Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016
Đọc MẸ GHẺ Của Tác Giả Phạm Hoàng Tuyên
Không biết từ bao giờ nữa? Có lẽ từ thủa có con người và hình thành nên mối quan hệ gia đình và xã hội, thì người xưa đã truyền khẩu những câu ca dao tục ngữ về mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng. Phần đông không mấy thiện cảm với người mẹ kế.
Nào là
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng(Ca dao)
Rồi thì
Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường (Ca Dao)
Hay như câu chuyện mẹ ghẻ con chồng trong Tấm Cám. Có lẽ chỉ nhắc tới tên truyện là phần đông bạn đọc đều hiểu nội dung của nó muốn nói gì?
Ngày nay trong dòng chảy thơ ca hiện đại các thi nhạc sĩ cũng không tiếc lời than van về sự cay nghiệt của Mẹ kế, về sự khổ cực oan ức của con chồng...
Tác giả Phạm Hoàng Tuyên là một ngoại lệ khi anh gửi gắm vào câu chữ trong bài thơ
Mẹ Ghẻ
***
Chị dữ dằn nên chẳng có ai thương
Ba mươi tuổi mới có chồng - góa vợ
Nhìn thằng bé con chồng như của nợ
Chị hung tàn trên những vết roi mây
Mười tuổi đời như một kẻ ăn mày
Làm quần quật vẫn chưa vừa lòng chị
Có bao giờ chị hài lòng thỏa ý
Khi trái tim người dì ghẻ độc tài
Rồi đớn đau lại giáng xuống một ngày
Mười sáu tuổi nó lìa cha mãi mãi
Chị đuổi khéo " Mày muốn về với ngoại,
Thì đi đi, tao chẳng thiết tha đâu!"
Nó lặng đau trên khuôn mặt u sầu
Khe khẽ bảo - Con sao đành bỏ mẹ!
...!!!
Nấm mồ chồng chôn tâm hồn dì ghẻ
Để lương tri chị trở lại con người
Ôm vào lòng mà nước mắt tuôn rơi
Tha lỗi nhé, đứa con khờ của mẹ!! (Phạm Hoàng Tuyên)
Bài thơ Mẹ Ghẻ với chủ thể chữ tình Chị, được khắc hoạ chân dung, tính cách từ góc nhìn trực diện của tác giả trong vai người quan sát... Người ta vẫn hay gọi Dì Ghẻ.... Tác giả lại gọi chủ thể Chị là Mẹ Ghẻ của Nó. Không rào trước đón sau tác giả xô người đọc đến diện kiến ngay chân dung và tính cách một người phụ nữ chẳng mấy thiện cảm:
Chị dữ dằn nên chẳng có ai thương
Ba mươi tuổi mới có chồng - góa vợ
Nhìn thằng bé con chồng như của nợ
Chị hung tàn trên những vết roi mây
Không cần ẩn ý, chẳng cần ngôn từ hoa mỹ, cũng không chút mảy may che đậy... Chân dung người phụ nữ lỡ thì, quá lứa vì tính cách "dữ dằn chẳng có ai thương" Đã được tác giả căn ngang xổ thẳng qua hai câu thơ mở đầu... Chưa hết "yêu nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười", Câu nói của người xưa có lẽ dành cho Chị thì phải. Người đàn bà ấy may mắn có được tấm chồng dầu là "goá vợ". Những tưởng xưa nay vì dữ dằn chẳng ai đoái hoài tới, Nay may mắn có được một tổ ấm gia đình riêng thì phải biết yêu thương con trẻ mới là phải đạo...
Nhưng không! Có lẽ Chị đã được nghe, được đọc,được học Tấm Cám nhuần nhuyễn rồi. Con chồng, là giọt máu của chồng người mà bỏ qua tất cả yêu thương và lấy chị làm vợ, lại hiện diện trong thơ, trong mắt Chị "Như của nợ...". Và khi đã coi như của nợ thì hẳn nhiên bản tính "Dữ dằn"Được dịp thể hiện là tất yếu...
Mười tuổi đời như một kẻ ăn mày
Làm quần quật vẫn chưa vừa lòng chị
Có bao giờ chị hài lòng thỏa ý
Khi trái tim người dì ghẻ độc tài
Chân dung Nó đứa trẻ mồ côi mẹ không hiện diện rõ nét trong thơ. Nhưng tác giả biết Nó chỉ là đứa trẻ "Mười tuổi đầu..." Và có lẽ vì thiếu bàn tay săn sóc của người mẹ nên nhìn Nó "như một kẻ ăn mày" Có khác chăng "kẻ ăn mày ấy" Phải "Làm quần quật..." Để đổi lấy miếng ăn cái mặc... Ác nghiệt thay là ở chỗ "Vẫn chưa vừa lòng Chị"... Người Mẹ Ghẻ có "trái tim ....Độc tài".... Bất giác người viết muốn hỏi tác giả rằng trái tim người mẹ ghẻ này Độc tài hay độc ác đây? Nếu là người viết trong trường hợp câu thơ này, người viết sẽ bất chấp "lỗi vần thất luật" Để sử dụng chữ Ác thay chữ Tài...
Vẫn biết ở đời trong mọi mối quan hệ chứ không riêng gì Dì ghẻ con chồng, "Yêu nên tốt, ghét nên xấu" . Ở đây người mẹ ghẻ này coi đứa trẻ "con chồng như của nợ". Hẳn nhiên bất kể lúc nào cũng muốn "khuất mắt cho rảnh nợ" Là cái chắc...
Chẳng cần phải trong ca dao răn dạy người đời, Cũng không phải tìm những nhân vật trong phim ảnh hay thơ ca để minh chứng cho điều ấy. Người viết xin mượn hai đoạn trích sau :
-"Mụ dì ghẻ sợ sau này chồng sẽ chia chác đất cát cho con riêng, đã trói thằng bé mới 5 tuổi, buộc đá vào, rồi ném xuống sông Hồng. Sau khi xác cháu bé phân hủy, tay rụng ra khỏi dây thừng, thì nổi lên, trôi vào vụng nước, rồi anh Đại vớt được." (lời kể của người vớt xác trên Sông Hồng)
- Lời thuật lại của Mụ dì ghẻ sát nhân Vũ Thị Duyên Quỳnh:
"...Chuyện xảy ra năm 1998. Mới sinh con chưa đầy 3 tháng, Quỳnh đã khủng hoảng tinh thần khi không nhận được sự quan tâm của chồng. Mối nghi hoặc, ghen tuông, bệnh hoạn đã biến chị ta thành mụ dì ghẻ độc ác đến rợn người. Hàng ngày thấy chồng tỏ ý quan tâm chăm sóc đứa con gái riêng mới 4 tuổi, lòng Quỳnh sục sôi cảm giác đố kỵ, ghen ghét. Ả thoắt trở nên khó hiểu, lầm lì và nung nấu một âm mưu độc ác khủng khiếp.
Một buổi chiều, Quỳnh nhờ người trông con, sau đó ả bình tĩnh dắt xe ra ngoài, rủ con của chồng "đi chơi", rồi ả chở thẳng cô bé lên cầu Thăng Long. Đến giữa cầu, ả trực tiếp ném đứa bé vô tội xuống sông Hồng. Dòng sông ngầu đỏ phù sa ấy đã vô tình cuốn theo một đứa trẻ vô tội... Tiếng thét cuối cùng của đứa bé đã hằn sâu trong óc ả." (Theo Thuỳ Chi - Gia Đình & Xã Hội).
Hai lời kể từ những câu chuyện có thật ở trên, ngẫm sâu xa một chút theo suy nghĩ thiển cận rằng "nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống thấy chẳng ai bằng mình." Ta thấy Nó còn có phần được an ủi và may mắn hơn những mảnh đời bất hạnh khác, mà hai em bé xấu số ở trên đại diện cho số ấy!
Dòng đời vốn không yên ả, cũng chẳng có ai giống ai. Mỗi người có phận số riêng của mình...
Tác giả cho biết thêm về Nó
Rồi đớn đau lại giáng xuống một ngày
Mười sáu tuổi nó lìa cha mãi mãi
Mười sáu tuổi cột mốc ấy đã lưu dấu thêm một nỗi đau mất mát lớn nhất trong cuộc đời Nó.... Cứ ngỡ Nó "làm quần quật" Một thân trâu ngựa cho Mẹ Ghẻ dẫu chưa vừa lòng thì nay Cha Nó ra đi mãi mãi, ít nhiều Nó cũng nhận được chút bố thí tình thương từ người Kế mẫu mới phải, vì dẫu là Dì Ghẻ thì cũng là con người chứ đâu phải gỗ đá mà không biết thương xót nhau....
Nhưng! Nó đã không được may mắn như thế. Tác giả không nói rõ bao lâu sau khi cha Nó không còn thì Nó nhận được "Ân sủng" Từ mẹ ghẻ rằng:
Chị đuổi khéo " Mày muốn về với ngoại,
Thì đi đi, tao chẳng thiết tha đâu!"
Tích Xưa trong Nhị Thập Tự Chí Hiếu Mẫu Tử Khiên bị dì ghẻ bạc đãi vẫn nén cơ cực mà chịu ...Một ngày cha ông phát hiện ra sự cay nghiệt của vợ kế dẫu đã có thêm hai mặt con với người vợ này cha ông vẫn quyết định: "Nghiến răng cắt đứt mối dây xướng tùy." Nhưng Mẫu Tử Khiên đã :
Gạt nước mắt chân quỳ miệng gởi.
Lạy cha xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn chịu một thân đơn.
Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.
Cha trông xuống lệ sa giọt tủi
Mẹ nghe lời cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ.
Thấm lâu như đá cũng nhừ lọ ai? (Thơ: Lý Văn Phức).
Trở Lại với Nó trong Mẹ Ghẻ của tác giả Phạm Hoàng Tuyên. Phải chăng đến lúc cha Nó đi mãi mãi Nó vẫn không có em? Nên sau khi nghe mẹ ghẻ đuổi khéo phản ứng của nó thật bất ngờ khiến cho ai nấy khi hay, đều cảm động, trước khi an lòng:
Nó lặng đau trên khuôn mặt u sầu
Khe khẽ bảo - Con sao đành bỏ mẹ!
...!!!
Chỉ một nửa câu thơ "Con sao đành bỏ mẹ!" Như một biển tình trong sáng mênh mông hiếu nghĩa của Nó ập vào thức tỉnh lương tri người phụ nữ vốn xưa nay "dữ dằn" Có "Trái tim độc tài"...
Một ý thơ đặc biệt, cho một khổ thơ cũng đặc biệt không kém khi chỉ có hai câu và ba dấu chấm than đi theo sau dấu ba chấm. Phải chăng khi nút thắt này được gỡ bỏ Mọi ngôn từ đều bất lực trước tấm lòng hiếu nghĩa của Nó dành cho người mẹ kế, sau khi Nó không còn cả cha lẫn mẹ. Chỗ dựa còn lại ngoài Mẹ Ghẻ là Ngoại.
Hoặc giả sau khi Chị "đuổi khéo" cái "Của nợ" Xưa nay vốn là cái gai trong mắt chị, nhưng vì Cha Nó cũng chính là chồng chị, mà chị còn để cho Nó có cơ hội nương náu "Như kẻ ăn mày" trong chính ngôi nhà của cha và mẹ kế là Chị. Nhưng mấy lời nó "Khe khẽ bảo" Này thì suốt những năm tháng qua, có lẽ chị chưa bao giờ ngờ tới. Nên giờ đây chị nghe và có lẽ sự ngỡ ngàng cùng với xúc động đã khiến chị không thể cất thành lời... Tác giả cảm được điều đó nên đã để hai câu thơ không có ngôn từ biểu đạt cho mỗi bạn đọc cùng suy ngẫm...
Và cũng có thể hai câu thơ không có ngôn từ ấy Một dành cho Nó :
"Trăm cay đắng một niềm ngon ngọt,
Dẫu tử sinh không chút biến dời,
Xót tình khóc tối kêu mai
Xui lòng ghen ghét hóa vui dần dần,
Trời cao thẳm mấy lần cũng đến
Vật vô tri cũng mến lọ người." ( Lý Văn Phức).
Một dành cho Chị người Mẹ ghẻ tự chiêm ngiệm ....
Dẫu có thế nào thì bài thơ cũng đã đi vào những câu thơ kết.
Nấm mồ chồng chôn tâm hồn dì ghẻ
Để lương tri chị trở lại con người
Ôm vào lòng mà nước mắt tuôn rơi
Tha lỗi nhé, đứa con khờ của mẹ!!
Một tứ thơ kết có hậu có lẽ đủ để cho rất nhiều người dù trong hoàn cảnh nào cũng đều vỡ oà niềm vui.
Tình mẫu tử thiêng liêng đã được hiện diện trong lời nói cùng vòng tay của người Mẹ ghẻ, lúc này chỉ còn biết nghẹn ngào trong nước mắt, trong niềm hạnh phúc bất ngờ, mà ngôn từ còn bất lực trước Lời nói cũng như tình cảm của đứa con mình không sinh ra nhưng lại đem đến trao tặng...
Nhưng để đem được những cảm xúc ấy đến với bạn đọc thì tác giả Phạm Hoàng Tuyên đã siết nút thắt chặt, tưởng như bóp nghẹt trái tim người đọc đồng cảm,khi đưa hình ảnh "Nấm mộ chồng..." vào tứ thơ kết, dùng để chôn luôn "Tâm hồn dì ghẻ". Tác giả lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong bài dùng đại từ nhân xưng Dì ghẻ chứ không phải Mẹ Ghẻ.
Hỏi còn gì đau đớn hơn, bạc đãi hơn trong mối nối tình cảm mẹ kế con chồng, khi mà ngay lúc đang gánh chịu nỗi đau vĩnh viễn mất đi người cha thân yêu, thế mà ngay ngày chôn cha cũng là ngày Nó nhận được lời :Đuổi khéo" Của Dì ghẻ...
Tới đây người viết muốn gửi tới bạn đọc và tác giả một câu hỏi:
- Nhân chi sơ tính bản thiện của Khổng Tử hay Nhân chi sơ tính bản ác của Tuân Tử đúng, trong trường hợp người Mẹ Ghẻ và Nó đây?
Với cá nhân người viết thì xin mượn mấy câu thơ sau làm câu trả lời cho câu hỏi của chính mình.
"Nhân chi sơ vô bản tính .
Gần thiện tính thiện
Gần ác tính ác.
Tùy nghiệp chi phối.
Ắc có sai khác.
Trung trùng duyên khởi.
biết đâu mà lần.
Đi thuyền Bát nhã.
Chẳng thiện chẳng ác "
Nó gieo nhân lành ắt ngày sau gặt được trái ngọt. Người Mẹ kế dẫu đã có cay nghiệt, bạc ác với con chồng, nhưng đã thức tỉnh bản tính thiện trong con người,trước tấm lòng thánh thiện của Nó....
Để rồi sau phút nói không nên lời Chị đã mở rộng lòng, cũng như dang rộng vòng tay ôm Nó cùng lời xin lỗi muộn mà không muộn...
Đại từ nhân xưng cuối cùng của khổ kết, thì từ Mẹ thiêng liêng không còn gắn theo chữ Ghẻ nữa.
Vẫn biết Nó chẳng phải Ngu Thuấn hiếu tử cảm động lòng trời để rồi được thánh thượng kêu gả con gái và truyền ngôi cho...
Nó cũng chẳng phải Mẫn Tử Khiên để mà lưu danh mãi ngàn đời trong Nhị Thập Tứ hiếu...
Nó cũng không phải là Nàng Bạch Tuyết trong Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn để rồi một ngày kia sẻ gặp chàng hoàng tử...
Nó chỉ là một đứa trẻ mồ côi mẹ như bao nhiêu đứa trẻ mồ côi trên đất nước này, cha đi bước nữa và không may mắn một thời gian Nó đã phải sống với Dì Ghẻ dữ dằn...
Cứ ngỡ đời Nó tối tăm như lối mòn nhiều người đã khắc hoạ... Nhưng với tác giả Phạm Hoàng Tuyên thì cuối đường hầm là một cánh cửa mở ra , một bầu trời trong sáng, một vườn nhân ái với hoa thơm hiếu tử vừa kịp kết trái thiện tâm chờ đón Nó cùng người mà bấy lâu nay Nó luôn coi là Mẹ .
Thông điệp mà tác giả Phạm Hoàng Tuyên muốn gửi gắm trong bài thơ Mẹ Ghẻ phải chăng là như thế!
Sài Gòn 15/7/2015
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Kịch tính được đẩy đến cao trào,rồi,cái kết đến thật gọn.Xét về lý tưởng nhân văn thật đẹp.Xét về góc độ tâm lý,thấy đột ngột.Trong đốn ngộ là phút bùng vở,sức căng đã củng tột...Hơi thơ khá mạnh,có sức dẫn dắt người đọc
Trả lờiXóaCảm ơn XS đã bình giúp cho người đọc thêm nhiều lý thú!
XS rất vui khi đọc những nhận xét vừa có nghề lại rất có tình của anh dành cho bài thơ cũng như đọc bài viết này.
XóaCám ơn anh và chúc anh vui nhé
Thật hay
Trả lờiXóaCảm ơn HXS nhé.Ngày mới an lành.Mến
Vâng XS chúc anh vui khoẻ và cám ơn anh nhé!
XóaChị cũng bất ngờ về cái kết. Em đã thật sự hiểu biết và khéo dẫn dắt người đọc biết đến tác phẩm thú vị này!
Trả lờiXóaChị ơi! Chính cái kết nhân hậu ấy đã cuốn em ngược dòng theo bài viết này đấy chị ạ!
XóaCám ơn chị và chúc chị luôn vui khoẻ ạ!
Chị cũng bất ngờ về cái kết. Em đã thật sự hiểu biết và khéo dẫn dắt người đọc biết đến tác phẩm thú vị này!
Trả lờiXóaGT ghé thăm và đọc bài,cảm xúc theo từng hồi có lúc đến nghẹn ngào,phải chăng đồng cảm như chính bản thân mình.GT cảm ơn anh đã dẫn dắt người đọc và đoạn kết thật hay,chúc anh luôn vui khỏe.
Trả lờiXóaMến
XS cám ơn sự đồng cảm của Bạn nhé!
XóaThơ hay và lời bình cũng rất xác đáng. Cám ơn cả hai đã đem đến những thú vị cho người đọc
Trả lờiXóaEm cám ơn chị đã luôn đồng hành cùng những trang viết của em!
XóaChị luôn vui khoẻ nhé!