi đã trưởng thành có thể tự về quê ngoại...Nhưng ngay lúc này tôi vẫn muốn nói với chúng.
Cuối tuần này cả nhà mình về Quê Ngoại nhé!
Sài Gòn 25/6/2015
Huỳnh Xuân Sơn
Những ngày chuẩn bị đón tết,đọc thơ và bình của XS,chạnh lòng....Quê Ngoại đối với mọi người là nơi chốn thân thương,là tình mẹ,là mẹ...Nhưng,trong đời Q chưa lần mong ngóng về thăm quê ngoại...Sinh ra,đã không còn ông bà nội ngoại,mới lên 6 đã xa rời vòng tay mẹ,9 tuổi mồ côi cha,rồi cũng xa lìa cả mẹ....Gần 40 năm,mãi mong một lần về thăm quê cũ,nơi còn lại mồ mả ông bà tổ tiên cha mẹ...nhưng cũng ngần ấy thời gian,lòng mãi hẹn lòng cho qua ngày đoạn tháng...Vì cơm gạo,vì lo toan đến tương lai con cái cho tròn,đành lỗi hẹn,đành khất nợ..........
Trả lờiXóaCám ơn anh! Người ta nói Bài thơ hay là bài thơ đọng lại ít nhiều trong lòng người đọc khi đọc xong! Với Quê Mẹ hẳn nhiên đã hội đủ điều kiện ấy! Và nó sẽ hay hơn khi nhận được sự đồng cảm của bạn đọc ...
XóaThay mặt tác giả PHT XS chúc anh vui khoẻ và hạnh phúc nhé!
Bài thơ và lời bình của chị làm em chạnh lòng,tự nhiên nước mắt chảy.GT ghé thăm và chúc chị luôn vui khỏe nhé.
Trả lờiXóaMến
Cám ơn bạn nhé! XS rất vui vì như vậy là ít nhiều bài viết cũng có chút thành công ít nhất là với bạn phải không?
XóaChúc vui nhé!